Khái quát thấm đẫm trí tuệ của Bậc Giác Ngộ trong câu kinh vừa dẫn ở trên, đã thừa nhận sự hiện hữu của các dục trong đời sống thường nhật của người cư sĩ. Đồng thời qua đó cũng hàm ẩn những thái độ ứng xử cần thiết của người cư sĩ khi sống chung với các dục. Thực sự, đời sống tình cảm là một khái niệm rất rộng. Nó bao hàm những chuẩn mực cơ bản trong quan hệ nam nữ nói chung cho đến những thái độ sống, cách thức ứng xử… liên quan đến đời sống hạnh phúc của lứa đôi.
Dù bất kỳ ở đâu và bất cứ thời đại nào, một người tại gia có đời sống tình cảm phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội nói chung và tôn giáo nói riêng thì được trọng thị và tán thán. Khảo sát rải rác từ Kinh tạng và tập trung nhiều nhất ở các tập Jataka cho thấy, Đức Phật đã có những quan tâm cụ thể đến đời sống tình cảm của người cư sĩ tại gia.
Năng lượng tính dục và mẫu người phối ngẫu
Mặc dù Đức Phật cho phép hàng tại gia sống chung với các dục, thế nhưng, việc làm chủ và quản lý năng lượng tính dục đúng đắn, phù hợp, là sự khẳng định mức độ trưởng thành của người cư sĩ.
Trong năm chuẩn mực đạo đức (năm giới) mà người cư sĩ phát nguyện vâng giữ sau khi quy y Tam bảo, thì chuẩn mực từ bỏ tà hạnh trong các dục(2) đã cho thấy, người cư sĩ chỉ được thỏa mãn tính giao với người phối ngẫu hợp pháp. Theo Đức Phật, hưởng thụ tính giao là một trong ba việc không bao giờ thỏa mãn(3).
Do vậy cần phải biết tự chế và vừa đủ trong vấn đề này. Tự chế là biết kiểm soát bản thân. Trong ứng xử với hoạt động tính dục, điểm đặc thù của con người so với các giống loài khác là khả năng tự chế. Tự chế là một trong bốn pháp đem đến nhiều thành công không chỉ một đời được Phật dạy trong kinh Tương ưng (4).
Trong đời sống tình cảm, tự chế còn mang nghĩa là vừa đủ với người phối ngẫu của mình. Đây chính là lưu ý được ghi nhận trong kinh Bại vong: Không vừa đủ vợ mình/ Ðược thấy giữa dâm nữ/ Ðược thấy với vợ người/ Chính cửa vào bại vong (5).
Vừa đủ và tạm an với sở dục của mình không những bảo hộ hạnh phúc gia đình, ngăn ngừa những nguy cơ khánh tận sức khỏe và tài sản, mà còn là sự khẳng định nết hạnh đạo đức cần có của người cư sĩ. Mặc dù quan điểm về gia đình cá thể, cũng như chế độ một vợ một chồng thời Phật vẫn chưa rõ ràng, thế nhưng khi ban lời chỉ dạy nêu trên, đã cho thấy tính nhân văn của Đức Phật, về những giải pháp ứng xử với năng lượng tính dục của người cư sĩ tại gia.
Kế đến, cân bằng trong sức khỏe và tuổi tác là những yếu tố quan trọng để có được hạnh phúc. Câu chuyện lựa chọn vợ béo mập nhưng khéo léo và sạch sẽ của vua Licchavi được ghi lại trong kinh Tiểu bộ là một trường hợp tiêu biểu về sức khỏe trong hôn nhân (6). Có thể chuẩn mực đó không phù hợp trong tư duy của nhiều người, nhưng ít ra qua đó đã cho thấy, yếu tố sức khỏe cũng là điều được quan tâm nhằm xây dựng hôn nhân hạnh phúc.
Bên cạnh yếu tố sức khỏe, thì việc quá khác biệt về tuổi tác cũng là một trở ngại trong đời sống tình cảm lứa đôi. Thực sự, đây là những lưu ý có giá trị thực tiễn được ghi lại trong kinh Tập: Người tuổi trẻ đã qua/ Cưới cô vợ vú tròn/ Ghen nàng không ngủ được. Chính cửa vào bại vong (7). Tuy Đức Phật chỉ khái quát trong bốn câu, nhưng đã chuyên chở những giá trị vượt tầm thời đại.
Phẩm chất của đời sống lứa đôi
Để có được một đời sống hạnh phúc, cả hai đối tượng phải có những phẩm chất tương ưng nhau. Đồng tín, đồng giới, đồng thí và đồng trí tuệ (8) là bốn điều kiện cơ bản để có được một đời sống hạnh phúc đúng nghĩa. Đồng tín là cùng một niềm tin. Khi cả hai có cùng một niềm tin, từ tin tưởng lẫn nhau cho đến cùng chung một đối tượng tôn thờ là tiền đề thứ nhất của hạnh phúc.
Thứ hai, đồng giới, là cả hai có cùng một phẩm chất đạo đức, ít nhất là tuân giữ năm giới. Thứ ba, đồng thí là cả hai có một tâm lượng rộng rãi, vị tha. Và cuối cùng, cả hai có cùng một sự hiểu biết, văn hóa sống cũng như thái độ ứng xử. Mức độ hạnh phúc của đôi lứa cũng như sự bền vững của hôn nhân liên quan chặt chẽ đến bốn chuẩn mực này.
Ngoài năm bổn phận và trách nhiệm tương ưng của đôi vợ chồng được Phật dạy khá chi tiết trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (9), thì một đôi lứa cần phải hội đủ những phẩm chất quan yếu của hạnh phúc lứa đôi. Vì lẽ, mặc dù người chồng hoặc người vợ vẫn ứng xử chu toàn trong bổn phận và trách nhiệm của mình, thế nhưng đó vẫn chưa phải là điều kiện đủ để hạnh phúc nảy nở, thăng hoa. Trong lịch sử văn chương đã bảo lưu nhiều lời oán thán của bao cô phụ, dẫu rằng mọi phương diện vật chất vẫn được người phối ngẫu bảo đảm, chăm lo.
Đọc lại lời dạy của Đức Phật trong kinh Tương ưng, mới thấy được hoa trái hạnh phúc của hôn nhân cũng cần thời gian và thử thách: Chính phải cộng trú mới biết được giới đức của một người, và phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không có tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ (10). Cho nên, để trải nghiệm hạnh phúc thực sự, cần phải hội đủ các phẩm chất như tính sắt son của người chồng, lòng chung thủy của người vợ và nghĩa tình của cả đôi bên. Đây được xem là những phẩm chất quan trọng trong đời sống tình cảm của người cư sĩ.
Trong kinh Tiểu bộ, cả hai chuyện tiền thân Đức Phật số (34) (11) và (216) (12) đều ghi lại câu chuyện về cái chết của một con cá. Chuyện kể rằng, cả hai vợ chồng cá thong thả ngao du, vì sơ suất nên con cá trống rơi vào lưới của dân chài. Trong thời khắc cuối cùng của đời sống, cá trống vẫn bận lòng nghĩ về người phối ngẫu của mình.
Và, trong chuyện tiền thân Puppharatta số (147), vì thương vợ một cách mù quáng mà người chồng đã phạm tội trộm cắp vật dụng của hoàng gia, nên đành phải chấp nhận hình phạt phơi thây trên cọc nhọn. Trong tâm tư người chồng bạc phận, thì khổ đau dù bị xiên trên cọc nhọn không bằng nỗi khổ đau khi không tìm được áo màu đỏ cây Kasumbha để cùng vợ dạo chơi trong lễ hội Kattika.
Cả ba câu chuyện vừa nêu mặc dù kết thúc trong đau thương thống khổ, nhưng qua đó đã chuyển tải một phẩm chất cần có của người chồng lý tưởng, đó là sự sắt son với người phối ngẫu, thậm chí cho đến phút cuối của đời mình. Có thể câu chuyện còn nhiều điều cần phải bàn về phương diện giải thoát, thế nhưng trên lãnh vực đạo đức nhân sinh, đã đọng lại những giá trị đáng trân trọng về phẩm chất sống chung tình của một đấng nam nhi.
Với người vợ, lòng chung thủy được kinh điển Phật giáo cũng như nhiều truyền thống đạo học tôn trọng và vinh danh. Nhân chứng tiêu biểu cho phẩm chất chung thủy là câu chuyện một dạ thờ chồng của nàng Yashodhara được ghi lại trong kinh Tiểu bộ.
Theo kinh, vua Suddhodana là người kể lại câu chuyện về lòng chung thủy của con dâu mình, tức công chúa Yashodhara: Bạch Thế Tôn, xin hãy nghe đây. Khi nàng hay tin Thế Tôn đã đắp y vàng, nàng cũng đắp y vàng, Thế Tôn bỏ hết các vòng hoa và đồ trang sức, nàng cũng bỏ hết mọi thứ và chỉ nằm ngồi dưới đất. Khi Thế Tôn đã xuất gia, nàng liền trở thành cô phụ và từ chối mọi tặng vật mà các vương tử khác gửi đến nàng. Lòng nàng bao giờ cũng trung thành với Thế Tôn (13).
Sau khi nghe vương phụ ca ngợi đức hạnh của con dâu, Đức Phật đã khẳng định rằng, không những nàng chung thủy với thái tử Siddhartha ở đời này mà ngay cả khi làm phi nhân ở kiếp quá khứ, nàng vẫn một dạ chung tình. Xem ra, chung thủy là một phẩm chất trân quý của người phụ nữ, được ghi nhận khá sớm từ kinh điển và được thể hiện tiêu biểu ở góa phụ lừng danh: nàng Yashodhara.
Phẩm hạnh thứ ba của một quan hệ hôn nhân lý tưởng, đó chính là nghĩa tình. Nghĩa tình là sự hy sinh, chăm sóc, san sẻ cho nhau qua những biến thiên hay thăng trầm trong đời sống vợ chồng. Đây là phẩm chất quan trọng của người cư sĩ tại gia. Câu chuyện nàng Sujata thương chồng thấu cảm đến chư Thiên được ghi lại trong kinh Tiểu bộ là một ví dụ điển hình. Chuyện kể rằng, vì mê say sắc đẹp của nàng Sujata nên nhà vua lập mưu hại chồng nàng. Tận cùng của bức bách đau khổ, nàng vừa khẩn cầu vừa oán trách trời cao. Lòng thương chồng thấu cảm tận trời xanh nên chư Thiên đã ra tay cứu khổ (14).
Motif vì chồng mà bất kể hiểm nguy còn được Đức Phật kể lại ở phần đầu chuyện tiền thân số (267). Nhờ sự khôn ngoan, cứng rắn, trung kiên của người vợ, nên tên cướp đã không giết chồng mà còn tha mạng cho cả hai. Khi hai vợ chồng trở lại Savatthi, thăm Đức Phật tại Hương phòng và thuật lại câu chuyện, Đức Phật đã dạy thêm: Này cư sĩ, ông chẳng phải là kẻ độc nhất được nàng cứu mạng đâu! Vào thời xưa nàng cũng đã từng cứu mạng nhiều bậc trí giả khác.(15)
Không những thế, tình nghĩa vợ chồng càng được thể hiện sâu nặng khi một trong hai người bệnh tật, ốm đau. Câu chuyện cảm động về thái tử Sotthisena với thân thể tanh hôi do bệnh tật lâu ngày, nhưng vương phi Sambulà không nhờm gớm, kinh tởm mà vẫn chạy chữa cho chàng mãi đến khi vượt qua bệnh tật, nguy nan (16). Kết thúc câu chuyện, Đức Phật đã nhận diện tiền thân: nàng Sambulà trong kiếp quá khứ chính là hoàng hậu Malika, vợ của vua Pasenadi hôm nay. Theo Đức Phật, Không chỉ bây giờ mà ngay cả ngày xưa nữa, Mallikà đã là người vợ thủy chung (17).
Câu chuyện là thiên diễm tình đẫm lệ, đã cho thấy rằng khi tình yêu đích thực có mặt, thì con người có đủ sức mạnh để cùng nhau đi suốt cuộc đời. Câu chuyện của đôi vợ chồng Nakula được ghi trong kinh Tăng chi (18) có cùng bối cảnh tương tự. Chuyện chỉ khác biệt, đó là lời trăng trối của người chồng khi tưởng mình sắp chết và lời hứa chắc thật của người vợ trong hoàn cảnh đặc biệt này. Đáng chú ý, trong những lời hứa của người vợ, ngoài những nội dung thường tình, còn mang những nội dung giáo giới của pháp Phật, nhằm chuyển hóa chồng mình. Chuyện thực sự có hậu khi người chồng đã vượt qua bệnh tật và cả hai sống trong hạnh phúc, an hòa.
Hình tượng tiêu biểu cho sự nâng đỡ lẫn nhau cùng tiến trên con đường thánh đạo, đó là câu chuyện của đôi vợ chồng được ghi lại trong phần đầu của chuyện tiền thân số (359) (19). Nhờ sự chuyển hóa từng bước của người vợ, người chồng vốn là ngoại đạo, đã từng bước thâm tín Tam bảo, để cuối cùng, cả hai xuất gia và không bao lâu đều chứng đắc Thánh quả. Có thể, đây chỉ là mẫu hình lý tưởng hiếm hoi trong đời sống tình cảm của người cư sĩ tại gia, nhưng ít ra qua đó, có thể thấy rõ một điều, giúp nhau tìm về với những giá trị thiện mỹ, là thông điệp được gửi gắm từ câu chuyện này.
Giải pháp khi tình cảm thăng trầm
Trong đời sống lứa đôi, sự va chạm, lục đục là thuộc tính thường gặp dù ở bất kỳ thời đại nào. Ngay như bản thân Đức Phật, khi biết được vợ chồng nhà vua Kosala gây gổ nhau và hôn nhân của họ có nguy cơ tan vỡ, Ngài đã thân hành thăm viếng và đã có những huấn thị kịp thời (20). Nhờ những quan tâm kịp thời đó, đời sống tình cảm của vợ chồng vua Kosala lại bền vững như xưa. Việc làm đó của Đức Phật, đã làm sáng tỏ luận điểm, đời sống lứa đôi rất cần sự hỗ trợ cũng như những lời khuyên thiết thực của người xuất gia.
Theo khảo sát, cung bậc thăng trầm trong đời sống tình cảm của người cư sĩ tại gia thường diễn ra trong ba tình huống. Thứ nhất là những mâu thuẫn thường nhật. Thứ hai, có những phút bất chợt xao lòng. Thứ ba, khi ngọn lửa tình yêu thực sự đã nguội lạnh. Trong cả ba tình huống, kinh điển Phật giáo đã lưu lại những gợi mở đáng suy gẫm.
Trước hết, trong đời sống hôn nhân, đôi khi khó có thể tránh khỏi những hiểu lầm nho nhỏ, những giận hờn vu vơ, những buồn bực vô cớ. Trong những trường hợp ấy, sự nhẫn nhịn của mỗi bên là phương sách hóa giải tình thế. Cần phải thấy, căn bản của hạnh phúc là sự hòa hợp và nhường nhịn. Để có được chất liệu đó, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hai bên. Nỗ lực ở đây chính là nỗ lực chinh phục tự ngã từ cả hai người.
Vì lẽ, trong mỗi người, tự ngã là điều gì đó rất riêng và luôn được cưng chiều, bảo bọc. Khi tự ngã bị xúc phạm, bị coi thường, thì con người thường có những thái độ phản vệ. Hơn đâu hết, khi chỉ ra sự thật trần trụi: chỉ có mình thương mình nhất (21), Đức Phật đã gửi gắm mong mỏi với những lứa đôi: Vậy ai yêu tự ngã, chớ hại tự ngã người (22). Nói rõ hơn, sự nhường nhịn và tôn trọng lẫn nhau là những liệu pháp ngăn ngừa cũng như cứu vãn những nguy cơ va chạm trong đời sống tình cảm thường ngày.
Thứ hai, do yêu cầu từ thực tiễn, cuộc sống của người tại gia luôn có những mối quan hệ và liên hệ. Do liên hệ, do nghiệp duyên, do không biết tự chế bản thân nên có những cung bậc tình cảm phát sanh ngoài quan hệ vợ chồng. Đây là tình huống mà ngôn ngữ hiện đại gọi là tình trạng nhất thời say nắng hoặc thể hiện văn vẻ hơn như bài thơ Những phút xao lòng (23).
Trong lịch sử hôn nhân, sự vọng động tơ tưởng đến người thứ ba xuất hiện rất sớm và thể hiện rất đa dạng, từ thứ dân cho đến quan quân, vua chúa (24). Ngay như một vị minh quân như vua Kosala, vẫn bị người thương yêu tư thông với kẻ khác (25). Điều đó đủ thấy sự rối rắm phức tạp trong cung bậc tình cảm con người. Gặp phải tình huống này, vua Kosala rất đau khổ.
Mặc dù vậy, vốn là một Phật tử thuần thành, vua Kosala đã đến Jetavana cầu thỉnh Đức Phật: Bạch Thế Tôn, nay trẫm phải làm gì với nó? (26). Đức Phật khuyên vua Kosala cần tỉnh táo, kham nhẫn trước sự thực đau lòng này. Theo Đức Phật, nếu như cả hai người biết hối lỗi, phục thiện và nếu như nhà vua còn yêu thương cung phi ấy; ngoài những biện pháp giáo dục, răn đe, thì nên mở một con đường sống để cả hai có thể quay về. Trong trường hợp này, biết buông xả, tha thứ cho những ai biết phục thiện, quay về là giải pháp được Đức Phật đề nghị.
Thứ ba, sở dĩ đời sống lứa đôi được định hình là do duyên nghiệp ở đời trước cũng như đời này. Duyên tụ thì thành và duyên hết thì tan. Trước thực tế, có những quan hệ hôn nhân được hình thành do sự áp đặt, ép gả, do sự hiểu biết nhau không đầy đủ, do một kẻ bất chợt thay lòng… đã tạo nên những bất hạnh và khổ đau cùng cực trong đời sống vợ chồng.
Xuất phát từ những bất cập đó, nên được gọi là vợ chồng nhưng đời sống tình cảm có đôi lúc không khác địa ngục bao xa. Trong tận cùng của bất hạnh, một trong hai người kia tìm được sự sẻ chia, đồng điệu từ một người thứ ba bất ngờ nào đó. Và từ đây đã mở ra những lận đận của kiếp người. Đó cũng là một trong những lý do để hiểu tại sao có những đôi gian phu dâm phụ sẵn sàng ra tay không thương tiếc với người phối ngẫu. Câu chuyện chàng tiểu xạ thủ trong kinh Tiểu bộ là minh chứng tiêu biểu về trường hợp này (27).
Chuyện kể rằng, vốn là sinh viên ở đại học Takkasila, chàng được thầy dạy mến mộ và gả con gái. Sau khi học xong và trên đường về quê nhà, vợ chồng gặp một toán cướp. Với tài nghệ của mình, chàng hạ gục tất cả, trừ tên tướng cướp. Khi chiếm được thế thượng phong, chàng yêu cầu vợ đưa kiếm cho mình. Tự dưng khi ấy, người vợ bất chợt phải lòng kẻ cướp, nên hỗ trợ cho tên cướp giết chàng. Motif câu chuyện tương tự còn được ghi lại rải rác trong kinh Tiểu bộ và trong nhiều tác phẩm văn học, xưa cũng như nay.
Trong trường hợp người phối ngẫu đã đoạn tình dứt áo ra đi và không còn khả năng cứu vãn, thì giải pháp tốt nhất là nên để người phối ngẫu tự do, không nên cố gượng ép. Trường hợp chánh hậu của vua Maddava bỏ đi theo người tình trẻ, được tiền thân Đức Phật khuyên vua nên buông xả và đừng nuối tiếc làm gì (28). Tình đã bay xa thì con tim đừng nuối tiếc. Có thể không tìm ra từ ly hôn trong từ vựng kinh điển, nhưng ít nhất, giải pháp cho người phối ngẫu được tự do đi theo tiếng gọi con tim, hoặc trở về nhà cha mẹ của mình, là sự thực được ghi nhận trong quan hệ hôn nhân ở thời Phật.
Khi Đức Phật tuyên bố: Ta không thấy một sắc, một tiếng nào khác, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc, như tiếng người đàn bà (29), thì điều đó cũng đồng thời xác tín rằng, trong các loại dục thì ái dục có sức mạnh rất lớn. Hiểu vậy thì phần nào thấu đạt tại sao khi yêu nhau một cách cuồng si, người ta sẵn sàng bất chấp tất cả, dù đó là nhân phẩm hay tính mạng của chính mình.
Nếu như các truyền thống văn hóa, tôn giáo khác có những hình phạt nghiêm khắc và phi nhân đối với những sai phạm trong đời sống tình cảm; thì Phật giáo đúng mực nhân từ trong hướng giải quyết của mình. Trong tất cả mọi trường hợp thăng trầm về đời sống tình cảm, thì giải pháp kham nhẫn, răn đe, chuyển hóa và buông xả là những giải pháp căn bản mà Đức Phật đã chỉ dạy. Cần phải thấy, trong bất kỳ tình huống nào, hôn nhân không bạo lực, không hận thù là chủ điểm mà Phật giáo nhắm đến.
Tạm kết
Đời sống tình cảm của con người dù có nhiều điều khác biệt về phương thức thể hiện, nhưng vẫn có những điểm tương đồng mang tính quy luật, không thay đổi, xưa cũng như nay. Hiểu được bản chất của tình cảm, và định hướng năng lượng tình cảm phù hợp với những chuẩn mực đạo đức căn bản của một người cư sĩ theo lời dạy của Đức Phật, là thái độ sống đúng mực và thánh thiện.
Trong đời sống hôn nhân ở xã hội ngày nay, mặc dù đã có nhiều tiến bộ vượt bậc về chỉ số hạnh phúc, tuy vậy thảng hoặc đâu đó vẫn xuất hiện những nỗi đau trầm thống cũng như những dư vị chát đắng trong quan hệ lứa đôi. Ngay đây, những giải pháp gợi mở trong quan hệ hôn nhân được Đức Phật đưa ra vẫn còn nguyên sơ tính giá trị.
Chúc Phú
_____________
Chú thích:
1 Kinh Tăng chi, chương Ba pháp, phẩm Chánh giác, kinh Không thỏa mãn (lược trích);
2 Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, kinh Thích tử Mahanama;
3 Kinh Tăng chi, chương Ba pháp, phẩm Chánh giác, kinh Không thỏa mãn;
4 Kinh Tương ưng, tập 1, chương 10, Tương ưng Dạ xoa, kinh Alava. Bốn pháp: Chơn thực và chế ngự, kiên trì và xả thí;
5 Kinh Tiểu bộ, tập 1, Kinh Tập, kinh Bại vong;
6 Kinh Tiểu bộ, tập 4, chuyện tiền thân Đức Phật, chuyện lạ kỳ, số 108;
7 Kinh Tiểu bộ, tập 1, Kinh Tập, kinh Bại vong;
8 Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nguồn sanh phước, kinh Xứng đôi;
9 Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, số 31. Trách nhiệm người chồng: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang cho vợ. Bổn phận người vợ: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc;
10 Kinh Tương ưng, tập 1, chương 3, Tương ưng Kosala, phẩm thứ hai, kinh Bện tóc;
11 Kinh Tiểu bộ, tập 4, chuyện tiền thân Đức Phật, chuyện con cá, số 34;
12 Kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện tiền thân Đức Phật, chuyện con cá, số 216;
13 Kinh Tiểu bộ, tập 8, chuyện tiền thân Đức Phật, chuyện đôi cá thần Canda, số 485;
14 Kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện tiền thân Đức Phật, chuyện kẻ trộm ngọc, số 194;
15 Kinh Tiểu bộ, tập 6, chuyện tiền thân Đức Phật, chuyện con cua, số 267;
16 Kinh Tiểu bộ, tập 8, chuyện tiền thân Đức Phật, chuyện hoàng hậu Sabula, số 519;
17 Kinh đã dẫn;
18 Kinh Tăng chi, chương sáu pháp, phẩm Cần ghi nhớ, kinh cha mẹ Nakula;
19 Kinh Tiểu bộ, tập 6, chuyện tiền thân Đức Phật, chuyện con nai vàng, số 359;
20 Kinh Tiểu bộ, tập 6, chuyện tiền thân Đức Phật, chuyện hoàng hậu Sujata, số 306;
21 Kinh Tương ưng, tập 1, chương ba, tương ưng Kosala, phẩm thứ nhất, kinh Malika;
22 Kinh đã dẫn;
23 Thơ Thuận Hữu, Những phút xao lòng;
24 Kinh Tiểu bộ, chuyện tiền thân Đức Phật, chuyện người gia chủ, số 199; chuyện thức ăn thừa, số 212; chuyện chàng tiểu xạ thủ, số 374;
25 Kinh Tiểu bộ, tập 5, chuyện tiền thân Đức Phật, chuyện hòn núi đẹp, số 195. Xem thêm: chuyện đề cao tính kham nhẫn, số 225;
26 Kinh đã dẫn;
27 Kinh Tiểu bộ, tập 6, chuyện tiền thân Đức Phật, chuyện chàng tiểu xạ thủ, số 374;
28 Kinh Tiểu bộ, tập 7, chuyện tiền thân Đức Phật, chuyện người nuốt lưỡi kiếm, số 401;
29 Kinh Tăng chi, chương 1 pháp, kinh Nữ sắc. Lược trích.