Không ai phủ nhận lợi ích mà phương tiện truyền
thông ngày nay mang lại cho cuộc sống con người. Đơn giản chỉ việc ngồi tại
nhà, click chuột vi tính, hay bật ti vi lên là ta có thể biết được chuyện gì
đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó,
thông tin thật và giả cùng chạy trên một đường truyền, trên cùng một phương
tiện truyền thông, khiến chúng ta đôi khi rơi vào trạng thái mơ hồ, không biết
phân biệt đâu là chơn, đâu là nguỵ.
Hằng
ngày, chúng ta tiếp nhận rất nhiều tin tức như các tin về kinh tế, chính trị,
tôn giáo, giáo dục v.v.. Có những thông tin xuất phát từ tin đồn nhưng cũng đã
khiến cho cuộc sống của không ít người đảo lộn. Các loại tin đồn này xuất hiện
ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin. Con người thời nay nhạy bén đến
mức chỉ nghe qua loa một thông tin nào đó, chưa kịp phân tích liền khẳng định
đó là sự thật, là chân lý, chấp vào đó để rồi ôm lấy đau khổ, bất hạnh.
Trong
kinh Tăng Chi Bộ có ghi lại một trường hợp đức Phật dạy cách xử lý thông tin
cho những người thuộc dòng họ Kālāmas như sau:
“Này,
hãy nghe đây các vị Kālāmas, đừng vội tin vào truyền thuyết (các bản báo cáo
ghi sự kiện), truyền thống (các tín ngưỡng, phong tục lâu đời), lời đồn (nghe
nói). Đừng tin vào lý luận hay suy đoán suông không có căn cứ; cũng đừng vội
chấp nhận điều gì sau khi chỉ xem xét một vài nguyên nhân hay ngẫm nghĩ qua
loa; cũng đừng tin khi thấy điều đó có vẻ hợp lý hay chính bậc thầy đáng kính
của mình dạy bảo. Nhưng khi tự mình biết rõ: Những pháp này đáng chê trách, bất
thiện; các pháp này bị người hiền trí chỉ trích; nếu được thực hành và chấp
nhận, chúng sẽ đưa đến bất hạnh, khổ đau thì các vị phải bác bỏ chúng”[1].
Qua
lời giáo huấn trên của đức Phật ta có thể rút ra một bài học quan trọng trong
việc xử lý thông tin là phải tự thân chứng nghiệm, tự thân thực hành. Có những
lời đồn chỉ vì nghe một người nào đó nói lại mà chúng ta tin nhận và cho là sự
thật thì đúng là tai hại. Đức Phật dạy, giáo pháp của Ngài không phải chỉ để
nghe người khác nói rồi đi tuyên nói lại. Lời dạy của đức Phật rất hay, rất
uyên thâm, cao siêu và giải thoát, nhưng những người nói đó chưa một lần tự
thân thực hành, chưa một lần tự thân cảm nhận được cái mùi vị của hạnh phúc từ
việc thực hành giáo lý thì việc đó cũng giống như con vẹt nói vậy.
Đức
Thế Tôn cũng dạy rằng: Không nên xem xét thông tin chỉ với một vài nguyên nhân,
ngẫm nghĩ qua loa hay cho nó là đúng vì thấy thông tin đó có vẻ hợp lý. Cái hợp
lý mà chúng ta vội gán cho thông tin đôi khi chính kiến thức hạn hẹp mà chúng
ta sở hữu kiềm hãm, và tự cho là đúng. Không dừng lại đó, đức Phật còn khuyên
chúng ta không nên tin vào lời tuyên bố của ai đó chỉ vì kính trọng người đó,
chỉ vì người đó là thầy của mình, là người lãnh đạo của mình. Những người dân xứ
Kālāmas này đang đứng giữa ngã ba đường trong việc lựa chọn một tôn giáo để tôn
thờ. Các tôn giáo khác đương thời đang cố gắng chiêu dụ họ, nói rằng, giáo lý
của tôn giáo họ là ưu việt, đem lại an vui, hạnh phúc. Tôn giáo nào cũng ra sức
nêu lên cái phẩm chất tốt đẹp, cao siêu của mình nhằm lôi kéo tín đồ. Họ cũng nghe nói
về Phật giáo, nhưng chưa thấy tôn giáo này tới để thuyết dụ họ. Cái cảm giác
thắc mắc đó khiến họ tò mò muốn biết Phật giáo nói gì. Thì ra, ngay chính đức
Phật đã dạy: Không nên nghe người ta đồn đoán về Ngài như là một bậc Chánh đẳng
giác; giáo lý mà Ngài dạy
là ưu việt, giải thoát; mà “Hãy tới, lắng nghe và thực hành”.
Thời
đức Phật còn tại thế, phương tiện truyền thông chưa hiện đại như bây giờ, chỉ
là truyền miệng nhưng cũng đã gây ra vô số rắc rối. Ngay chính bản thân đức
Phật và Tăng chúng cũng đã ba phen bị các phần tử thù địch tuyên truyền bôi nhọ
nhân cách và đạo đức nhằm hạ bệ Phật giáo. Hay như ngày nay, việc dùng mạng
lưới internet để xuyên tạc hay viết bài bôi nhọ những người nổi tiếng hay những
nhà lãnh đạo tôn giáo thường xuyên xuất hiện ở cấp độ ngày một nhiều. Những bài
viết kiểu như vậy, đôi khi khiến cho độc giả - người chưa từng thấy, chưa từng
chứng kiến, chỉ nghe nói - càng thêm nghi ngờ và đôi khi quay trở lại phỉ báng
người mà mình từng kính trọng. Trong kinh có ghi lại cách xử lý kiểu thông tin
này như sau:
Một
lần nọ, một số tỷ kheo nghe người ta thắc mắc về nhân cách và địa vị chứng đắc
của đức Phật nên lấy làm hoang mang, đem chuyện ấy hỏi Ngài thì được Ngài dạy
như sau: Nếu một vị tỷ kheo thắc mắc tự hỏi rằng liệu đức Thế Tôn có giác ngộ
viên mãn hay không, thì vị tỷ kheo đó nên kiểm chứng hai điều sau: Điều gì vị
ấy biết do tự mình kiểm chứng, và điều gì vị ấy biết chỉ vì nghe người khác nói
về Ngài. Vị tỷ kheo ấy nên kiểm chứng một cách kỹ càng liệu rằng đức Thế Tôn có
đạo hạnh thuần khiết hay bị tai tiếng về đạo đức như lời đồn đại. Việc kiểm
chứng đó không chỉ được thực hiện nhiều lần, trong một thời gian dài đáng kể mà
còn phải được kiểm tra, tái kiểm tra và thẩm định đối với đối tượng được quan
sát[2].
Lời
dạy trên của đức Phật đã cho chúng ta một phương pháp để kiểm chứng loại thông
tin này. Không nên dễ dàng tin chỉ vì nghe người khác nói, mà chúng ta phải
quan sát đối tượng nghi vấn đó, không chỉ một vài lần mà còn trong thời gian
dài đáng kể. Sau đó lại còn kiểm tra đi, kiểm tra lại xem đối tượng đó có đúng
với những gì người khác đồn đoán không. Do quan sát hành động và lời nói mà
chúng ta có thể biết được phẩm chất của người đó.
Đức
Phật luôn dạy cho hàng đệ tử của mình luôn lấy tâm khách quan để suy xét thông
tin, cũng như loại bỏ những tư tưởng thành kiến và nhận thức cảm tính trong
việc đi tìm chân lý. Chân lý luôn mang tính khách quan vì “Dù cho đức Thế Tôn
có thuyết hay không thì các Pháp vẫn là chính nó”[3].
“Sự tuệ tri như thật các pháp là sự tuệ tri tột cùng”[4].
Sự thật vốn dĩ khách quan, không thể tiếp cận nó với tâm chủ quan.
Trong
kinh Trường Bộ có ghi lại câu chuyện mà đức Phật phê phán tư tưởng thành kiến
dù rằng tư tưởng đó xuất pháp từ chính việc tán dương giáo lý của Ngài. Đức
Phật dạy rằng: Không nên căm phẩn hay tức tối, sanh lòng phiền muộn khi người
nào đó huỷ báng đức Phật, huỷ báng giáo pháp. Nếu các đệ tử nghe lời chê bai
như thế sanh lòng phiền muộn, khởi tâm oán giận hay thù ghét thì tâm mình sẽ bị
tổn thương. Vì điều đó không thể suy xét liệu rằng lời chê bai ấy đúng hay là
sai. Đồng thời cũng không nên hoan hỷ, vui mừng, thích thú khi nghe người khác
ca tụng hay tán dương đức Phật, tán thán giáo Pháp. Loại cảm thọ hỷ lạc này
cũng khiến tâm mình bị tổn thương, che lấp nhãn quan, làm hạn hẹp khả năng nhận
biết đâu là sự thật, đâu là giả dối[5].
Ngoài
những lời dạy của đức Phật có liên quan trực tiếp tới cách tiếp cận thông tin
và xử lý thông tin, Giáo sư Nandasena Ratnapala – một học giả có nhiều quyển
sách viết về Phật giáo, người Sri Lanka - còn nêu ra nhiều phương pháp để xử lý
thông tin như ứng dụng thuyết Lý-duyên-khởi để nêu lên mối tương quan của các
pháp khi xử lý thông tin; hay thực hành pháp Tứ-vô-lượng tâm để củng cố tính
khách quan và xa lìa thái độ thành kiến trong việc tiếp thu thông tin; và cuối
cùng, để mở rộng và đào sâu phạm vi xử lý thông tin thì nên thực tập thiền
định. Những phương pháp này được giáo sư phân tích trong cuốn Buddhist
Sociology (Xã hội học Phật giáo – người dịch: đồng tác giả bài viết này). Theo
giáo sư, thiền định rèn luyện tâm, hàng phục tâm sẽ góp phần nâng cao trình độ
để xử lý thông tin một cách chuẩn sát nhất.
Những
phương pháp thiền định như Vipassana hay thiền Phân tích - một loại thiền về
tánh không của Đại thừa - giúp cho kiến thức của người nghiên cứu và phân tích
dữ liệu ngày càng phát triển. Thiền quán được xem là một quá trình trực giác
rất hữu ích cho việc phân tích dữ liệu, vì khi thực hành các phương pháp thiền
quán này, ta sẽ hạn chế được những khuynh hướng dẫn tới kết luận sai lầm.
Cách
tiếp cận vấn đề của Phật giáo có tính chính thể luận. Một sự việc nào cũng phải
được quan sát dưới nhiều quan điểm khác nhau và toàn diện mọi khía cạnh. Chuyện
ngụ ngôn nổi tiếng ‘lão mù sờ voi’ minh hoạ cho quan điểm này. Mỗi lão mù sờ
một bộ phận của con voi và mường tượng hình dáng của con voi y như thế. Người
sáng mắt thì nhìn được toàn bộ hình dáng của con voi. Vì thế, cái nhìn tổng thể
rất quan trọng.
Cách
thức xử lý thông tin của Phật giáo có phần khác với những cách mà các tôn giáo
khác hay các ngành khoa học khác. Phật giáo chủ trương tự thân chứng nghiệm,
dựa vào tâm khách quan và xem xét vấn đề với cái nhìn tổng thể. Không có pháp nào tự sanh và tự diệt mà phải
“Do cái này sanh nên cái kia sanh, do cái này diệt nên cái kia diệt”. Đó chính
là lời đức Phật dạy.
………….
Thư
mục tham khảo:
1. Nandasena Ratnapala., Buddhist
Sociology. India, 1995
2. Anguttara Nikāya., Ed. R. Morris and
E. Hardy. 5 vols. PTS London, 1885-1900
3. Dīgha Nikāya., ed.TW.Rhys Davids and
J.E.Carpenter. 3vols. PTS London,
1890-1911
4. Majjhima Nikāya., ed.V.Trenkner and R.
Chalmers. 3vols. PTS London,
1948-1951
[1]. Anguttara Nikāya I, p 189 (Kinh Tăng Chi Bộ)
[2]. Majjhima Nikāya I, p 317 (Kinh Trung Bộ)
[3]. Anguttara Nikāya I, p 331
[4]. Anguttara Nikāya V, p 37
[5]. Dīgha Nikāya I, p 3 (Kinh Trường Bộ)