Từ
khi con người sinh ra cho đến khi từ giả cõi đời này, cuộc sống đầy dẫy
khổ đau, khổ như thật, khổ thiệt sự, khổ vì phiền não tham sân si đầy
ắp thân tâm, khổ vì nay thương mai ghét, nay thân mai thù, khổ vì mọi
người sống chung quanh mình tư tưởng không đồng nhau, khổ vì hoàn cảnh
trái ngang lúc thuận lúc nghịch, khổ vì cơm ăn áo mặc vất vả gian nan,
khổ vì cầu khẩn van xin thì nhiều, nhận được chẳng bao nhiêu, hoặc chẳng
được gì cả! Khổ ơi là khổ! Đời là bể khổ! Cuộc sống con người khổ nhiều
hơn vui, bất như ý nhiều hơn sự cát tường, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh
hay địa vị nào của xã hội.
Khi
nhận đúng, thấy đúng, biết đúng như thực, đời là bể khổ, nhưng không vì
thế cảm thấy bi quan, chán đời, sanh tâm mong cầu cõi sung sướng hơn
cho thỏa tâm tham, thì con người mới thực sự gọi là phát tâm chọn con
đường chân chính tu hành của đạo Phật. Nếu không thấy đời sống khổ như
thật, còn thấy cuộc đời hạnh phúc, vui sướng và hướng tâm mong cầu sanh
về cõi sung sướng hơn, sung sướng cực điểm, thì đừng nên chọn con đường
tu hành của đạo Phật. Chọn lựa như vậy là sai lầm.
- Tại sao như vậy?
Tại
vì lòng tham cõi sung sướng hơn như vậy sẽ dẫn dắt người tu lạc vào tà
đạo. Con đường tu hành chân chính của đạo Phật là con đường đi ngược lại
với tâm tham lam, sân hận, si mê và mong cầu ỷ lại của người đời.
Con
đường tu hành chân chính theo đạo Phật là phải xả bỏ những tâm niệm đầy
tham lam, sân hận, si mê, trong kinh sách gọi là tà niệm, tạp niệm hay
vọng niệm. Dù tại gia hay xuất gia, người tu phải tự lực rèn luyện tu
tập, luôn giữ gìn chánh niệm, luôn trau giồi thúc liễm thân tâm, cố sức
tránh xa các ác pháp lợi mình hại người.
Con
người phải đầy đủ nghị lực, phải gan dạ, kiên trì, chịu đựng và kham
nhẫn, để mạnh dạn dứt bỏ những thói hư, tật xấu, chứ không phải chỉ biết
thường vào nơi điện Phật chỉ để cúng kiến, lễ bái, cầu khấn, van xin,
nương nhờ tha lực chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, tiếp độ, trợ lực, cứu khổ
cứu nạn, giải thoát khổ đau, tai ương, bệnh tật, hay phóng hào quang
tiếp độ những vong hồn người chết về cõi Tây Phương Cực Lạc.
Con
người phải phát tâm tự lực học hiểu chánh pháp, suy tư nghiền ngẫm
những lời dạy quí báu trong kinh sách, để biết cách áp dụng, thực hành
trong đời sống thực tế hàng ngày. Chứ không phải tu hành suông bằng cách
chỉ biết tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền, hay chuyên luyện
bùa, luyện phép để có thần thông, hay huyễn thuật, hoặc để khẩn cầu được
sinh về Cực Lạc, Niết Bàn bằng những oai thần, tha lực của chư Phật,
chư Bồ Tát, ngoài ra không còn gì hết, không biết gì hết !
Muốn
chân chính tu theo đạo Phật để giác ngộ và giải thoát khỏi cảnh khổ đau
của muôn kiếp sanh tử luân hồi, con người phải tích cực dùng sức tự lực
của chính mình, chuyển hóa thân tâm, chuyển hóa ba nghiệp chưa thanh
tịnh thành ba nghiệp thanh tịnh, chứ không phải bằng sự mong cầu, trông
chờ, van xin, cầu khẩn tha lực của người khác, dù cho thành tâm tha
thiết đến đâu, cũng như tín ngưỡng ngoại đạo mà thôi.
Trong
kinh sách, đức Phật thường dạy tu hành một cách tích cực bằng những
pháp môn tự lực, tịnh tông hay thiền tông, không có bài pháp nào dạy tu
tập cầu tha lực một cách tiêu cực, ỷ lại. Chẳng hạn như là pháp môn:
niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, và niệm Giới.
Chúng ta nên biết: Phật là tâm sáng suốt, Pháp là tâm chân chánh, Tăng là tâm thanh tịnh. Đó là Tự Tánh Tam Bảo.
Đức
Phật dạy niệm Phật là nhớ nghĩ đến tâm sáng suốt, nghĩ đến Phật và sống
như Phật, chứ không phải chỉ niệm suông danh hiệu Phật; niệm Pháp là
nhớ nghĩ đến tâm chân chánh, nghĩ đến Pháp và sống như Pháp, tu tập đúng
như pháp, nói năng như pháp, im lặng như pháp, chứ không phải chỉ tụng
kinh suông; niệm Tăng là nhớ nghĩ đến tâm thanh tịnh, nghĩ đến tăng và
sống như chúng tăng hòa hợp, không chống trái nhau, chứ không phải chỉ
cúng dường trai tăng, lễ lạy các vị tăng để cầu phước báu; niệm Giới là
nhớ nghĩ đến phẩm hạnh, giới đức và sống đúng giới hạnh, không hề vi
phạm giới luật, dù chỉ phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, chứ không phải chỉ
hằng tháng vào ngày 30 ngày rằm cùng nhau tụng giới suông, mà thôi.
Ở
đây, Đức Phật dạy niệm tức là tư duy Phật, Pháp, Tăng và Giới, để thấu
triệt Phật, Pháp, Tăng và Giới hàm nghĩa giải thoát như thế nào, rồi noi
theo đó mà thực hiện nếp sống và tu tập như Phật, như Pháp, như chúng
Thánh Tăng và như Giới luật đã dạy.
Có
hiểu biết và tu tập như vậy, thì mới có giác ngộ và giải thoát thực sự.
Còn như chỉ biết niệm suông danh hiệu Phật, tụng kinh suông, cúng dường
trai tăng và đảnh lễ chư tăng và tụng Giới, dù có niệm Phật, Pháp,
Tăng, và Giới như vậy cho đến muôn kiếp ngàn đời, thì cũng chẳng có giác
ngộ và giải thoát được chút nào. Tham sân si, cố chấp và ngã mạn, nếu
không tăng thì cũng còn y nguyên. Những sự tu hành sai lạc này khiến
chẳng còn ai tu chứng. Người tu hành mà hiểu Phật giáo như vậy, tức là
chẳng hiểu Phật giáo gì cả.
Tương tự, trong Kinh A Di Đà, đức Phật có dạy: “Kỳ độ chúng sinh, văn thị âm dĩ, giai tất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”. Hoặc: “Văn thị âm giả, tự nhiên giai sinh, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm”.
Nghĩa là: Những diệu pháp ấy, chúng sinh cõi này, khi nghe được rồi, hết thảy đều niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Hoặc: Ai nghe tiếng ấy, tự nhiên sinh tâm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Xưa
nay, chỉ có những người lười biếng, dối mình gạt người, không chịu
nghiên tầm học hiểu giáo lý, không thấu rõ lời dạy của chư Phật, chư Tổ,
do đó tin bừa, làm càn và rao giảng những điều sai lầm, mê tín, mù mờ.
Số người mê tín tu mù này, có cả tu sĩ và cư sĩ, đơn giản hóa pháp tu
tịnh độ đến mức tối đa, khuyên người chỉ cần niệm: Nam Mô A Di Đà Phật,
thì chắc chắn được vãng sanh, không cần đọc tụng kinh điển, không cần
học hiểu giáo lý, sợ bị loạn tâm, không vãng sanh.
Họ
lập ra các ban hộ niệm, tự phong cái quyền quyết định dám tuyên bố
người này được vãng sanh, người kia không vãng sanh, người này lưu xá
lợi, người kia không, mặc dù người mới chết suốt đời không biết chùa
chiền, kinh kệ hay tu tập gì ráo! Tiếc thay, số người này thu hút được
đám đông si mê, cùng tần số cố chấp, lười tu tập nhưng mong cầu và tin
chắc được vãng sanh cực lạc cho sướng cái đã, rồi hẹn lên trên đó tu
tiếp sau, dễ dàng hơn nơi cõi ta bà này.
Khi
bước chân vào đạo, ta thường được nghe dạy: bài học tu tập tự lực đầu
tiên là phải dứt bỏ các nghề nghiệp ác đang sanh sống hàng ngày, nghĩa
là người muốn tu hành theo đạo Phật, thì phải ngưng nghề ác, hành nghề
thiện, ngưng việc ác, làm việc thiện. Qua bài kinh dứt các nghề ác,
chúng ta thấy rõ sự tự lực của đạo Phật ngay từ ban đầu. Không làm các
điều ác. Siêng làm các việc thiện. Giữ tâm ý thanh tịnh. Đó là chư Phật
giáo.
Khi
bước chân vào đạo, ta thường được nghe dạy: “Thông suốt những gì cần
phải thông suốt, dứt bỏ những gì cần phải dứt bỏ, tu tập những gì cần
phải tu tập, trau giồi những gì cần phải trau giồi”. Những việc làm này
là những hành động tự lực.
Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy:
Tự mình điều ác nhiểm ô.
Tự mình thanh tịnh chính mình.
Tự mình phân minh thiện ác
Không ai giúp ai thanh tịnh.
Đạo Phật là
một tôn giáo xây dựng trên nền tảng thiện pháp, mọi ác pháp cần phải
loại trừ dứt bỏ. Nhờ có loại trừ ác pháp, tăng trưởng thiện pháp, cuộc
sống mới có sự giải thoát an vui, hạnh phúc cho mình, cho người. Không
có con đường nào khác hơn.
Loại
trừ ác pháp, chỉ có tự lực, không thể có tha lực. Những điều làm ác
phải tự mình dứt bỏ chứ không thể cầu cạnh người khác giúp mình được. Ví
như nhờ người khác giúp mình đừng ăn cắp, ăn trộm có được không?
Không
có thể được, phải tự mình biết đó là một việc làm xấu ác, khiến người
ta sầu khổ thì mình nên tự lực dứt bỏ, cũng như tự lực dứt bỏ các nghề
nghiệp ác, chứ không thể cầu chư Phật giúp mình được.
Đạo Phật nhìn cuộc đời với đôi mắt nhân quả, chỉ có tự lực dứt bỏ được nghiệp nhân nghiệp quả mà
thôi, dù cho có một đấng vạn năng nào đó cũng không giúp con người việc
này được. Đã gieo nghiệp nhân, thì con người chạy đàng trời cũng không
tránh thoát nghiệp quả. Thâm tín chánh lý nhân quả là pháp tu tự lực của
đạo Phật.
Thời
đức Phật còn tại thế, khi nghiệp quả đến với các vị đại đệ tử do nghiệp
nhân đã tạo từ nhiều kiếp trước, kiếp này dù đã chứng đắc, các ngài vẫn
phải đền trả, chứ không có chuyện còn nghiệp mà được vãng sanh, đức
Phật còn không can thiệp, cứu giúp gì được cả. Con người nên nhớ việc
này để làm gương, cố gắng hết sức, tự lực tu tập, tinh tiến không ngừng,
không lười mỏi. Ðó mới là chánh kiến và chánh tín của người phát tâm tu
theo Phật.
Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy:
Lên non xuống biển vào hang
Nghiệp nhân quả báo đã mang
Không ai tránh được thoát được
Như hình bóng đeo theo mình.
Đạo
Phật qua hình thức, nghi lễ của một tôn giáo nhằm phát triển, mang ánh
sáng từ bi và trí tuệ tới quảng đại quần chúng, độ tận chúng sanh, nhưng
cốt tủy cao siêu của đạo Phật là phi tôn giáo.
Nghĩa là: Đạo Phật là tôn giáo duy nhất chủ
trương không tôn thờ một đấng thiêng liêng vạn năng có quyền lực tối
cao hay ban phước giáng họa trên sinh mệnh con người. Đạo Phật là một
tôn giáo bi trí dũng, xây dựng con người tự giác, tự lực, tự độ, tự cứu
mình thoát ra khỏi cảnh khổ, nên còn gọi là “Độc Cư, Độc Bộ, Độc Hành”.
Tóm lại,
Khi mê lầm, chúng con khổ, nguyện xin cứu khổ.
Khi giác ngộ, chúng con khổ, nguyện xin tự độ.
Nhờ thế, con người mới biết đạo Phật là đạo tự lực, tự lực mới thực là tu,
chính là nghĩa đó vậy. Con người phải tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên
với chánh pháp. Kinh sách tha lực không phải là kinh sách liễu nghĩa của
đạo Phật. Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa.
Đạo Phật có nền đạo đức nhân bản – chánh lý nhân quả:
sống
không làm khổ mình,
không làm khổ người,
không làm khổ chúng sanh.