...Ở đây tôi chỉ nói phiền não của tam độc tham sân si, quí vị
đã sạch chưa? Tham sân si thôi mà cũng chưa sạch, thì nói gì những thứ
vi tế hơn. Trong kinh A-hàm kể lại, một hôm đức Phật gọi các thầy
Tỳ-kheo đến bảo:
- Này các Tỳ-kheo, nếu trong thất của các ông có ba con rắn độc chui vào thì các ông có ngủ yên không?
Các thầy Tỳ-kheo thưa:
- Bạch Thế Tôn, chúng con ngủ không yên.
Phật hỏi:
- Làm sao các ông mới ngủ yên?
- Bạch Thế Tôn, chừng nào đuổi được ba con rắn độc ấy ra khỏi thất, chúng con ngủ mới yên.
Phật nói:
-
Cũng vậy, ba con rắn ấy tuy độc, nhưng nó cắn chỉ chết một thân này
thôi. Còn ba thứ độc tham, sân, si giết hại con người không biết bao
nhiêu đời.
Tham sân si còn độc hơn cả con rắn độc. Biết thế rồi,
chúng ta có dám chứa nó trong nhà nữa không. Hiện giờ quí vị đang chứa
hay đuổi hết rồi? Rắn độc ở trong nhà, nhiều khi không muốn đuổi mà còn
nuôi nữa chứ. Thật là trái đạo lý vô cùng. Dù chỉ một con thôi ngủ còn
không yên, huống nữa là đủ ba con. Tại nó lì hay tại mình thương nó?
Có
nhiều người nổi sân la lối om sòm, người khác khuyên tại sao thầy (cô)
nóng quá vậy, thì liền nói: “Nó làm cái đó đáng tức quá mà, không nổi
nóng sao được?” “Đáng tức” hay “đáng giận” là cho cái giận cái tức của
mình là đúng. Như vậy mình dung dưỡng sân hận trong lòng, không nỡ đuổi
đi. Đó không phải là nuôi rắn độc sao? Nếu không thương nó, khi được
nhắc mình liền tỉnh: “À, tôi quên. Thôi, tôi không dám tái phạm điều đó
nữa đâu.” Như vậy mới gan dạ, mới gọi là đuổi ba con rắn độc ra khỏi
nhà.
Bao giờ còn tham, sân, si là chúng ta còn trằn trọc, khó chịu
trong lòng. Vậy tại sao không chịu đuổi nó đi. Đem hết tâm tư, đem hết
sức lực cố gắng đuổi, chớ không bao giờ cười chơi khi thấy ba con rắn
độc đang nằm ngủ trong nhà. Biết có rắn độc trong nhà mà vẫn yên vui
tươi cười, đó là người thông minh hay ngu muội? - Ngu muội. Bởi si mê
nên chúng ta mới chứa chấp ba thứ độc. Ngày nào còn một đứa, một con
trong nhà là ngày đó còn bất an, còn lo sợ.
Người tu chúng ta ngày
nay thấy ai buồn ai khổ thì khuyên, miệng nói hay lắm nhưng tới phiên
mình thì cũng buồn khổ như ai. Đó là điều đáng xấu hổ…
Đôi khi
chúng ta còn tìm biện hộ cho cái dở của mình nữa. Khi có điều gì khiến
mình nổi sân lớn tiếng, chúng ta đổ thừa: “Tại nói nhỏ họ không chịu
nghe, buộc lòng phải la lớn. La lớn cho họ sợ!” Thật ra không biết đó là
“buộc lòng” hay nổi nóng. Chúng ta nổi nóng, kềm không được nên la lớn
tiếng, chớ có buộc lòng gì đâu. Lại còn mượn lý lẽ Bồ-tát quở nạt người
là vì đại từ đại bi, nên ta cũng như vậy. Thật đáng tội.
Đức Phật
dạy chúng ta bỏ tham sân si khi bản thân Ngài đã dứt sạch nó. Do đó
chúng ta mới theo, mới đảnh lễ Ngài. Nếu Phật còn tham sân si thì chắc
chúng ta đã không theo, không đảnh lễ Ngài. Trong kinh A-hàm kể lại, một
hôm đức Phật đi giáo hóa vùng theo đạo Bà-la-môn, Ngài độ được dân
chúng tu Phật rất đông. Thầy Bà-la-môn vùng đó mất hết bổn đạo liền nổi
sân. Một hôm, ông chờ đức Phật ôm bát đi khất thực, liền theo sau chửi
rủa. Ông chửi từ đầu đường tới cuối đường, mà đức Phật vẫn cứ ung dung
đi, không trả lời gì hết. Tức quá, ông chặn Phật hỏi:
- Cù-đàm, Ngài có điếc không?
Phật trả lời:
- Không. Ta không điếc.
- Không điếc, tại sao tôi chửi Ngài, Ngài không trả lời?
Phật nói:
- Nếu ông có quà đem tặng người ta, người ta không nhận thì quà đó về ai?
- Nếu tôi tặng quà mà người ta không nhận thì quà đó về tôi chớ về ai.
Phật nói:
- Cũng vậy, ông chửi ta mà ta không nhận thì có dính dáng gì đâu.
Nghe
vậy, ông Bà-la-môn im lặng bỏ đi. Nhờ thế bây giờ chúng ta mới lạy
Phật. Nếu khi đó Phật cự lại với ông Bà-la-môn thì ngày nay mình đâu có
lạy Ngài. Chúng ta bây giờ đừng nói là chửi, chỉ nghe huynh đệ xù xì
thôi là đã khó chịu, đã nghi ngờ rồi. Cho nên phải đứng lại nghe lóm xem
có dính tên mình không? Nếu lỡ có dính thì biết. Như vậy có phải kiếm
việc để phiền não không? Người ta không kêu tên mình, không nói thẳng
mặt mình mà mình lén nghe rồi sanh sự. Thật là quá cách xa với những gì
Phật dạy, quá xa với tư cách của một người xuất gia.
Người tu là
người gác ra ngoài những lời nói vô nghĩa, không bận tâm những chuyện
thị phi, để dồn hết tâm lực vào việc tu hành. Như vậy mới mong có ngày
hết phiền não, có ngày giải thoát. Còn chúng ta dính mắc quá chừng thì
làm sao hết phiền não? Phiền não không hết thì làm sao được tự tại, giải
thoát? Bao nhiêu đó đủ thấy tâm nguyện của mình như thế nào rồi.
...
Chúng
ta cứ lo chạy theo vô minh phiền não, nên mất quyền làm chủ. Bây giờ
gạt vô minh phiền não qua một bên, thì quyền thành Phật nằm sẵn trong
tay chúng ta, chớ có đâu xa. Đạo Phật dạy chúng ta tu là một việc làm
hết sức thực tế, chớ không phải chuyện viễn vông. Tu hết phiền não thì
tự nhiên hết khổ. Hết khổ thì được an lạc. Như vậy đạo Phật là ban vui,
cứu khổ cho mình cho người. Đạo Phật đưa một con người từ mê lầm trở
thành một con người giác ngộ, từ bờ mê lên bến giác. Đó là trọng tâm của
đạo Phật.
Trích Ý Nghĩa Lễ Xuất Gia - Thích Nguyên Phương (sưu tầm)