Mùa Xuân – mời quý vị đến thăm chùa miền núi Tây bắc – Một
dạng chùa mới ít thấy xuất hiện (*)
CHÙA CHIỀN VIỆN, HUYỆN MỘC CHÂU, TỈNH SƠN LA
Chùa Chiền Viện, còn gọi là chùa Vát
Hồng, nay thuộc bản Vặt, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Tài liệu thư tịch quan phương, nói về ngôi chùa này
sớm nhất, là sách "Đại Nam nhất thống chí" của Quốc sử quán triều
Nguyễn. Theo bộ sách viết vào giữa thế kỷ XIX này thì ít nhất là đến khi ấy,
chùa Chiền Viện vẫn còn là một kiến trúc Phật giáo lớn ở miền núi Tây Bắc, với
số tượng Phật được thờ trong chùa là: 1 pho tượng lớn, 8 pho vừa, 56 pho nhỏ
đều bằng đồng, 2 pho bằng thiếc, 1 pho nhỏ bằng ngà…1
Trước đấy
- theo nhà Thái học Cầm Trọng - có thể chùa đã được tạo lập từ thế kỷ XIII, do
đồng bào Thái Mộc Châu xây dựng, với nghĩa Thái của địa danh nơi xây chùa -
"bản Vặt" - chính là âm chệch của "Phật" và tên hội chùa lễ
Phật vào tháng 5 âm lịch ở đây là "Chách Vặt, Chách Và".2
Nhưng di tích chùa Chiền Viện đó bị đổ nát từ năm 1947, còn đến ngày
nay, lại chỉ là một nền chùa khoảng 100m2, mấy trụ cột và mảng tường
xây bằng đá với những vòm cửa đã xuống cấp, đổ nát và 2 bệ thờ. Đặc biệt là còn
một tấm bia đá (99cm x 64cm x 15cm), một nửa khắc chữ Thái (mà theo giáo sư dân tộc học Hoàng Lương thì đây là chữ
"Thái trắng" ở vùng này) và một nửa khắc chữ Hán. Nội dung văn bia,
cả hai ngữ đều thống nhất nói về việc xây dựng "vắt ni" (chùa này -
tiếng Thái), với những người đóng
góp tính bằng "công" và "hào" (tiếng Thái), trong đó có một
số chức sắc (tên là "Tạo Tiêng", "Chiêu Tổn" - tiếng
Thái). Phần Hán ngữ của bia (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chiếm) nói rõ: đây
vốn là ngôi chùa cổ thờ Phật, đã bị huỷ hoại. Ngày 10 tháng 3 năm Duy Tân thứ XI
(Mậu Thân, 1908) khởi công xây dựng lại, và đến ngày lành, tháng giêng năm Kỷ
Dậu, 1909 thì hoàn thành. Ông Xa Văn Kỳ, tri châu, cùng nhân dân trong vùng Mộc
Châu, hưng công xây dựng. Đóng góp vào việc xây dựng là rất nhiều người địa
phương và cả từ phương xa, trong đó có "Đà Bắc tri châu Đinh Công
Nội", "Đà Bắc tri châu Xa Văn Nghĩa",
"Mai Châu tri châu Hà Công Chính"…
-----------------------------------------------
.(1) Ngô Đức Thọ (chủ biên) Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa
học xã hội, Hà Nội, 1990, Trang 150.
(2) Cầm Trọng: “Người
Thái ở Tây bắc ở Việt Nam”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, Trang 43
Trong số những di vật của chùa tản
mát, thất tán ở nhiều nơi, đặc biệt đã thu thập lại được
nhiều tượng Phật (hiện trữ ở phòng Văn hoá huyện Mộc Châu và bảo
tàng tỉnh Sơn La), trong đó - theo PGS.TS. Nguyễn Lệ Thi - có một số pho là
tượng Phật của Lào, thuộc phái Tiểu Thừa, niên đại khoảng thế kỷ XVI - XVII và
XVIII. Một số pho có thể đã được chế tác ngay tại địa phương, nhưng mô phỏng
tượng Phật Lào…
Lễ Hội chùa Chiền Viện (Vát Hồng)
ngày xưa - theo các cố lão địa phương - rất được nhân dân sùng nộ. Một năm 2
lần "chính tiệc", vào tháng 3 -4, với "Lễ cúng xin nước - cầu
mưa", và vào tháng 5 - 6, với "Lễ rửa tượng - tắm tượng".
Chùa Chiền Viện, một di tích quý hiếm, một
kiến trúc Phật giáo lớn ở miền núi Tây bắc đã bị đổ nát trên 60 năm rồi, tâm tư
nguyện vọng của bà con trong vùng rất mong được phục dựng lại ngôi chùa này.
Mong các cấp chính quyền, Hội Phật giáo Trung ương và địa phương quan tâm đến
đời sống tâm linh của bà con.
--------------------------
Nguồn: Chùa Việt Nam. Hà Văn Tấn – Nguyễn Văn Kự – Phạm Ngọc
Long. Biên tập: Lê Văn Lan – Nguyễn Duy
Chiếm. Nxb Khoa học Xã hội, in lần thứ tư. 2010 có chỉnh lý bổ sung, tr.294.
Ảnh bài: Nguyễn Văn Kự - Nguyễn Mai Lâm
Ảnh về Chùa Chiền Viện,
huyện Mộc Châu, Sơn La
Tượng Phật bằng đồng cao 98cm, đế cao 27cm
Tượng Phật bằng đồng, Cao 55cm,vai 23cm, trong luong 62kg
Một số hiện vật còn lại tại chùa Chiền Viện
Thiếu nữ mất đầu (đá).
Tượng chó đá
Nguyễn Văn Kự