Có một câu chuyện của chim đại bàng đã
vì miếng mồi nguy hiểm mà vong thân. Loài chim này rất lớn, nó bay trên
cao và dùng đôi mắt cực tinh tìm mồi tận dưới biển. Đại bàng có cách
bắt mồi rất dữ dằn. Khi thấy miếng ăn thích hợp, nó từ trên cao lao
xuống phập lấy con mồi thật nhanh, rồi mang vào bờ rỉa sạch.
Lần đó, cũng như mọi khi từ trên cao
đại bàng thấy con mồi vừa tầm, nó lao xuống phập rất sâu rất mạnh. Phập
vô rồi cất cánh bay lên, bay không được, tại vì phập nhầm cá mập. Bấy
giờ muốn nhả ra, nhả cũng không được vì mống vuốt đã lún sâu vào thịt
cá. Sức nặng của cá mập cứ trì xuống trì xuống. Nó không màng tới chuyện
ăn uống chi lúc này, chỉ muốn bay lên thoát nạn mà thôi, nhưng không
được nữa rồi. Trong hoàn cảnh như thế, con đại bàng không còn cách nào
khác hơn là cùng với cá mập, từ từ chìm xuống lòng đại dương. Và câu
chuyện kết thúc.
Câu chuyện ngắn củn. Ngắn củn mà đi hết vô lượng đời. Bởi vì tất cả
chúng sanh đều giông giống như chim đại bàng đó vậy. Đại bàng đâu ngờ nó
bấu miếng mồi, nhưng cuối cùng miếng mồi bấu lại nó. Nó nghĩ miếng mồi
đó ngon lắm, vừa mắt, vừa lòng nó lắm nên quên cả tính mạng, lao vào
phập thật sâu thật nhanh, không cần biết miếng mồi ấy là gì. Khi quắp
không được miếng mồi, nó muốn nhả ra nhưng muộn mất rồi. Đau khổ ở chỗ
là không ăn thì nhả ra, nhưng nhả ra cũng không được.
Con người cũng thế, khi lòng tham nổi lên không nghĩ tới hậu quả. Bằng
mọi cách cứ bám theo miếng mồi, không biết được sự nguy hiểm của nó,
không biết hoàn cảnh của mình đang ở giữa lòng đại dương, cuối cùng
chính miếng mồi ấy giết mình. Nhưng nếu nói chính xác hơn thì không phải
miếng mồi giết mình, mà lòng tham của mình giết mình. Cái đau nằm ở chỗ
nuốt không trôi đã đành, mà muốn nhả ra nhả không được. Trong tất cả
chúng ta, đa số đều rơi vào tình huống như thế. Vì lòng tham cũng như vì
sự si mê ta lao vào một đối tượng nào đó, một cảnh duyên nào đó, cho
đến khi hay ra ăn không được nuốt không trôi mà nhả cũng không xong. Thế
là tìm cách quyên sinh. Nếu không đi vào cửa tử thì sống cũng bằng
chết, đau khổ dày vò, không ai cứu được.
Miếng mồi đó Phật gọi là ngũ dục, sự lao sâu vào miếng mồi ấy là si mê
tạo nghiệp. Chúng sanh vì tham quá, dại khờ quá, thấy miếng mồi mà không
lượng sức. Đối với ngũ dục chúng ta lao theo nó, nhưng không nghĩ khi
giáp mặt với nó ta sẽ như thế nào? Thỏa mãn hay đau khổ. Chúng ta không
cần biết, chỉ biết muốn. Muốn mà được thì sướng lắm. Cũng như con đại
bàng kia nghĩ đớp được miếng mồi thì no lắm, nào ngờ chẳng những không
no mà còn mất mạng. Phật đã thấy nỗi khổ của nhân sinh chính là chạy
theo ngũ dục. Chạy theo một cách say sưa. Một khi muốn một cái gì đó là
muốn cho được. Không được thì bức tai bức tóc, than trời trách đất. Tới
hồi phập vô được lại muốn nhả ra, mà nhả không xong nên đau khổ.
Con đại bàng trong câu chuyện phải chết vì nó không còn đường sống.
Chúng ta có phước hơn, lúc đập cánh thoi thóp giữa đại dương thì gặp cái
phao, đó là Phật pháp. Có lần Hòa thượng Ân sư hỏi chúng tôi:
- Thầy đố tụi con tại sao chúng sanh luân hồi trong lục đạo?
- Dạ chúng sanh luân hồi là tại vì vô minh.
- Thầy muốn nói một cách cụ thể hơn.
Chúng tôi không đáp được. Hòa thượng dạy:
- Con người sanh ra là vì có cha có mẹ và có nghiệp thức. Cha là
người nam, mẹ là người nữ. Cả thế gian này ai cũng than có gia đình khổ,
mà sao ngộ, hễ lớn lên là người ta có gia đình. Có gia đình là kết hợp
hai giới tính tương phản nhau. Phái nam mạnh mẽ phóng khoáng thì lại
thích sự nhẹ nhàng, dịu dàng của phái nữ. Phái nữ tỉ mỉ mềm mỏng lại
thích cái mạnh mẽ cứng cỏi của phái nam. Cho nên họ thấy có một sức hút
giữa hai bên. Vì thế họ tìm mọi cách để được chung sống bên nhau. Nào
ngờ, tất cả đều không như họ nghĩ. Bởi vì đó chỉ là cái bẫy. Bẫy nghiệp.
Không có chuyện hai giới tính tương phản lại luôn luôn tương đồng
trong cuộc sống, nhưng nghiệp nó dụ chúng sanh phải gặp nhau như thế. Để
chi? Để trả nghiệp. Ngày xưa người nữ thích tính cách phóng khoáng
phong nhã của người nam, bây giờ khổ với cái hào hoa đó. Cũng thế, người
nam thích sự chăm chút tỉ mỉ của người nữ, bây giờ khổ với tập khí nhỏ
nhặt đó. Đi đâu cũng bị hỏi, làm gì cũng bị theo dõi. Vừa theo dõi vừa
cằn nhằn. Chết dỡ chưa? Hạnh phúc đâu rồi! Hạnh phúc thì ít mà trả
nghiệp thì nhiều. Giống như con đại bàng kia, ăn không vô mà nhả cũng
không được vậy.
Bây giờ nhờ gặp Phật pháp, hiểu rõ như vậy, chúng ta không cắn đắn nhau
nữa. Mỗi bên tự hoá giải, tháo gỡ những trói buộc không cần thiết. Phật
tử là bạn đạo của nhau, khuyên nhắc chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt.
Đừng chấp người thân của mình mà sanh phiền não. Hãy thông cảm vì cùng
chung số phận của những kẻ bị lọt bẫy. Chuyện đáng làm nhất bây giờ là
lo thoát ra khỏi cái bẫy ấy. Con đại bàng không có cơ hội thoát ra khỏi
miếng mồi vì nó không gặp Phật pháp, không biết tu. Chúng ta hơn nó nhờ
biết nghe pháp, biết ứng dụng tu. Vậy còn chần chờ gì nữa không chịu tự
cởi trói cho mình và người thân của mình?
Thoát ra khỏi bẫy không có nghĩa là từ chối trách nhiệm lẫn nhau, hoặc
từ chối kết quả mình đã tạo tác. Chỉ là hiểu rõ rồi chúng ta không lao
theo ngũ dục, không mơ đuổi chiếc bóng hạnh phúc, mà chấp nhận cuộc sống
thực tại, chịu trách nhiệm với những gì mình đã tạo, để tăng thêm nghị
lực và sức chịu đựng. Từ đó vươn lên nghịch cảnh, vui sống với hoàn cảnh
của chính mình. Con đại bàng không có cách gì để tự cứu, nên nó đành
phải chìm luôn, nếu chúng ta không gặp Phật pháp có thể cũng sẽ như con
đại bàng.
Nhiều Phật tử nói: “Nếu không gặp Phật pháp, chắc con chết, sống
không nổi”. Chúng ta mang tâm trạng của con đại bàng, bởi cuộc đời
đâu có gì vui. Tuy nhiên Phật bảo chúng sanh bình đẳng như nhau trên hai
lĩnh vực đau khổ và an lạc. An lạc ở đây là niềm vui chân thật xuất
phát từ bản tâm chân thật. Khi mê thì khổ, tỉnh rồi biết muôn pháp duyên
sinh, buông bỏ dễ dàng thì hết khổ, được vui.
Do hai lĩnh vực này bình đẳng nên chúng ta dễ thông cảm nhau. Mỗi vị có
sở trường riêng tùy theo năng lực của mình, té ở chỗ nào thì đứng lên ở
chỗ đó. Nhưng nhớ là thoát ra khỏi bẫy này, đừng nhảy vào bẫy khác.
Nhiều người vừa mới thoát ra khỏi bẫy này lại nhảy vô bẫy khác. Chúng
sanh thật là gan cùng mình. Nhiều người sống khổ vô cùng, vừa bỏ được
cái khổ này lại muốn nhảy vô cái khổ khác.
Phật bảo chúng sanh mê lầm nên mới lọt bẫy nghiệp. Vì vậy thế gian không
có cái gọi là hạnh phúc chân thật. Hơn ai hết, quý Phật tử quá đổi thấm
thía về việc này. Thế tại sao con cái lớn lên, cha mẹ không giúp cho nó
nhận ra cái bẫy để đừng đút đầu vô? Chung quy cũng vì thua sức mạnh của
nghiệp. Con cái cũng có cái nghiệp của nó. Bản chất của cuộc đời như
Hòa thượng Trúc Lâm đã nói: Chúng sanh vì nghiệp mà phải lọt vô bẫy, ở
trong đó chịu đựng lẫn nhau suốt một đời. Suốt một đời là ít, có khi
suốt nhiều đời. Sống chung với nhau một là thương, hai là hận. Cả hai
đều là nguyên nhân để tiếp tục gặp nhau nữa. Thế thì làm sao để thoát ra
khỏi hai tình huống đó? Chỉ có buông xả mê lầm thôi.
Chúng ta là Phật tử có học Phật, khi chưa biết đạo khổ đã đành. Bây giờ
đã hiểu Phật phải có định hướng cho đời mình, chọn cách sống an vui cho
chính mình. Chúng ta không thể để niềm đau nỗi buồn chi phối mình mãi.
Đã hiểu Phật thì phải giải quyết cho được những khúc mắc trong tâm. Tu
Phật là ứng dụng những điều Phật dạy vào đời sống, biết những gì mình
gây tạo từ trước đến nay đều do nghiệp. Nó là nghiệp thì không thật, cho
nên sửa được. Bao giờ sửa được nghiệp xấu ta thấy trong người thư thả
nhiều lắm, bớt cố chấp, si mê, giận dữ, nhờ thế mà bớt khổ. Bớt khổ thì
ngay đời này chúng ta được an vui.
Ngũ dục đối với nhà Phật là một miếng mồi nguy hiểm. Môït chút si mê
thôi, chúng ta đã đổi qua đoạn đời khác. Nhưng thôi, quá khứ qua rồi,
không hoài tưởng làm chi nữa cho lao tâm nhọc sức, mất thì giờ vô ích.
Trước mắt, chúng ta không nên tiếp tục nuôi dưỡng gốc si mê, không tạo
nghiệp bất thiện mà lo chuyển nghiệp. Chuyện này chúng ta có quyền quyết
định, không ai cản trở được. Lòng dặn lòng, nhớ lời Phật dạy, gặp
chướng duyên ứng dụng liền, xả hết mê lầm phiền não. Như vậy mới thấy
đạo pháp nhiệm mầu, mới thấy nhờ tu mà cuộc đời mình được cải tử hoàn
sinh.
Quý Phật tử đừng nghĩ rằng vô chùa như quý thầy cô mới tu được. Tu ở
trong tâm. Khổ từ tâm thì phải nhổ cái gốc khổ ấy ở nơi tâm. Khổ ở đâu
thì nhổ ở đó. Nếu trong tâm không ổn vô chùa vẫn bất an như thường. Bây
giờ Phật tử đã hiểu đạo lý rồi, chúng ta sống tùy duyên. Tạm bảo tồn
thân căn để nương tựa nó tu hành. Mỗi người tuy vẫn sinh nhai để sống,
nhưng nhớ tu là chủ yếu. Chúng ta làm việc để có phương tiện duy trì thọ
mạng, với mục đích chuyển nghiệp cho tới sạch nghiệp, chứ không phải để
lao vào miếng mồi.
Được thân này rất quý, nhờ nó chúng ta hiểu Phật pháp, biết tu hành để
ra khỏi vòng trầm luân sanh tử. Do đó khi chưa thành tựu đạo nghiệp,
mình phải dưỡng nó. Lập kế sống đủ cho thân tồn tại trong một thời gian
hữu hạn nào đó để tu, chớ không mưu cầu hưởng thụ tiện nghi vật chất,
thỏa mãn sự ham muốn của thân. Hai tinh thần này khác nhau. Nếu vì mục
đích hưởng thụ của thân sẽ làm chúng ta lao đao lận đận. Càng làm càng
thấy thiếu hụt, vì lòng ham muốn không bao giờ biết đủ.
Ví dụ lúc nghèo ta muốn giàu. Giàu rồi muốn giàu hơn nữa. Từ hồi sống
trong túp lều tranh, ta thèm được ngôi nhà ngói. Được ngôi nhà ngói mình
muốn đổi nhà lầu. Cứ thế mà chồng chất lòng tham muốn ngày càng nhiều.
Muốn thì phải ráng làm ăn cho có tiền. Nhưng khi tất cả những gì mình
muốn đã có trong tay, ta vẫn thấy thiếu! Tại vì thật ra không phải ta
muốn những thứ ấy, mà là ta đang mắc bệnh “muốn”. Vậy thôi. Bệnh “muốn”
tức là bệnh tham. Có cái gì thì có, chứ cái “muốn” không có, nên cứ
“muốn”. Như nói muốn cái nhà, lẽ ra được cái nhà là xong rồi, nhưng tại
sao lại muốn cái nhà khác nữa? Cái muốn tức lòng tham không có hình
thức, nên sở hữu được hình thức nào cũng không phải cái muốn.
Tham muốn là một sự khao khát bất tận. Nó chỉ là ảo tưởng do con người
dệt nên. Cái đó không trưng bày ra được nhưng luôn luôn tồn tại trong
tâm tưởng chúng sanh, cho nên ta luôn khao khát và bất như ý. Con người
bỏ mạng ra làm đủ mọi việc để phục vụ cái thân. Nghe thật lạ lùng. Vì
thân mà làm bỏ mạng! Bỏ mạng rồi thì ai hưởng đây? Có mâu thuẫn chưa.
Vậy mà chúng sanh truyền đời nối tiếp nhau sự vận hành lạ lùng ấy. Thật
ra thân này không đòi hỏi nhiều lắm, mà vì lòng tham khiến chúng sanh tự
lao mình vào hố thẳm vong thân. Nhân sinh nối tiếp nhau đi trong mê
lầm, từ đời này sang đời khác.
Bây giờ học Phật chúng ta biết rồi, chúng ta chỉ nương thân này để xả
tham, xả sân, xả si. Phật tử không có yêu cầu như Tăng Ni, phải chấm dứt
sanh tử là lý tưởng tối hậu. Nhưng từng bước quí vị cũng nên thực tập
hạnh viễn ly, để tháo gỡ cho chính mình. Thật ra chuyện chấm dứt sanh tử
đối với Tăng Ni cũng còn xa lắm, không ai dám nói quá sức của mình. Chỉ
cố gắng hành trì liên tục. Đó là định hướng để ta không lạc lối và tiến
bước mạnh mẽ thôi. Lý tưởng như vậy nhưng trên thực tế không đơn giản
chút nào.
Phật tử muốn xả bỏ lòng tham nên học theo hạnh thiểu dục tri túc của
người tu. Tri túc là biết đủ. Đời sống vật chất tuy cần thiết nhưng
không quan trọng bằng đời sống tâm linh. Tại sao? Bởi vì nếu đời sống
vật chất quan trọng thì những người giàu sang tột đỉnh, lẽ ra phải hạnh
phúc nhất trần gian, nhưng đâu đó ta vẫn nghe họ tự tử như thường. Cho
nên đừng để mất trắng thời gian vì đời sống vật chất. Toan tính nhiều,
làm việc nhiều dễ sanh phiền não. Đã phiền não thì không có an vui, hạnh
phúc. Để dành quỹ thời gian cho thân tâm nó thở với chứ! Cực khổ quá
khó tu. Hôm nào mình làm việc lao nhọc nhiều, tối lại ngồi thiền buồn
ngủ, thở cũng không thông. Hôm nào làm việc thư thả, tối đó ngồi thiền
thích lắm.
Con người tưởng chạy lo cho cái thân là tốt, không ngờ cuối cùng nó
chẳng hưởng được gì mà còn đổ bệnh. Tiền làm ra để trị bệnh. Trị bệnh
cho hết để làm ra tiền. Ra tiền rồi thì tiếp tục trị bệnh. Cứ thế cho
tới chết. Rõ là chúng ta sống một đời vô nghĩa. Người hiểu đạo không như
thế. Trong mọi việc, cố gắng giữ tâm thanh thản là chính yếu. Khi phiền
muộn dấy lên biết nó ngu si, bỏ đi. Đây là chuyện làm có ý nghĩa vô
cùng mà chúng ta quên làm. Thật ra người thế gian thành đạt cách mấy
cũng phải bệnh, cũng phải chết. Chết trong phiền não là thất bại, chớ
đâu phải thành công.
Thành công là lúc nào mình cũng thấy vừa ý. Một bộ đồ cũng vừa ý, hai bộ
cũng vừa ý, ba bộ cũng vừa ý. Có mười bộ mà không vừa ý là thất bại.
Quí vị sống ngoài đời, không biết đặt tiêu chuẩn cho cái đẹp thế nào,
chớ chúng tôi ba bộ đồ vạt khách, một kiểu, một màu, mặc hoài vẫn thấy
đẹp. Đầu cạo sạch cũng đẹp, mặt mày sáng sủa dễ coi, mà đỡ tốn tiền nữa,
như vậy là vui rồi. Dù quý vị có kẹp tóc, uốn tóc, nhuộm tóc kiểu nào,
cuối cùng nó cũng rụng hết cho mà coi. Nó chỉ đẹp một thời thôi, hết
thời là hết đẹp. Trong khi cái đẹp tâm linh không có giới hạn tuổi tác.
Nếu biết chăm sóc, càng già càng đẹp. Vậy tại sao ta không để thì giờ
chăm chút cho cái đẹp tâm linh, mà lại chạy theo cái đẹp phù phiếm giả
tạm và… khá tốn tiền như thế?
Bây giờ không để mất thì giờ chăm chút làn da sắc tóc nữa, mà chú ý xem
tâm khúc nào nổi khùng, khúc nào không nổi khùng để chỉnh lại cho đàng
hoàng. Nó đã khùng rồi mà còn khùng theo nó thì chết. Thân này không
thật mà còn phủ lên thêm ba bốn lớp không thật nữa, có phải đáng thương
không? Mê một chút thôi, Phật còn không cho, huống là mê nhiều lớp quá!
Phật dạy người tu thiểu dục tri túc để có thời gian quán chiếu, thiền
định. Tâm thanh thản, không chạy theo vật chất thì nhẹ được tấm thân.
Tâm không chạy theo vọng tưởng lung tung thì an định sáng suốt, không
tạo nghiệp thế gian. Khi chạy theo vật chất thì phải suy nghĩ toan tính
để làm ra tiền, từ đó tạo vô số nghiệp. Vậy mà tới lúc được hưởng lại
không có cảm giác gì vui sướng. Không biết cảm giác hưởng thụ của người
thế gian khi thành đạt trên đường công danh như thế nào, nhưng chúng tôi
có kinh nghiệm về cảm thọ ở nhà chùa. Khi chùa có Phật tử cúng dường
trai tăng hay trai phạn (tức cúng dường cơm trưa), quí cô nấu mấy món ăn
thịnh soạn hơn những ngày bình thường, vì vậy công việc cũng nhọc hơn.
Đến giờ ăn bỗng dưng no ngang, ăn không được.
Có lẽ người đời chạy theo công danh sự nghiệp cũng no ngang. Lúc chưa
được cố lao theo cho được. Được rồi mệt quá, no ngang. Cho nên thế gian
khổ nhiều. Bây giờ quý Phật tử biết rồi, tất cả những gì là miếng mồi
nguy hiểm thì đừng đụng tới. Phật nói nó chính là tài, sắc, danh, thực,
thùy. Nói không đụng tới nên thấy nó chúng ta nhắm mắt lại không dám
nhúc nhích, thưa phải không? Nhất định là không phải rồi. Làm tất cả
việc mà không tham, không lậm vào nó, chớ không phải không làm gì hết.
Không làm gì hết thì thân này không có ăn, còn đâu nữa mà tu. Thay vì ta
nấu một bữa ăn thật nhiều món, thật thịnh soạn, đến lúc ăn mệt quá mình
ăn không được thì bây giờ bớt lại, nấu vừa sức, miễn đầy đủ chất và coi
cũng không tệ. Như thế còn có sức khỏe để mà thọ hưởng thành quả do
chính ta làm ra. Các nhu cầu vật chất càng đơn giản ta càng khỏe. Khỏe
thân thì tâm cũng khỏe theo. Bởi vì thân tâm luôn tương tác lẫn nhau.
Hôm đó có đoàn sinh viên người Mỹ, họ đến thiền viện để nghiên cứu về
thiền học Phật giáo Việt Nam. Tại thiền viện Thường Chiếu, đoàn đã sinh
hoạt với chư Tăng và ghi nhận được hầu hết những gì họ mong muốn. Tuy
nhiên, họ muốn qua thăm thiền viện Ni để coi quí cô… cạo đầu ra sao! Có
một cô nói thẳng với chúng tôi như vầy:
- Mục đích của em qua đây coi quý cô cạo đầu ra sao?
Nói rất thiệt tình. Tôi cũng hỏi lại thiệt tình:
- Em thấy chúng tôi ra sao?
Cô ta trả lời:
- Đẹp lắm! Đẹp lắm.
Tôi hỏi:
- Em trả lời vì phép lịch sự hay em nói thiệt?
- Em nói thiệt.
Tôi cười vui:
- Vậy thì cạo đầu giống quí cô đi.
Cô ta đáp ngay, không chút tần ngần:
- Hồi chưa gặp quý thầy quý cô, nghe nói chuyện này em sợ lắm.
Bây giờ gặp rồi, nếu cô xúi vài lần nữa, em dám làm thiệt lắm.
- Tại sao?
- Tại vì không phải quý thầy quý cô đẹp ở hình thức bên ngoài. Làm
sao cạo đầu đẹp hơn chúng em được. Sở dĩ em thấy đẹp vì em cảm nhận được
nét tươi mát, trong sáng, giản dị từ bên trong toát ra.
Tôi thấy giới trẻ ngày nay rất thích tìm hiểu về đời sống tâm linh và có
tầm nhìn khá chính chắn trong lĩnh vực này. Chỉ cần tươi là đẹp, cho
nên người ta hay nói tươi đẹp. Người mũi tẹt mà tươi cũng đẹp, chứ không
cần thiết mũi dọc dừa. Mũi dọc dừa mà kiểu cách, kiêu kỳ, tô vẽ nhiều
quá, người ta cũng không muốn gần. Người trong lòng an vui không có
phiền não, không toan tính là người giàu có sung mãn. Do sung mãn tâm
linh, nên có thể chia sẻ được với mọi người nguồn an vui hạnh phúc của
mình. Đó là giá trị chân thật không ai phủ nhận được. Cho nên chọn cuộc
sống đơn giản, tâm hồn dễ tươi mát. Tâm hồn tươi mát là một tâm hồn cứ
sức sống rất mãnh liệt, cho mình và cho người. Đó là sự thật mà đôi khi
chúng ta bỏ quên, chạy theo hình thức rườm rà bên ngoài, làm mất đi sự
tươi mát của chính mình.
Trên thế gian này những gì có tướng đều sẽ mất đi, cái mà chúng ta giữ
được là trí tuệ của mình. Đó là biết đủ, nhìn cuộc đời đúng như thật,
muôn pháp duyên hợp, lòng bình an trước mọi thành bại, được mất. Chỉ cần
giữ bao nhiêu đó là đủ. Người muốn có công danh, đạt được rồi phải giữ
nó. Nhưng giữ mấy vẫn không được bởi vì nó vô thường. Thành bại được mất
luôn cặp kè sát bên nhau, lẫn trong nhau, không có ranh giới để ta phân
định, chọn lựa. Tại sao chúng ta lại lao theo cái không giữ được và từ
chối cái luôn ở sát bên mình? Cho nên chúng ta phải hạ quyết tâm nhắc
nhở mình biết vừa đủ. Không được điều mình mong muốn thì đừng buồn, thấy
đủ là xong ngay. Thật ra người thấy đủ là người giàu, chứ không phải
người có tiền nhiều là người giàu.
Điều này không phải nói là được mà phải thực tập. Chúng ta luôn quán
chiếu và quán chiếu thật thấu đáo các pháp duyên sinh, mới có thể bình
thản trước mọi được mất hơn thua. Nếu chỉ hiểu thôi, thì được mất hơn
thua vẫn làm khổ chúng ta như thường. Cho nên Phật nói năm dục là năm
miếng mồi. Lúc mê tuy biết khổ mà chúng ta vẫn cứ lao vô. Đến chừng khổ
quá, chịu không nổi, muốn dừng lại, dừng không được. Phải biết dừng lại
trước khi lún quá sâu vào năm miếng mồi ấy. Muốn dừng được phải có ý chí
mãnh liệt, lội trong đó mà thực tập, chớ không phải nói khơi khơi mà
được.
Có một nhà bác học kiến thức rất rộng. Ông đang đi trên một con tàu và
hỏi thuyền trưởng:
- Anh lái thuyền ngoài khơi như thế này, anh có rành về thiên văn
học không?
Thuyền trưởng đáp:
- Tôi không hề biết một chút gì về thiên văn học cả.
Nhà bác học nói:
- Tiếc cho một phần tư cuộc đời của anh.
Và lại hỏi tiếp:
- Nếu không biết về thiên văn học, vậy anh có biết về thủy văn học
không?
- Tôi cũng không biết gì về thủy văn học luôn.
- Tiếc cho phân nửa cuộc đời của anh.
Lát sau, chợt có một trận cuồng phong dữ dội, sóng nổi lên cao ngút, nhà
bác học hoảng sợ. Thuyền trưởng hỏi:
- Thưa ông, ông có biết về bơi lội học không? Nhà bác học đáp:
- Tôi là nhà bác học chứ không phải nhà bơi lội học, làm sao biết bơi
lội.
Thuyền trưởng nói:
- Vậy là tiếc cho cả cuộc đời của ông.
Nói xong, sóng đập vỡ thuyền. Tất cả đều chìm xuống lòng đại dương, chỉ
trừ người thuyền trưởng không biết thiên văn học, thủy văn học mà chỉ
biết bơi lội là vào được bờ.
Quá no về kiến thức, quá no về kiến giải mà thiếu thực tế, thiếu thực
hành sẽ giống như nhà bác học kia. Học nhiều, hiểu nhiều mà không thực
hành thì không cứu được đời mình. Hòa thượng Ân sư luôn nhắc nhở chúng
tôi: Tăng Ni phải tu, đừng nói nữa. Bây giờ không phải là lúc nói mà là
lúc thực hành. Nổi sân lên thì đừng nổi sân nữa, nổi tham lên thì đừng
nổi tham nữa. Vừa khởi một niệm gì là đừng cho khởi tiếp tục. Vậy mới
tu. Chứ vừa khởi lên chúng ta chạy theo nó thì bao giờ mới an ổn. Biểu
buông đi, nói buông không được. Buông không được thì đành phải ôm lấy
thôi. Ai mà buông thế cho!
“Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch”, đạo không có khó nhưng mình rắc
rối quá, lựa chọn quá thành ra khó. Chúng sanh muốn hết khổ, Phật bảo bỏ
nhân khổ, không chịu bỏ rồi cứ than khổ. Bảo đừng chạy nữa, mình nói
không chạy không được. Không được thì cứ chạy. Chạy thì phải mệt, phải
khổ. Cho nên tu hành phải có sức mạnh tự thân, hợp với lực gia trì của
Phật, Bồ-tát, thiện hữu tri thức mới chuyển hóa được. Phải là mình tự
chuyển hóa trước rồi ngoại duyên mới hỗ trợ thêm. Nếu chúng ta không
chịu chuyển hoá, làm sao thầy bạn chuyển giúp được.
Tóm lại, từ sự mê muội chúng sanh tạo nghiệp nên chịu khổ. Bây giờ quyết
định ngay không chần chừ nữa, chuyển nghiệp. Thật ra chuyển nghiệp
không khó, nhưng vì không quen nên chúng ta làm không được, chớ không
phải nó khó. Ví dụ chúng ta hay buồn, khi vừa khởi buồn liền biết đây là
nghiệp xấu, tự nhắc “không thèm buồn nữa”. Tâm trạng buồn sẽ vơi đi một
chút. Sau đó nó tái lập, chúng ta lại tiếp tục thực hành như thế. Nhờ
những khoảng cách được trí tuệ soi sáng, cơn buồn yếu dần và từ từ hết
luôn. Đó là một trong những cách chuyển nghiệp.
Câu chuyện về bơi lội ở trên cho chúng ta thấy giá trị của sự thực hành,
không thể đem kiến giải thay thế được. Học Phật không phải hiểu rồi bỏ
đó. Chúng ta muốn hết khổ phải chuyển từng chút, từng chút. Hễ thói quen
xấu vừa dấy lên liền bỏ, ráng nhắc mình bỏ. Khi bỏ được một thói quen
xấu, trong lòng chúng ta vui lắm. Ví dụ mình hay sân, mỗi lần muốn la
liền nhớ nghiệp này sẽ làm mình khổ, phải xả. Không thèm sân. Bấy giờ
mức độ sân sẽ hạ xuống. Gia công thêm ý chí chuyển hoá, từ từ cơn sân
nguội hẳn. Luôn luôn nhắc nhở thực tập, mới có thể lội qua cơn hiểm nguy
giữa đại dương sanh tử.
Chúng ta quyết định không thèm chạy theo những miếng mồi nguy hiểm.
Không muốn nhào vô thì tránh ra. Tất cả phương pháp tu đức Phật đã dạy
rất kỹ nhưng Ngài không bắt mình tin, mà phải tự chiêm nghiệm. Chiêm
nghiệm rồi thực hành. Đó là con đường duy nhất để đi đến bến bờ an vui
miên viễn.