Kinh
Đại bát Niết bàn, phẩm Sư Tử Hống Bồ tát, nói rằng: “Đức Như Lai
vì muốn cho chúng sanh tăng trưởng phước đức, nên nát rã thân thể mình
thành Xá lợi để cho chúng sanh cúng dường”. Phẩm Ứng tận hườn nguyên của
kinh này còn nói rõ: “Đức Phật dầu nhập Niết bàn, nhưng còn Xá lợi và
Pháp bảo vô thượng thường trụ nơi thế gian, có thể làm chỗ quy y cho
chúng sanh”.
Tháp Ngọc Xá lợi Phật sẽ được cung đón về chùa
Quán Sứ - Hà Nội
& chùa Bái Đính (Ninh Bình) - Ảnh: Võ Văn
Tường
Do đó, theo lời Phật dạy, công đức chiêm bái, đảnh lễ, cúng dường xá
lợi Phật sánh bằng với công đức đảnh lễ, cúng dường Kim thân Ngài. Bản
kinh sau đây chỉ rõ điều đó:
A Nan bạch Phật: Lúc Phật hiện tại nếu có người đem những vật như
trên (vàng bạc bảy báu, điện đường, phòng nhà, y phục, đồ uống ăn, tất
cả đồ cần dùng, hoặc vợ con tôi tớ) cung kính cúng dường Phật; sau khi
Như Lai nhập Niết bàn, nếu có người đem những vật như thế cung kính cúng
dường toàn thân Xá lợi, phước đức của hai người này, ai nhiều hơn?
Phật nói: Hai người này được phước đồng nhau, công đức rộng lớn vô
lượng vô biên, nhẫn đến hết khổ, phước đó chẳng hết.
A Nan lại bạch: Lúc Phật hiện tại, nếu có người cung kính cúng dường
Phật như trên, sau khi Phật nhập Niết bàn, nếu có người cung kính cúng
dường nửa thân Xá lợi, ai được phước nhiều hơn?
Phật nói: Vì hai người đều cung kính cúng dường nên được phước đồng
nhau, phước đức này vô lượng vô biên.
Ngọc Xá lợi Phật này sẽ được cung đón về chùa Quán
Sứ-Hà Nội
& chùa Bái Đính (Ninh Bình) - Ảnh: Võ Văn
Tường
Này A Nan! Nhẫn đến cung kính cúng dường một phần tư Xá lợi, một phần
tám, một phần trăm, một phần ngàn, một phần muôn, một phần hằng hà sa,
hoặc chừng bằng hột cải, người này được phước cũng đồng như người cung
kính cúng dường Đức Như Lai hiện tại.
A Nan nên biết rằng, hoặc Phật hiện
tại hoặc đã nhập Niết bàn, nếu có người cung kính cúng dường lễ bái tán
thán, được phước đức đồng nhau không khác.
Phật bảo A Nan cùng đại chúng: Sau khi ta nhập Niết bàn, tất cả chúng
sanh hoặc thiên thượng hay nhơn gian, được Xá lợi của ta mà vui mừng
thương cảm, cung kính lễ bái cúng dường thời được vô lượng vô biên công
đức.
Này A Nan! Nếu thấy Xá lợi của Như Lai thời là thấy Phật, thấy Phật
là thấy Pháp, thấy Pháp là thấy Tăng, thấy Tăng là thấy Niết bàn.
A Nan nên biết rằng do nhơn duyên
trên đây mà Tam bảo thường trụ không biến đổi, có thể làm chỗ quy y cho
tất cả chúng sanh. (Kinh Đại Bát Niết bàn, Phẩm Di giáo)
Ngọc Xá lợi Phật này sẽ được cung đón về chùa Quán
Sứ - Hà Nội
& chùa Bái Đính (Ninh Bình) Ảnh: Võ Văn Tường
Đức Phật để lại Xá lợi thể hiện lòng từ bi cao cả của Ngài. Vì thương
chúng sanh nên Ngài thị hiện ở đời, và vì thương chúng sanh (nhất là
những chúng sinh sau thời Phật tại thế như chúng ta) mà Ngài để lại một
phần thân thể, vốn là “sự kết tinh kỳ diệu của sự thành đạt tâm linh,
của sự phát triển tột cùng của hạnh từ bi và trí tuệ”. Ngài dạy A Nan
rằng: “Trà tỳ xong lượm lấy Xá lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư
đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Phật mà tưởng nhớ lại
đạo hóa của Pháp vương Như Lai, sống thì được phước lợi, chết thì sanh
thiên. (Kinh Du hành, Trường A hàm).
Phần lớn kinh điển phân biệt Xá lợi thành hai loại: Toàn bộ di cốt
được đưa vào tháp gọi là Toàn thân Xá lợi; di cốt được chia ra từng phần
để thờ ở nhiều nơi gọi là Toái thân Xá lợi. Kinh Dục Phật công đức
chia Xá thành: Sinh thân Xá lợi (cũng gọi Thân cốt Xá lợi), tức di cốt
của Phật; và Pháp thân Xá lợi (cũng gọi Pháp tạng Xá lợi), là giáo pháp
và giới luật do Đức Phật để lại. Pháp uyển châu lâm thì phân chia Xá lợi
ra thành ba loại: Cốt Xá lợi - Xá lợi xương, màu trắng; Phát Xá lợi -
Xá lợi tóc, màu đen; và Nhục Xá lợi - Xá lợi thịt, màu đỏ.
Thông thường, Xá lợi được nói đến là những mẩu xương, hình dáng lớn
nhỏ khác nhau, chất cứng và mịn. Theo truyền thuyết, di cốt Phật được
chia làm ba phần cho chư thiên, long vương và nhân gian. Sử tích thì
chép rằng, sau lễ trà tỳ, Xá lợi Phật được chia thành 8 phần cho 8 nước
lân bang. Về sau, vua A Dục đã phân chia những phần Xá lợi này đựng
trong 84.000 hộp nhỏ và xây 84.000 ngôi tháp phụng thờ. Nhờ đó mà Xá lợi
Phật được cất giữ và lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Xá lợi Phật tôn trí
tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi - Ấn Độ -
Ảnh: Q.kiến
Chiêm bái, đảnh lễ, cúng dường Xá lợi Phật cũng như Tứ
động tâm (nơi Phật Đản sanh, Thành đạo, Chuyển pháp luân, Niết bàn) đều
giống nhau, tức hàm ý kết duyên “gặp Phật nghe pháp” và chóng thành Phật
quả. Chúng ta có thể cúng dường Xá lợi bằng hương hoa, quả phẩm; bằng
sự quét dọn, lau chùi; nhưng hơn hết, cúng dường bằng việc tinh tấn tu
tập theo lời Phật dạy.
Chiêm bái, đảnh lễ xá lợi
tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi - Ấn Độ -
Ảnh: Q.Kiến
Bên cạnh Xá lợi Phật, ngày nay chúng ta còn có cơ
duyên chiêm bái Xá lợi của chư vị thánh Tăng, như các Ngài: Xá Lợi Phất,
Mục Kiền Liên, A Nan v.v…, và đó là một phước duyên rất lớn. Theo lời
dạy của Ngài Zopa Rinpoche thì: “Mỗi phần nhục thân và Xá lợi của các
Ngài chứa đựng một năng lực mầu nhiệm có thể làm căn lành tăng trưởng và
nghiệp ác giải trừ”. Vì thế, Xá lợi có năng lực cảm hóa tâm người, phát
triển lòng từ bi trong nội tâm của những ai có cơ duyên chiêm bái.