I - Dẫn nhập
1. Khái niệm về giáo dục.
Giáo dục là gì, có từ lúc nào và bao giờ chấm dứt ?
Chúng ta không ai không hấp thụ một nền giáo dục, hay ít ra tiếp
nhận một hình thức giáo dục. Thế nhưng chắc chúng ta không khỏi lúng
túng khi gặp câu hỏi bất ngờ như trên và khó trả lời ngay một cách vắn
tắt trọn nghĩa và trôi chảy.
Thực ra giáo dục có từ rất sớm và sẽ không bao giờ chấm dứt. Từ khi
có động vật xuất hiện trên hành tinh, do bản năng sinh tồn loài vật
cũng biết dạy con cách để sống còn, như chuyền cành, lội qua con suối
hay săn mồi kiếm thức ăn. Đó là giáo dục của loài động vật kể cả động
vật thượng đẳng là con người. Giáo dục khởi đầu với sự truyền tiếp kinh
nghiệm. Có điều là động vật không có khả năng truyền đạt bằng ngôn ngữ
nên cách dạy con săn mồi kiếm thức ăn từ xưa vẫn không tiến bộ thay
đổi. Từ khi đi được trên hai chân, biết sử dụng công cụ, con người Homo
sapiens từ một vài tiếng kêu thô sơ cho đến khi tìm được tiếng nói
trong cổ họng, đã vượt bỏ xa các loài động vật khác. Cho đến khi có
được chữ viết thì hình thành một loại giáo dục thành văn, nhờ đó làm
phương tiện lưu trữ truyền đạt kinh nghiệm hiệu quả cho đến ngày nay.
Từ đó con người biết nhận định rõ hơn đối tượng và mục đích của giáo
dục mà họ nhắm đến. Do đó giáo dục thời cổ không giống thời hiện tại,
giáo dục phương Đông không hoàn toàn giống giáo dục phương Tây, giáo
dục ở xã hội này không giống giáo dục ở xã hội khác, giáo dục dưới chế
độ chính trị không giống giáo dục dưới chế độ chính trị khác.
Tuy nhiên trong sự không đồng nhất đó phương thức giáo dục cho đến
ngày nay có một tiến trình xuyên suốt phát triển qua 3 giai đoạn :
- Giáo dục phi ngôn ngữ
- Giáo dục truyền khẩu
- Giáo dục văn tự.
Và giáo dục ngày nay, giai đoạn sau không phủ nhận giai đoạn trước
mà cả 3 hình thái giáo dục đều được vận dụng. Giáo dục đã triển khai từ
sự truyền đạt thô sơ giản đơn đến phức tạp, từ cá thể đến cá thể, từ
cá thể đến tập thể, từ gia đình đến đám đông, từ đầu đời đến cuối đời.
Như nói giáo dục thai nhi (antenatal training, hay puericulture) và
giáo dục suốt đời (lifelong education).
Từ khi hình thành giáo dục học đường, nhiều lĩnh vực giáo dục được
triển khai sâu rộng như loại hình (type) giáo dục, tổ chức (system)
giáo dục, nội dung (curriculum) giáo dục, phương pháp (method) giáo dục
để chủ trương một lý thuyết, một quan niệm triết lý nhằm đạt mục đích
thực tiễn cho cuộc sống. Ngoài ra khoa học giáo dục ngày càng đi vào
chi tiết sinh hoạt của cuộc sống để mang lại hiệu quả trong các trường
hợp cá biệt như giáo dục vệ sinh và sức khỏe, giáo dục tình cảm và cảm
xúc, giáo dục hướng dẫn và khải đạo (guidance and counseling), giáo dục
trắc nghiệm và lượng giá (measurement and evaluation testing), giáo
dục khóa trình, giáo dục đạo đức, giáo dục cải tạo thiếu niên phạm pháp
(correctional education), giáo dục khuyết tật, giáo dục thị thính giác
và truyền thông đại chúng, giáo dục và chính trị, giáo dục và tôn giáo
v.v… Tất cả đều luôn luôn không ngừng đổi mới để tốt hơn, hiệu quả
hơn thích nghi với hoàn cảnh thực tế. W.O. Lester Smith, giáo sư Đại
Học London, chủ tịch Hội nghiên cứu giáo dục Anh Quốc năm 1964 đã nói :
” Khi nghĩ về giáo dục ta không được quên rằng giáo dục có tính cách
phát triển của một cơ thể. Nó thường xuyên tùy thuộc và liên tục thay
đổi để tự thích ứng với nhu cầu mới và hoàn cảnh mới.” (When thinking
about education we must not forget that it has the growingquality of a
living organism. While it has permanent attributes , it is constantly
changing, adapting itself to new demands anf new circumstances.
EDUCATION, Penguin books, 1964, p.7) Nếu cứ khư khư muốn đơn giản hóa ý
nghĩa của giáo dục vào một định nghĩa theo chủ quan có tính giáo điều
thì ắt hẳn không phải thái độ đúng đắn của nhà giáo dục. Giáo dục do đó
không phải chỉ thay đổi theo thời gian mà còn thay đổi theo hoàn cảnh.
Nó mang ý nghĩa và quan niệm khác nhau theo mỗi hoàn cảnh. Và ngay cả
trong cùng một quốc gia nó cũng đòi hỏi một quan niệm khác nhau cho
vùng nông thôn và đô thị kỹ nghệ thương mại.
Nhà giáo dục Ý Disraseli có lần đã bảo rằng ông rất ghét những định
nghĩa. Ông cho rằng trong việc nghiên cứu giáo dục, những định nghĩa
không khác gì những tên đầy tớ tốt nhưng lại là những ông chủ xấu. Vì
lẽ nó phục vụ trung thành cho một quan điểm chủ quan, và do đó giết
chết ý tưởng, sáng kiến, những quan điểm rộng rãi và phương cách thích
nghi trong tiến trình sinh hoạt của loài người.
2. Quan niệm buổi đầu về giáo dục.
Giáo dục theo tiếng Hán có thể hiểu giáo nghĩa là dạy dục nghĩa là
nuôi dưỡng. Trong chữ giáo nửa phần trên có chữ lão, nửa phần dưới có
chữ tử, là chữ hiếu, có nghĩa con cái cõng cha mẹ già trên vai. Trong
chữ dục, phần dưới có chữ nhục nghĩa là thịt, hàm nghĩa nuôi nấng. Giáo
dục bao hàm sự rèn luyện về đường tinh thần nhằm phát triển tri thức
và tình cảm đạo đức và săn sóc về mặt thể chất. Phương Đông cũng như
phương Tây, giáo dục buổi đầu đều lấy con người làm đối tượng, nhằm
phát triển 3 phương diện trí tuệ, tình cảm và thể chất.
Từ Education của phương Tây vốn phát xuất từ chữ Educare của tiếng
La Tinh. Chữ E có nghĩa như chữ out của tiếng Anh tức là làm phát xuất
ra, chữ ducare có nghĩa như động từ to lead của tiếng Anh là dắt dẫn,
lôi kéo. Educare là dắt dẫn , hướng dẫn để làm phát khởi những khả năng
tiềm tại. Sự dắt dẫn này nhằm đưa con người từ chỗ không biết đến
biết, từ xấu đến tốt, từ thấp kém đến cao thượng, từ không hoàn thiện
đến hoàn thiện.
Từ Éducation xuất hiện ở Pháp từ đầu thế kỷ 16, đến giữa thế kỷ 17,
Viện Hàn Lâm Pháp mới đưa ra định nghĩa đầu tiên như sau :”Giáo dục là
sự dạy dỗ đứa trẻ hoặc về phương diện trí tuệ hoặc về phương diện thể
chất.” ( L’éducation c’est le soin qu’on prend de l’instruction des
enfants, soit en ce qui regarde les exercices de l’esprit, soit en ce
qui regarde les exercices du corps ). Như vậy lúc đầu chữ Education
được đồng hóa với chữ Instruction, nghĩa là giảng dạy, hay nói cách
khác là sự truyền thụ kiến thức cho đứa trẻ làm nảy nở thêm lên ví như
vun trồng loài cây hay luyện tập loài vật vậy.
Ở phương Đông, từ Giáo dục hay khái niệm về giáo dục đã xuất hiện
rất sớm. Trong sách Mạnh Tử, thiên Tận thượng có nói : “ Đắc thiên hạ
anh tài nhi giáo dục chi.” Nghĩa là giáo dục để được bậc anh tài trong
thiên hạ. Giáo dục buổi đầu ở phương Tây và phương Đông có vẻ đi theo
hai chiều ngược nhau. Nghĩa là trong ba phương diện của giáo dục trước
tiên chú trọng vào giáo dục trí tuệ. Ví dụ khi nền giáo dục phương Tây
vào Việt Nam thay thế cho giáo dục Hán học, trong Sách Tập Đọc, Quốc
văn giáo khoa thư , Lớp Đồng Ấu đã thấy xuất hiện trong bài tập đọc các
câu như : “Tôi đi học để làm gì ? Tôi đi học để biết đọc biết viết
biết tính toán và biết nhiều khoa học khác nữa…” Đó là giáo dục 3R của
phương Tây. Ba R là Reading, Writing và Arithmetic, cả 3 chữ đều có chữ
R nên được gọi tắt như vậy. Trong tiếng Pháp tuy viết khác nhưng 3
chữ nói lên 3 khả năng đó cũng đều có chữ R. Trong khi đó, phương Đông
trước tiên dạy cho đứa trẻ “ứng đối, tiến thoái, sái tảo” tức là tập
cho đứa trẻ cách đối đáp thưa gửi, cách đi đứng oai nghi cử chỉ, cách
giữ gìn vệ sinh, sự sạch sẽ, hay “tiên học lễ hậu học văn” đặt nặng
giáo dục đạo đức tình cảm lên trước.
3. Sơ lược về giáo dục cổ đại và sự di chuyển từ phương Đông sang phương Tây :
Người thời cổ sống quần tụ thành bộ lạc và sinh hoạt của họ không
ngoài hai lĩnh vực lao tác và sùng bái. Mọi cố gắng giáo dục thuở ấy có
thể phân tích làm hai phương diện :
Về thực hành gồm có huấn luyện về nghề nghiệp, công việc trong gia đình, binh bị và thể dục.
Về lý thuyết gồm huấn luyện về lễ nghi tôn giáo, y khoa, nghệ thuật, âm nhạc và văn chương.
Gia đình là tiêu điểm của hầu hết mọi nỗ lực về giáo dục. Trong gia
đình đàn ông giữ phần huấn luyện con trai, đàn bà dạy dỗ con gái bằng
những công việc thực tiễn và giản dị. Dần dần các tiến bộ được ghi nhận
, mô phỏng rồi truyền dần đến người trong cùng bộ lạc.
Dưới mắt người phương Tây thì giáo dục phương Đông hình như chú
trọng vào việc duy trì những định chuẩn sinh hoạt hiện hữu và ý thức
quốc gia hơn là sự phát triển cá nhân, chú trong vào cự ổn định xã hội
hơn là sự tiến bộ xã hội, (Oriental programs of education seem to have
been concerned with fixing and perpetuating existing standards and
national ideas rather than with the development of the individual,
with social stability rather than with social progress. – THE
EDUCATOR’S ENCYCLOPEDIA, Prentice-Hall, 1969, p.13)
Thực ra nhận xét trên đây có phần đúng khi quan sát nền giáo dục cổ
Trung Hoa, Hindu và nền văn hóa Ba-tư, vì trừ một vài điểm khác biệt,
chúng có ba đặc tính tương tự đó là sự hấp thụ truyền thống, duy trì
trật tự xã hội và sửa soạn vai trò cá nhân trong đời sống.
Tuy nhiên để có một nhận định khách quan hơn, chúng ta không thể
không nêu lên hai tính cách đặc biệt có ảnh hưởng lớn đối với nền giáo
dục phương Đông. Đó là giáo dục Khổng giáo và giáo dục Phật giáo. (
Phần giáo dục Phật giáo sẽ trình bày ở phần sau )
Cũng như hầu hết các nền giáo dục thời cổ nhằm chinh phục con người
bằng cách rèn luyện cho nó trở nên thuần thục theo khuôn phép rồi sau
mới đến các phương diện khác, giáo dục Khổng giáo bắt đầu với đứa trẻ
bằng sự dạy lễ nghĩa, đạo đức rồi sau mới cho học văn chương trau giồi
tài an bang tế thế. Thiên mở đầu sách Luận Ngữ, sách tập hợp những lời
dạy của Khổng tử đã nói về dạy dỗ và học tập như sau : “Kẻ đệ tử ở
trong gia đình thì hiếu thảo, ra ngoài thì hòa thuận, cẩn trọng vag
thành thật, yêu mọi người và giữ lòng nhân hậu. Làm được những điều ấy
thừa sức nhiên hậu mối học văn chương.” (Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc
đễ,cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân. Hành hữu dư lực tắc dĩ
học văn.-Luận Ngữ, Học nhi, câu 6) Đứa trẻ trước hết được huấn luyện 3
điều :
-Một là ứng đối, tức cách thưa gửi đối đáp.
-Hai là tiến thoái, tức nết đi đứng.
-Ba là sái tảo, tức giữ gìn vệ sinh môi trường sống.
Khi những điều này thuần thục thì cái học của giai đoạn người trưởng
thành mới bắt đầu. Đó là vào cỡ tuổi 15. các nhà giáo dục Khổng giáo
dựa vào câu nói của Khổng tử : “Ta đến tuổi 15 thì dốc chí vào sự học
hành.” (Ngô thập hữu ngũ nhi chí hồ học.” – SĐ, Vi chính, câu 4) Giáo
dục giai đoạn trưởng thành của giáo dục Khổng giáo nhằm huấn luyện 3
lĩnh vực :
-Một là lễ nhạc, tức sự cẩn trọng và điều hòa trong
nếp sống đạo đức.
-Hai là xạ ngự, tức phép bắn cung, cỡi ngựa, đánh
xe.
-Ba là thư số, tức văn chương toán pháp.
Sự đào luyện 3 lĩnh vực trên cho thấy giáo dục Khổng giáo cũng nhằm
phát triển 3 phương diện : đức dục (lễ nhạc), thể dục (xạ ngự) và trí
dục (thư số). Giai đoạn giáo dục này Khổng giáo gọi là Đại học, tức cái
học của kẻ trưởng thành (Đại học giả đại nhân chi học dã. – Đại Học,
Chu Hy chú). Cái học của kẻ trưởng thành là phải làm sao cho sáng tỏ
cái đức sáng suốt, làm cho dân trí dân sinh luôn đổi mới, khi nào đạt
tới chỗ hoàn thiện nhất mới thôi.” (Đại học chi đạo tại minh minh đức,
tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện. – SĐD).
Để đi tới mục đích đó người học phải tuần tự trải qua 4 giai đoạn nghĩa vụ :
– Tu thân –Tề gia – Trị quốc – Bình thiên hạ
Dưới thời Khổng tử, xã hội nhà Chu là một xã hội phân loạn về chính
trị. Các chư hầu không tùng phục nhà Chu, luôn xâm lấn thôn tính lẫn
nhau để đồ vương tranh bá. Trong hoàn cảnh lịch sử đó, nền giáo dục
Khổng giáo đã ra đời như một chủ thuyết giáo dục chính trị nhằm vãn hồi
trật tự xã hội. Muốn thế trước tiên phải dựng lên một hình ảnh tượng
trưng cho sự thống nhất đó. Và Khổng tử đã chủ trương tôn phù nhà Chu.
Khổng tử đã ca tụng văn hóa nhà Chu và khẳng định lập trường theo nhà
Chu của mình :”So sánh với Hạ, Ân thì văn hóa nhà Chu rực rỡ thay ! Ta
theo nhà Chu” (Chu giám ư nhị đại, úc úc hồ văn tai. Ngô tùng Chu.
–Luận Ngữ, Bát tu, câu 14).
Khổng tử san định Kinh Thi, là những bài hát ca dao, phong dao mà
Khổng tử coi đó như phương tiện phổ biến giáo dục rộng rãi nhất trong
quảng đại quần chúng. Theo Khổng tử trong ba trăm thiên Kinh Thi có thể
tóm tắt trong một câu là “Tư tưởng không tà vạy” (Thi Kinh tam bách
thiên, nhất ngôn dĩ quán chi viết tư vô tà. – SĐD, Vi chính, câu 2). Và
luôn luôn đề cao truyền thống tốt đẹp bằng sự ca tụng thuở thái hòa
của thời Nghiêu Thuấn là những vị vua dùng đức trị không dùng pháp trị.
Vì theo Khổng tử lấy đức độ làm chính trị thì tự nhiên mọi người theo,
như sao Bắc đẩu hội tụ các vì sao khác. (Vi chính dĩ đức thí như Bắc
thần cư kỳ sở nhi chúng tinh cung chi. - SĐD, Vi chính, câu 1).
Ngoài ra giáo dục Khổng giáo còn là một nền giáo dục thực tiễn không
mê tín dị đoan. Khi Quý Lộ hỏi về lẽ sống chết và việc thờ cúng quỷ
thần, Khổng tử đã từ chối câu trả lời trực tiếp mà rằng : “Đã biết hết
sự sống thế nào chưa mà đòi biết đến sự chết. Chưa thể phụng sự được
con người nói chi đến phụng sự quỷ thần !” (Vị tri sinh yên tri tử… Vị
năng sự nhân yên năng sự quỷ. - SĐD, Tiền tiến, câu 12).
Những dẫn chứng trên cho thấy giáo dục Khổng giáo đã đánh dấu một
tiến bộ lớn lao trong giáo dục cổ phương Đông với hai tính cách đặc
biệt là tính xã hội và tính phi tôn giáo.
Thế nhưng mẫu người quân tử lý tưởng mà nền giáo dục Khổng giáo nhằm
đào tạo về sau đã trở thành một thứ giáo dục xa xỉ gần như dành riêng
cho một lớp người thuộc thượng tầng xã hội.
Về sự di chuyển của nền giáo dục từ phương Đông sang phương Tây,
nhiều nhà nghiên cứu khi khảo về văn hóa nhân loại thường đồng ý cho
rằng châu Á là quê hương của mọi nền văn hóa, và giáo dục phương Tây
buổi đầu cũng đã thừa tiếp nền giáo dục phương Đông.
Theo THE EDUCATOR’S ENCYCLOPEDIA, Prentice-Hall, 1969, tr.14, thì
chính nền giáo dục của dân Hebrew đã đánh dấu cuộc chuyển tiếp này.
Trong Thánh Kinh, Sáng thế ký có chép về lịch sử dân Hebrew và quốc gia
này rằng Abram, sau đổi tên là Abraham, là cha đẻ của dân Hebrew đã di
cư từ Chaldees, một thị trấn của Sumer. Ông ta được lệnh rời bỏ xứ ông
để tìm một quê hương mới nơi miền đất hứa (promised land). Ông đã tìm
ra Canaan mà sau này được biết là thánh địa Palestine. Vùng đất này gần
bờ biển phía Đông Địa Trung Hải, nằm vào con đường qua lại của thương
gia và quân đội giữa Ai Cập và châu Á. Chưa kể đến nền giáo dục và văn
minh Thiên chúa giáo đã đóng góp cho thế giới phương Tây về sau, sự
thành lập quốc gia Do Thái đã cho thấy đây là cái cầu nối cho sự thẩm
nhập nền văn hóa và giáo dục từ phương Đông sang phương Tây.
Dù sao, nếu nói dân Hebrew và quốc gia Do Thái đã đóng góp cái vai
trò du nhập nền văn hóa phương Đông sang phương Tây như cái cầu nối
liền hai chân trời Đông và Tây thì có thể nói Thiên chúa giáo đã phát
huy giáo dục của nền văn minh đó, nhất là sự đóng góp của Thiên chúa
giáo kể từ thời Phục Hưng (Renaissance) về sau mà ảnh hưởng đã bao trùm
nền giáo dục phương Tây qua nhiều thời đại.
Tuy nhiên theo Rena Foy trong THE WORLD OF EDUCATION, Mac Millan,
London, 1969 thì “Lịch sử truyền bá đạo Thiên chúa đã cho thấy rằng tổ
chức giáo dục của các trường dòng không những chỉ thất bại trong việc
thực hiện mục đích cao đẹp mà thường thường còn phản lại mục đích ấy.
Thông điệp tình yêu của Thiên chúa cho nhân loại đôi khi bị ô nhiễm đọa
lạc vào sự ganh ghét kỳ thị giáo phái, là lý do của chiến tranh bạo
lực và áp bức, là sự biện minh cho một nhóm phe phái hoặc giai cấp được
ưu đãi, là sự xao lãng những đòi hỏi hiện tại trong việc dọn mình cho
cuộc sống đời đời và chối bỏ cái khả năng tính bình đẳng của toàn thể
nhân loại.” (The frequently depressing historyof the spread of
Christianity reveals that the educative institutions established by the
various sects of its adherents not only failed to realizeits high
purposes, but that they frequently worked against these purposes. The
Christian message of lovefor mankind was sometimes corrupted into a
hatred for dissenters; an excuse for war, violence, and coercion;
justificationof privileged groups or ranks; neglect of present needs in
favor of exclusive preparation for eternal life; and denial of the
potential equality of all humans in the spiritual life.) (SĐD, tr.31)
4. Tương quan giữa văn hóa và giáo dục.
Văn hóa là gì ? Có thể nói văn hóa là sự thành tựu được tích lũy có
chọn lọc, giữ gìn và phát triển, qua quá trình lịch sử của một cộng
đồng người trong một địa bàn nhất định. Tức như văn hóa phi vật thể xưa
quen gọi là văn minh tinh thần và văn hóa vật thể xưa quen gọi là văn
minh vật chất. Một tổ chức quốc tế, UNESCO của Liên Hiệp Quốc từ năm
2002 đến nay đã công bố như một định nghĩa chung được chấp nhận như sau
: “Văn hóa được xem như một tập hợp các đặc trưng về tinh thần và vật
chất, tri thức và tình cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã
hội. Văn hóa không chỉ gồm có văn học nghệ thuật mà còn cả cách sống ,
các quyền căn bản về con người, hệ thống giá trị, các truyền thống và
tín ngưỡng…” ( Culture comprises the whole complex of distinctive
spiritual, material, intellectual and emotional features that
characterise a society or a social group. It includes not only the arts
and letters but also modes of life, the fundamental rights of the
humain being, value systems, traditions and beliefs. )
Có người bảo từ văn hóa là do dịch từ tiếng Culture của phương Tây,
nhưng thật sự khái niệm văn hóa đã hình thành trong tư tưởng phương
Đông từ rất xa xưa. Kinh Dịch có câu :” Quan thiên văn dĩ sát thời
biến, quan nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ.” nghĩa là quan sát hiện
tượng thiên nhiên để thấy sự biến dịch của thời tiết, quan sát hiện
tượng xã hội để giáo hóa con người. Văn hóa trong quan niệm người
phương Đông nói lên cái sinh hoạt con người trong thiên nhiên và cộng
đồng xã hội qua thời gian và không gian.
Cuộc sống con người càng phong phú đa dạng thì văn hóa càng được
triển khai ra nhiều chi tiết nhiều lĩnh vực. Như ngày nay ta thường
nghe mà không còn lạ tai nữa như văn hóa giao tiếp ứng xử, văn hóa phục
trang, văn hóa ẩm thực, cho đến văn hóa tham gia giao thông, văn hóa
xếp hàng, văn hóa sử dụng điện thoại di động, rồi nào là khu phố văn
hóa, cung văn hóa, nhà văn hóa, gia đình văn hóa v.v… Tất cả những cái
được gọi là văn hóa đó dù cụ thể hay trừu tượng, dù vật thể hay phi vật
thể, đều không phải từ hư không rơi xuống mà do nỗ lực của con người
tiếp thu, tích lũy, chọn lọc, hoàn thiện và phát triển để trang nghiêm
cuộc sống. Như vậy những công đoạn tích lũy, gạn lọc, bảo tồn và phát
triển là gì nếu không phải là quá trình giáo dục ? Không được giáo dục
tự nhiên làm sao có văn hóa ? Một người không học không hành, người ta
bảo là người không có văn hóa, học hành chẳng tới đâu người ta cho là
thiếu trình độ văn hóa.
Vậy giáo dục dù nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, dù quan niệm theo phương
Đông hay phương Tây, dù truyền thống hay hiện đại đều có nghĩa là xây
dựng văn hóa, đưa văn hóa lên tầm cao. Văn hóa cao trở lại tạo động lực
cho giáo dục tiến nhanh tiến mạnh, đạt được nhiều thành quả tốt hơn
nữa.
Cho nên người làm công tác văn hóa đồng thời cũng là người làm công
tác giáo dục. Người làm công tác giáo dục đồng thời cũng là người xây
dựng văn hóa.
5. Phật giáo có hay không có một nền giáo dục ?
Phật giáo phải chăng là một thành tựu văn hóa hay một hệ thống giáo
dục hay một hệ thống triết lý, tín ngưỡng hay tôn giáo? Dĩ nhiên xưa
nay theo quan niệm chung, Phật giáo được coi là một trong các tôn giáo
lớn trên thế giới. Nhưng Phật giáo dứt khoát không như một tôn giáo
theo khái niệm thông thường, cũng không phải chỉ là một hệ thống triết
lý. Không như một tôn giáo theo quan niệm thông thường vì người Phật tử
bác bỏ thuyết sáng tạo, không chấp nhận thần quyển. Người Phật tử
không thấy có một thiên đàng nào ngoài thế giới này. Thiên đàng hay địa
ngục đều do con người tạo ra, là một loại hình xã hội, quốc độ, thế
giới của con người tạo dựng. Người Phật tử không trông mong chết đi
được sinh về làm con dân một nước thiên đàng, được hầu hạ một đấng chúa
tể, mà nỗ lực hoàn thiện nhân cách, đoạn diệt phiền não chướng sở tri
chướng để tự giải thoát, thể nhập bản thể thanh tịnh của pháp thân.
Phật giáo là giáo pháp của đức Phật dạy. Vậy cũng có thể nói Phật giáo
là một hệ thống giáo dục. Vì một trong 10 hiệu của Phật là Thiên nhân
sư.
Đứng về mặt thế tục đế, từ góc độ văn hóa có thể thấy Phật giáo là
một thành tựu văn hóa, từ bình diện giáo dục sẽ thấy Phật giáo là một
hệ thống giáo dục, từ khía cạnh lễ nghi tín ngưỡng thì thấy có một hình
thức tín ngưỡng tôn giáo.
Nếu dùng nhãn quang một nhà nghiên cứu văn hóa xã hội chắc ai cũng
phải thấy Thích-ca Mâu-ni là nhân vật lịch sử đã làm một cuộc cách mạng
văn hóa vĩ đại, đổ nhào hệ tư tưởng và thang giá trị đã bao nhiêu lâu
ngự trị trên bán đảo Ấn Độ. Thử làm một vài so sánh sẽ thấy bao nhiêu
điều thú vị.
Đạo Bà-la-môn Phật giáo
- Thần sáng tạo - Không thần sáng tạo
- Phân chia giai cấp - Không giai cấp
- Sát tế đẫm máu - Không sát sinh
- Thầy BLM ở tại gia - Tu sĩ PG xuất gia
- Thầy BLM phải có vợ con - Tu sĩ PG không
- Thầy BLM phải có kinh tế - Tu sĩ PG không
- Thầy BLM để tóc dài - Tu sĩ PG cạo đầu
- Thầy BLM mặc toàn trắng - Tu sĩ PG mặc áo thâm
- Đạo BLM không có nữ tu - Phật giáo có
- Phụ nữ là tài sản của nam - Bình đẳng nam nữ
Vậy nếu nói tôn giáo là một hiện tượng văn hóa thì Phật giáo cũng có thể xem như một hiện tượng văn hóa.
Cũng thế, nếu xem Phật giáo là một hệ thống giáo dục thì nói như vậy cũng không sai. Bởi Phật giáo là giáo pháp đức Phật dạy.
Ngày nay nói đến giáo dục thế gian, người ta không còn quan niệm
giáo dục chỉ là dạy 3R cho trẻ con mà đã tiến đến lý thuyết 4W đó là
who, whom, what, how và đối tượng là con người từ đầu đời đến cuối đời.
Chữ thứ nhất là ai dạy. Là Phật, Bồ-tát và thời sau Phật là đệ tử
Phật. Đệ tử Phật là gồm 7 chúng chứ không phải thiểu số độc quyền. Chữ
thứ hai là dạy ai. Câu trả lời là dạy tất cả chúng sinh. Đối tượng trực
tiếp là con người, nếu mở rộng là chúng sinh trong 6 đường. Chữ thứ ba
là dạy cái gì. Là đem giáo pháp ra mà dạy. Giáo pháp gồm 3 tạng : kinh
tạng là giáo thuyết Phật nói để khai ngộ chúng sinh đạt chứng Niết-bàn
và hóa độ hữu tình. Nói theo thế tục đế là giáo dục Phật giáo nhằm đưa
con người đạt đến đỉnh cao của trí tuệ và tình cảm của con người toàn
vẹn. Kinh còn được gọi là khế kinh. Khế nghĩa là phù hợp, phù hợp chân
lý, phù hợp cơ duyên và phù hợp với thời gian. Luật tạng là giới luật
Phật dạy cho các đối tượng tu dưỡng, nói theo thông thường là luật lệ
quy tắc sinh hoạt, là quy luật đạo đức cần thiết cho tất cả mọi người
dù sống độc cư hay trong tập thể, trong cộng đồng. Luận tạng là tất cả
những luận nghị, biện luận làm sáng tỏ nghĩa lý các giáo thuyết do Phật
nói, được các La-hán, Bồ-tát rút tỉa trong kinh tạo ra. Chữ thứ tư là
dạy như thế nào. Là các phương pháp ứng dụng để giáo dục đạt hiệu quả.
Bốn W sẽ được trình bày chi tiết trong phần nội dung giáo dục Phật
giáo.
Như vậy là Phật giáo có một nền giáo dục có thể trả lời cho câu hỏi 4 W.
Thế nhưng cho đến thế kỷ 20, Phật giáo chưa hề được giới giáo dục đề
cập đến như một hệ thống giáo dục. Phật giáo có hay không có một nền
giáo dục là điều các nhà giáo dục trên thế giới ít biết đến, nhất là
các nhà giáo dục phương Tây.
Khổng tử đề cao lễ nhạc, giảng dạy tam cương ngũ thường, san định
Kinh Thi, để lại cho đời một quyển Luận Ngữ đã được hậu thế tôn xưng là
“vạn thế sư biểu”, là tiêu biểu một bậc thầy của muôn đời. Jesus
Christ còn lại một Thánh Kinh, và trong THE EDUCATOR’S ENCYCLOPE-
DIA, nhà xuất bản Prentice-Hall (tr.16) đã lặt ra 4 điểm gọi là
những đóng góp của Thiên chúa giáo cho nền giáo dục thế giới bởi thông
điệp về sự cứu rỗi.
Còn Thích-ca Mâu-ni từ khi đứng dậy dưới cây Pippala cho đến khi nằm
xuống trong rừng Sala một đêm trăng vàng, ròng rã 45 năm không mỏi mệt
đi khắp miền của bán đảo Ấn Độ giảng dạy từ vương hầu tể tướng,
Bà-la-môn, cư sĩ, thương nhân cho đến người Paria đều được hóa độ không
phân biệt riêng ai. Những lời vàng ấy đã được kết tập thành tạng giáo
bằng văn hệ Pali, Sanskrit và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, có tác
dụng như ngọn gió mát trong lành thổi vào sinh hoạt con người suốt từ
hai ngàn năm cho đến thế kỷ 21 đầy sôi sục và bất trắc này là điều có
thể phủ nhận được sao?
Xã hội Ấn Độ dưới thời Thích-ca Mâu-ni có hai tình trạng đặc biệt mà
người nghiên cứu không thể bỏ qua. Một thuộc khía cạnh tư tưởng, một
thuộc khía cạnh xã hội.
Về mặt tư tưởng có thể nói đây là nơi phát tích của nhiều tín ngưỡng
tôn giáo như bái vật giáo, đa thần giáo, nhất thần giáo, vô thần giáo.
Theo Phạm Động Kinh trong bộ Trường A-hàm thì lúc bấy giờ có đến 62
học phái ngoại đạo. Có phái chủ trương khoái lạc. Họ cho rằng từ ý nghĩ
cho đến hành vi sở dĩ xấu ác tội lỗi là vì khoái lạc không được thỏa
mãn. Theo chủ trương phái này thì nếu khoái lạc được thỏa mãn con người
sẽ nhẹ nhàng khoan khoái. Có no đầy khoái lạc con người mới thực sự tự
do giải thoát trước dục vọng. Thực sự nói thế khác nào khát nước mà
uống nước muối, càng uống càng khát thêm. Ngược lại có phái chủ trương
ép xác khổ hạnh. Họ ngồi trên bàn chông, phơi mình dưới nắng cháy, nhịn
đói hay quất roi vào người dùng nhiều hành thức để hành hạ xác thân.
Phái này coi xác thân là nguyên nhân của mọi tội lỗi. Nó khác nào con
ngựa bất kham, phải trừng trị cho đến tê mê kiệt quệ không còn cảm giác
mới hết những thèm muốn những đòi hỏi thấp kém. Theo họ, thân xác là
ngục tù, nó giam hãm tinh thần không cho thần hồn thể nhập được với
tinh hoa của vũ trụ. Thân này phải như cây củi khô, có cháy cho tiêu
tan thì khói thần hồn mới bốc cao tận chín phương trời. Thế nhưng trên
thực tế, chưa bao giờ trồng giống chua mà được quả ngọt.
Về mặt xã hội, đạo Bà-la-môn chủ trương mọi người đều do thần Brahma
sinh ra. Trong NGUYÊN NHÂN TÁN CA có ghi : “Dòng Bà-la-môn được thần
Brahma sinh từ miệng, dòng vương tộc từ hai cánh tay, thứ dân từ hai
mắt và hạ tiện nô lệ từ hai chân.” (Rig Vedas. X.92.12). Từ huyền thoại
đó, xã hội Ấn Độ đã phải sống trong chế độ chủng tính (Castes) vô cùng
khe khắt không làm sao thoát ra được nếu không có một cuộc cách mạng
tư tưởng, cách mạng xã hội.
Sự xuất hiện của Thích-ca Mâu-ni và giáo lý của ngài trong bối cảnh
đó có thể coi như một cuộc cách mạng về tư tưởng và xã hội. Thích-ca
Mâu-ni từ bỏ cuộc sống vương giả cao sang dấn thân tìm đạo, rồi từ cuộc
sống khổ hạnh trở lại cuộc sống bình thường. Hai cử chỉ ấy là sự thể
nghiệm và đồng thời cũng chứng minh rằng chủ trương khoái lạc hay hành
xác đều sai lầm. Bài nói pháp đầu tiên của Thích-ca Mâu-ni đã phủ nhận
cái gọi là chúa tể sáng tạo của nhất thần giáo, những luận điệu mơ hồ
của phiếm thần giáo và đa thần giáo. Đạo lý nhân quả trong Tứ diệu đế
được giải thích bởi lý 12 nhân duyên, cắt nghĩa sự sinh thành tồn tục
của vũ trụ vạn vật mà không lâm vào ngõ bí của nguyên nhân đầu tiên.
Thuyết nhân quả của Thích-ca Mâu-ni đã trả lại cho con người cái giá
trị đích thực mà từ xưa đã bị tư tưởng hữu thần tước đoạt. Theo đó con
người tự trách nhiệm đối với hạnh phúc hay khổ đau bằng hành vi của
chính mình chứ không do may rủi, không do định mệnh hay thần linh
thưởng phạt. Vì thế sau khi giác ngộ, Phật dạy 8 con đường hành động để
cải thiện đời sống cho đời này và mai sau.
Thuyết nói về 4 chân lý và 8 con đường hành động còn phủ nhận huyền
thoại về sự phân chia giai cấp đã ngự trị xã hội Ấn Độ từ khi dân tộc
Aryan thu phục xứ này. Trong Kinh Tiện Dân (Nipata), một bản kinh giải
thích về sự hạ tiện hay tôn quý của dân chúng có đoạn như sau : “Con
người sinh ra không ai là tiện dân không ai là Bà-la-môn mà do hành vi
khiến họ trở thành tiện dân hay Bà-la-môn.” (Sn. I. Vasala).
Để thực hiện cuộc cách mạng xã hội, Thích-ca Mâu-ni một Đông cung
Thái tử dòng Sát-đế-lị đã bỏ vương triều cầm cái bát của kẻ ăn xin.
Thích-ca Mâu-ni đã tổ chức đời sống tăng đoàn theo 6 pháp hòa hợp. Đây
là một mô hình sinh hoạt của một xã hội không còn đấu tranh vì đã xóa
sạch mâu thuẫn. Bà Gotami, theo Tiểu Phẩm Luật, là phụ nữ đầu tiên được
Thích-ca Mâu-ni độ cho xuất gia tu học hành đạo với đầy đủ phương diện
như nam giới. Nếu gọi đây là quyền bình đẳng, quyền con người thì
ngoài Phật giáo, trong nhiều tôn giáo lớn người phụ nữ vẫn chưa được
cái quyền này.
Đạo Phật còn nhằm đào tạo một mẫu người lý tưởng dấn thân phụng sự
xã hội. Đó là con người Bồ-tát đa hạnh, và dù hạnh nguyện nào, con
người Bồ-tát cũng được khuyến khích học hỏi 5 điều sáng tỏ, tức ngũ
minh (Phạn : pañca vidyā-sthānāni) để làm việc lợi ích cho đời như
phương tiện độ sinh. Năm phương tiện đó là : 1. Nội điển, 2. Luận lý,
3. Ngôn ngữ, 4. Y thuật, 5. Kỹ thuật. Đây sẽ là một ngạc nhiên to lớn
cho những ai nghiên cứu giáo dục khi phát hiện ra những điều này trong
đạo Phật.
Thế nhưng đến gần cuối thế kỷ 20, các tác phẩm lớn viết về giáo dục
thế giới như THE WORLD OF EDUCATION, Mac Millan, London ấn hành 1967,
của Rena Foy chỉ nói đến giáo dục cổ Hi Lạp, giáo dục của La Mã, giáo
dục Khổng giáo, giáo dục Thiên chúa giáo. Quyển THE DEVELOPMENT OF
EDUCATION IN THE 20th CENTURY của Meyer, Prentice-Hall tái bản nhiều
lần cũng không hề đề cập đến giáo dục Phật giáo. Giáo dục Phật giáo là
một lãnh vực còn bị bỏ hoang, là đề tài chưa được khai thác. Tiến sĩ
Kanazawa Tomitarō trong lời đề tựa quyển NGHIÊN CỨU TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC
PHẬT GIÁO, 1955, đã than rằng :” Nhìn lại quá trình nghiên cứu lịch sử
giáo dục Phật giáo Nhật Bản từ trước đến nay, ta thấy vai trò của Phật
giáo đã hết sức bị xem nhẹ.” Đây chính là điểm người làm công tác văn
hóa giáo dục Phật giáo phải đánh lên tiếng chuông cho mọi người nghe,
đừng để ba tạng kinh điển nằm im trong tủ kính một cách tôn nghiêm mà
không ai biết có gì trong đó, phải rút tỉa các đặc chất của giáo dục
Phật giáo với nhãn quang của nhà giáo dục, nghiên cứu, phân tích, phân
loại, hệ thống rồi giới thiệu rộng rãi, giới thiệu thường xuyên, giáo
pháp Phật dạy như một khoa học giáo dục, không phải chỉ để biết mà để
áp dụng điều Phật dạy trong cuộc sống.
Vấn đề giáo dục Phật giáo còn chưa được khai thác ở Việt Nam là tại
sao ? Cố giáo sư Minh Chi trong bài Giáo dục Phật giáo đối diện những
vấn đề hiện đại đã phát biểu :” Cho đến nay , ta thường hạn chế số
người làm chức năng giáo dục trong tăng sĩ và giờ giáo dục Phật giáo
trong các buổi thuyết pháp hay là lên lớp ở các trường Phật học cơ bản
và cao cấp. Một quan niệm hẹp như vậy làm giảm sút hiệu quả giáo dục
của Phật giáo rất nhiều. Tất cả những người không kể là xuất gia hay
tại gia một khi đã tin vào chân lý của những giá trị triết lý đạo đức
của đạo Phật và sống theo đúng những giá trị đó đều mặc nhiên trở thành
những nhà giáo dục Phật giáo, bằng thân giáo, bằng mọi hành vi và lời
nói của mình.” (GIÁO DỤC PHẬT GIÁO TRONG THỜI HIỆN ĐẠI, Viện Nghiên Cứu
Phật Học Việt Nam, NXB TP.HCM, tr.88)
Nếu thời Phật tại thế đã có một Duy-ma-cật giảng diễn Phật pháp, một
Thắng Man phu nhân giảng nói lý nhất thừa đạo là hình ảnh một cư sĩ
nam một cư sĩ nữ đã thực hành vai trò giáo dục giảng nói ý nghĩa Đại
thừa cao tột của Phật giáo thì sau Phật không lâu một Asoka đã truyền
bá Phật giáo sang phương Nam và sự nghiệp truyền bá cũng như sự nghiệp
giáo dục Phật giáo của ông không bao giờ phai mờ trong lịch sử đạo
Phật. Ở Nhật Bản một Thánh Đức Thái tử đã khoác áo ca-sa trên thân hình
thế tục lên giảng tòa giảng kinh Thắng Man. Không những thế ông đã
viết ra Hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản, đem tinh thần đạo Phật dạy dỗ
dân chúng mà ngày nay còn được tôn quý như là cơ sở tinh thần của Nhật
Bản. Trong đó Điều thứ 2 trong Hiến pháp như sau : “Nhị viết : Đốc kính
Tam Bảo. Tam Bảo giả Phật Pháp Tăng dã. Tắc tứ sinh chi chung quy. Vạn
quốc chi cực tôn. Hà thế hà nhân. Phi quý thị pháp. Nhân tiên vưu ác.
Năng giáo tùng chi. Kỳ bất quy Tam Bảo. Hà dĩ trực uổng.” Nghĩa là :
Điều thứ 2 : Dốc lòng tin kính Tam Bảo. Tam Bảo là Phật Pháp Tăng, là
nơi chung quy của bốn loài sinh, cực tôn của muôn nước. Dù người nào ở
thời nào không quý trọng pháp này thì con người thành xấu ác, nên dạy
người tuân theo. Nếu không quy y Tam Bảo thì lấy gì sửa đổi chỗ tà
vạy.”
Ở Việt Nam cũng có các vị thời gần đây như Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình
Thám, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền v.v… nhưng con số tham gia công
tác giáo dục Phật giáo thật vô cùng khiêm tốn. Ngày nay ở trong nước
cũng như ở nước ngoài có những cá nhân hay nhóm cư sĩ âm thầm làm công
việc Phật sự như dịch kinh, chú thích, giảng giải, giới thiệu, xuất bản
hoặc đưa lên mạng toàn cầu mà không vụ lợi cũng không chờ đợi được sự
bảo trợ từ đâu đến. Mong sao mọi người Phật tử đồng hộ niệm để mỗi ngày
một nhân lên, cho tinh thần đạo Phật hòa vào công cuộc giáo dục con
người trên thế giới.
Ngày 4 tháng 1 năm 2010
Lý Kim Hoa Ph.D
Tiến sĩ Giáo dục Đại Học Kyoto Nhật Bản