Phật Học Online

Viên ngọc luôn tỏa sáng của Phật giáo Việt Nam

HT.Thich Minh Chau.jpg
Chân dung Trưởng lão HT.Thích Minh Châu
 - Cố Hòa thượng Thích Minh Châu (Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX và X; nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN; nguyên Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh; nguyên Viện trưởng sáng lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam; nguyên Hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, Cơ sở I - Cơ sở II tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; nguyên Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM; Trú trì tổ đình Tường Vân, TP.Huế, Viện chủ thiền viện Vạn Hạnh, TP.HCM), là một trong những bậc danh tăng thạc đức tiền nhân ở thế kỷ XX và XXI, là bậc thạch trụ chốn tòng lâm, là tấm gương đạo hạnh cao cả của một hiện thân Bồ-tát, là ánh hải đăng luôn định hướng cho GHPGVN đi đúng phương châm Giáo hội.

Với 95 năm trụ thế, hơn 70 năm cống hiến cho đời và phục vụ Đạo pháp, Hòa thượng đã làm tròn trách nhiệm của một hiện thân Đại sĩ trong tinh thần nhập thế cứu đời, cống hiến trọn cuộc đời mình cho Đạo pháp và Dân tộc, góp phần thống nhất Phật giáo Việt Nam, xây dựng và phát triển thành tựu ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên tinh thần: “Tục diệm truyền đăng, xiển dương Phật pháp; lợi lạc quần sanh, báo Phật ân đức”. 

Cuộc đời và sự nghiệp của Hòa thượng đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài học quý báu trên con đường tu học và hành đạo của một mẫu người tu sĩ lý tưởng của GHPGVN vào thời hiện đại. Với đức hạnh cao quý và trí tuệ tỏa sáng của người tu sĩ Phật giáo, với đức tính tinh cần tu học và hành đạo khéo léo của một sứ giả Như Lai, với bẩm chất năng động nhiệt tình và tư tưởng sâu sắc của người trí thức Phật giáo, Hòa thượng đã đóng góp to lớn trong sự nghiệp thống nhất và phát triển GHPGVN với vai trò là nhà hoạt động tích cực, nhà lãnh đạo lỗi lạc, nhà ngoại giao khéo léo, nhà học thuật, giáo dục lỗi lạc và là nhà trước tác, dịch thuật tài ba của thế kỷ XX và XXI. 

Quả thật, cuộc đời hành đạo của Hòa thượng xứng đáng với ý nghĩa pháp tự Thích Minh Châu của Ngài, một viên ngọc quý báu và luôn tỏa sáng không những đối với GHPGVN mà còn đối với toàn thể Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Chúng ta luôn mãi ghi nhớ và học tập về cuộc đời và đạo hạnh của Ngài.

Bản thân tôi rất tôn kính và tâm đắc về những gương hạnh cao quý của Hòa thượng, đã làm tỏa sáng trên cuộc đời này, đặc biệt là gương hạnh tinh cần mà tất cả chúng ta cần nên học tập. Chính sự tinh cần dũng mãnh của Hòa thượng đã giúp cho Ngài làm được những việc mà ít có ai có thể làm được. Điển hình như:

Trước khi xuất gia, Hòa thượng đã sớm vào chùa hoạt động và tham gia tích cực mọi mặt công tác Phật sự cho 17 tỉnh hội Phật giáo miền Trung phát triển. Lúc bấy giờ, Ngài không những là hạt nhân nòng cốt phát động phong trào yêu nước chống Pháp và phát động thanh niên tham gia học Phật, mà còn là người đi đầu trong các phong trào này.

Khi mới xuất gia, Hòa thượng đã vừa là giảng sư của Hội An Nam Phật học ở miền Trung, vừa là chú điệu đang tập sự thực hành nếp sống thiền môn tại chùa Tường Vân, TP.Huế.

Mặc dù xuất gia trễ, dưới sự hướng dẫn tu học nghiêm minh của Hòa thượng bổn sư húy thượng Trừng hạ Thông, tự Chơn Thường, hiệu Tịnh Khiết (Đức Đệ nhất Tăng thống GHPGVN TN) tại tổ đình Tường Vân - thành phố Huế, nhưng với bẩm chất tinh cần đèn sách và chăm chỉ học hành, Hòa thượng đã sớm trở thành người đệ tử xuất sắc và được bổn sư cho phép xuất dương du học vào năm 1952. 

Trong thời gian tu học 12 năm tại Sri Lanka và Ấn Độ (1952  - 1964), Hòa thượng đã được Trường Đại học Tích Lan tặng bằng Pháp sư (Saddhammcariya), liên tiếp đỗ các văn bằng cử nhân Pāli và Anh văn, đặc biệt đỗ Thủ khoa M.A (Cao học) về Pāli và Abhidhamma (Luận) vào năm 1958 tại Nava Nalanda Mahavihara thuộc Đại học Bihar (Ấn Độ), bằng Tiến sĩ Phật học và Văn học Pāli tại Ấn Độ với luận án: “So sánh Tập Pāli Trung bộ kinh với Tập Trung A-hàm chữ Hán” (The Chinese Madhyama Àgama and The Pāli Majjhima Nikāya) vào tháng 91961, được Tổng thống Ấn Độ trao tặng văn bằng Danh dự với những lời khen ngợi tốt đẹp về luận án này.

Sau khi trở về nước, ngoài những công trình biên soạn và phiên dịch rất nhiều bộ kinh sách phục vụ làm tư liệu nghiên cứu Phật học, Hòa thượng là người đầu tiên phiên dịch toàn bộ Kinh tạng Pāli qua tiếng Việt. Đây là công trình mang ý nghĩa rất to lớn, quan trọng và đáng được tôn vinh trong sự nghiệp phiên dịch của Ngài, đóng góp cho sự phát triển kho tàng văn học kinh điển Việt Nam của GHPGVN càng thêm phong phú và đa dạng. 

Về công tác xây dựng và thành lập cơ sở giáo dục, Hòa thượng đã đem hết tâm lực, trí lực và đạo lực của mình để phối hợp với GHPGVN thành lập nhiều trường, viện, khoa và phân khoa Phật học cho các Tăng Ni, Phật tử theo học và nghiên cứu về lời dạy trong sáng của Đức Phật. Những trọng trách của Hòa thượng đáng kể nhất là Trường Cao cấp Phật học Việt Nam (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam) Cơ sở II tại thiền viện Vạn Hạnh vào năm 1984 với cương vị là Hiệu trưởng (nay là Viện trưởng) và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam vào năm 1989 với cương vị Viện trưởng, Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam với cương vị Chủ tịch năm 1991. 

Ngày hôm nay, tôi rất may mắn được thừa hưởng ân đức của Hòa thượng và sự tín nhiệm của GHPGVN, tiếp tục kế thừa và phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng Ni, Phật tử tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam với cương vị là Viện trưởng, đồng thời tiếp tục phát triển xây dựng cơ sở mới của Học viện tại khu đất Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM cho Tăng Ni, Phật tử tu học mà Hòa thượng luôn tin tưởng.

Qua gương hạnh cao quý của Hòa thượng, chúng ta càng nhận thức rõ về cuộc đời và sự nghiệp hành đạo của Hòa thượng trong suốt hơn 70 năm phục vụ cho Đạo pháp và Dân tộc, chúng ta càng kính phục và luôn noi theo gương hạnh tinh cần cao quý của Ngài. Hòa thượng đã tô điểm thêm cho cuộc đời tỏa ngát hương thơm trí tuệ và đức hạnh của người tu sĩ Phật giáo, làm tỏa sáng tinh thần trách nhiệm và ý thức đạo đức tốt đẹp của người công dân trong xã hội, và trang trọng ghi danh thơm của Ngài vào trang sử vàng son của GHPGVN về gương hạnh tinh cần của bậc danh tăng thạc đức nhằm khuyến tấn Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam mãi noi theo.

HT.Thích Trí Quảng

theo:GNO


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage