Phật Học Online

Mười ngày văn hóa Phật giáo ở St Petersburg
ruvr.ru

Photo: RIA Novosti
Trong những ngày này, Mười ngày văn hóa Phật giáo bắt đầu được khai trương tại thủ đô phía Bắc của Nga. Đây là Festival lần thứ ba của những người theo giáo huấn Đức Phật ở St Petersburg. Năm nay, lễ hội được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 270 năm ngày Phật giáo chính thức được công nhận là một trong những tôn giáo của nhà nước Nga.


 Từ năm 2009, lễ hội Mười ngày do chùa  Gunzechoyney ở St Petersburg khởi xướng được tổ chức hàng năm. Chùa được xây dựng trên bờ sông Neva vào năm 1915. Đây không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Nga, mà còn là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở châu Âu.

Đầu thế kỷ XX, ở St Petersburg chỉ có khoảng hai trăm Phật tử. Mặc dù ở nước Nga không có nhiều người theo đạo Phật, các vị hoàng đế Nga luôn luôn đối xử với họ tử tế và giúp đỡ họ về mọi mặt. Để hỗ trợ Phật giáo, thậm chí nhà nước đã thông qua một văn kiện đặc biệt, đặt nền móng cho sự phát triển của hệ thống tôn giáo-triết học này ở Nga. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Tiếng nói nước Nga, bà Alla Namsaraeva, trưởng phòng Thông tin và quan hệ công chúng của chùa Gunzechoyney, cho biết:

"Năm 1741, Hoàng hậu Nga Elizabeth đã có một tuyên ngôn, theo đó Phật giáo được công nhận là một trong những tôn giáo của nhà nước Nga. Hoàng gia luôn luôn thân thiện với Phật giáo. Năm 1764, Nữ hoàng Ecatherina II đặt ra chức vụ người đứng đầu Phật tử Nga. Do đó, Phật tử Nga đã thừa nhận bà là hiện thân của Tara Trắng. Tara Trắng là một trong những vị thần Phật giáo. Kể từ đó, tất cả các hoàng đế Nga - bất kể họ là phụ nữ hoặc nam giới, đều được tín đồ Phật tử Nga coi là hiện thân của Tara Trắng trên cõi nhân gian."

 Trong khuôn khổ Festival hiện nay, các tín đồ Phật giáo cũng như tất cả du khách có thể làm quen với các giáo lý, truyền thống, văn hóa Phật giáo, tìm hiểu lịch sử Buryatia, hầu như từ khi nước cộng hòa này mới ra đời và cho đến khi tham gia thành phần đế chế Nga, chiêm ngưỡng chủ đề Tây Tạng trong những bức tranh của Nicolai Rerich. Và đó mới chỉ là một phần nhỏ trong các hoạt động của lễ hội Phật giáo. Bảo tàng dân tộc học ở St Petersburg sẽ có món quà bất ngờ dành cho các Phật tử. Tại Mười ngày văn hóa Phật giáo, lần đầu tiên trưng bày bảy tặng vật độc đáo, do Lạtma Pandito Hambo Dashi-Dorji Itigelov tặng Nga hoàng Nicolai II vào ngày kỷ niệm lần thứ 300 của triều đại Romanov. Trong một thời gian dài, các vật báu này được coi là mất tích.  Bà Alla Namsaraeva nói tiếp:

"Lạt ma Itigelov là vị lãnh tụ thứ 12 của của Phật tử Nga. Năm 1913, từ Buryatia,  ông đã đến St Petersburg, sau khi vượt chặng đường 6500 dặm để dự kỷ niệm 300 năm triều đại Romanov. Ông mang theo những món quà tặng cho tất cả các thành viên Hoàng gia. Có ba thứ tặng vật bằng bạc và bốn thứ bằng đồng. Tặng vật bằng đồng được dâng cho các công chúa. Quà cho Nga hoàng Nicolai II là chiếc khay bạc lớn, Hoàng hậu được tặng chiếc hộp bạc và Hoàng tử nhận bức tượng Phật. Tất cả các tặng vật này được chuyển đến lưu trữ tại bộ phận Dân tộc học của Bảo tàng Nga. Do nhầm lẫn mà người ta coi đây là quà tặng của người Kalmyk. Gần đây, khi nghiên cứu hồ sơ, một trong những nhân viên của bảo tàng đã phát hiện các hiện vật này là quà tặng Nga Hoàng Lạt ma Itigelov.”

Đối với các Phật tử, việc tìm lại những món quà này là một biểu tượng thiêng liêng. Năm 1927, khi đang thiền định, Lạt ma Itigelov Hambo, bây giờ được gọi là "Lạt Ma thánh cốt” đã qua đời, thọ 75 tuổi. Ông được chôn cất ở ngoại ô Ulan-Ude, thủ phủ của Buryatia. Gần mười năm trước, cỗ quan tài với thánh cốt đã được cải táng. Và thật ngạc nhiên, thi thể ngài Itigelov, người ngay trước khi chết đã tuyên bố sẽ đầu thai, rất ít bị phân hủy. Ngày nay, thánh cốt Lạtma Pandito Hambo Dashi-Dorzho Itigelov trở thành một trong những thánh tích thiêng liêng của đạo Phật. Ba năm trước, để bảo vệ hiện vật quý giá, trong điện thờ Ivolginsk đã xây dựng một cung điện thủy tinh đặc biệt gọi là Cung hồ quang Etigel. Tín đồ Phật Giáo chỉ có thể vào thăm cung này trong những ngày lễ lớn của Phật giáo.

Nguồn: vietnamese.ruvr.ru


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage