Phật Học Online

Chư tăng ra trụ trì các chùa ở Trường Sa
BBC

Tỉnh Khánh Hòa đã có công văn chấp thuận “nguyện vọng” ra trụ trì các chùa ở Trường Sa của một số chư tăng trong tỉnh.

Sáu vị thượng tọa, đại đức hiện đang trụ trì hoặc tu hành trên địa bàn của thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa sẽ được cử ra các đảo ở Trường Sa để tiếp quản các ngôi chùa trên đảo.


Theo công văn này, Ủy ban nhân dân tỉnh “đánh giá cao” nguyện vọng của các chư tăng.

Ban trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa cũng đã ra quyết định bổ nhiệm trụ trì có thời hạn sáu vị này và dự kiến sẽ có buổi họp mặt trước khi họ lên tàu ra đảo.

Phục hồi Phật sự

Trao đổi với BBC qua điện thoại, Đại đức Thích Giác Nghĩa, một trong sáu vị sẽ ra đảo, cho biết ông sẽ tiếp quản Chùa Trường Sa Lớn nằm trên hòn đảo cùng tên và là “thủ đô của các đảo” ở quần đảo Trường Sa.

Đại đức Nghĩa cho biết ông phát nguyện ra Trường Sa lâu dài sau ba lần ông ra đảo cầu siêu cho những “anh hùng liệt sỹ và nhân dân đồng bào đã hy sinh để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng”.

“Tôi thấy mình cần có đóng góp cho quê hương và có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình,” đại đức nói.

Ông cho biết những lần ra đảo trước ông thấy các chùa trên đảo hiện chưa có chư tăng và do quân dân duy trì do đó hoạt động Phật sự trên đảo bị gián đoạn ít nhất ‘từ ngày giải phóng đến giờ'.

“Người dân chỉ đến đánh chuông, lạy Phật và cầu nguyện,” ông nói, “Họ rất cần chư tăng hướng dẫn cho họ.”

“Theo tôi biết các ngôi chùa ngoài đó đã có từ rất lâu do tổ tiên đã xây dựng,” ông nói, “Theo thời gian cũng xuống cấp và Nhà nước đã quan tâm sửa sang trùng tu lại.”

Ông cho biết là bên cạnh ba ngôi chùa lớn trên ba hòn đảo đã được tu sửa sắp tới ‘Nhà nước cũng trùng tu lại các chùa nhỏ ở các đảo khác.”

“Hôm nay bắt đầu mới ổn định và chư tăng được Nhà nước yêu cầu phải nên ra đóng góp Phật sự ngoài đó,” ông nói.

Bên cạnh đó, người dân trên đảo đã 'rất nhiều lần đề nghị mời các thầy ra ngoài đó ở để hướng dẫn họ tu học’ vì ‘họ ở xa đất liền nên thiếu thốn về mặt tinh thần và cần có chỗ nương tựa’.

Đại đức Nghĩa cho biết ông đã xác định tinh thần ra ngoài đảo ‘sẽ rất kham khổ’ nhưng là ‘đệ tử Đức Phật’ nên ông xem những khổ cực đó như ‘không có gì’.


Ba tâm nguyện

Đại đức Thích Giác Nghĩa hiện đang trụ trì hai ngôi chùa ở Nha Trang là Vạn Đức và Phước Trí. Ông cho biết sẽ giao cho các đệ tử tiếp quản các chùa này để ra Trường Sa ‘trước hết từ 6 tháng đến một năm’.

Ông cho biết trong chuyến ra Trường Sa lần này ông có ba tâm nguyện: thừ nhất là hành trì tu niệm để ‘vun bồi đạo lực’ của ông.

Kế nữa ông muốn có những ‘chia sẻ trong cuộc sống’ để ‘anh em (trên đảo) khỏi trống trải trong lúc làm nhiệm vụ’ và 'gầy dựng cho Phật tử có sức mạnh để sống ngoài biển đảo’.

Tâm nguyên cuối cùng của ông là ‘hướng về những người con của dân tộc mình đã hy sinh trong bất kỳ điều kiện nào’.

“Dẫu người đó có là ai đi nữa thì cũng là con dân của dân tộc Việt Nam,” ông nói, “Họ đã bỏ mình, mất xác và xương họ cũng không còn.”

“Tôi sẽ gia trì chú nguyện gửi gắm cho họ để họ có lực đi về thế giới an lành và xả bỏ những đau thương của họ khi chết,” ông nói.

Hiện giờ ông chỉ đợi Nhà nước ‘chuẩn bị tàu bè để đi ra đảo’ và nói ông ‘sẽ cố gắng hết mức’.

‘Không gây căng thẳng’

Mới đây dư luận Việt Nam quan tâm một tuyên bố của phía Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa mà nước này chiếm được từ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trong một cuộc chiến chớp nhoáng vào năm 1974.

Phát biểu tại kỳ họp của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, tức Chính hiệp, hôm 7/3, phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch nước này Vương Chí Phát nói cần khuyến khích đẩy mạnh du lịch tại Tây Sa (Hoàng Sa) để ‘góp phần khẳng định chủ quyền’.

Bình luận với BBC, nhà nghiên cứu độc lập Đinh Kim Phúc hiện đang theo dõi diễn biến trên Biển Đông khẳng định rằng những hành động của Việt Nam ở Trường Sa gần đây không phải là ‘hành động gây căng thẳng’.

“Lãnh thổ Việt Nam thì Việt Nam có quyền phát triển kinh tế khoa học cũng những các tiềm lực khác,” ông nói.

“Trước đây một số đảo của Trường Sa chưa có đủ điều kiện phục vụ cuộc sống con người,” ông nói thêm, “Ngày nay Việt Nam có đủ điều kiện để đảm bảo cuộc sống bình thường trên hải đảo thuộc lãnh thổ của mình thì cứ tiến hành.”

Đánh giá về động thái khuyến khích du lịch ra Hoàng Sa của Trung Quốc, ông Phúc cho rằng nước này muốn ‘tạo ra sự đã rồi để họ qua mặt hoặc tranh thủ dư luận quốc tế nhìn nhận những vùng họ đã cưỡng chiếm đương nhiên là của họ.’

Tuy nhiên ông cho rằng Trung Quốc càng ‘tiếp tục lấn tới’ thì sẽ ‘càng phản tác dụng’.

“Họ sẽ cho thế giới thấy rằng miệng thì họ nói tuân thủ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình nhưng bên cạnh đó họ đã lộ bộ mặt thật là luôn có tham vọng độc chiếm Biển Đông,” ông nói.

Danh sách 6 tăng sĩ trụ trì các chùa trên đảo thuộc H.Trường Sa (Khánh Hòa):

1- TT.Thích Tâm Hiện, hiện tu tại chùa Tân Long, huyện Diên Khánh.

2- ĐĐ.Thích Giác Nghĩa, trụ trì chùa Vạn Đức, TP.Nha Trang.

3- ĐĐ.Thích Ngộ Thành, hiện tu tại chùa Vạn Đức, TP.Nha Trang.

4- ĐĐ.Thích Thánh Thành, hiện tu tại chùa Hội Phước, TP.Nha Trang.

5- ĐĐ.Thích Đạo Biên, hiện tu tại chùa Long Thọ, thị xã Ninh Hòa.

6- ĐĐ.Thích Đức Hỷ, hiện tu tại chùa Hưng Long, thị xã Ninh Hòa.

Theo BBC Việt ngữ


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage