Tác Giả Fabrice Midal Một số người Tây Phương nhờ Phật Giáo đã tìm thấy được
một sự thăng bằng và một ý nghĩa nào đó cho cuộc sống của mình, và số người này
ngày càng đông hơn. Trước hết là vì Phật Giáo đã giúp cho họ biết phải làm gì
(một câu rất giản dị
nhưng thật sâu sắc: chúng ta sống nhưng không biết tại sao chúng ta lại đang sống
và sống để làm gì đây? Phật giáo giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của từng hành
động của mình, nhìn lại từng hành vi của mình và giúp mình biết hành xử như thế
nào trong từng cảnh huống). Phật Giáo không hề đưa ra những lời hứa
hẹn hão huyền mà chỉ vạch ra một con đường giúp mỗi người trong chúng ta loại bỏ
được những hành động đã biến thành thói quen trong cuộc sống thường nhật
(giận dữ, thèm
khát, hy vọng, ước mơ, tính toán, mưu mô, ăn nói huyên thiên, vui mừng, hớn hở,
đau buồn, ganh tị, lo sợ, v.v...), chúng luôn trói buộc khiến chúng
ta không thể nào sống một cách thật sự được.
Phật Giáo khuyên chúng
ta nên xem trọng sự hiện hữu của chính mình và phải biết sống như thế nào cho
phù hợp với những cảm nhận thật sâu kín trong nội tâm của mình, và đấy cũng là
những gì thật thiết yếu.
Đối với Phật Giáo không có gì là sẵn có cả. Chúng ta
có đủ khả năng phấn đấu để vượt lên trên hận thù và hung bạo cũng như mọi sự
bám víu và mọi niềm thất vọng để xây dựng một thế giới an bình hơn (tác giả nêu lên mục
đích của Phật Giáo thật giản dị và cũng hết sức khéo léo. Phật Giáo giúp chúng
ta biết vững tin nơi khả năng của chính mình và nhất là không nên cứ chỉ chắp
tay để cầu xin thêm mãi. Con người quả là tham lam, từ vật chất cho đến cả tâm
linh. Phật Giáo giúp chúng ta quay về với hiện thực, với khả năng sẵn có của
mình và với trách nhiệm của mình đối với thế giới và cả con người nói chung).
Phật Giáo biểu dương cho một tính khí anh hùng nhằm mục
đích giúp chúng ta khắc phục sự sợ hãi và để đương đầu với mọi hiểm nguy. Thật
thế, sống giữa một thời đại không còn bảo tồn được những lý tưởng cao đẹp nữa
thì quả thật những lời khích lệ của Phật Giáo là những gì có thể làm bùng cháy
bầu nhiệt huyết của chúng ta. Thế nhưng Phật Giáo thì cũng lại chỉ là một thứ gì
đó thật đơn giản. Đấy là một nghệ thuật sống mà ngày nay thế giới Tây Phương hầu
như đã đánh mất, một nghệ thuật sống bắt nguồn từ việc luyện tập thiền định, tức
là một phương pháp cụ thể giúp biến cải chính mình hầu hòa nhập với thực tại và
sự sống.
Thế nhưng phải trình bày Phật Giáo như thế nào để có
thể chứng tỏ rằng đấy là một con đường đích thật?
Công việc này không phải là đơn giản bởi vì Phật Giáo
đại diện cho cả một lục địa gồm nhiều quốc gia rất khác biệt nhau. Chính vì thế
mà Phật Giáo cũng đã trở nên thật đa dạng và phức tạp. Dòng lịch sử liên tục của
Phật Giáo, kể từ khi được hình thành tại Ấn Độ và bành trướng sang hầu hết các
quốc gia khác ở Á Châu, cho đến khi truyền vào thế giới Tây Phương vào thế kỷ
XX, đã kéo dài tất cả gần hai ngàn năm trăm năm. Trên dòng lịch sử dài đằng đẵng
đó nhiều học phái khác nhau cũng đã được hình thành.
Tôi đã từng viết khoảng mười quyển sách nói về Phật
Giáo, lịch sử Phật Giáo, các học phái Phật Giáo của Ấn Độ cũng như của Tây Tạng,
và tôi cũng đã từng phân tích vai trò của huyền thoại cũng như nghệ thuật ảnh
tượng trong Phật Giáo. Tôi hiểu rằng tôi đang đứng trước một sự thách đố lớn
lao, đấy là kỳ vọng làm thế nào giúp cho nhiều người Tây Phương có thể hiểu được
Phật Giáo một cách đúng đắn, để họ có thể mang ra ứng dụng vào cuộc sống thường
nhật của mình. Tôi quyết định hy sinh tất cả đời mình cho mục đích đó, tức có
nghĩa là sẽ phải cố gắng giảng dạy cách luyện tập thiền định như thế nào để tất
cả mọi người ai ai cũng đều có thể thấu triệt được.
Thế nhưng phải thú nhận rằng chưa bao giờ tôi dám nghĩ
đến việc phải viết một quyển sách về "Phật Giáo Nhập Môn" sao cho thật
giản dị để mọi người đều có thể hiểu được. Tôi rất lo ngại vì e rằng công việc
đó sẽ làm cho Phật Giáo bị đơn giản hóa và biến thể đi chăng?
Vị giám đốc nhà xuất bản là ông Michel Grancher đã nhiều
lần khuyên tôi không nên bó tay trước những thử thách ấy. Lời khích lệ của ông
đã khiến tôi phải suy nghĩ nhiều.
Thế rồi một giải pháp chợt đến với tôi. Trong những
lúc hành thiền, hoặc ngồi cạnh một vị thầy hay chiêm ngưỡng một tác phẩm điêu
khắc (một pho tượng
Phật chẳng hạn) thì người ta cũng có thể tiếp xúc được với Đức Phật
một cách thật xác thực, xác thực hơn cả những lúc vùi đầu vào các pho sách lý
thuyết, hoặc các tập luận giải hay các tư liệu lịch sử. Do đó tôi quyết định sẽ
không trình bày Phật Giáo qua các khía cạnh bao quát, cũng không triển khai các
khái niệm căn bản về giáo lý, kể cả các nét chính yếu về lịch sử phát triển của
Phật Giáo. Nội dung của quyển sách này vì thế cũng sẽ không nhằm vào mục đích
tóm lược một cách khái quát các khái niệm căn bản trong Phật Giáo, mà chỉ nhất
thiết giải thích một số thắc mắc mà quý vị có thể có đối với tín ngưỡng này, dù
đấy chỉ là những thắc mắc thật đơn giản. Tóm lại chủ đích của quyển sách là làm
thế nào để Phật Giáo có thể tác động đến quý vị, vấn an và giúp đỡ quý vị, hầu
giúp quý vị tìm thấy cho mình một chút cảm ứng thiêng liêng nào đó.
Tóm lại là tôi không có ý định đưa ra thêm một bản đúc
kết về giáo lý Phật Giáo vì công việc này đã được quá nhiều tác giả khác thực
hiện, mà đúng hơn là chỉ muốn giúp quý vị tìm thấy một chút hương vị ngọt ngào
từ tín ngưỡng Phật Giáo. Đức Phật chính là sự thật trong từng giây phút của thực
tại, là sự yên lặng sâu kín nơi con tim của chính quý vị, là một tình thương
yêu tinh khiết nhất, một bầu không gian đang mở rộng... Đức Phật đang ngự tại
nơi này, và đang hiện hữu trong lòng đôi bàn tay của chính chúng ta hôm nay.
*
Tôi tu tập kể đến nay
cũng đã hơn hai mươi năm. Và khi mới bắt đầu đứng ra để thuyết giảng thì tôi
cũng đã ý thức ngay rằng nếu muốn dương cao ngọn cờ Phật Giáo (trong thế giới Tây
Phương) thì nhất thiết phải kiến tạo được một Phật Giáo với các đường
nét phản ảnh phong cách Tây Phương, có nghĩa là một hình thức Phật Giáo tương đối
đơn giản, tránh bớt một số các hình thức lễ lạc cúng bái đậm màu tín ngưỡng Á
Đông. Tuy nhiên và dù sao đi nữa thì cũng phải giữ cho được sự trung thực và
chiều sâu của tín ngưỡng đó và đồng thời thì cũng phải phản ảnh được các đường
nét cá biệt của thời đại tân tiến trong thế giới phương Tây ngày nay.
Nếu muốn đạt được mục
đích đó thì chắc hẳn là phải nhờ vào sức mạnh của thi phú với tất cả ý nghĩa rộng
lớn của nó (có
thể hiểu là sự rung động thật tinh khiết của xúc cảm con người). Thật
thế đối với chúng ta, những người Tây Phương, thi phú là con đường hiển nhiên
nhất giúp chúng ta hội nhập với hiện thực và thể dạng cụ thể nhất của sự tư do (thi phú là một
cách bộc lộ những xúc cảm sâu kín trong lòng mình vượt lên trên những lề lối,
quy ước và công thức thường tình, nhằm nối kết mình với một "góc cạnh"
nào đó của hiện thực chung quanh. Nếu nhìn dưới khía cạnh ấy thì con người Tây
Phương cũng như con người Á Đông không khác nhau lắm. Thật thế trên dòng lịch sử
Phật Giáo Á Châu cũng đã từng có không biết bao nhiêu thi hào Phật Giáo đã sử dụng
thi phú để mang những con người Đông Phương đến gần hơn với giáo lý của Đức Phật.
Trong thế giới Á Đông thi phú - kể cả hội họa, âm nhạc và thư pháp - cũng
là những nguồn cảm ứng lớn lao giúp được nhiều người vượt thoát khỏi những gì
"tầm thường" nơi con người của họ để mở rộng con tim mình hầu giúp họ
có thể hòa nhập với sự trong sáng và tinh khiết của thực tại. Thế nhưng tiếc
thay một số người, cả Tây Phương lẫn Đông Phương, lại quá đỗi "thực tế"
và "khô cằn", đã khép kín con tim của mình lại để đè nén và quên đi
những xúc cảm thật mong manh trong chính con người của họ. Thi phú - hay nghệ
thuật nói chung - sẽ không thể tạo được một tác động nhỏ nhoi nào đối với họ.
Vì thế con tim của những ai biết rung động với những vần thơ trong lòng mình
thì cũng nên cố gắng hát lên và hát lên nữa để đánh thức những xúc cảm đang bị
bóp ngạt trong đáy lòng của một số người khác hầu cho tất cả chúng ta có thể
cùng nắm tay nhau bước theo vết chân của Đức Phật).
Tôi luôn tôn trọng các
nguyên tắc căn bản của những khuynh hướng phi tôn giáo trong xã hội, cũng như
luôn cố gắng giữ thái độ thận trọng đối với các tổ chức tôn giáo hiện hành, kể
cả đối với Phật Giáo.
Một số tác giả lại chọn
các phương cách khác hơn để trình bày về Phật Giao. Thiết nghĩ cũng nên nói thẳng
ra điều ấy (một
số học giả Phật Giáo hoặc không phải là Phật Giáo viết về Phật Giáo theo sự hiểu
biết của họ nhắm vào những chủ đích riêng tư của họ. Thật thế cũng không phải
là hiếm các học giả và triết gia Tây Phương viết về Phật Giáo, thế nhưng đấy
cũng chỉ là cách để phô trương sự uyên bác của mình mà thôi). Tôi
không hề có tham vọng tự cho rằng mình đã nói lên "sự thật", mà đơn
giản chỉ nêu lên con đường giúp mọi người tìm hiểu và để sống với Phật Giáo.
Tôi cố gắng trình bày
khá đầy đủ các khuynh hướng chủ yếu của Phật Giáo trong toàn bộ quyển sách, thế
nhưng cũng xin đặc biệt nhấn mạnh hơn đến Phật Giáo Tây Tạng và thiền học Zen.
Riêng ở Á Châu, và nếu căn cứ trên con số tín đồ thì hai học phái này chỉ giữ một
vai trò thứ yếu, thế nhưng đối với hầu hết người Tây Phương (theo Phật Giáo),
mà trong số này có cả cá nhân tôi, thì tất cả chúng tôi lại đều đã nhờ vào hai
học phái trên đây để biết đến Phật Giáo và để trở thành những người Phật Giáo.
Để tránh bớt sự rườm
rà, tôi không nêu lên các thuật ngữ tiếng Phạn, tiếng Pa-li, tiếng Nhật hay tiếng
Tây Tạng. Tuy nhiên nếu muốn tránh không dùng đến các chữ ấy thì lại không phải
là một việc dễ, bởi vì ngôn ngữ của chúng ta (ngôn ngữ Tây Phương) thiếu chính
xác và khó có thể diễn đạt được một cách trung thực tính cách phi thường của
các tư tưởng Phật Giáo, và hơn nữa thì các công trình dịch thuật (sang các ngôn ngữ
Tây Phương) đã được thực hiện từ lâu nay lại thường quá sức vụng về (dù sao theo thiển
ý của người dịch thì các ngôn ngữ Tây Phương cũng cho thấy có một số thuật ngữ
thuộc các lãnh vực khoa học và triết học đôi khi cũng khá thích hợp để diễn tả
một số khái niệm Phật Giáo. Trong khi đó thì các thuật ngữ Phật Giáo bằng
"tiếng Hán Việt" lại quá xưa và chịu ảnh hưởng quá sức nặng nề bởi
Hán ngữ, đôi khi thiếu tính cách khoa học cũng như các khía cạnh bao quát và trừu
tượng của triết học, do đó không diễn tả được một cách trung thực chiều sâu và
sự chính xác của nhiều khái niệm trong giáo lý Phật Giáo. Đó là chưa nói đến việc
ngày nay không mấy người biết rành tiếng Hán, và đây cũng là một trở ngại không
nhỏ trong việc phổ biến Phật Pháp). Các cố gắng trên đây của tôi chẳng
qua cũng chỉ là một cách để giúp quý vị tránh bớt các khó khăn trên phương diện
thuật ngữ, hầu giúp quý vị có thể cùng bước với tôi một cách dễ dàng hơn trên
con đường thật tuyệt vời của Phật Giáo.
Mỗi khi bị buộc phải sử
dụng một thuật ngữ do tôi tự dịch từ tiếng Phạn thì tôi luôn ghi thêm tiếng Phạn
gốc vào giữa hai dấu ngoặc. Vì chưa có sự thống nhất nào về các từ dịch thuật
nên cách ghi thêm tiếng Phạn gốc giữa hai dấu ngoặc trên đây cũng có thể giúp
cho một số người có ít nhiều kiến thức về loại ngôn ngữ Phật Giáo thông dụng
này có thể hiểu được đấy là gì.
Chỉ có một ngoại lệ duy
nhất, đấy là trường hợp của chữ Dharma
(Đạo Pháp).
Tôi sẽ không dịch từ này mà dùng thẳng tiếng Phạn để chỉ giáo huấn của Đức Phật
(kinh sách tiếng
Việt dịch chữ dharma là "'pháp". Từ này có gốc từ chữ
"dhr-" tức có nghĩa là mang, cầm, nắm giữ.... Chữ dharma nói chung có
rất nhiều nghĩa khác nhau, tuy nhiên hai ý nghĩa chính yếu nhất của chữ dharma
là: a) giáo huấn của Đức Phật, b) tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ, dù đấy là
hữu hình hay vô hình, vật chất hay tư duy, có nghĩa là tất cả những gì có thể
hình dung được hay tưởng tượng được... Thông thường để tránh sự lầm lẫn giữa
hai nghĩa này người ta thường viết hoa - Dharma - khi dùng để chỉ giáo huấn của
Đức Phật còn gọi là "Đạo Pháp", và viết chữ thường không hoa - dharma
- khi được sử dụng để chỉ định tất cả các hiện tượng trong vũ trụ, và kinh sách
tiếng Việt thì gọi đấy là "pháp". Tuy nhiên cũng cần ghi nhận là
không phải tác giả Tây Phương nào cũng tuân thủ quy tắc về cách viết hoa hay
không hoa này). Trở thành một người Phật Giáo là cách bước theo Dharma, tức là ước mong được hòa nhập với
nó.