I.- THẾ TỘC:
Hòa thượng húy Trần Thiện Hoa, pháp
danh Thiện Hoa, hiệu Hoàn Tuyên, sanh ngày 7-8 năm Mậu Ngọ (1918), tại
làng Tân Quy, quận Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ. Thân phụ Hòa thượng huý Trần
Văn Thê, pháp danh Thiện Huệ, thân mẫu húy Nguyễn Thị Sáu, pháp danh
Diệu Tịnh.
Toàn thể gia đình Hòa thượng đều quy y
với tổ Chí Thiền chùa Phi Lai núi Voi, Châu Đốc. Pháp danh Thiện Hoa do
Tổ đặt cho Hòa thượng.
Sau khi thân phụ quá cố, Hòa thượng theo thân mẫu đi chùa Phước Hậu,
làng Đông Hậu, quận Trà Ôn làm lễ cầu siêu trong 7 tuần thất. Duyên xưa
gặp lại, mặc dù lúc ấy Hòa thượng chưa biết đạo lý là gì, mà nằn nằn
quyết một đòi ở chùa. Bởi gia đình mộ đạo, nên cụ bà không từ chối
nguyện lành của con. Năm ấy Hòa thượng vừa lên 7 tuổi, xuất gia tại chùa
Phước Hậu. Sau đó, Hòa thượng được gởi đến chùa Đông Phước, làng Đông
Thành, quận Cái Vồn, theo học với tổ Khánh Anh.
II. - THỜI HỌC ĐẠO:
a) Học các trường gia giáo:
Hòa thượng cầu pháp với tổ Khánh Anh được hiệu là Hoàn Tuyên. Từ đó, Tổ
được mời dạy những trường gia giáo nơi nào, Hòa thượng đều theo đó học
tập, từ chùa Đông Phước lần lượt đến các nơi, sau cùng là chùa Long An.
Năm 1931, tổ Khánh Anh lãnh chùa Long An ở Đồng Đế Trà Ôn và khai gia
giáo nơi đây. Năm ấy, Hòa thượng đã 14 tuổi, nhập chúng tu học tại chùa
này 3 năm.
b) Phật học đường Lưỡng Xuyên:
Đầu mùa hạ năm 1935, Phật học đường Lưỡng Xuyên khai giảng, Hòa thượng
xin nhập học tại đây, lúc đó được 17 tuổi và ngay năm ấy, Hòa thượng thọ
giới Sa-di. Từ đây Hòa thượng chính thức vào Phật học đường sống theo
nếp mẫu mực đạm bạc của đời Tăng sinh. Sau 3 năm mãn lớp Sơ đẳng nơi
đây, Tăng sinh muốn tiến lên phải vận động ra Huế học. Với chí hiếu học
và óc cầu tiến, Hòa thượng nài xin Ban giám đốc Phật học đường Lưỡng
Xuyên chấp nhận giới thiệu, và vận động thí chủ ủng hộ tài chính. Kết
quả Hòa thượng được mãn nguyện, năm 1938 Ngài ra Huế học, lúc ấy 20
tuổi.
c) Phật học đường Báo Quốc:
Sau khi ra Huế, quý Ngài dự học tại Phật học đường Tây Thiên hai năm. Kế
đó vào Quy Nhơn ở chùa Long Khánh để đến học Phật pháp với tổ Phước Huệ
ở chùa Thập Tháp hết một năm tròn. Các Ngài lại trở ra Huế dự học tại
Phật học đường Báo Quốc ngót bốn năm. Sau trường Báo Quốc dời đến tòng
lâm Kim Sơn năm 1945. Lớp học tại đây vừa mãn thì chiến tranh dồn tới.
Trường Kim Sơn không duy trì được, nên Hội An Nam Phật Học ủy thác cho
quý Hòa thượng Trí Tịnh và Thiện Hoa v.v... mang một số học Tăng vào
Nam. Thế là, ngót tám năm dài (1938 - 1945), quý Hòa thượng chịu nhọc
nhằn cần mẫn học tập ở đất Thần kinh. Khi trở về mang một hoài bão
"Hoằng pháp lợi sinh", để rồi miền Nam bừng sáng do các Ngài mồi ngọn
đuốc từ chốn cố đô.
III.- THỜI HÀNH ĐẠO:
1) Khai giảng Phật Học Đường Phật Quang:
Năm 1945 Hòa thượng hợp tác cùng Hòa thượng Trí Tịnh khai giảng Phật học
đường Phật Quang tại rạch Bang Chang, xã Thiện Mỹ, quận Trà Ôn. Số Tăng
sinh đến dự học trên 30 vị. Năm 29 tuổi Hòa thượng thọ giới Tỳ kheo và
Bồ-tát tại giới đàn Kim Huê Sa Đéc.
2) Cộng tác Phật Học Đường Nam Việt Ấn Quang:
Đầu mùa Xuân năm 1953, Hòa thượng cùng tám đệ tử mang hành lý đến Phật
học đường Nam Việt nhằm ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch. Sau cuộc họp
của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, quý Hòa thượng đã đồng tình cử Hòa
thượng giữ chức vụ Trưởng Ban giáo dục Giáo Hội Tăng Già Nam Việt kiêm
Đốc giáo PHĐNV và chức Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo Hội Tăng Già Nam Việt.
a) Về phần Giáo Dục:
Với trách nhiệm đốc giáo PHĐNV, Hòa thượng đã tận tâm giảng dạy cho hai
lớp Cao đẳng và Trung đẳng nơi đây. Đồng thời, Hòa thượng cũng dạy lớp
Trung đẳng Ni chúng mở tại chùa Từ Nghiêm, sau dời về Phật học Ni trường
Dược Sư.
Kết quả, hai lớp ở PHĐNV tại chùa Ấn Quang đã lần lượt ra trường. Đồâng
thời Ni trường Dược Sư cũng đã đào tạo nên một số Ni chúng khả dĩ gánh
vác được Phật sự đáng kể Đến năm 1957 Hòa thượng lại chủ xướng mở những
khóa huấn luyện trụ trì lấy tên là Như Lai Sứ Giả. Tăng giới đặt tại
chùa Pháp Hội, Ni giới đặt tại chùa Dược Sư.
Với trách nhiệm Trưởng Ban Giáo Dục trong Giáo Hội Tăng Già Nam Việt,
Hòa thượng đã khuyến khích mở trường Phật học ở các tỉnh như trường Phật
học tại chùa Bình An Long Xuyên (1956), trường Phước Hòa ở Vĩnh Bình,
trường Giác Sanh ở Phú Thọ, trường Biên Hòa và trường Phật Ân ở Mỹ Tho
v.v...
Có thể nói hầu hết Tăng Ni miền Nam đương thời đều chịu ân giáo dục của
Hòa thượng, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.
b) Về Hoằng Pháp:
Hòa thượng nhận chức Trưởng Ban Hoằng Pháp Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và
Hội Phật Học Nam Việt năm 1953. Đích thân Hòa thượng huấn luyện Tăng Ni
sinh tại các Phật học đường để trở thành những giảng sư thật sự. Đồng
thời, Hòa thượng cũng huấn luyện các vị trụ trì Tăng Ni đều có thể thành
giảng viên trên lãnh vực của mình và đi diễn giảng các nơi khác. Chẳng
những đào tạo Tăng Ni, Hòa thượng còn huấn luyện số cư sĩ đã chịu khó
theo học các lớp giảng tại chùa Ấn Quang, khả dĩ đi diễn giảng các nơi
được. Quả thật sinh khí đã len vào mọi tâm hồn Phật tử, khiến họ hăng
say học Phật. Cứ như thế mãi ngót tám năm trời.
c) Trước tác và phiên dịch:
Từ năm 1953 đến năm 1965, Hòa thượng soạn xong 12 khóa Phật Học Phổ
Thông, hay gọi là Cây Thang Giáo Lý. Bản Đồ Tu Phật, Duy Thức Học, tám
quyển sách quý. Về phiên dịch, Hòa thượng đã dịch được một số kinh điển
Đại thừa như Lăng Nghiêm, Viên Giác, Kim Cang…
Có thể nói sự nghiệp quan trọng nhất trong đời của Hòa thượng, là những
tác phẩm và dịch phẩm do nhà xuất bản Hương Đạo ấn hành. Để tưởng niệm
lại công đức của Tổ sư, chúng ta cùng nhau lắng lòng ôn lại những lời
dạy của Ngài qua một trích đoạn trong bài Nhân Quả sau đây:
Định nghĩa Nhân quả: Nhân là nguyên nhân,
quả là kết quả. Nhân là hạt, quả là trái do hạt ấy phát sinh. Nhân là
năng lực phát động, quả là sự thành hình của năng lực phát động ấy. Nhân
quả là một định luật tất nhiên, có tương quan mật thiết với nhau và chi
phối tất cả mọi sự mọi vật.
Để có một quan niệm rõ ràng về luật nhân quả, chúng ta hãy tuần tự phân
tích hành tướng của nhân quả trong các chủng loại nằm trong vũ trụ:
1. Nhân quả trong những vật vô tri vô giác: Nước bị lửa đốt thì
nóng, bị gió thổi thì thành sóng, bị lạnh thì đông lại. Nắng lâu ngày
thì đại hạn, mưa nhiều thì lụt, gió nhiều thì sanh bão.
2. Nhân quả trong các loài thực vật: Hạt cam thì sanh cây cam,
cay cam thì sanh trái cam. Hạt ớt thì sanh cây ớt, cây ớt thì sanh trái
ớt. Nói một cách tổng quát giống ngọt thì sanh quả ngọt, giống chua thì
sanh quả chua, giống đắng thì sanh quả đắng, giống nào thì sanh quả ấy.
3. Nhân quả trong các loài động vật: Loài chim sanh trứng nên
ta gọi trứng là nhân. Khi ấp nở thành con là quả. Con chim ấy trở lại
làm nhân, sanh ra trứng là quả. Loài thú sanh con, con ấy là quả. Con
thú lớn lên trở lại làm nhân, sanh ra con là quả.
4. Nhân quả nơi con người:
a- Về phương diện vật chất: Thân tứ đại là do bẩm thụ khí huyết của cha
mẹ và do hoàn cảnh nuôi dưỡng. Vậy cha mẹ và hoàn cảnh là nhân, người
con trưởng thành là quả và cứ tiếp nối vậy mãi. Nhân sanh quả, quả sanh
nhân, không bao giờ dứt.
b- Về phương diện tinh thần: Những từ tưởng và hành vi trong quá khứ tạo
cho ta những tánh tình tốt hay xấu, một nếp sống tinh thần trong hiện
tại. Tư tưởng và hành động quá khứ là nhân, tánh tình, nếp sống tinh
thần trong hiện tại là quả. Tánh tình và nếp sống này làm nhân để tạo ra
những tư tưởng và hành động trong tương lai là quả.
Phương diện tinh thần này hay nói theo danh từ nhà Phật, phương diện nội
tâm là phần quan trọng. Vậy chúng ta phải đặc biệt chú ý đến hành tướng
của nó.
A. Nhân quả của tư tưởng và hành vi không tốt.
1- Tham: Thấy tiền của người nổi lòng tham lam sanh ra trộm cắp hoặc
giết hại người là nhân, bị chủ đánh đập hoặc chém giết phải mang tàn
tật, hay bị nhà chức trách bắt giam trong khám đường, chịu những tra tấn
đau khổ là quả.
2. Sân: Người quá nóng giận đánh đập vợ con, phá hại nhà cửa, chém giết
người không gớm tay là nhân. Khi hết giạn, đau đớn nhìn thấy vợ con bệnh
hoạn, nhà cửa tiêu tan, luật pháp trừng trị, phải chịu nhiều điều khổ
cực là quả.
3. Si mê: Người say mê sắc dục, liễu ngõ hoa trường không còn biết sự
hay dở, phải trái, đó là nhân. Làm cho gia đình lủng củng, thân thể suy
nhược, trí tuệ u ám là quả.
4. Nghi ngờ: Suốt đời cứ nghi ngờ việc này đến việc khác, ai nói gì cũng
không tin, ai làm gì cũng không theo, đó là nhân. Kết cuộc không làm
nên được việc gì cả, đến khi lâm chung, buông xuôi hai bàn tay trắng, đó
là quả.
5. Kiêu mạn: Tự cho mình là hơn cả, khinh bỉ mọi người, chà đạp nhân
phẩm người chung quanh là nhân, bị người ghét bỏ, xa lánh, sống một đời
lẽ loi, cô độc là quả.
6. Nghiện rượu chè: Chung nhau tiền bạc ăn nhậu cho thỏa thích là nhân.
Đến lúc say sưa, chén bát ngổn ngang, ghế bàn nghiêng ngã, nhiều khi rầy
rà chém giết nhau, làm nhiều điều tội lỗi, phải bị phạt và và tù tội là
quả.
7. Say mê cờ bạc: Thấy tiền bạc của người muốn hốt về mình, đắm đuối
quanh năm suốt tháng theo con bài lá bạc là nhân. Đến lúc hết của, nhà
tan, nợ nần vây kéo, thiếu trước hụt sau là quả.
B. Nhân quả của tư tưởng và hành vi tốt.
Như trên chúng ta đã thấy, những tư tưởng hành vi xấu xa, tạo cho con
người những hậu quả đen tối, nhục nhã, khổ đau như thế nào, thì những tư
tưởng và hành vi đẹp đẽ tạo cho con người những hậu quả xán lạn, vinh
quang và an vui cũng như thế ấy.
Người không có tánh tham lam, bỏn xẻn thì tất không bị của tiền trói
buộc, tất cả được thảnh thơi. Người không nóng giận, tất được sống trong
cảnh hiền hòa, gia đình êm ấm. Người không si mê theo sắc dục, tất được
gia đình kính nể, vợ con quí chuộng, trí tuệ sáng suốt, thân thể tráng
kiện. Người không hay ngờ vực, có đức tin thì hăng hái trong công việc,
được người chung quanh tin cậy và dễ thành tựu trong đường đời. Người
không ngạo mạn thì được bạn bè quí chuộng, niềm nỡ tiếp đón, tận tâm
giúp đỡ khi mình gặp tai biến. Người không rượu chè cờ bạc thì không đến
nổi túng thiếu, bà con quen biết kính nể, yêu vì… Những điều trên đây
tưởng không cần phải nói nhiều, quí độc giả cũng thừa biết. Hằng ngày
quanh chúng ta những cảnh tượng nhân và quả diễn ra không ngớt.
Nói một cách tổng quát, về phương diện vật chất cũng như tinh thần,
người ta gieo thứ gì thì gặt thứ ấy. Khi chúng ta đã biết rõ luật nhân
quả, nhưng nếu không đem nó ra ứng dụng trong đời sống của chúng ta, thì
sự hiểu biết ấy trở thành vô ích. Cho nên chúng ta đã hiểu rõ thì phải
cố gắng thực hành cho được bài học ấy trong mọi trường hợp. Nếu chúng ta
biết đem luật nhân quả làm một phương châm hành động và suy luận, thì
chúng ta sẽ thu lượm được rất nhiều lợi ích, cụ thể là:
- Luật nhân quả tránh cho ta những mê tín dị đoan, những tin tưởng sai
lầm vào thần quyền.
- Luật nhân quả đem lại lòng tin tưởng vào chính con người.
- Luật nhân quả làm cho chúng ta không chán nản, không trách móc.
Chúng ta thấy rõ những ích lợi do sự hiểu biết luật nhân quả đem lại
rồi, nên cần phải biết triệt để khai thác nó vào đời sống. Trong mọi
hành động của chúng ta, bao giờ cũng nên nghĩ đến quả mà trồng nhân.
Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thế nào cũng gặt
nhiều tai họa, gây tạo cho mình nhiều điều phiền phức, có khi làm ung
độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nổi liều lĩnh mới
không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày. Chứ ngững người sáng suốt
làm việc có kế hoạch khôn ngoan, thì bao giờ cũng nhắm cái đích rồi mới
đi tới, hình dung rõ ràng cái quả rồi mới trồng nhân.
Tóm lại, nếu chúng ta biết đem bài học nhân quả áp dụng trong tất cả mọi
công việc hàng ngày của đời mình, thì chúng ta sẽ thấy tánh tình và
hành vi của chúng ta mỗi ngày cải tiến, các việc sai quấy sẽ giảm bớt,
các việc lành càng thêm tăng trưởng và từ địa vị người vượt lên địa vị
Thánh hiền, không phải là điều không làm được.
V.- VIÊN TỊCH:
Hòa thượng khởi bệnh từ tối đêm 17 tháng 11 năm Canh Tý, sau ngày lễ vía
Đức Phật A Di Đà, Ngài được đưa vào bệnh viện Đồn Đất điều trị. Bác sĩ
cho biết bệnh của Hòa thượng cần phải được giải phẫu. Hòa thượng thường
nói với các đệ tử đến thăm viếng: "Nếu kỳ đau này tôi phải chết, tôi rất
hài lòng, vì đối với sự hoằng hóa tôi đã làm tròn nhiệm vụ. Đối với Đạo
Pháp tôi đã gánh vác được một giai đoạn khó khăn".
Sau khi giải phẫu, bệnh của Hòa thượng càng ngày càng nhẹ, ai cũng tin
rằng không bao lâu Hòa thượng sẽ bình phục trở về chùa. Một hôm, Hòa
thượng Thiện Hòa vào thăm Hòa thượng. Tuy cảm thấy bệnh tình đã nhẹ rồi,
mà Hòa thượng vẫn dặn dò mọi việc, cho đến kinh sách hiện còn, đều giao
cả cho Hòa thượng Thiện Hòa. Thấy điều lạ, Hòa thượng nói: "Nằm ít hôm
nữa bệnh lành rồi về, nói chi chuyện ấy".
Bất thần, ngày 17 tháng 12 âm lịch, Hòa thượng trở bệnh. Đến đêm 19
tháng 12 âm lịch, Hòa thượng thấy mệt, biết mình không qua khỏi nên gọi
các môn đệ đến bảo: "Các con niệm Phật cho Thầy vãng sanh, Thầy mệt quá
rồi". Từ giờ phút ấy tiếng niệm Phật đều đều vang lên trong gian phòng
hồi sinh. Từ đó Hòa thượng lặng lẽ dần dần đến 06 giờ 5 phút, sau một
hơi thở dài rồi im lìm theo Phật!
Hòa thượng đã an lành viên tịch vào sáng ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Tý
nhằm ngày 23 tháng giêng năm 1973, thọ 55 tuổi và được 26 tuổi hạ.
VI.- NHẬN XÉT:
Hòa thượng Thiện Hoa là một tấm gương sáng cho hàng Tăng sĩ soi chung.
Hòa thượng có những đức tánh cao quý, ai được sống gần Hòa thượng đều
cảm mến.
Mặc dù là người xuất gia, nhưng Hòa thượng vẫn không quên chữ hiếu. Lúc
Hòa thượng còn dạy học tại chùa Phật Quang, cụ bà cũng lập am gần đó.
Mỗi khi cụ bà bệnh, đích thân Hòa thượng chích thuốc, hoặc chẩn mạch ra
toa hốt thuốc. Khi cụ bà tịch, Hòa thượng gắng hết sức mình, cúng dường
Tăng Ni, để cầu siêu cho mẹ. Quyển sách Bài Học Ngàn Vàng của Hòa thượng
viết ra, cũng nguyện đem công đức đó hồi hướng cho cụ bà.
Về ân nghĩa, Hòa thượng thọ dụng của ai thì không bao giờ quên. Vì thế
mỗi khi dạy đồ chúng, Hòa thượng thường nhắc lại công ơn của quý Hòa
thượng xưa đã dạy bảo cho Ngài. Hòa thượng lúc nào cũng sẵn sàng một tâm
niệm bao dung hòa ái. Ít ai thấy được trên khuôn mặt của Ngài lộ vẻ bất
bình, cũng ít ai nghe được nơi Ngài thốt ra những lời bực nhọc. Dù hạng
người nào đến đều được Hòa thượng tiếp chuyện một cách vui vẻ từ tốn.
Nếu có ai bực tức phê bình, giữa vị này với vị nọ, Hòa thượng đều tìm
cách xoa dịu, hòa giải. Hòa thượng lúc nào cũng muốn hòa nhau trong tình
Đạo, không chịu thấy sự rạn nứt chia ly.
Tuy Hòa thượng thích nhu hòa mà cương nghị. Đường lối của Hòa thượng và
của Giáo hội đã vạch ra, dù gặp khó khăn đến mấy, cũng vẫn từ từ mà tiến
tới. Tuy khiêm tốn mà vẫn bất khuất, tuy nhu hòa mà lại vững vàng. Đó
là lập trường cố hữu của Hòa thượng.
Cuộc đời của Hòa thượng hy sinh trọn vẹn cho Đạo pháp. Từ lúc lớn khôn
cho đến ngày theo Phật, lúc nào Hòa thượng cũng chỉ biết lo cho Đạo và
làm việc cho Đạo.
Hòa thượng xong việc ra đi, nhưng để lại cho hàng Giáo phẩm trong Giáo
hội bao nhiêu niềm mến tiếc. Tăng Ni cảm thấy bơ vơ hết chỗ tựa nương,
hàng Phật tử mất đi một bậc Thầy hiền kính ái. Ngôi nhà Đạo pháp đã
thiếu đi một cây thạch trụ chịu đựng!
Giờ đây trước tôn ảnh của Hòa thượng, toàn thể hàng môn hạ đệ tử, đệ tôn
chúng con nguyện một lòng vâng theo di huấn của Hòa thượng, xin suốt
đời nỗ lực tu học noi gương Hòa thượng, làm tròn sứ mệnh của người con
Phật, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, ngõ hậu đền đáp phần nào
công ơn trời bể của Thầy Tổ.