Với huệ nhãn của Bậc toàn trí toàn
giác, Đức Phật đã khẳng định rằng tâm là chủ nhân tạo tác ra vạn vật trong vũ
trụ này. Điển hình nhất là trong kinh Hoa Nghiêm, lời dạy sâu sắc của Ngài đã
nói lên tinh ba này “Nhất thiết duy tâm tạo”. Nghĩa là muôn vật, muôn loài,
muôn việc trong trời đất này đều từ tâm mà sinh ra, từ tâm mà hiện hữu, từ tâm
mà hoạt động và cũng từ tâm mà hoại diệt.
Theo Phật, con người được cấu tạo
bởi năm phần gọi là ngũ ấm hay ngũ uẩn, gồm có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Một
là sắc ấm, tức thân vật chất hữu hạn của chúng ta. Mang thân người, tất yếu
chúng ta phải đáp ứng những đòi hỏi tối thiểu của thân là cơm ăn, áo mặc, chỗ
ở. Để giảm bớt sự lệ thuộc vào ăn, mặc, ở, Đức Phật dạy người tu thực hiện nếp
sống tam thường bất túc, ăn ít, ngủ ít và mặc ít; vì loại bỏ được một
phần đòi hỏi của thân là đoạn được một phần phiền não trần lao nghiệp chướng và
được giải thoát liền. Các vị Sa môn giải thoát, vì đã hạn chế đến mức tối đa
nhu cầu vật chất; cho đến đắc được Thánh quả A la hán, điều tiết được sắc thân,
nên hoàn toàn tự tại đối trước đói, khát, nóng, lạnh. Nghĩa là các ngài đã phá
được sắc ấm, hay nói đúng hơn là chuyển đổi được sắc ấm thành Giới đức Pháp
thân, thể hiện mẫu người đức hạnh không bị cuộc sống vật chất chi phối.
Phá được sắc ấm, kế tiếp cần phá bỏ
thọ ấm. Qua sáu cửa ngõ của thân vật chất là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý,
chúng ta sẽ tiếp xúc với vật chất bên ngoài, tạo thành những cảm xúc chi phối
chúng ta một cách mãnh liệt. Đơn giản như thấy nghe việc trái tai gai mắt, hoặc
ăn những món không thích, v.v… cũng đủ làm cho tâm khởi bực bội, phiền muộn.
Điều này được kinh diễn tả là sáu căn tiếp xúc với sáu trần tạo ra vô số khổ
đau, tội lỗi. Để tâm được yên tĩnh, người tu thường nhập thất, sáu giác quan
không tiếp xúc với thế giới bên ngoài và chỉ đọc tụng kinh điển, sám hối,
tham thiền, v.v… Nhờ an trú trong pháp Phật, không bị vật chất tác động, chuyển
đổi được thọ ấm thành Định Pháp thân.
Ấm thứ ba là tưởng ấm, tức sự hoang tưởng
cũng là một vấn đề cần khắc phục trên bước đường tu. Thật vậy, tâm trí con
người thường nghĩ lăng xăng, tưởng tượng đủ thứ. Những ý nghĩ lộn xộn không ích
lợi, hoặc những mơ ước viển vông về tương lai chưa đến hay tiếc nuối quá khứ đã
qua, đều khiến cho người ta trở nên bất mãn, buồn rầu, khổ đau.
Trên bước đường thể nghiệm Phật
pháp, chúng ta tập trung tâm vào bước đi, vào hơi thở, vào tiếng niệm Phật, vào
giáo pháp… để tạo cho tâm định tĩnh, sẽ giúp chúng ta nhận thức sáng suốt mọi
việc, chuyển đổi tưởng ấm thành Huệ Pháp thân.
Thứ tư là hành uẩn. “Hành” là hành
động trong tâm, không phải hành động bên ngoài. Tuy thân ngồi yên, nhưng tâm
trí chúng ta đang chạy nhảy cùng trời cuối đất, nghĩ ngợi, lo toan vô số việc.
Hành uẩn sai sử chúng ta rời xa vị trí thực tế của mình và thúc đẩy chúng ta đi
vào con đường nghiệp chướng, khổ đau. Ý thức sâu sắc tác hại của hành uẩn,
chúng ta nỗ lực trụ tâm trong pháp Phật sẽ phá trừ được hành uẩn, hay chuyển
đổi hành uẩn thành Pháp thân thứ tư là Giải thoát Pháp thân, thể hiện tướng an
lành, giải thoát thật sự, khiến cho người trông thấy phát tâm Bồ đề.
Sau cùng là thức ấm. Thức là sự hiểu
biết theo thế gian, tức thế gian trí. Phật dạy rằng đó là sự hiểu biết của
phiền muộn, biết nhiều thì phiền não nhiều. Thật vậy, tất cả sự tiếp xúc của
chúng ta trong cuộc sống từ vô số kiếp cho đến ngày nay, đã tạo thành vô số
kinh nghiệm, vô số hiểu biết được cất giữ đầy đủ trong một cái kho rộng vô tận
mà Duy thức học gọi là Tạng thức, hay A lại da thức. Tạng thức này giống như đại
dương có thể tạo ra những làn sóng thần mạnh mẽ vô cùng mà chúng ta khó kiểm
soát được sự bộc phát của nó. Hành giả thực tập thiền định dễ nhận ra những cơn
cuồng phong ngủ ngầm trong tâm thức chúng ta; nói cách khác, đó là những đòi
hỏi của chính chúng ta, mạnh nhất là năm thứ ham muốn: tiền tài, danh vọng, sắc
đẹp, ăn và ngủ. Ngũ dục thường trú trong tâm ta, thường bộc phát và sai khiến
chúng ta phải làm theo, dẫn chúng ta vào con đường phiền não, khổ đau.
Nhận chân được tác hại của thức ấm,
chúng ta đem Phật pháp vào tâm một cách miên mật, để xóa bỏ lần những hiểu biết
khuấy động tâm định tĩnh và nhận thức sáng suốt của mình. Đến khi những làn
sóng ngầm phiền não trong tâm thức không còn đủ sức nổi dậy, không còn khả năng
phá hại tâm trí chúng ta, là đã chuyển đổi thức ấm thành Giải thoát tri kiến
Pháp thân.
Những chúng sinh phàm phu, vì không
biết thực hành Phật pháp, để cho thân ngũ ấm phát triển theo chiều hướng sai
lầm, tội lỗi, chắc chắn họ đã tạo dựng thế giới khổ đau cho chính họ ngay trong
cuộc sống hiện tại và ba thế giới cùng cực khổ đau là địa ngục, ngạ quỷ và súc
sanh đã mở rộng chờ đón họ sau khi bỏ nghiệp thân này. Cứ như vậy mà chúng sinh
trôi lăn trong sáu thế giới sinh tử luân hồi.
Như vậy, chúng sinh vô minh không
chuyển đổi tâm linh theo hướng thánh thiện như Đức Phật chỉ dạy, mà chỉ lo phát
huy đời sống vật chất theo chiều hướng xấu ác. Từ đó, họ đã tạo thành thế
giới bị thiêu đốt hừng hực mà Đức Phật gọi là Nhà lửa. Thực tế cuộc sống cho
thấy rõ ở thế kỷ XXI, con người tự hào rằng đã vươn đến đỉnh cao của văn minh
tiến bộ, nhưng vô số cảnh tượng chết chóc, đói khát, bệnh tật, tàn phá môi
sinh… lúc nào cũng ở mức báo động đỏ. Thật sự chỉ vì mọi việc làm của con người
đã phát xuất từ tâm ác độc, thù hận, ích kỷ, tham lam, mù quáng… Ngũ ấm thân
của con người đang thiêu đốt chính họ, thiêu đốt cả xã hội và thiêu đốt cả hành
tinh này.
Đối với hàng đệ tử Phật, nhận chân
sâu sắc con đường phát huy trí tuệ và đạo đức theo Phật bằng cách gạn lọc những
sai lầm của ngũ ấm thân để chuyển đổi thành ngũ phần Pháp thân. Chính ngũ phần
Pháp thân: giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến là nền tảng tốt
đẹp nhất để tạo thành thế giới thanh tịnh gọi là Tịnh độ.
Điển hình như cảnh giới Tây phương
chưa phải là cõi Tịnh độ khi Đức Phật Di Đà chưa đạt quả vị Vô thượng Chánh
đẳng giác. Nhưng khi Ngài thành Phật, thế giới nội tâm của Phật Di Đà hoàn toàn
thanh tịnh, sáng suốt, giải thoát, tạo thành thanh tịnh Pháp thân. Và Pháp thân
Phật Di Đà phát huy đến đâu thì chuyển đổi nơi đó trở thành thanh tịnh, đẹp đẽ,
an vui; đến khi Ngài thành tựu đỉnh cao của Pháp thân, là hoàn thành được thế
giới có cuộc sống an lạc cùng cực, gọi là cõi Cực lạc.
Tóm lại, tịnh hóa tâm là tịnh hóa
quốc độ. Đức Phật cũng khẳng định rằng tâm tịnh thì thế giới tịnh, tâm ô uế sẽ
tạo ra cảnh nhơ bẩn, khổ đau. Như vậy, tịnh hay uế là do con người tự tạo ra mà
thôi. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính là biểu tượng của thân phước đức và trí
tuệ vẹn toàn và đời sống của hàng Thánh chúng kề cận bên Đức Phật tạo thành
cảnh giới thanh tịnh, giải thoát, an lạc mà bất cứ người nào có phước duyên đến
cúng dường, học hỏi cũng đều được thấm nhuần niềm an vui, giải thoát. Cũng như
bước chân giải thoát của Đức Phật hóa độ đến nơi nào là nơi đó trở thành Tịnh
độ. Cho đến ngày nay, trải qua thời gian dài hơn hai ngàn năm trăm năm, trên
khắp năm châu, hàng hàng lớp lớp người đã, đang và sẽ sống mãi với ngũ phần
Pháp thân, vẫn luôn luôn xây dựng được Tịnh độ cho chính mình, cho những người
xung quanh, cho xã hội và cho cả Pháp giới chúng sanh nương nhờ.
HT.
Thích Trí Quảng (Theo Nguyệt san Giác Ngộ)