Sau
khi đức Thế Tôn giác ngộ, ngài suy tư có nên ra thuyết pháp bây giờ hay chưa?
Vì Ngài nghĩ: Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu sắc, khó thấy, khó chứng,
tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn
quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Đối với quần
chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục thật khó mà thấy được định lý Y
tánh duyên khởi pháp; thật khó mà thấy được định lý tất cả các hành là tịch tịnh,
tất cả các sanh y được từ bỏ, ái được đoạn tận, ly dục, ái diệt, Niết-bàn. Nếu
ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho
Ta!
Cho
nên đức Phật ngần ngại không muốn thuyết pháp. Phạm thiên Sahamepati đến ân cần
thỉnh cầu phật ba lần, xin Phật thuyết pháp với lời tha thiết rằng: Xin đức Thế
Tôn hãy thuyết pháp, mở rộng cửa bất tử cho chúng sanh được nghe Pháp. Đấng Đại
hùng hãy đứng lên, bậc chiến thắng chiến trưởng, Vị trưởng đoàn lữ khách, Đấng
thoát ly nợ nần, xin Thế Tôn hãy thuyếp pháp, có người nhờ nghe Pháp sẽ hiểu diệu
nghĩa và sẽ được an lạc.
Sau
lời thỉnh đó, đức Phật mới rời cội Bồ-đề đi đến vườn Nai để thuyết pháp cho 5 vị
Tỳ-kheo là những người trước đó đã cùng đức Phật tu khổ hạnh trong 6 năm. Tại
đây Ngài thuyết giáo pháp Tứ Diệu đế đó là giáo lý đầu tiên và là lần Chuyển
pháp luân đầu tiên, mở đầu cho công cuộc giáo hóa độ sanh của Ngài tại cõi
Ta-bà này. Sau khi thuyết Tứ Diệu đế xong, đức Phật lần lượt đi các nơi khác,
tùy căn cơ của chúng sanh mà hóa độ.
Một
lần, sau giờ thọ trai xong, Ngài đang nghỉ ở bên cội cây bóng mát, có ba mươi
thanh niên hớt hãi chạy đến thưa hỏi Ngài, rằng Ngài có thấy người đàn bà đi
ngang qua đây không? Ngài hỏi lại: Các anh là ai? Người đàn bà đó thế nào? Các
anh hỏi bà ta làm gì? Các chàng thanh niên trả lời rằng: Chúng tôi là 30 nhạc
sĩ đem theo một kỹ nữ để giúp vui, không ngờ trong lúc chúng tôi đang ngủ say
thì người đàn bà ấy đã vơ vét hết bạc vàng, tài sản của chúng tôi trốn đi mất.
Chúng tôi đang đi tìm người ấy. Xin ngài có thấy thì chỉ giúp cho. Đức Phật hỏi
lại: Này các chàng trai, các anh đi tìm người đó hơn hay là các anh đi tìm
chính các anh hơn, điều nào hay hơn? Các chàng trai nhạc sư chưa hiểu hết ý
nghĩa của câu Ngài hỏi nên đồng thanh xin Phật giảng rõ hơn. Đức Phật nói: Được,
các anh về tịnh xá, Như Lai sẽ giảng cho các anh rõ. Cả ba người thanh niên kéo
nhau về tịnh xá nghe Phật giảng.
Về
tới tịnh xá, Phật biểu họ ngồi xung quanh tịnh xá và Ngài nói với họ rằng: Một
trong số các anh lấy cây đàn nguyệt biểu diễn một khúc cho Ta nghe coi. Vị ấy
vâng lời và cầm đàn nguyệt khảy một khúc rất hay. Vừa lúc ấy, Phật bảo: Thôi,
hãy đưa cây đàn cho Ta, và Ngài liền gãy một khúc rất thâm trầm, âm thanh tuyệt
diệu, gió như ngừng thổi để nghe, Thần trong hang động đều rời khỏi chỗ để ra
thưởng thức. Các vị nhạc sư lấy làm kinh ngạc. Khi Phật đàn xong họ đồng lên tiếng
thưa: Bạch Ngài, chúng con lâu nay tự coi mình là những tay thiện nghệ nhất thế
gian về kỹ xảo biểu diễn âm nhạc, nhưng so với Ngài thì tiếng đàn của chúng con
như con dã can so với tiếng rống của Sư tử. Nhân đó ngài nói: Các anh tưởng các
anh đã tự biết các anh, nhưng kỳ thật các anh chỉ biết các anh một cách mơ hồ.
Rồi các nhạc sư yên lặng lắng nghe lời Phật dạy về chuyện vua Bát-ma-ca hy sinh
thân mình để cứu an bá tánh trong nước Ngài. Và cuối cùng Ngài khuyên: Các con
hãy dùng trí tuệ của các con để cứu vớt quần sanh ra khỏi chốn u đồ hơn là đi
tìm một cô gái vô tích sự như vậy. Khi đó các nhạc sư đồng xin xuất gia theo Phật,
sau đó cả thầy trò cùng nhau trực chỉ đến Ưu-lâu-tần-loa.
Một
lần nọ đức Phật ở giữa dân chúng Koliya, một số người đến đảnh lễ đức Phật, bạch
rằng: Bạch đức Thế Tôn, chúng con là những người tại gia hưởng thọ đầy đủ các dục,
sống hệ phược với vợ con, mang chuỗi ngọc, tràng hoa, xoa son đánh phấn, xin Thế
Tôn hãy thuyết pháp cho những hạng người như chúng con. Ngài thuyết thế nào mà
pháp ấy sẽ đem lại cho chúng con hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại và cũng
đem lại hạnh phúc an lạc cho tương lai. Đức Phật dạy: Này các gia chủ, có 4 điều
đem lại hạnh phúc ngay trong hiện tại là: Điều
thứ nhất là phải đầy đủ sự tháo vát.
Phàm làm một nghề gì để sinh sống; như làm ruộng,
dạy học, đi buôn, làm bác sĩ hay làm nhân viên nhà nước . . . thì phải
chuyên cần, chăm chỉ, tìm hiểu nghiên cứu sâu trong lãnh vực nghề nghiệp của
mình đang theo đuổi để cho được tinh xảo, để có thể tự mình làm và chỉ vẽ cho
người khác làm. Điều thứ hai là đầy đủ
sự phòng hộ. Bằng sức mạnh, bằng mồ hôi nước mắt để thu nhập của
cải một cách đúng pháp thì phải cố gắng giữ gìn phòng hộ của cải đó đừng để vua
quan tịch thu, trộm cướp mang đi, lửa cháy thiêu hủy, nước cuốn trôi, gió thổi
tan và phải dạy dỗ, căn dặn những người con thừa tự chớ có dại dột, hoang đàng
phá phách cướp đoạt. Điều thứ ba là
phải bảo vệ tài sản mình kiếm được.Người con thừa kế luôn luôn
là sự mong đợi của dòng họ để trao truyền và giữ gìn gia sản của mình trong khi
mình đang sống và sau khi mình qua đời.
Nhưng
nếu người con thừa kế đó không được giáo dục, cha mẹ sanh ra thì có mà nuôi thì
không hoặc nuôi thì có mà dạy thì không, để đi theo bạn bè xấu ác tập nhiễm những
hành động phi pháp, tâm tính hoang đàn nghịch ngợm. Đối với cha mẹ chẳng những
đã không giữ gìn được tài sản để lại mà ngược lại còn hỗn hào xấc láo, gây khổ
cha mẹ nữa là khác. Muốn tài sản được người giữ gìn tất nhiên người làm cha,
làm mẹ phải có bổn phận giáo dục con cái mình ngay từ lúc tuổi còn đang nhỏ.
Giáo dục con cái bằng đủ cách như cho tiền con cái đúng pháp, dạy dỗ nó bằng lẽ
phải, bằng tình thương, bằng đạo đức. Phải để ý hướng dẫn con cái đi đến những
nơi hấp thụ được điều hay lẽ phải, đạo đức nhân nghĩa, không nên bỏ con cái đi
lêu lỏng, để cho con cái muốn làm gì thì làm. Nhiều Phật tử chúng ta chỉ biết rằng:
Đạo Phật là hay, đạo Phật là đúng, đạo Phật là sáng suốt rồi tự một mình đi
chùa lễ Phật, còn con cái tha hồ làm gì thì làm, đi đường nào thì đi. Như thế
thì con cái là những kẻ thừa tự, có hy vọng ở nơi nó bảo vệ được tài sản của
mình không? Điều thứ tư là phải gần gũi với thiện.
Ở
xóm này hay ở xóm kia, nếu ở đó có người hiền thiện, những người có lòng tin
chính đáng, có sự bố thí rộng rãi, có đức hạnh, có trí tuệ, thì ta nên gần gũi
họ để bàn bạc, học hỏi điều hay lẽ phải về đạo đức luân thường để mà sống theo.
Điều thứ năm là phải sống thăng bằng
điều hòa. Ngày này ta thu được bao nhiêu tiền, chi ra bao nhiêu
còn lại bao nhiêu. Rồi ngày khác ta thu được bao nhiêu, chi ra bao nhiêu, còn lại
bao nhiêu tiền. Nếu thu nhập ít ỏi mà tiêu phí hoang đàn vô bổ, thì người đó sẽ
bị thiên hạ chê cười, đó là những kẻ ăn của cải của mình mà không biết phòng
xa. Ngược lại nếu thu nhập khá nhưng lại bỏn xẻn, keo kiệt, hà tiện không dám
tiêu, không dám làm việc phải, thì người đó cũng sẽ bị thiên hạ chê cười, kẻ đó
là kẻ sẽ chết đói trên đống của cải.
Có
4 điều làm cho của cải tiêu tán và cũng chính 4 điều đó làm cho của cải được
duy trì và phát triển, đó là: Đam
mê cờ bạc là diều thứ nhất, làm cho của cải đội
nón ra đi một cách khỏe khoắn. Đam mê rượu chè là điều thứ hai. Đây là một
cách đẩy của cải ra khỏi nhà. Đam mê sắc dục là điều thứ ba. Đó là một
cách không muốn giữ của cải trong gia đình nữa, và giao du với bạn ác là điều
thứ tư. Đây là cách mời giặc về nhà để mang của ra đi. Bốn điều trên là những
điều thông thường nhưng hết sức thâm thúy, những điều thông thường nầy xảy ra
hàng ngày nên không ai nghĩ tới, quá thông thường nên không ai sống với. Cho
nên khi giao du bạn ác mà không biết rằng mình giao du bạn ác để người trong
gia đình mình giao du bạn ác mà không biết rằng gia đình mình đã có người giao
du với bạn ác. Thế là mở cửa để cho của cải trong nhà đi ra. Ngược lại nếu
không đam mê cờ bạc, không đam mê rượu chè, không đam mê sắc dục, không giao du
bạn ác thì của cải ta làm được sẽ được bảo trì một cách vững vàng không bị mất
mát.
Tóm
lại, đức Phật dạy những điều vừa nói là những điều đem lại hạnh phúc an vui
ngay trong hiện tại. Các Phật tử chúng ta thực hành theo những lời dạy đó thử
coi, nó có được an vui hay không? Tôi đoan chắc rằng khi chúng ta thực hành những
lời dạy đó của đức Phật thì chúng ta sẽ được an vui.
Họ
lại hỏi tiếp: Những pháp nào đức Phật nói ra sẽ đem lại an vui hạnh phúc trong
tương lai nếu được áp dụng. Điều thứ
nhất là đầy đủ lòng tin. Chúng ta nghèo khổ bao giờ cũng ước ao
được giàu có, chúng ta sống trong một cái thân mạng ngắn ngủi thì bao giờ cũng
ước ao được sống lâu dài. Chúng ta thiếu từ bi ước ao được sống trong từ bi,
chúng ta dốt nát ao ước được trí tuệ sáng suốt. Chúng ta sống triền phược ước
ao được sống tự do giải thoát. Chính những ao ước đó dắt dẫn chúng ta bước lên,
đi tới cảnh giới rộng rãi, tự tại an vui. Nhưng muốn được như thế thì phải có
lòng tin. Có lòng tin đặt đúng chỗ gọi là chánh tín. Một người học trò muốn học
giỏi phải tin tưởng lời dạy của người thầy giáo, nếu không tin tưởng ở ông thầy
giáo và lời dạy của ông, thì người học trò đó không thể giỏi được. Một người bệnh
đến bác sĩ chữa bệnh, tin tưởng ở người thầy thuốc, tin tưởng thứ thuốc bác sĩ
cho có thể chữa lành bệnh, thì bệnh nhân mới có thể chữa mau lành bệnh được.
Cũng vậy, bây giờ chúng ta ao ước được Từ bi, chúng ta phải tin tưởng vào Đấng
có từ bi viên mãn đó là đức Phật. Chúng ta ao ước trí tuệ thì chúng ta phải tin
tưởng vào đức Phật là đấng sáng suốt và trí tuệ giác ngộ như danh từ đã gọi. Phật
nghĩa là giác, có thêm chữ đại giác nữa gọi là sự giác ngộ lớn lao. Giờ chúng
ta đang bị vô minh, chúng ta ao ước, mơ ước được giác ngộ thì chúng ta phải tin
vào Đấng Giác ngộ thì ta mới giác ngộ được. Chúng ta đang sống trong triền phược,
bó buộc, bó buộc ở ngoại cảnh và bó buộc trong chính nội tâm chúng ta. Chúng ta
muốn được tự tại giải thoát thì phải tin tưởng vào Đấng Tự tại giải thoát mới
mau được tự tại giải thoát. Đấng tự tại giải thoát đó là đức Phật. Tin vào đức
Phật một cách đúng đắn, tin vào lời dạy của đức Phật một cách đúng đắn, tin vào
các bậc chân Tăng xuất gia tu hành theo đạo Phật một cách đúng đắn đó là ba niềm
tin quí báu của người Phật tử chúng ta, là những người đang mong mỏi bước lên
con đường giác ngộ giải thoát và từ bi của đức Phật. Thứ hai là đầy đủ giới đức: Giới đức tức là những điều
răn dạy, những điều luật để kềm chế thân của chúng ta đừng làm bậy, miệng của
chúng ta đừng nói bậy, tâm của chúng ta đừng nghĩ bậy. Mỗi người chúng ta phải
sửa cho được thân không làm bậy, miệng không nói bậy, ý không nghĩ bậy, đó gọi
là giới luật, là những điều răn dạy của Phật. Những người sơ cơ tại gia Phật tử
có 5 điều răn dạy mà đức Phật dạy cho người tại gia cố gắng giữ gìn, thì tự
nhiên có đức hạnh. Năm điều căn bản của giới tại gia tạo nên đạo đức là: 1. Không
sát sanh; 2. Không trộm cắp; 3. Không tà hạnh trong các dục; 4.
Không nói dối; 5. Không uống rượu. Đó là căn bản của đạo đức, của
lẽ phải. Chúng ta thử hỏi, ta muốn sống, người khác cũng muốn sống thì đừng vì
ta mà giết hại kẻ khác Đó là một sự hợp tình thuận lý. Nếu giữ được cái hợp
tình hợp lý đó thì gọi là đạo đức, trái lại làm một việc phi tình phi lý thì gọi
là vô đạo đức. Không trộm cắp là biết tôn trọng của cải của người khác trong xã
hội, đó là một việc hợp tình hợp lý gọi là đạo đức. Không tà dâm, giữ nhân
cách, nhân phẩm cho đứng đắn vững vàng đó cũng là đạo đức mà xã hội con người
không thể thiếu được. Không nói dối cũng là một cách giữ gìn đạo đức, nhưng điều
này hơi khó. Các Phật tử lên chùa nghe các thầy khuyên đừng nói dối, đó là lời
khuyên hay và có lợi vô cùng, nhưng đến khi ra giữa chợ đời thì chịu. Một thước
vải chị bên này bán 10 ngàn, chị nọ 12 ngàn, chị kia 15 ngàn, chị khác 11 ngàn.
Trong khi đó thước vải xuất xưởng đúng giá chỉ có 9 ngàn thôi. Nếu mình nói thước
vải này 10 ngàn thì người ta cho là vải xấu. Nói thách 15 ngàn đó là vải ngoại
họ cho là vải tốt. Còn 11 ngàn thì cho là vải nội hóa không ra gì, không thèm
mua. Cho nên thật khó nói. Như vậy mình là Phật tử, nói thật thà thì không nên
đi buôn và cũng đừng nên làm chuyện gì hết, bởi trong giới nào cũng có sự nói
láo cả, không nhiều thì ít, nhất là trong sự buôn bán nói láo nhiều hơn ai hết.
Vậy làm sao vừa giữ giới được vừa buôn bán được? Nếu là người năng đi buôn, các
vị tìm cho một cách vừa giữ giới được vừa buôn có lời! Các vị có làm được không
?
Tôi
đã nghĩ ra cách này không biết các Phật tử có chịu không? Trong thước vải đó,
người bên này nói 12 ngàn thì mình cũng nói 12 ngàn. Đúng ra là nói láo rồi đó,
láo 3 ngàn so với 9 ngàn là giá chính thức. Nếu gặp một người từ quê ra, cực khổ,
lâu nay gom góp được 12 ngàn đồng, lên chợ mua tưởng vải chưa trượt giá, họ
tính nếu mua một thước 6 ngàn, hai thước 12 ngàn thì may được 1 cái áo. Chừ nó
trượt giá 12 ngàn một thước, nhưng họ cũng đành nhắm mắt mua. Chị bán hàng bên
này không đi chùa, chị không giữ giới bất vọng ngữ, nên chị nói 12 ngàn, chị từ
quê ra đồng ý mua và trả tiền lấy vải về. Khi mua được vải đó đem về tốt xấu chị
ta không thèm để ý. Còn mình là Phật tử nói 12 ngàn và chị ta cũng đưa 12 ngàn
nhưng mình nói nhỏ với chị ta, tuy nói là nói vậy, nhưng tôi bớt cho chị 2 ngàn
lấy 10 ngàn thôi. Thế là mình cũng nói láo, bán được có lời, nhưng nói láo đó
là nói láo phương tiện, không mắc tội, không phạm giới. Đó là tôi đề nghị như vậy
để các vị tham khảo vì tôi không đi buôn, nếu còn giải pháp nào hay hơn thì các
Phật tử tìm cách suy nghĩ thêm, miễn sao buôn bán có lời mà không mắc tội nói
láo là được.
Nói
đến giới bất vọng ngữ này thì căn bản của nó là nền tảng của đạo đức. Trong
chúng ta nếu ai cũng cố gắng giữ đừng nói láo, hay có nói láo thì nói ít ít
thôi, 10 nói ra 11 chứ đừng nói ra 20. Như vậy chợ nó bớt ồn, thì giờ bớt mất,
đồ đạc của cải bán ra cũng rất mau. Còn nói láo thách nhau nhiều quá nhất định
chợ sẽ ồn, bán rất chậm, vì sao? Vì một thước vải 9 ngàn mà nói 20 ngàn nhất định
họ phải trả giá thôi. Trả tới trả lui, trả lên trả xuống... một giờ mà chưa mua được một thước vải nào và người
bán cũng không bán được một thước vải nào. Đó là hậu quả của sự nói láo quá mức,
đã mất thì giờ cho mình mà lại còn mất thì giờ cho người mua, thậm chí đôi khi
xảy ra xích mích, cãi lộn rồi đánh nhau nữa. Xã hội nào nói láo nhiều thì xã hội
đó sẽ bất an. Nếu nói láo ít thì đó là một xã hội an lạc.
Tôi
thấy vì nói thách quá nhiều nên có người đi cả buổi chợ rồi quay trở về chứ
không mua được gì hết. Ở nhà nghe nói một thước vải 5 ngàn, lên chợ hỏi chỗ này
7 ngàn, chỗ kia 9 ngàn, thậm chí 11, 15 ngàn nên không mua được vải mà lại mất
toi một ngày. Bên kia cũng không bán được, bên này cũng không mua được. Cho nên
giới không nói láo tưởng đơn sơ nhưng đó là căn bản của an lạc, trật tự của xã
hội. Nếu một xã hội mà người nói láo nhiều thì đâm ra mất trật tự và nguy hiểm
vô cùng. Tôi ví dụ, chúng ta tới mua vé xe, nếu họ bán thật giá thì khách sẽ
mua và lên xe đi ngay, còn nói thách thì khách sẽ đắn đo, so sánh nên chưa vội
mua ngay. Đáng ra vé xe đi 5 ngàn, bây giờ họ nói 10 ngàn nên khách phải trả
giá, vô tình họ làm mất thì giờ cho khách mà xe cũng không thể chạy được. Như vậy
là bên này kẻ mất buôn, bên kia kẻ mất bán, xã hội vì vậy mất trật tự nên không
có đạo đức. Cho nên Phật chế giới cấm nói láo là rất hay, nếu chúng ta suy nghiệm
kỹ thì lời dạy của đức Phật thâm thúy vô cùng, nếu đem áp dụng được giới không
nói láo vào trong đời sống thì sẽ đem lại sự an lạc cho xã hội ngay tức thời.
Không uống rượu là
điều thứ năm: ở
giữa xã hội kinh tế thị trường này, là một người Phật tử lên chùa mà không uống
rượu, tôi nghĩ các Phật tử chẳng qua khi nghe lời các thầy khuyên không nên uống
rượu thì dạ dạ cho qua chuyện mà thôi, chứ ở ngoài đời nói không uống rượu thì
khó quá. Xã hội ta bây giờ ở đâu đông người là ở đó có uống rượu. Ngồi hai người
họ cũng uống. Bình thường không có người họ cũng bày ra độc ẩm. Quán nào cũng
có rượu cả. Nếu Phật tử khi lên chùa các thầy khuyên đừng uống rượu thì e cũng
có người nói: Thôi thôi các thầy ơi, các thầy cho tôi quá 70 tuổi rồi tôi sẽ
nghỉ uống, chứ bây giờ còn trẻ nghỉ uống sao được, tu cái giới này chưa được,
khó quá? Thực tình ra đức Phật dạy những giới điều như vậy, Ngài nói chu đáo
nhưng sự thực hành bao giờ cũng từ từ, chứ không phải khuyên các Phật tử không
giữ. Tôi ví dụ: Nếu hôm trước chúng ta uống 10 lít một ngày thì bây giờ thọ giới
rồi uống 9 lít thôi. Hoặc tháng sau hay tháng sau nữa lên chùa lạy Phật, xin
Ngài cho con bữa nay uống 8 lít thôi. Tháng sau tháng sau nữa lên lạy Phật nói,
thưa Ngài bữa nay cho con uống 7 lít thôi, cứ như thế từ từ mà bỏ. Chính đó là
thọ giới không uống rượu, chứ không phải lên thọ rồi là bỏ liền, nên các đạo hữu
đừng sợ. Như thế thì ai đang uống rượu đó cũng có thể xin thọ ngũ giới được chứ
không phải nói tôi đang uống tôi thọ không được. Nhưng vị ấy phải có quyết tâm
bỏ từ từ, như tháng này tôi bỏ một ly, tháng sau tôi bớt một ly, cứ như thế từ
từ mà bỏ dần, đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là khi đã thọ giới không uống
ruợu thì không được đem rượu mời nài ép người khác uống. Có nhiều khách tới nhà
liền đem ruợu tới nài ép: Mời anh uống với tôi một chén cho vui. Người kia nói:
Không, tôi thọ giới rồi tôi không uống rượu. Người kia nài nỉ: Thôi anh à, hôm
nay anh xả giới một bữa, anh cụng với tôi một ly cho vui. Như thế là mình không
biết giữ cho mình mà cũng không biết giữ cho người khác. Như vậy là giữ giới bất
ẩm tửu không trọn vẹn. Nên khi giữ thì phải giữ cho mình và cũng giữ cho người
khác nữa, chứ mình không uống mà cứ ép người khác uống một chén cho vui, vì mấy
khi anh đến nhà tôi. Ép người ta như vậy thì mai mốt làm sao ta lên chùa để thọ
giới không uống ruợu được, vô tình mình chận con đường hành đạo của mình và còn
chận con đường tu đạo của người khác mà không biết. Cho nên việc chế giới của
Phật thâm thúy vô cùng, mình phải tìm hiểu và thực hành thì bản thân mình mới
được thanh thản an vui. Nếu không ý thức được như vậy, thì việc uống rượu tràn
lan trong xã hội như hôm nay là một tai hại rất lớn. Có biết bao người chết vì
rượu và cũng có biết bao gia đình tan nhà nát cửa cũng vì rượu.
Một
lần, có một Phật tử chở tôi bằng xe Honda, tôi ngồi sau hỏi: Sao Bác, mấy hôm
rày ăn làm ra sao? Anh ta trả lời: Thưa thầy, dạ kinh tế con không lo nhưng khổ
quá. Tôi hỏi Bác khổ chuyện gì vậy? Thưa thầy, nhà tôi mấy đứa con nó say sưa cả
ngày, đánh lộn cãi vã nhau hoài, xử mãi xử hoài, xử một chặp tôi mệt quá, lần
sau nghe la lối to tiếng là tôi phải bỏ đi chỗ khác, qua nhà hàng xóm ngồi. Như
vậy là nhà mình giao cho con uống rượu phá phách, còn mình qua nhà hàng xóm ngồi.
Vậy là tại ai mà xảy ra chuyện bất hạnh như vậy? Tại mình không giáo dục con
cái mình chứ không phải khổ vì ngoại cảnh bên ngoài đem lại. Cho nên chúng ta
phải ý thức cho được lời đức Phật dạy không uống rượu là một điều rất hay, rất
là đạo đức.
Ở
ngoài xã hội, chúng ta cho chuyện đó là chuyện thông thường, không quan trọng,
nhưng nhìn ra ngoài xã hội, nhìn lại trong gia đình của mình chúng ta sẽ thấy
đó là một điều hết sức hợp lý và rất hay. Nếu giữ được thì sẽ đem lại sự hạnh
phúc cho gia đình và xã hội.
Điều thứ 3 là đầy đủ sự bố thí.
Thường thường khi nghe nói bố thí chúng ta
hay quan niệm rằng: Có của mới bố thí chứ tôi nghèo xơ nghèo xác thì làm sao mà
bố thí được. Ngày chỉ cần đủ được hai ba bữa ăn là tốt lắm rồi chứ lấy đâu ra của
mà bố thí. Như vậy là cái bụng chưa no làm sao mà bố được. Khi nào no mới bố chứ,
chứ giờ đây chưa no mà biểu bố cho ai được. Thế chắc Phật dạy bố thí là dạy cho
mấy ông nhà giàu, còn hạng nghèo khổ, hạng đi xin ăn bố sao được Có nhiều người
nghĩ vậy nên cho Phật chỉ chú trọng mấy ông nhà giàu, chứ không chú trọng mấy
người nghèo khổ. Chứ nhà nghèo quá không đủ ăn lấy đâu mà bố với thí.
Thật
ra bố thí là một cách mở rộng lòng mình, chan hòa sự sống của mình với người
khác. Khi đã biết thu vào thì cũng phải biết thí ra. Hằng ngày chúng ta thở vào
và thở ra để mà sống. Nếu chúng ta tham lam hơi thở, hít vào thật nhiều không tống
nó ra, có được không? Chắn chắn là không được, chết ngay. Có cho ra rồi mới hít vào được, có hít vào rồi
mới cho ra được. Từ đó suy ra, của cải cất cho nhiều để làm gì? Của cải để nuôi
sống, không khí để làm gì? cũng để nuôi sống. Vậy khi hít không khí vào cũng chỉ
vừa đủ để nuôi sống mà thôi, nếu dư quá sẽ ngập tràn phổi cũng chết. Của cải nếu
giữ mãi mà không đưa ra, lâu ngày nó không chết cách này thì cũng chết cách
khác.
Sau
giải phóng có một ông đạo hữu, tôi chắc ông này là đạo hữu nhưng cũng ít đi
chùa, không bao giờ bố thí và không nghe Phật dạy cái luật vô thường, đến với
tôi ông nói: Ôi chao thầy ơi ? Thầy có cách chi thầy vẽ cho tôi sống với, chứ
tôi hoảng quá thầy ạ! Tôi hỏi: sao mà hoảng quá rứa bác? Ông nói: Thưa thầy,
nhà cửa con họ lấy hết trơn. Tôi hỏi: họ lấy mấy cái? Dạ, họ lấy 9,10 cái lận.
Tôi tiếp tục hỏi: Có còn cái nào không ? Dạ, còn một cái. Còn nhà gì bác? Dạ,
nhà lầu. Vậy giờ bác ở với ai ? Dạ, hai vợ chồng già thôi. Tôi nói: Ôi chao,
sao bác không chịu ngó xuống mà ở. Hai vợ chồng già rồi ở một cái nhà lầu mà
bác nói hoảng. Một mai kia bác không có gạo ăn, bác bán cái nhà ấy rồi mua một
cái nhà nhỏ nhỏ, hai vợ chồng ở với nhau, tôi nghĩ bác sống đến 120 tuổi cũng
tiêu chưa hết tiền! Khi đó bác ta kêu lên: à, à.
Thường
thường chúng ta mê lầm lắm. Trong khi mình sướng mà không biết mình sướng, cứ
nói mình khổ. Còn cái nhà lầu 3 tầng so với nhiều người còn ở nhà tranh, thậm
chí có nhiều người không có nhà, ở bụi ở bờ thì mình sướng biết mấy mà không biết
mình sướng. Cho nên khi ta biết sướng thì tự nhiên ta sướng, nếu không biết sướng
thì tự nhiên ta khổ. Khổ đó phần lớn do mình đem tới chứ không do ai đem lại cả.
Đức
Phật có một lần, Ngài ngồi yên tịnh bên gốc cây. Có người đi ngang qua hỏi:
Ngài có hoan hỷ không Ngài? Ngài nói: Ta được gì mà Ta hoan hỷ. Ngài không hoan
hỷ chắc là sầu muộn hay sao mà ngồi một mình như vậy? Ngài nói: Ta mất chi mà
Ta sầu muộn. Ông ta nói: Lạ chưa, không hoan hỷ thì sầu muộn, không sầu muộn
thì hoan hỷ, chứ sao đây hoan hỷ cũng không mà sầu muộn cũng không? Đời không
có ai có chuyện lạ như vậy bao giờ. Ngài mới nói: Sầu muộn chỉ đến với người có
tâm hoan hỷ, hoan hỷ chỉ đến với người có tâm sầu muộn. (Bây giờ đang đói bụng
quá, sầu hết sức; có ai đem cho một ổ bánh mì ăn thì hoan hỷ. Thế là từ trạng
thái sầu muộn mà sinh ra hoan hỷ. Hôm nay có một lượng vàng bỏ trong túi, đi rá
đường nó rớt mất. Vì có vàng là hoan hỷ lắm mà giờ nó rớt mất là sầu muộn). Như
Lai là người đã dứt hết sầu muộn rồi thì lấy đâu mà hoan hỷ. Hoan hỷ chỉ đến với
tâm người sầu muộn, mà đức Phật không còn sầu muộn, cho nên Ngài không sầu muộn
cũng không hoan hỷ. Nhưng chính không sầu muộn không hoan hỷ đó là một cái hoan
hỷ vượt lên trên mọi hoan hỷ và sầu muộn tầm thường đối đãi của thế gian, đó là
một cái hoan hỷ, giải thoát tự tại, cho nên đức Phật khi nào miệng Ngài cũng mỉm
cười luôn. Cười to như ngài Di-lặc hay cười mỉm như đức Thích-ca cũng là nụ cười
bao giờ cũng hoan hỷ.
Khi
nào các Phật tử lên chùa hỏi đức Di-lặc, Ngài có được cái gì không mà Ngài cười
luôn như vậy? Ngài có trúng số độc đắc không mà Ngài cười hoan hỷ như vậy? Rồi
đến vỗ vỗ nơi chân đức Thích-ca hỏi Ngài có được gì không mà Ngài mỉm cười như
vậy. Nếu lên hỏi mà đức Di-lặc nói: Ta không được gì cả mà Ta vẫn vui; hay đức
Thích-ca cũng không được gì cả mà Ngài vẫn cười, vẫn hoan hỷ. Mình cũng bắt chước
theo các Ngài rằng: Dù chúng ta không được gì cả thì chúng ta vẫn cứ vui vẻ. Lẽ
tất nhiên, cái vui của Phật không phải như cái vui của mình. Mình cười ha hả là
trước mắt có cái vui cho chính mình. Tuy nhiên, cái vui cái cười của mình hiện
ra rồi biến mất khiến mình lại buồn liền. Bởi vì mình đang còn ở trong cảnh vui
vui buồn buồn của thế gian. Cái vui cái buồn của mình không phải tự chính trong
mình có, mà nó tùy thuộc vào cái vật bên ngoài. Bây giờ nếu ai đem tới cho
chúng ta một thỏi vàng mà còn ca ngợi chúng ta nữa, rứa là chúng ta vui, nhưng
nếu chúng ta để mất thỏi vàng thì buồn liền. Như vậy là dựa theo thỏi vàng đó
mà vui mà buồn, chứ trong tâm này không có. Đó là cái vui buồn theo ngoại cảnh.
Đức
Phật không vui buồn theo thỏi vàng đó cho nên khi nào Ngài cũng mỉm cười, cũng
vui hết. Ngài biết cái buồn vui theo thỏi vàng đó là cái buồn vui giả tạo, một
cái buồn vui không bền vững, cho nên Ngài đã bỏ quốc thành thê tử để đi tu, hầu
chứng ngộ một cảnh giới không buồn không vui gì cả, đó là Niết-bàn, nên dù cho
ngồi dưới gốc cây Ngài cũng vui.
Sự
bố thí mà đức Phật dạy rất thiết thực và thâm thúy lắm. Nếu tất cả chúng ta, hằng
ngày có một ý nghĩ bố thí thôi, chứ chưa phải bố thí cho ai hết thì cũng đã có
lợi rồi. Khi tâm của chúng ta nghĩ đến bố thí: Ví dụ ta nghĩ ước gì có một đồng
bạc để bố thí cho người nghèo, thì khi ấy chúng ta sẽ không móng tâm ăn cắp ăn
trộm nữa. Cho nên chỉ một việc suy nghĩ đến bố thí cũng đã có lợi rồi, chứ chưa
nói đến việc đem tiền đem bạc đi bố thí. Khi tâm đã nghĩ đến bố thí thì sẽ
không có tâm nào nghĩ đến ăn trộm ăn cắp nữa, như thế đã là có lợi và vui rồi.
Nếu không bố thí thì tâm bỏn sẻn sẽ làm cho mình mù quáng, không biết đâu là phải
đâu là trái, đâu là hay đâu là dở. Khi ấy cái gì có lợi thì ta cho là đúng,
không lợi thì cho là sai.
Có
một bà già, bà này chuyên sống với tiền với bạc; nên ngày nào có tiền có bạc
đem đến thì bà vui, ngày nào không có tiền đến thì bà buồn. Khi nào mở tủ ra mà
thấy bạc chất từng chồng cao thì bà vui, còn chồng bạc lưng lưng thì bà buồn lắm.
Suốt ngày chỉ nghĩ đến tiền, nên bà tìm đủ mọi cách để thu càng nhiều tiền càng
tốt, vì vậy bà đã tìm đủ mọi mưu mô thủ đoạn, để vơ vét tiền bạc về cho mình và
không từ một thủ đoạn nào. Vì thế, nếu có ai tới nói có lợi cho bà thì bà đãi
cơm mời nước rất ân cần, còn người nào tới quyên tiền như nói: Bữa nay trên
chùa có lễ, chị nên cúng cái này cái kia để làm phước, thì bà liền quay lưng từ
chối lia lịa. Không cho mà lại ác cảm nữa.
Bên
cạnh nhà bà có ông hiền sĩ, thấy tâm bà ác quá nên anh ta tìm cách thức tỉnh
bà. Bữa nọ, anh ta qua nhà bà mượn một cái nồi nấu cơm. Anh nói, bà ơi mấy lúc
này tôi ở một mình nên nấu cái nồi một là đủ ăn, bữa nay có bạn bè tới thăm,
nên bà cho tôi mượn cái nồi rưỡi về nấu vài hôm. Năn nỉ đủ cách bà mới cho mượn
và còn nói: Cả đời tôi chưa cho ai mượn hết, bữa nay nể anh nên cho anh mượn,
nhưng sáng mai phải đem trả sớm cho tôi. Sáng mai anh ta đem trả nồi ruỡi và
trong còn có một cái nồi con nữa.
Thấy
vậy bà hỏi : Cái nồi con này đâu đây? Anh ta nói: Hồi hôm tôi rửa cái nồi rưỡi
định sáng mai đem trả cho bà, không ngờ ban đêm nó đẻ ra cái nồi một này. Nghe
nói vậy bà ta khoái trá nói: Phải, nồi tôi là nồi đặc biệt, bữa sau có mượn qua
đây tôi cho mượn, với lại nếu anh mượn nồi gì tôi cũng cho anh mượn hết. Bà dặn
dò như vậy mấy lần nhưng lâu rồi không thấy anh ta qua mượn. Lâu lâu bà lại cho
người qua nhắc, sao không thấy anh qua mượn nồi. Bà nhắc mãi nhắc hoài, bữa đó
anh ta qua mượn. Anh xin mượn nồi rưỡi, bà nói không có, chỉ cho mượn nồi lớn
thôi chứ nồi rưỡi tôi bận rồi.
Một
hồi lời qua tiếng lại, cuối cùng anh nói: Thôi bà cho mượn cái nồi gì cũng được.
Bà đưa nồi lớn, anh nói: Nồi này to quá làm gì hết. Anh năn nỉ bà cho mượn nồi
nhỏ thôi. Bà nói, thôi cho mượn nồi ba cũng được. Khi đó bà nghĩ thầm trong bụng:
Nồi ruỡi đẻ ra nồi một thì bây giờ nồi ba nó sẽ đẻ ra nồi em nồi một. Bà vội
vàng lấy nồi cho anh ta mượn. Anh ta mang nồi về. Khi đi ngang qua con sông cạnh
nhà anh ta, anh liền vứt nồi xuống sông rồi về nhà nằm ngủ. Bà ở bên nhà cứ thấp
thỏm sao đêm nay trời lâu sáng quá, canh một, canh hai, canh ba gà đã gáy nhưng
trời vẫn chưa sáng. Bà trông cho mau sáng để anh ta qua trả nồi. Hy vọng anh
đem trả nồi ba thế nào cũng có cái nồi nhỏ ở trong đó.
Nhưng
một ngày trôi qua vẫn không thấy anh ta đem trả. Ngày hôm sau mặt trời vừa lên
quá đọt cau mà vẫn chưa thấy anh ta trả nồi, bà nóng lòng nên chạy qua nhà thì
thấy anh ta đang vách râu nằm ngủ. Bà tới đập anh ta thì anh ta lăn qua lăn lại
mà không thấy dậy. Bà lấy que đập đập vào người khi ấy anh ta mới dụi mắt thức
đậy. Bà mắng anh ta và nói: Sao sáng nay không thấy anh đem nồi qua trả? Anh trả
lời: Ôi chán quá bà ơi! Bà hỏi anh chán cái gì? Anh nói: Cái nồi bà hắn chết rồi.
Bà nói: Anh nói hiện ngụy, có bao giờ nghe nồi chết đâu mà sao hôm nay anh nói
lạ thế! Anh buồn rầu nói và khóc: Cái nồi nó chết nên tôi đem chôn hồi hôm rồi.
Bà la lớn: Anh đừng nói hiện ngụy. Nồi mà nồi chết, xưa nay chưa nghe ai nói
chuyện đó! Anh nói: Bà không biết sao, xưa nay đã có sanh thì có chết chứ sao.
Bà dậm chân dậm cẳng la lối, nồi của tôi đâu rồi đem về cho tôi, còn không tôi
sẽ đi kiện quan. Anh nói: Bà có đi kiện đâu thì kiện chứ hắn chết tôi cũng chịu
thôi.
Bà
chạy về nằm gác tay lên trán suy nghĩ nếu muốn đi kiện quan thì biết viết đơn
làm sao để đi kiện. Dù cho ông tiến sĩ cử nhân gì đi nữa làm sao viết được cái
đơn này mà đi kiện. Thua buồn thua kiện nên bà về nhà nằm nghĩ. Nghĩ một hồi
tinh thần hơi ổn định và nhớ lại: Khi kia mình nồi ba cũng có, chừ lại không! Nồi
rưỡi cũng có giờ lại không? Tự ai gây ra cớ sự như thế này? Vua cũng không lấy,
giặc cũng không cướp mà sao ta lại mất nồi? Tính đi tính lại té ra mình quá
tham. Tham quá hóa thành u mê.
Câu
chuyện nghe kể có vẻ ngớ ngẩn, bây giờ một em bé 15 tuổi cũng không tin cái nồi
sanh nồi chết. Nhưng bà con chúng ta không tin cái nồi sanh nhưng lại tin cục
vàng nó đẻ. Một cây nó có thể sanh ra bốn cây hay bảy cây một lần. Báo chí có
nêu đây đó tỉnh này tỉnh kia, nạn chơi và bể hụi làm cho bao gia đình tan nhà
nát cửa. Tôi có một người quen hiện bây giờ vợ bỏ chạy trốn vì sợ chủ nợ tới
đòi, nên chồng phải treo bảng bán nhà, vì sao? Đó là vì nạn chơi hụi. Vàng
không đẻ một ra ba cây mà cứ ép nó đẻ cho nên khổ. Nồi không đẻ mà cứ ép cho nó
đẻ nên sinh ra khổ. Nếu có cái tâm bố thí, không bỏn sẻn, không tham lam thì
đâu đến nỗi như thế.
Đức
Phật dạy: Tham, sân, si là ba căn bệnh gây đau khổ cho chúng sinh. Làm sao bớt
tham, bớt sân, bớt si thì mới có an lạc. Có ba cách bố thí để đem lại an lạc:
Đó là bố thí tài vật, là cúng của, cúng tiền giúp áo giúp cơm. Ví dụ thấy bên
nhà hàng xóm có một em bé học hành giỏi, tánh nết dễ thương nhưng nhà không đủ
tiền nuôi con cho đi học thì mình tìm cách giúp cho em đó đi học. Đó là cách bố
thí thiết thực nhất.
Xưa
có một người ăn xin thấy đức Phật đi ngang qua, trong lòng ưng bố thí quá nhưng
không biết lấy gì mà bố thí, đi xin còn không đủ ăn lấy đâu mà bố thí. Người ấy
chạy tới nói: Bạch Phật, con muốn cúng cho Ngài nhưng cực quá không làm sao mà
cúng cho Ngài được. Đức Phật đưa bình bát của Ngài cho người đó và nói: Ngươi đến
nơi giếng múc cho ta một bát nước. Khi múc nước đem tới dâng Ngài, Ngài nói:
Ngươi đã bố thí cho ta rồi đó.
Hiểu
cái nghĩa bố thí rộng rãi như vậy thì bất cứ giờ nào chúng ta cũng bố thí được
hết. Đi ra đường gặp một người đẩy xe nặng ta đến đẩy phụ cho họ một chút cũng
là bố thí, vì mình đã đem cái sức của mình giúp cho họ. Một người nằm bệnh viện
cần ít máu, mình đến cho họ vài mili máu cũng là cách bố thí. Đó là bố thí nội tài. Thứ hai
là bố thí pháp: Tức là
bố thí điều hay lẽ phải, an ủi người đang khi sầu khổ. Học hỏi giáo lý của đức
Phật để đem những lời dạy đó mà truyền trao lại cho người khác, mở mang khai
sáng tâm trí cho họ cũng là một cách bố thí. Góp tiền in kinh ấn tống cúng dường
để phổ biến giáo lý của đức Phật cũng là bố thí. Đó là bố thí tài vật. Hoặc giả
tối hôm nay ở đây có giảng, có thuyết pháp, mình rủ bạn bè đi nghe để cho họ hiểu
giáo lý của đức Phật, đó cũng là một cách bố thí. Đây là bố thí pháp. Ông thầy
giảng là bố thí đã đành, người đi nghe và rủ người khác cùng đi nghe cũng là bố
thí pháp. Mình đi nghe pháp và rủ bạn cùng đi nghe tức là mình đã góp phần bố
thí pháp cho họ. Hiểu bố thí như vậy thì bất cứ lúc nào ta cũng bố thí được cả .
Không bố thí tài thì bố thí pháp, miễn rằng ta có tâm thì ta bố thí được.
Thứ
ba là vô úy thí: Là bố
thí sự không sợ. Có nhiều người bình thường thì hiền lắm, nhưng khi nói với ai
thì ưa trợn mắt phồng mang nguýt nguýt làm cho người ta khiếp vía, cốt để dọa
cho những kẻ yếu bóng vía. Thế là họ đã bố thí cái sợ chứ không phải bố thí cái
không sợ.
Thế
thì Phật tử chúng ta phải chú ý bao giờ miệng cũng nói ôn hòa từ tốn, thân mật
chứ không nên nói áp đảo làm cho người đối diện khó chịu. Đó cũng là cách bố
thí không sợ sệt. Giữ giới không trộm cắp cũng là cách bố thí không sợ sệt. Đi
tàu xe, nếu ngồi gần một người mà trước nay nghe báo đài nói anh ta là người ăn
cắp có tiếng thì mình ngồi bên cũng sợ lắm. Thành vô tình anh ta bố thí cho
mình cái sợ nên không dám ngủ, không dám đi đâu hết. Ngược lại nếu lên trên tàu
ngồi bên một người Phật tử, họ là người có tu, rộng rãi, không bao giờ bớt xén
của ai, có ai khó khăn thì liền giúp đỡ nên lòng rất an tâm, không sợ sệt gì cả,
đi đâu cũng không sợ. Như vậy là người Phật tử đó đã bố thí cho mình cái không
sợ. Sự không sợ đó thì ai bố thí cũng được hết chứ không phải chỉ có Phật mới bố
thí sự không sợ đó mà thôi. Cho nên người ta sợ và không sợ cũng tự nơi mình. Bố
thí tài, bố thí pháp và bố thí không sợ là thế.
Điều
thứ 4 là đầy đủ trí tuệ: Phật
là giác ngộ, ngược lại chúng sinh là vô minh. Vô minh là đau khổ. Đau khổ vì
cái Ta, cái Tôi của chúng ta lớn quá, mong rằng bất cứ ai đừng đụng tới nó. Anh
có nói với tôi thì nói tử tế, ca ngợi tôi thì được nhưng chê tôi và nói xấu tôi
là không được. Cái tôi của tôi lớn lắm. Cái tôi lớn như vậy nhưng hỏi cái tôi ở
đâu thì chỉ không ra, đến nỗi một gốc cây đến khi thành tôi rồi là quan trọng lắm.
Khi
cha mẹ mình đẻ ra thì đẻ cục thịt ra trước, nó không có tên có tuổi gì cả. Rồi
sau mới đặt cho một cái tên rất đẹp như Thúy Nga, Ngọc Bích, Lan Hương, Thu Ba ...
tên nào tên nấy nghe dậy trời, kêu lên ai cũng tưởng người đó là đẹp như
tiên, nhưng thực tế chưa chắc đã đẹp. Rồi cũng có khi cha mẹ vô tình đặt cho
con một cái tên rất xấu. Thỉnh thoảng chúng ta thấy trên báo chí, có một số người
được cha mẹ đặt cho cái tên cũng xấu lắm. Khi đặt tên đó rồi thì nó gắn chặt cả
đời mình vào cái tên đó. Ví dụ: Cha mẹ đặt cho mình tên Kèo. Mới đầu ai kêu Kèo
mình cũng không để ý, nhưng sau kêu mãi rồi mình tự nhận Kèo là mình, nùnh là
Kèo. Một chặp nó đồng hóa hai thành một. Khi đã đồng hóa rồi thì đi đâu nó cũng
gắn chặt với mình. Nếu lo một mai đi ngang qua xóm đó họ mất xe đạp, họ kêu tên
Kèo ra chưởi trong khi mình định đi xa. Nhưng đè tên Kèo nó chưởi đúng như tên
mình, khi đó mình đứng cự lại ngay. À, mụ kia, ai ăn cắp xe đạp của mụ mà mụ
kêu tên tôi ra chưởi. Hai bên cãi qua cãi lại, cãi sáng chưa xong lại để chiều
cãi, chiều cãi chưa xong mai lại cãi tiếp, nên chuyến đi xa đành bỏ dở, ăn cũng
không mà uống cũng không.
Vậy
có ai trói anh ta đâu mà cứ đứng mãi đó, cũng không ai giam anh ta mà anh ta vẫn
cứ đợi mãi. Giả sử khi đó mấy ông công an có mặt chắc họ cũng không dại gì sờ tới.
Cứ đứng đó chưởi chưa đã, còn về kéo bà con tới chưởi nữa. Nếu lỡ chưởi chưa
xong mà hấp hối thì dặn con cái nhớ chưởi tiếp. Chưởi cho hết sức cũng vì cái
tên Kèo. Thế thì tên Kèo khi cha mẹ sinh ra có hay không? Chắc là không có. Đã
không mà chấp chặt lấy làm của mình. Vì chấp chặt tên Kèo là mình nên khi ai đụng
tới cũng không được. Hễ ai chưởi thì phồng mang trợn mắt lên liền. Nhưng nếu có
ai đó ca ngợi: Ồ, anh Kèo như rứa nhưng sống có đạo đức lắm, lại thông minh và
có lòng giúp đỡ mọi người, mặc dầu anh ta chưa giúp ai chút nào hết. Nhưng khi
nghe ca ngợi là Kèo có đạo đức, hay giúp đỡ người thì thích lắm. Khi đã chấp
cái giả làm thật như vậy rồi thì quyết sống chết với nó. Đó thật là vô minh mà
mình không biết, cho nên cứ sống chết với nó .
Trái
lại Phật là đấng giác ngộ, Ngài không chấp ta, của ta và vì ta nên Ngài được tự
tại. Là Phật tử mình phải học cái trí tuệ của Ngài để chữa cái bệnh vô minh đó.
Thứ đến là phải biết cái luật nhân quả, bởi vì mọi sự mọi vật giữa đời này là
quay theo luật nhân nào quả nấy, giống như cây chua thì sinh trái chua, giống
lúa thì trồng lên cây lúa, giống bắp thì trồng lên cây bẩp. Như vậy là hành động
thiện thì đưa đến quả thiện, hành động ác thì đưa đến quả ác. Ai biết được luật
nhân quả là người có trí tuệ. Thứ ba là biết được luật vô thường của vạn pháp
là sự vật không đứng yên một chỗ. Không đứng yên một chỗ cho nên đã có ngày
sanh tức phái có ngày chết. Chứ nếu đứng một chỗ chắc chắn bây giờ chúng sanh đứng
chật ních cả vũ trụ, đứng yên một chỗ chứ không đi đâu được hết. Nhưng mà luật
vô thường có sanh thì có diệt, nên chúng ta hiện còn có chỗ để đi tới đi lui.
Vô thường không phải trong từng kỳ hạn mà vô thường trong từng sát na. Ví dụ:
Tóc trên đầu ta bạc từ khi nào đố mấy ai biết được. Ai biết tóc trên đầu mình
nó bạc vào giờ nào, phút nào không? Không biết. Lâu lâu soi gương thấy nó bạc
vài sợi mới biết tóc ta hôm nay bạc rồi, nhưng kỳ thật nó đang bạc mà mình
không thấy. Nó bạc trong từng tích tắc trong từng ly từng tí mà cứ ngỡ tóc mình
còn xanh. Từ đó đâm ra kiêu ngạo chê tóc anh bạc, tóc tôi xanh, tôi xanh anh bạc,
nhưng kỳ thật cả hai đều đang bị lão hóa, đang bị bạc dần, nếu hiểu rõ luật
nhân quả, hiểu rõ luật vô thường, vô ngã, và cũng còn phải hiểu rõ cái thực
tánh, thực tướng của sự vật, cái sai biệt, cái đồng nhất của sự vật nữa. Chúng
ta biết sự vật đây là biết trên sự sai khác của nó mà thôi, như cái bông này trắng,
bông kia xanh, bông nọ đỏ, bông kia cao, bông đó thấp. Người này gầy, người kia
mập, cái đó dài, cái kia ngắn . . . chúng ta chỉ biết cái sai biệt nọ
kia như vậy thôi, chứ không biết cái đồng nhất của vạn pháp, không biết cái
bình đẳng của tất cả vạn pháp.
Đức
Phật dạy cho chúng ta, mở mắt mở lòng cho chúng ta phải nhìn đủ cả hai phương
diện: Sự sai biệt và đồng nhất của vạn pháp thì mới gọi là thấy đúng sự vật. Ví
dụ: Tôi đưa ngón tay lên, xin hỏi quí vị ngón tay này dài hay ngắn? Có ai nói
ngón tay này dài không? Có ai nói ngón tay này ngắn không? Chắc không ai nói
ngón tay này dài, ngón tay kia ngắn. Nhưng nếu để kèm vào đây một cái thước thì
ta mới so sánh nói ngón tay ngắn và cái thước dài. Để kề bên một que diêm thì
ta nói que diêm ngắn ngón tay dài. Thế là vì đem cái tâm so sánh nên người thì
nói ngón tay ngắn, cái thước dài...
Khi đó, anh nói ngón tay ngắn thì cho mình đúng, còn anh nói ngón
tay dài thì cho là sai, là không đúng. Ngón tay ngắn mà cứ nói dài là vô minh.
Cả hai đều nói ngón tay dài, ngắn nên sinh ra cãi vả, có khi dẫn tới đánh lộn
nhau. Dầu có cãi vả dài ngắn gì đi chăng nữa thì ngón tay vẫn là ngón tay.
Trong khi anh nói ngón tay dài thì ngón tay cũng không dài thêm một chút
nào! Trong khi nói ngón tay ngắn thì
ngón tay cũng không ngắn bớt một chút nào. Vậy thì ngón tay không dài cũng
không ngắn, nhưng vì ta vô tình so sánh cái này qua cái khác rồi nói đài ngắn
thành ra sinh sự xích mích với nhau. Thế là chúng ta sinh sự xích mích vì cái
chúng ta tạo ra chứ không phải ngón tay dài ngắn gì hết. Cái đó trong nhà Phật
gọi là Duy thức biến. Do
cái thức biến này, cái tướng dài ngắn này là cái thức ta biến mà ta không biết
cái thức ta biến, rồi ta chấp chặt, một bên thì nói nhất định dài, một bên nói
nhất định ngắn, hai cái nhất định đó sẽ va chạm nhau. Nếu hiểu rằng cái đài cái
ngắn đó chỉ là do thức biến, chứ ngón tay không dài không ngắn gì hết, khi ấy
ta sẽ ngồi cười với nhau, hòa thuận không ai sinh sự với ai hết.
Do
đó đầy đủ trí tuệ thì chúng ta sẽ mở mang cái tầm nhìn của mình đến sự vật, tức
là chúng ta sẽ sống được một tâm hồn rộng mở. Khi đã sống rộng mở thì chúng ta
sẽ có hạnh phúc an lạc.
Nói
tóm lại, với 4 điều kiện. Đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí và đầy
đủ trí tuệ là sẽ đem lại hạnh phúc an lạc cho tương lai. Cộng với đầy đủ tháo
vác, đầy đủ sự phòng hộ, làm bạn với thiện và đầy đủ sự sống thăng bằng điều độ,
không đam mê rượu chè, không đam mê cờ bạc, không đam mê sắc dục và không giao
du bạn ác là những điều đem lại hạnh phúc an lạc cho tương lai, cho trong hiện
tại.
Đây
là một bài kinh đức Phật dạy rất thâm thúy, vừa cao vừa thấp, nếu chúng ta áp dụng
vào trong cuộc sống thì sẽ đem lại hạnh phúc cho tương lai. Hàng Phật tử chúng
ta hiểu được như vậy, cố gắng thực hành lời Phật dạy, tức nhiên chúng ta sẽ thấy
mình được an lạc, dầu không được viên mãn cũng hơn là khi chúng ta chưa biết lời
dạy đó.
Các
Phật tử, tất cả những điều tôi nói trong buổi giảng hôm nay đều dẫn ra từ trong
kinh đức Phật dạy. Nhưng lời dạy đó là một trong muôn ngàn lời dạy của Ngài mà
thôi. Còn biết bao nhiêu trường hợp khác đức Phật còn dạy nhiều giáo lý thậm
thâm vi diệu khác nữa, nếu chúng ta đủ cơ duyên thì chúng ta có thể học hỏi
thêm, tu tập thêm để cho mỗi ngày chúng ta thấm nhuần được giáo lý của Phật, tự
nhiên tâm hồn của ta, đời sống của ta được sống nhịp nhàng theo lời dạy của đức
Phật để được an lạc giải thoát.
Tôi
cầu mong tất cả Phật tử được bồ-đề tâm kiên cố, dõng mãnh và luôn luôn tỉến bước
trên đường giải thoát của đức Phật./. (trính từ sách “Hư Tâm học Đạo”
của HT Thích Thiện Siêu)