Phật Học Online

Vào thiền viện học cách sống chậm

Cuộc sống hiện đại với sự đủ đầy của vật chất đôi khi khiến con người trở nên gấp gáp, hối hả, xô bồ. Một lần tĩnh tâm, một lần chìm trong không khí trầm tĩnh, nồng đượm hương trầm để một lần … học cách sống chậm trên đỉnh Tây Thiên.


Lên với Trúc Lâm thiền viện, hẳn ai cũng sẽ có cảm giác thanh tịnh, nhẹ nhõm bởi cái không khí trong lành, yên tĩnh của thiền viện này. Có thể nói, Trúc Lâm thiền viện là một trong những cái nôi phát tích sớm nhất và là cái nôi của Phật giáo Việt Nam.

Tọa lạc trên dãy Tam Đảo vời vợi mây, Trúc Lâm thiền viện uy nghi, sừng sững mà trầm mặc, linh thiêng. Đây là nơi rất nhiều người, trong đó có cả học sinh, sinh viên lựa chọn để tĩnh tâm, để sám hối và mong cầu sự bình yên thông qua hình thức tu thiền. Tôi tìm gặp nhà sư Huệ Kiệt – người phụ trách những cư sĩ tập tu của thiền viện, với mong muốn được tìm hiểu thêm về cuộc sống của những người lựa chọn việc tu thiền để tìm lại sự bình lặng, giải thoát cho tâm hồn.

Tu thiền để hướng thiện

Thiền dạy cho con người biết hướng thiện, biết sống chậm để suy nghĩ thấu đáo và sáng suốt hơn. Những cư sĩ tập tu ở thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên đều được các thầy chỉ bảo, giảng giải tận tình về những điều cơ bản như cách ăn ở, đi đứng, cách đối xử giữa con người với nhau và với những sự vật xung quanh mình.

Với phái Thiền tông, mọi hoạt động của con người đều là thiền, cần phải biết rõ mình đang làm gì để điều chỉnh việc làm cho chuẩn mực. Phải gạt bỏ “tham, sân, si” ra khỏi đầu óc, “tâm an thì trí sáng”, suy nghĩ và hành động mới đúng đắn được.

Như chuyện ăn uống, ở đây, các thầy cũng như các cư sĩ chỉ dùng 2 bữa trong ngày. Với những người theo phái Thiền tông, ăn uống cốt để tồn tại chứ không mưu cầu ăn ngon, chỉ cần cung cấp đủ năng lượng để sống là đủ.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - một trong những cái nôi của Phật giáo Việt Nam

Thầy Huệ Kiệt cho biết, việc ăn uống của các nhà sư tại đây cũng có quy tắc nhất định, Trước khi ăn, các thầy và các cư sĩ sẽ cảm tạ thần phật, cảm tạ người nông dân đã làm ra lúa gạo, cảm tạ người có tâm đã công quả cho mình. Khi thụ hưởng, các thầy sẽ khấn nguyện bỏ mọi điều ác, nguyện làm mọi điều lành và nguyện độ mọi chúng sinh. Thầy cho hay: “Người tu hành thọ nhận thức ăn rồi thì cần phải dùng sự tu hành thanh tịnh của mình để hồi hướng, để cầu khấn điều lành, điều may mắn cho chúng sinh”.

Mỗi năm, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên nhận hàng nghìn người thuộc nhiều lứa tuổi tới tập tu thiền. Thiền viện không giới hạn số người mà chỉ giới hạn thời gian của khóa tu, thông thường một khóa tu kéo dài từ 7 đến 10 ngày, ai muốn kéo dài thời gian có thể xin với thầy trụ trì.

Trong số này, có rất nhiều bạn trẻ hiện đang ngồi trên ghế nhà trường tham gia các khóa tu, đặc biệt trong mùa hè. Nhiều em đăng ký do hiếu kỳ, nhưng cũng có nhiều em bị gia đình “ép” lên để tránh xa các tệ nạn xã hội.

Người tu hành thụ hưởng cần biết cảm tạ thần Phật, người nông dân và người công quả

Tĩnh tâm sửa mình

Đưa tôi đến gặp các cư sĩ đang tập tu thiền ở thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, thầy Huệ Kiệt cho biết: “Các bạn lên đây tập tu vì nhiều lý do, có người bị ép lên, có người tự nguyện muốn lên, nhưng chủ yếu là để tĩnh tâm, để sửa mình”.

Anh Nguyễn Quang Toại (sinh năm 1979), người Mê Linh, Vĩnh Phúc hiện đang tập tu thiền tại Thiền viện được 10 ngày. Khoác trên mình chiếc áo màu lam nhạt – màu của khói hương, đang soàn soạt quét sân, anh không giấu được thân hình phương phi của một doanh nhân thành đạt.

Là một doanh nhân, nhưng anh Toại rất thích các loại sách nghiên cứu về tiềm năng của con người hay nói về tín ngưỡng như đạo Tin lành, đạo Phật. Cho tới khi anh đọc một tài liệu viết về vua Trần Nhân Tông, vị vua sáng lập phái Thiền tông Việt Nam, anh đã thực sự bị ấn tượng. Có một câu trong cuốn sách được viết bởi một cư sĩ người nước ngoài về phái Thiền tông: “Việt Nam đang sống trên một kho báu mà nhiều người không hay biết” khiến anh nhớ mãi. Từ đó, anh đã quyết định lên thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên để tìm hiểu kỹ hơn từ chính cái nôi của nghệ thuật tu thiền.

Anh Nguyễn Quang Toại bên sư thầy Huệ Kiệt

Anh Toại chia sẻ: “Mình là người sốc nổi, dễ cáu giận, khó giữ được bình tĩnh khi bị áp lực. Bất kể với ai, đặc biệt là doanh nhân, đó là điều không tốt. Mình lên đây, hi vọng các quý thầy sẽ giúp đỡ mình tĩnh tâm, bình ổn để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và công việc”.

Anh Toại chia sẻ, từ khi lên thiền viện, nhịp sinh hoạt thay đổi hẳn. Dậy từ lúc 3h sáng để ngồi thiền cùng các quý thầy và các cư sĩ. Đến 5h thì được nghỉ (gọi là xả thiền). Từ 6h kém 15 đến 7h là thời gian ăn sáng (tiểu thực), sau đó là thời gian tự thiền và nghe các thầy giảng giải về Phật pháp. Quá ngọ (12h) là thời gian ăn trưa, nghỉ ngơi, dọn dẹp, tập thiền và tự học. Buổi tối, các cư sĩ cùng nhau sinh hoạt, trao đổi với các thầy về Phật pháp, các giáo lý và tự tập thiền.

Một ngày các cư sĩ như anh chỉ ngủ 3 – 5 tiếng, ngày ăn 2 bữa, sau đó là dọn dẹp, học thiền, nghe giảng đạo pháp. Anh bật cười: “Lúc đầu mệt lắm, ở nhà ngủ 8 – 10h, nhưng chỉ vài ngày sau là quen, giờ thấy nhẹ nhõm lắm”.

Anh hào hứng cho biết, bản thân anh rất thần tượng TS Nguyễn Mạnh Hùng (Giám đốc Thaiha Books) bởi không chỉ ngồi thiền, tu thiền, ông Hùng còn khuyến khích các nhân viên của mình đi học thiền giải tỏa các ức chế để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống dễ dàng và sáng suốt hơn.

Hữu duyên với Phật pháp

Cũng như anh Toại, anh Nguyễn Văn Chung (quê Nghệ An), vốn là giáo viên cũng tìm đến thiền viện Trúc Lâm với kế hoạch tập thiền ít ngày, nhằm giải tỏa áp lực công việc. Nhưng do cơ duyên trời định, lại được các thầy khai minh nên anh đã xin được gắn bó với thiền viện lâu dài, cho đến nay, anh đã tập thiền được hơn 1 tháng.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh là người nhỏ nhắn, giọng nói, cử chỉ, đến nụ cười cũng nhẹ nhàng, chậm rãi. Anh cho biết: “Rất nhiều người như tôi khi lên đây tập tu đã bị tư cách, đức độ của các quý thầy thu hút nên tình nguyện gắn bó lâu dài và mong muốn xuất gia, cống hiến cho thiền viện bằng sự thanh tu của mình”.

Tập tu thiền là một hình thức sám hối, hướng thiện

Tập tu thiền ở đây, tất cả những cư sĩ đều không được sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin để liên lạc với bên ngoài, việc gặp gỡ cha mẹ, gia đình cũng không nhiều. Anh Chung cho biết: “Làm như vậy để con người tập trung vào việc thiền, muốn thiền thì phải tĩnh tại, không thể tâm một nơi, thân một nơi được”.

Thiền còn là một phương cách chữa được nhiều bệnh tật. Bản thân anh trước đây đã từng gặp tai nạn, bị dập xương bánh chè, sau khi tập thiền theo hướng dẫn của các quý thầy nơi đây, chân anh đã co duỗi như trước, đi lại cũng không còn quá khó khăn.

Khi được hỏi về quyết định gắn bó và xuất gia tại thiền viện, anh Chung cười nhẹ: “Cha mẹ tuy cũng là Phật tử, nhưng khó có thể chấp nhận khi con trai mình xuất gia”. Gia đình anh từng ngăn cản, khuyên răn nhiều lần, thậm chí là mắng mỏ, nhưng không thể lay chuyển được ý định của anh. Điều anh Chung day dứt nhất chính là người bạn gái và bạn bè của mình, bởi “Thật khó có thể giải thích cho ai đó hiểu tại sao một người lại xuất gia, gửi mình vào cửa Phật”.

Cũng như anh Chung, thầy Huệ Kiệt – người quản lý các cư sĩ tập tu tại thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên – là người hữu duyên với Phật pháp và gắn bó với thiền viện đã 8 tháng. Bản thân thầy là thương binh, đã có gia đình và 3 người con gái ngoan ngoãn, thành đạt. Trước khi xuất gia, thầy cũng đã ăn chay, niệm Phật, thụ Tam quy ngũ giới (Tam quy: quy Tăng, quy Pháp, quy Phật; Ngũ giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không dùng chất say).

Khi có nguyện vọng muốn quy y cửa Phật, toàn tâm toàn ý nghiên cứu Phật pháp, thầy đã vấp phải sự ngăn cản kịch liệt từ phía gia đình. Thầy cười: “Tôi đã 5 lần trốn nhà xin quy y mà thất bại, nhưng đã là “duyên” thì sao ngăn được”.

Thầy chia sẻ, đã có lần cha mẹ tránh mặt, vợ thầy dọa tự tử, con cái dùng nước mắt để can ngăn, nhưng sau thời gian dài giảng giải và khuyên nhủ, gia đình thầy đã thuận theo mong muốn của thầy. Giờ đây, các con gái thầy vẫn thường xuyên lên thiền viện thăm cha, nghe cha giảng giải Phật pháp để sống có ích và thiện tâm hơn.

Tu thiền là hướng tới việc khơi dậy cái thiện và sự tự sám hối của mỗi con người. Thầy Huệ Kiệt còn ấn tượng với một người thanh niên hiện đang tập thiền tại Thiền viện tên là Sánh (anh xin không nêu cụ thể tên họ). Vốn là một kẻ “không sợ trời, không sợ đất”, chuyên kiếm sống bằng nghề đòi nợ thuê, thân mình đầy vết xăm trổ, Sánh trở nên ngang tàng, thậm chí là tàn bạo. Nhân một lần đưa mẹ lên Thiền viện dự lễ, cảm thấy hiếu kỳ với cách tu thiền của các quý thầy nơi đây, anh đã xin các thầy ở lại để tìm hiểu và tập tu “cho giống các thầy xem sao”. Chỉ trong vài tuần, con người anh thay đổi hẳn. Tính cách ngang ngược, hống hách trước đây dần biến mất, anh trở nên hòa nhã, hiểu lễ nghĩa và sống biết điều hơn. Nhìn Sánh bây giờ, không ai còn nghĩ anh vốn là người đi đòi nợ thuê nếu không có những vết xăm rồng phượng kín đặc cánh tay.

"Đến với Phật pháp cũng là cái duyên của con người"

Thầy Huệ Kiệt cho rằng, khi lên tập thiền ở Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, hầu hết các bạn đều thay đổi, sống chậm lại và suy nghĩ sáng suốt, minh bạch hơn. Bởi khi sinh ra, ai cũng là người tốt, ảnh hưởng do hoàn cảnh sống và cách giáo dục mới tạo nên những người xấu. Chỉ cần biết cách suy ngẫm, sám hối, con người sẽ trở nên hướng thiện.

Dân gian vốn có câu: “Trẻ vui nhà, già vui chùa”, quan niệm cho rằng, cửa Phật là dành riêng cho người già hoặc kẻ bị tình đời đen bạc hay người vấp ngã trên bước công danh quay về nương tựa… Nhưng thực ra đạo Phật là “đạo của tuổi thanh xuân đang căng nhựa sống và tha thiết yêu đời”. Nghe thầy chia sẻ, anh Toại quay lại khẳng định với tôi: “Sau này, tôi sẽ cho con gái vào Thiền viện để học hỏi các thầy để học cách nghĩ và cách sống thiện lương”.

Thầy mỉm cười hiền từ: “Đỉnh cao của khoa học chính là khởi đầu của Phật pháp. Đức Phật trí tuệ vô biên, từ bi hỉ xả. Nếu cô muốn thấu hiểu Ngài và cách tu thiền, thì cô phải thực sự sống và trải nghiệm cùng với nó”.

Nhận lời với thầy Huệ Kiệt, tôi rời Thiền viện Trúc Lâm trong một buổi chiều đầy gió. Tiếng rì rào của rừng thông, tiếng vi vu của gió thổi qua bức mành trướng treo ở cửa Chính điện và tiếng chuông ngân thật chậm, thật chậm … Tôi tự nhủ, sẽ có một ngày trở lại và học cách sống chậm, không chỉ cho bản thân mà còn vì mọi người.

Theo Vương Tâm - NLM


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage