Nát cửa tan nhà vì bói toán
Từng có "kinh nghiệm" trên mười năm đi xem bói, bác
Liên, (56 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang) kể: "Ngày xưa buôn bán vé số, tháng
nào tui cũng đi xem bói coi có vận may không. Đến xem lúc nào bà thầy
cũng dặn bán vé số chỉ bán số đuôi là 64. Và nhớ chừa lại ít nhất hai tờ
mỗi ngày, thời gian nữa có lộc lớn lắm, mà không biết ngày nào thôi."
10 năm qua bác Liên chẳng những không trúng số mà giờ nợ nần chồng chất,
vốn bán vé số cũng cụt dần.
Ảnh minh họa
Cùng là "nạn nhân" như bác Liên, anh bảy Xe (Bến Tre)
cũng khóc dở, chết dở với cô vợ của mình. Anh kể: "Bữa chiều đi làm về
mệt mà vợ không nấu cơm. Hỏi vợ thì vợ kêu đến nhà "ghệ" anh ăn đi. Nghe
lạ đời nên mình hỏi vợ nhà "ghệ" nào". Vợ cứ ngồi khóc mếu, dụ mãi thì
mới hay vợ đi xem bói "thầy" nói là chồng có bồ, tai hại vợ chồng lục
đục "canh không lành cơm không ngọt", hạnh phúc gia đình chút nữa tan
tành. Còn với cô Nương, tiểu thương chợ Thủ Đức chia sẻ: "Mấy năm nay
thấy ba, mẹ tuổi già sức yếu, mình rầu nên có lần bà chị dẫn đi đến nhà
bà thầy tận hóc bò tó ở Đức Hòa (Long An) để xem bói. Thấy tâm lý mình
lo cho ba mẹ già, "bà thầy" đề nghị mình bỏ hai mươi triệu đồng cho bà
cúng để xin tuổi thọ cho ông bà". May mắn là chồng chị cản và hướng dẫn
đến chùa cúng dường cầu an cho ba mẹ. Nhờ quí sư giảng giải mà chị hiểu
được nghiệp quả, không bị mất tiền mà từ ngày đó cũng bỏ được tật thích
xem bói.
Tự đánh mất chính mình
Tin vào thầy bói có nghĩa là tâm lý người ấy thường
thụ động bởi không tin tưởng vào khả năng của chính mình. Chưa kể đến
khi chúng ta mê xem bói dần thành nghiện bói, cuồng tín mà còn tốn rất
nhiều thời gian, luôn luôn tiền mất tật mang. Người lớn không thể tập
trung vào việc làm, các bạn trẻ không thể tập trung vào việc học tập.
Chị Thanh Phương, giáo viên bộ môn giáo dục công dân Trường THPT Tân
Trụ, huyện Tân Trụ (Long An) chia sẻ: "Mấy tuần nay, lớp học của tôi dạy
thỉnh thoảng cứ nhốn nháo, ồn ào hẳn lên, các em học thiếu tập trung,
giảng bài các em không chú ý. Đến tận bàn các nhóm đang đang xì xào thì
tôi mới biết các em chuyền tay nhau tờ giấy xem bói. Thấy mình la, tụi
em cất vô cặp. Đến lúc vừa ra tiết, các em lại hào hứng lôi ra xem. Ngày
trước, các em chờ ra tiết để chơi đùa, giờ chờ ra tiết toàn để "tám",
bàn chuyện lời "thầy" phán.
Đáng ngại là ngày nay, tham gia xem bói không riêng gì người lớn mà
thanh thiếu niên cũng tìm đến ngày một nhiều. Khi những trò ma mãnh như
cầu cơ, xủ quẻ xin số đề, gọi hồn… còn thu hút già trẻ lớn bé trong làng
thì tác hại của nó vẫn không thể lường hết.
ĐĐ.Thích Tâm An - Ảnh: CTV
Trong cuộc sống hiện tại, không chỉ riêng gì các
bạn trẻ nghiện bói mà một bộ phận độ tuổi trung - cao niên nhất là giới
làm ăn, kinh doanh cũng phụ thuộc rất nhiều vào bói toán. Một khi được
xem biết mình có điềm tốt thì mừng, thế nhưng ít ai đi xem bói về mà
được vui vẻ, đa phần lại thường chuốc lấy lo sợ phập phòng vào bản thân.
Muốn "cai" bói toán, các bạn phải có lập trường vững chãi, ý thức rằng
mọi thành công hay thất bại trong đời sống này đều do bản thân mình
quyết định tất cả, không có một đấng quyền năng nào có quyền ban phước
và giáng họa cho ai. Đức Phật đã dạy rằng, tất cả nỗi khổ niềm đau trong
cuộc sống đều có nhân duyên quả của nó, và mỗi cá nhân phải chịu trách
nhiệm hoàn toàn về mọi hành vi mình đã tạo tác. Một khi, các bạn có được
nhận thức như thế thì chắc chắn sẽ không còn phụ thuộc vào bói toán ĐĐ. Thích Tâm An (Thành viên Ban Tổ chức khóa tu mùa hè chùa Hoằng Pháp) |
Hạnh Ý