Từ bản kinh chữ nổi đầu tiên
Chị Tạ Thị Kim Nga - pháp danh Nghiêm Kính, không thể
nào quên được cảm xúc vui mừng khi lần đầu tiên đặt bàn tay lên những ô
chữ vuông vức sần sùi trên trang giấy. Cảm giác vừa hạnh phúc vừa vui
sướng xen lẫn xúc động khi những câu chữ đầu tiên của quyển kinh mỏng Dược Sư
bằng chữ nổi lần lượt hiện ra trên những đầu ngón tay. Đó là quyển kinh
kỷ niệm của Sư cô Tâm Trí (chùa Huê Lâm, Q.11) trao tặng cho chị nhân
dịp sư cô sang định cư tại Mỹ.
Niềm vui của Phật Tử khiếm thị khi nhận kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Bị mù năm 26 tuổi, rồi được sáng mắt trở lại trong
khoảng 5 năm, sau đó lại bị mù tiếp, nhưng chị nói, chị còn hạnh phúc
hơn rất nhiều so với những em bị mù bẩm sinh. Dù gì chị cũng đã được học
tập, làm việc và được nhìn ngắm vẻ đẹp, sắc màu của cuộc sống. Tuy
nhiên, cho đến khi bị mù, chị chưa biết Phật pháp; niềm khao khát được
đọc những bản kinh Pháp Hoa ngày càng thôi thúc, nhưng chị đành gác lại mơ ước vì chưa từng có bản kinh Phật nào bằng chữ nổi.
Quyển kinh Dược Sư như là một bảo bối, giúp
chị nuôi ý tưởng khai mở những con đường tìm đến Phật pháp trước bóng
tối vô tận vây quanh. Giờ đây, với chị, quyển kinh là ánh sáng, là tâm,
là mắt. Ý tưởng làm ra những quyển kinh khác nhau dành cho những người
sống trong bóng tối như chị dần dần được hình thành. Nhưng, công việc
giúp đỡ trẻ em khuyết tật tại quận 4 chỉ giúp chị đủ nuôi sống bản thân,
mà việc chuyển những bản kinh bằng chữ sáng sang chữ nổi là cả một công
trình lớn, nên dù có tấm lòng, chị vẫn khó có thể một mình thực hiện
được.
Nhân duyên đến khi chị Nga gặp được chị Nguyễn Thị
Hiệp - pháp danh Đồng Hội. Hai chị em tâm đầu ý hợp, cùng chia sẻ tâm
nguyện của mình; chị Hiệp tiếp sức bằng cách đi vận động nguồn kinh phí,
nhưng cũng không tới đâu. Cho đến khi may mắn gặp được chị Trang Thị
Ngọc Phượng - pháp danh Tịnh Quý (Canada) hứa hỗ trợ kinh phí và được Sư
cô Hương Nhũ khuyến khích, hai chị như gặp được tri âm, sự đồng cảm và
tấm lòng hướng về Phật pháp, liền cùng nhau bắt tay thực hiện dự án đem
ánh sáng Phật pháp đến cho người mù qua những quyển kinh chữ nổi.
Kết nối ánh sáng từ tâm
Để có một quyển kinh bằng chữ Braille, cả nhóm phải
phân công thực hiện những công đoạn trong khả năng của mình. Trước hết
phải có bản kinh bằng chữ sáng thật chỉn chu, lưu vào máy tính và sau đó
là in dập lỗ (chữ nổi) trên một loại giấy duy nhất dành riêng cho người
mù khổ 30 x 40cm. Đặc biệt, những trang kinh chữ nổi được in trên hai
mặt giấy nhưng không bao giờ bị lỗi. Có những công đoạn phải do chính
người mù thực hiện như công đoạn chuyển sang máy dập chữ phải do chị Kim
Nga và chị Lệ Hương thực hiện và thay phiên nhau kiểm tra từng trang
một để quyển kinh khi ra mắt được hoàn thiện.
Sư cô Hương Nhũ, trưởng nhóm ấn tống kinh sách dành
cho người mù cho biết, nói thì dễ vậy nhưng để thực hiện được một quyển
kinh phải trải qua nhiều công đoạn và tốn nhiều công sức, rất nhiều công
đoạn phải làm thủ công để tiết kiệm chi phí. Nhưng dù vất vả, có hôm
phải thức làm cả đêm cho kịp tiến độ để ấn tống cho người mù nhưng ai
cũng thấy phấn khởi vì nỗ lực của mình đem đến sự lợi lạc thiết thực và
nhiều niềm vui cho người khác.
Có thể nói, đây là nhóm ấn tống kinh đầu tiên do Sư
cô Hương Nhũ và những Phật tử, trong đó có hai người mù, phát tâm làm ra
những bộ kinh bằng chữ nổi. Nói về lợi ích của việc làm này, Sư cô
Hương Nhũ cho biết: "Dù khát khao tìm hiểu giáo lý Phật giáo nhưng không
phải người mù nào cũng có điều kiện thường xuyên đến chùa nghe pháp
hoặc có phương tiện để nghe những cuốn băng thuyết giảng. Vì vậy, nỗ lực
của nhóm là làm ra những quyển kinh Pháp Hoa, Dược Sư, Vu Lan, Nhật tụng, Bát Nhã…
bằng chữ Braille để Phật tử mù có thể đọc được kinh và hành trì ngay
tại nhà. Việc làm này không những ích lợi mà còn đáp ứng được mong mỏi
của nhiều Phật tử mù". Đây cũng là công việc thầm lặng với tấm lòng từ
bi, sự đồng cảm và chia sẻ của nhóm. Hiểu và đồng cảm cùng với những
người mù mà nhóm đã tận tâm tận lực hoàn thiện những bản kinh giúp cho
họ có cơ hội tận tay đọc và hiểu thấu từng câu chữ của lời Phật dạy.
Chính vì vậy, nhiều người đã rơi nước mắt vì xúc động khi bao nhiêu năm
tháng sống trong bóng tối, có mơ cũng chẳng tưởng tượng được rằng mình
sẽ được đọc những bản kinh trân quý này.
"Với tâm nguyện giúp người
mù tìm hiểu Phật pháp, chúng tôi mong rằng ngày càng có nhiều người mù
đọc được chữ Braille, đó là cánh cửa rộng mở để họ có cơ hội được tìm
hiểu Phật pháp qua những quyển kinh Phật bằng chữ nổi. Đó cũng là con
đường để họ dấn thân, tự giải thoát những khổ đau, sống an vui và hòa
nhập vào thế giới rộng lớn hơn. Chính vì lẽ đó, nhóm luôn mong mỏi người
mù bỏ chút ít thời gian để học chữ nổi, nếu chăm chỉ học tập trong vòng
từ 1 đến 3 tháng thì một người mù bình thường có thể đọc được chữ. Và
nhóm của chúng tôi sẵn sàng hướng dẫn họ học chữ Braille", Sư cô Hương Nhũ chia sẻ.
Khởi xuất công việc thầm lặng này vào năm 2008, đến nay nhóm đã thực hiện được các bộ kinh bằng chữ Braille như: Pháp Hoa (7 quyển), Vu Lan, Phổ Môn, Dược Sư, Địa Tạng, Nhật Tụng, Sám hối, Bát Nhã và Đại Bi, Thập chú. Những
bộ kinh này đã lần lượt được trao tặng tận tay từng Phật tử mù biết đọc
chữ Braille tại các chùa Giác Ngộ (Q.10), An Lạc (Q.1), Minh Đức (Q.2),
tịnh thất Minh Trí (Đồng Nai), Mục Đồng (Bến Tre) và các Hội Người mù
Q.1, Q.4, Q.8. Q.11, huyện Củ Chi, TP.HCM, Đồng Nai, Sóc Trăng, Bến Tre…
Bên cạnh đó, nhóm cũng đã tặng nhiều CD, sách nói đến người mù khó khăn
có cơ hội tìm hiểu Phật pháp, đem lợi lạc, niềm an vui cho bản thân, từ
đó giúp họ tự tin, dễ hòa đồng hơn trong các mối quan hệ cộng đồng và
hòa mình tu học tại các đạo tràng như những người bình thường khác. Tuy
nhiên, thực tế đáng buồn của cả nhóm là khi biết được người mù khao khát
muốn được đọc kinh Phật nhưng khi mang kinh đến thì mới hay họ chưa
từng được học chữ Braille. Như, trường hợp ở huyện Vĩnh Châu (Sóc
Trăng), cả làng có 500 người mù nhưng rất ít người biết đọc chữ Braille
nên đoàn chỉ tặng quà và đành ôm kinh về.
Chị Kim Nga cho biết: "Bản thân là người mù, mình rất hiểu tâm lý dễ
chán nản và buông xuôi, tuy nhiên cũng có người mù rất quan tâm muốn
được học hỏi, khai mở tri thức qua những quyển kinh Phật. Và như thế
không có con đường nào khác ngoài việc phải xóa mù chữ; biết đọc chữ,
người mù có thể khám phá kho tri thức vô tận mà trước hết là giải đáp
được những câu hỏi Phật pháp và nhu cầu được đọc những bản kinh Phật
giáo".
Bài, ảnh H.Diệu (GNO)