Quyển sách này nhan đề là Đường qua xứ Phật, chính là chuyện ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh.
Văn minh nhà Phật đã làm cho tỏ rạng các nước phương Đông. Ta dầu quên
nhưng sử sách vẫn còn. Sử sách dầu nát, nhưng những đền đài mỹ thuật ở
Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên... cũng hãy còn. Đó là những bằng
chứng rất rõ ràng vậy! Nay ta chớ bôn ba đi tìm đây đó mà không khỏi
lầm to. Chỉ cần ngoảnh lại góc trời Đông Á thì tức thấy ánh sáng thật
của ta, cũng như ta ngó thẳng vào tâm là thấy Phật, việc gì phải tìm
kiếm đâu xa? Ngẫm lại, hơn hai ngàn năm trước, trong lúc người Âu Mỹ
chưa có lịch sử rõ ràng, ngay ở nước Pháp người Gô-loa còn ở theo từng
đoàn, đánh giết lẫn nhau và thờ đủ các thứ ác quỷ, hung thần, thì bên
Đông Á con người sinh hoạt đã rất phồn thịnh, về chánh trị, về khoa học,
về đạo đức, về mỹ thuật đều đã rất xuất sắc tài tình. Nhất là ở Ấn Độ,
tinh thần nhà Phật soi sáng ra đến các nước ngoài. Cho nên ở Trung Hoa,
Miến Điện và nhiều nước láng giềng đều có lắm vị cao tăng sang Ấn Độ để
hành hương, chiêm bái và thỉnh kinh.
Trong các vị cao tăng Trung Hoa, ngài Huyền Trang là người có công
nghiệp rất lớn, đã đi khắp các nơi viếng Phật tích, những cảnh chùa lớn,
quan sát và nghiên cứu rất nhiều. Sau khi về nước Ngài bèn viết sách,
dịch kinh. Chính ngài Huyền Trang đã đề xướng phong trào khảo cứu và
phiên dịch các kinh điển trong ba tạng kinh điển. Ngài hợp tác với các
vị cao tăng trong nước mà duyệt lại và dịch thêm kinh Phật. Công việc
này tổ chức rất có quy mô, nề nếp, do ngài khởi xướng hồi thế kỷ thứ 7
và tiếp tục mãi qua các đời sau, gọi là phong trào Tân dịch. Kể từ đó,
người nghiên cứu Phật giáo thường gọi các dịch giả và các kinh sách ra
đời trước Ngài Huyền Trang là Cựu dịch.
Những nhà Cựu dịch phần đông là các vị sư truyền giáo người Thiên Trúc
qua Trung Hoa. Tuy giỏi về việc tu học, thông thạo chữ Phạn, song lại
không rành chữ Hán, tức là văn tự trước đây của Trung Hoa. Còn các nhà
Tân dịch phần đông là các vị học Phật người Trung Hoa, có biết chữ Phạn
và sẵn giỏi về văn chương nước nhà, nên tình nguyện đứng ra dự cuộc khảo
cứu, bổ sung các danh từ Phật học và dịch thêm những kinh chữ Phạn chưa
có bản chữ Hán.
Như thế, trong phái Tân dịch, ngài Huyền Trang là vị thủy tổ, người đi đầu trước hết vậy.
Lại nói về công nghiệp ngài Huyền Trang sang tận Ấn Độ mà thỉnh kinh
nguyên bản chữ Phạn về Trung Hoa để dịch và truyền bá. Từ Trung Hoa sang
đến các nơi có dấu tích Phật ở Ấn Độ, phải trải qua biết bao sự nguy
nan cực nhọc, rừng núi mịt mù, núi non hiểm trở, sa mạc mênh mông... Bao
phen tưởng Ngài phải bỏ mình. Nhưng có lẽ lòng tín ngưỡng cao đến cực
điểm khiến cho Ngài đi đến nơi về đến chốn và hoàn thành được việc
nghiên cứu rõ ràng. Nếu là người chưa thật thành tâm thì mong gì vượt
qua khỏi những nơi đồng không đầy cát nóng, những núi non nguy hiểm,
sương tuyết phủ giăng! Và nếu chẳng được sức gia hộ của chư Phật, thì
trông gì thoát khỏi nanh vuốt của ác thú, sự tàn hại của độc trùng hoặc
dao búa của bọn cường đồ!
Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng. Các dân tộc Á
Đông ta hiểu được Phật giáo, đọc được ba tạng kinh, học được giáo lý từ
bi và nương theo gương Phật, ấy là nhờ một phần lớn ở công lao của ngài
Huyền Trang vậy. Ta biết ơn người mà không hiểu được sự tích xưa, ấy
chẳng là thiếu sót lắm sao? Quyển sách này sẽ kể rõ những nổi gian nan
thực sự đã trải qua trên đường của ngài Huyền Trang. Và ta nên ghi nhớ
những điều thực tế ấy, còn hơn là chỉ biết đến qua truyện Tây Du Ký, là
thứ tiểu thuyết bịa đặt ra, lắm điều phi lý, mơ hồ, chỉ làm hại đến lòng
tín ngưỡng chân chính của một phần đông người trong xã hội ta lúc sau
này.
Đoàn Trung Còn