Thiền sinh: Làm thế nào để đưa tâm mình quay về với Pháp? Làm thế nào để phát triển đức tin trong Pháp?
Thiền sư Sayadaw U Tejaniya: Khi mới thực hành Pháp, bạn sẽ
không thể có nhiều đức tin trong Giáo Pháp bởi vì trong tâm còn có
nhiều phiền não [1]. Để làm tăng trưởng đức tin trong Phật Pháp, bạn
phải hiểu rõ lợi ích công việc mình đang làm. Bạn phải thấy được Phật
Pháp đã đưa đến lợi ích như thế nào cho cuộc đời mình. Hiểu rõ điều đó
chính là trí tuệ, và chính trí tuệ này sẽ làm tăng trưởng đức tin của
bạn.
Chú thích: [1] Phiền não là những ô nhiễm trong tâm, những gốc bất
thiện gồm có 10 loại phiền não gốc là thân kiến, hoài nghi, giới cấm
thủ, tham dục, sân, sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, ngã mạn và vô minh.
Trong tiếng Anh, từ
defilement thường dịch là ô nhiễm, song từ gốc
Pāḷi, kisela,
được dịch ra và thường sử dụng trong kinh điển là phiền não thì đúng
hơn, bởi vì chúng chính là những nguyên nhân căn để tạo nên đau khổ luân
hồi cho tất cả mọi chúng sinh trong tam giới – chú thích của người dịch
(ND).
Bạn có thấy được sự khác nhau giữa khi có chánh niệm (có sự ghi
nhớ, biết mình) và khi thất niệm ( mất chánh niệm, quên mình) hay
không?
Thiền sinh: Khi có chánh niệm con biết được những điều đang diễn ra, con biết mình cần phải làm gì.
Thiền sư: Bạn biết mức độ chánh niệm của mình đến mức
nào? Khi chánh niệm bạn thu được những lợi ích gì? Bạn phải tự khám phá
ra chính những điều này. Bạn phải cần liên tục học hỏi từ những kinh
nghiệm của chính mình. Nếu biết nuôi dưỡng sự hứng thú liên tục này
trong pháp hành, bạn sẽ hiểu biết ngày càng nhiều hơn.
Chỉ mỗi chánh niệm thôi thì không đủ! Bạn cũng cần phải biết rõ mức
độ chánh niệm của mình và thấy xem trí tuệ có mặt ở đó hay không nữa.
Một khi đã thấy rõ sự khác biệt của chất lượng tâm mình giữa khi chánh
niệm đầy đủ với trí tuệ và lúc thất niệm, bạn sẽ không bao giờ ngừng
thực hành đâu.
Sự hứng thú của bạn sẽ ngày càng tăng, bạn sẽ thực hành nhiều hơn,
hiểu biết nhiều hơn và do vậy lại càng thực hành nhiều hơn nữa – đó là
một vòng tuần hoàn, tự nó nuôi nó. Nhưng tiến trình này cần phải có
thời gian; cần phải có thời gian để cho chánh niệm của bạn vững mạnh hơn
và để mức độ hiểu biết được tăng trưởng.
Thiền sinh: Có lúc con thấy bị mất hứng thú vì mãi mà chẳng thấy mình tiến lên được tí nào.
Thiền sư: Đó là vì bạn không học hỏi được gì. Bạn không thực
sự hứng thú với công việc mình đang làm. Bạn mong chờ kết quả. Bạn cần
phải học hỏi từ chính những gì bạn đang làm, chứ không phải chỉ ngồi đấy
mà chờ đợi kết quả sẽ đến. Bạn phải luôn hay biết và học hỏi từ chính
những gì đang diễn ra bây giờ, phải nhình vào chính quá trình thiền tập
ấy của mình.
Đừng bao giờ nản lòng mỗi khi mất chánh niệm. Mỗi khi phát hiện ra
mình mất chánh niệm, lẽ ra bạn phải vui mừng mới đúng. Bởi vì ngay khi
bạn nhận ra mình mất chánh niệm, nghĩa là khi đó bạn đã chánh niệm trở
lại rồi. Hãy cứ theo sát quá trình mất chánh niệm rồi lấy lại chánh
niệm và học hỏi từ nó. Khi mất chánh niệm thì thế nào, khi có chánh
niệm trở lại thì ra sao? Tại sao mất chánh niệm, làm thế nào để bạn lấy
lại được nó? Hãy có hứng thú với bất cứ gì đang diễn ra, dù nó là tốt
hay xấu. Tất cả mọi kinh nghiệm, mọi việc đang diễn ra đều là Pháp, nó
đúng như chính cách nó đang là. Tốt hay xấu đều là những đánh giá phán
xét của cá nhân bạn mà thôi. Nếu có chánh kiến, bạn sẽ chấp nhận được
bất cứ cái gì đang diễn ra như nó đang là.
Theo:
Chỉ mới chánh niệm thôi thì không đủ
Dịch giả:
Tỳ kheo Tâm Pháp