Giống như không ai dạy con người làm sao biết hít thở không
khí để sống, tình yêu thương cha mẹ và con cái có trong bản chất con
người, mà đạo Phật gọi là “câu sinh,” tức sinh ra cùng một lần với sự có
mặt của con người.
Người mẹ khi mang thai con là một chọn lựa quan trọng nhất trong đời.
Người mẹ ấy biết rằng từ nay trong cuộc đời bà lại có thêm một mảnh đời
khác, nhưng thực sự không khác tí nào cả, gắn bó keo sơn đến hơi thở
cuối cùng của bà. Khi ý thức điều đó, cũng có nghĩa là người mẹ chấp
nhận một thứ bản ngã, một thân xác thứ hai ngay trong chính con người
mình. Đứa con là sự sống của người mẹ trong cả hai bình diện tinh thần
và thể chất.
Như vậy người mẹ có phải chia bớt phần bản ngã và thể chất của bà cho
đứa con? Nếu có thì người mẹ đã mất mát một phần bản ngã và thể chất.
Nếu không thì đứa con không là một phần trong đời sống của người mẹ. Về
mặt thể chất, vật chất thì dễ thấy cho nên, ai nấy đều biết rõ là người
mẹ từ lúc mang thai cho đến khi sanh con và nuôi dưỡng con khôn lớn nên
người đã tiêu hao thân xác rất nhiều. Về mặt tinh thần thì khó thấy,
nhưng tất nhiên không phải là hoàn toàn không thấy được. Xem đứa con như
một phần đời của mình, tức là người mẹ dành một chỗ đứng quan trọng
trong tinh thần cho con. Hay nói cách khác, đứa con là một phần bản ngã
của người mẹ, người mẹ chia một phần bản ngã cho con. Cái phần bản ngã
của đứa con trong người mẹ đó thật sự không thể lấy thước để đo được là
bao lớn. Bởi vì chỗ đứng tinh thần không hình tướng, cho nên, nó cũng là
tất cả cái bản ngã của người mẹ.
Cũng từ đó, người ta mới hiểu được phần nào lý do tại sao tục ngữ Việt
Nam có câu rằng, “Nuôi con trăm tuổi, mẹ lo hết chín mươi chín năm.” Và
cũng vì lẽ đó, người ta mới thấy rằng tại sao trong đời sống hằng ngày
lúc nào người mẹ cũng nghĩ tới, cũng lo cho con trước, rồi mới nghĩ, mới
lo cho mình sau, mà có khi còn quên cả lo cho mình nữa.
Cái cảm giác kỳ diệu khi mang thai con nơi người mẹ không một người nào
khác trên thế gian này, kể cả người cha, có thể cảm nhận được một cách
trọn vẹn và thấu đáo. Trong cơ thể, trong tinh thần, trong tâm thức,
trong cảm quan của người mẹ mỗi ngày mỗi hiển lộ dần hình ảnh của đứa
con trong đời mình, mà bào thai càng lớn thì cảm thức đó càng lớn theo,
càng thâm thiết hơn, càng nồng nàn hơn. Cho đến khi đứa con chào đời,
cái cảm thức rằng đó là mảnh đời thịt da máu huyết của mình, không những
không thay đổi mà còn tăng trưởng hơn, vì cái mảnh đời đó đang sờ sờ
trước mặt, có thể bồng bế, nâng niu, hôn hít cả ngày. Đó cũng là lý do
tại sao, những người làm cha mẹ hay có cái cảm nghĩ con mình vẫn còn bé
bỏng, dù nó đã khôn lớn trưởng thành. Và đó cũng là lý do tại sao cha mẹ
nghĩ rằng mình có quyền trong những quyết định trọng đại đối với cuộc
đời của con cái.
Những người con chỉ ý thức và cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ,
đặc biệt đối với mẹ, khi đã sinh ra đời, đã đến tuổi ý thức và hiểu
biết. Khi đứa con cảm nhận được tình yêu thương của mẹ thì lúc nó đã là
một mảnh đời riêng biệt đối với người mẹ. Cho nên, tình thương yêu của
con cái đối với mẹ không thâm thiết, không mặn nồng, không sâu sắc như
người mẹ thương yêu con. Và cũng vì vậy, thường là khi con cái thành gia
thất, rồi trải qua kinh nghiệm làm mẹ, làm cha mới thâm cảm được thế
nào là tình yêu thương ruột thịt, máu huyết không phân ly của người mẹ,
người cha. Nhưng, có khi biết được thì đã muộn, bởi vì có thể lúc đó cha
mẹ đã khuất núi!
Các loài chúng sinh khác, mà dễ thấy như loài thú vật, cũng có những cảm
nhận về mối yêu thương gắn bó bất khả phân giữa mẹ con, nhưng vì chúng
không có một nền văn hóa, đạo đức và luân lý phát triển đến cao độ như
loài người nên chỉ nằm ở bình diện bản năng.
Thể hiện tình yêu thương của cha mẹ và con cái, vì vậy, là bản sắc văn
hóa, đạo đức và luân lý đặc thù của loài người từ ngàn xưa đến ngày nay.
Đạo Phật khi nêu cao tinh thần hiếu hạnh cũng tức là bảo vệ và phát huy
nếp sống văn hóa, đạo đức và luân lý cao đẹp của con người.
Có điều đặc biệt nơi tinh thần hiếu hạnh của Đạo Phật là ngoài việc thể
hiện hiếu hạnh đối với cha mẹ về mặt vật chất trong đời này còn nhắm đến
một đời sống cao thượng hơn ở thế giới tâm linh và trong nhiều đời
nhiều kiếp chứ không chỉ quanh quẩn trong lãnh vực vật chất, thể xác và ở
đời này. Những báo đáp thâm ân cha mẹ của con cái về mặt vật chất không
phải là hành trang mà cha mẹ có thể mang theo lâu dài trên lộ trình
luân hồi sinh tử. Khi nhắm mắt xuôi tay, tất cả những tiền tài, của cải,
giàu sang, danh vọng đều bỏ lại, duy chỉ có nghiệp lực là mang theo. Dĩ
nhiên, nói như vậy, không có nghĩa là con cái không cần phải báo đáp
thâm ân cha mẹ về mặt vật chất trong đời này, nhưng chừng ấy không, chưa
đủ.
Đó là ý nghĩa tích cực của tinh thần hiếu hạnh trong Đạo Phật. Tình
thương yêu của cha mẹ và con cái dù thiêng liêng và cao cả đến đâu cũng
chỉ xây dựng trên nền tảng tình cảm thế gian, có nghĩa là vẫn còn bị
trói buộc trong vòng xoáy của vô minh điên đảo để rồi cuối cùng vẫn phải
chịu trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Thực hiện hiếu hạnh theo tinh
thần Đạo Phật là hướng về con đường giải thoát tận gốc những triền phược
và khổ lụy. Đây chính là mục tiêu cao nhất mà tinh thần hiếu hạnh trong
Đạo Phật muốn nhắm đến.
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối nhân duyên vừa vi tế, vừa phức
tạp đến khó hiểu đối với con mắt của người bình phàm. Nhiều bậc cha mẹ
ăn ở hiền đức mà sanh con ngỗ nghịch, bất hiếu. Ngược lại, nhiều cha mẹ
ăn ở bất nhân, thất đức mà có con hiền lương, hiếu thảo. Vì vậy, nhân
duyên làm cha mẹ và con cái với nhau không thể tính trong một đời này mà
phải kết nối từ nhiều đời trước. Có khi đó là thiện duyên, phước báo.
Có khi đó là ác nghiệp, oan gia. Cứ xem cái gương lịch sử của Ngài Đại
Mục Kiền Liên, là một trong mười vị đại đệ tử xuất sắc nhất của đức
Phật, thì biết. Mẹ Ngài Mục Kiền Liên có tâm lượng hẹp hòi, bủn xỉn, keo
kiệt, mà còn ác nữa, nên khi chết mới đọa làm loài ngạ quỷ đói khát khổ
sở vô cùng, vậy mà có người con tu hành chứng đắc Thánh Quả A La Hán
với thần thông đệ nhất. Còn hàng cư sĩ tại gia thời đức Phật thì có Vua
Tần Bà Sa La và Hoàng Hậu Vi Đề Hi là vị minh quân nhân từ đức độ trị vì
nước Ma Kiệt Đà. Ấy vậy mà, nhà vua và hoàng hậu lại sanh ra người con
là A Xà Thế ngỗ nghịch giết cha để soán ngôi, lại còn đày mẹ vào lãnh
cung tăm tối cho đến chết. Oan nghiệt biết chừng nào!
Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện nhân quả và nghiệp báo mà đức Phật đã
dạy thì phước hay họa, thiện hay ác mà chúng ta thọ nhận trong đời này
đều là những gì do chính chúng ta tạo ra trong quá khứ, một hay nhiều
đời. Cũng vậy, lấy đó làm gương để thấy rằng tương lai đời sau của chúng
ta khổ hay lạc, phước hay họa là tùy thuộc hoàn toàn vào những gì mà
chúng ta tạo ra trong đời này. Nếu hiểu và đem cái hiểu đó áp dụng triệt
để vào đời sống hàng ngày thì người học Phật sẽ bớt đi, hay không còn
cảm thấy khổ sở, đau đớn, bi quan, tuyệt vọng nữa khi con cái mình đối
xử tệ bạc. Cho nên, các bậc cổ đức có nói rằng “Bồ Tát sợ nhân, chúng
sinh sợ quả.” Người học Phật đúng ra phải là người sợ ngay lúc tạo nhân
chứ không ngồi đó mà sợ khi quả báo tới.
Nếu đã biết sợ nhân thì phải rất thận trọng khi lập gia đình và có con.
Phải suy nghĩ một cách thấu đáo rằng có con không phải là việc đơn giản
và tầm thường. Cái không đơn giản và không tầm thường không chỉ ở chỗ
hoàn cảnh tài chánh và sinh hoạt gia đình, mà còn ở giá trị đích thực và
cao quý khi sanh ra đời một đứa con, một con người, một chúng sinh, hay
cao xa hơn chính là một vị Phật đương lai. Nuôi dưỡng một đứa con từ
lúc còn trong bào thai đến khi khôn lớn nên người là một công việc trọng
đại và vô cùng khó khăn, mà bậc cha mẹ phải để tâm từng ly từng tí,
từng ngày từng giờ, từng miếng ăn thức uống đến cách giáo dục bằng lời
nói, bằng cử chỉ sao cho phù hợp theo từng tuổi tác lớn khôn của con
cái. Một người Phật tử với tư cách là cha là mẹ mà có thể dạy được con
mình trở thành một người con hiếu thảo, một người công dân hữu ích cho
đất nước, cho xã hội đã là điều vô cùng quý giá. Huống chi, cha mẹ có
thể dạy con phát tâm Bồ Đề hướng đến con đường cao rộng của chư Phật đi,
không phải là đang tạo phước cho muôn loại chúng sinh đó sao?
Với lòng thương yêu con mênh mông không bờ bến thì cha mẹ nào mà không
cầu mong được như vậy! Nhưng được hay không lại là một chuyện khác. Được
hay không là tùy thuộc vào phước báo của cha mẹ và chính con cái, vào
bối cảnh gia đình, trường học và xã hội, vào phương pháp và sức nỗ lực
tới đâu của những bậc làm cha mẹ trong việc giáo dục con, v.v…
Tình yêu thương của cha mẹ một khi đã trang trải cho con thì không nghĩ
đến chuyện con cái trả ơn, giống như nước trên nguồn chảy xuống thì
không nghĩ đến chuyện nước chảy ngược về nguồn. Người làm cha mẹ vui
nhất là thấy và biết rõ rằng mình đã làm tròn phận sự, đã rót hết tình
yêu thương cho con cái không giữ lại điều gì, là chứng kiến sự trưởng
thành thực sự của con cái. Nhưng, khổ nỗi, trong mắt của cha mẹ, con cái
lúc nào cũng bé bỏng, thơ dại, cho nên, phải lo lắng cho nó suốt đời.
Hết lo cho con rồi lại lo cho cháu, chắt. Dĩ nhiên, ở một khía cạnh nhận
định nào đó, sự lo lắng của cha mẹ sau khi con cái thành gia thất cho
thấy ba nhược điểm. Một là, cha mẹ chưa tin tưởng thật sự vào sự trưởng
thành độc lập của con. Hai là, cha mẹ chưa tin tưởng thật sự vào sự nuôi
dưỡng và giáo dục của chính mình đối với con cái, để cứ luôn luôn nghĩ
rằng nó chưa thể tự lập, chưa thể tự quyết định, chưa tự đứng vững, chưa
tự xây dựng cuộc sống cho riêng nó. Ba là, khiến cho con cái có tâm ỷ
lại và lệ thuộc vào cha mẹ, trong khi đã đến lúc nó phải tự đứng lên
gánh lấy trách nhiệm để kiến lập cuộc đời riêng tư. Điều hiển nhiên là
nói như vậy không có nghĩa cho rằng tới lúc nào đó, trong đời, cha mẹ và
con cái phải vạch rõ lằn ranh, phải đoạn tuyệt tương quan, phải xoay
lưng nhau mà sống, không còn liên hệ gí, giống như chim rừng, cá biển.
Tuyệt đối không phải thế! Tình yêu thương của cha mẹ và con cái nằm
trong máu huyết, trong tim óc, trong hơi thở, trong sự sống của nhau,
làm sao có thể cắt đứt?
Cắt đứt thì không thể, nhưng cách thể hiện lòng yêu thương của cha mẹ và
con cái trong đời sống của thời đại ngày nay không giống như ngày xưa,
ngay cả tại những nước có truyền thống bảo vệ hiếu hạnh rất nghiêm túc
tại Á Châu như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, v.v…
Ngày nay, cha mẹ không muốn để cho con cái phải bận tâm lo lắng quá
nhiều hay phải chịu gánh nặng trách nhiệm chăm sóc lúc phụ mẫu về già,
nên đã có kế hoạch từ những năm tháng còn làm việc để tiết kiệm tiền
bạc, mua bảo hiểm, lập trương mục hưu trí, v.v… Cho đến khi về già thì
cha mẹ có thể dùng số tiền đó để tự nuôi thân, hoặc có vào viện dưỡng
lão thì cũng không phải nhờ vả quá nhiều đến con cái. Các chính phủ đã
từ lâu giúp đỡ và khuyến khích người lao động thực hiện các chương trình
phúc lợi xã hội và hưu trí như vậy.
Con cái dù có hiếu cũng không thể cưỡng lại những ràng buộc, chi phối,
giới hạn của cuộc sống hàng ngày và sinh hoạt vốn có của xã hội để có
thể thực hiện hiếu hạnh một cách đầy đủ giống như ngày xưa. Một ngày làm
việc từ tám tiếng đồng hồ trở lên, suốt năm hoặc sáu ngày một tuần,
cuối tuần thì phải lo cho gia đình vợ chồng con cái, còn thì giờ đâu để
chăm sóc cho cha mẹ già, đặc biệt cha mẹ già bệnh tật. Cho nên, đưa cha
mẹ già vào viện dưỡng lão là điều khó tránh khỏi. Nếu thật sự vì hoàn
cảnh không thể xoay xở của con cái thì cha mẹ nào cũng vui vẻ và thông
cảm. Nhưng điều quan trọng là tấm lòng, là tình thương yêu kính trọng
cha mẹ của con cái có còn nguyên vẹn hay không. Không có thì giờ để trực
tiếp chăm sóc cho cha mẹ là một chuyện, có để tâm lo lắng, suy nghĩ,
quan tâm, tới lui thăm lom và an ủi cha mẹ hay không là chuyện khác.
Điều cha mẹ già cần nơi con cái chính là chuyện sau này đó, tức là sự
quan tâm, thăm lom, an ủi và có mặt thường xuyên của con cái. Có vào
viện dưỡng lão rồi mới thấy điều đó nó quan trọng, nó cần thiết đối với
những người già như thế nào! Tội nghiệp biết bao!
Nói đi rồi cũng nên nói lại, rằng là người con Phật thì phải sớm biết
điều đó ắt xảy ra, vì đó là quy luật sinh, già, bệnh, và chết. Người con
Phật cần học cách và tự tu tập như thế nào để đến khi mình ở tuổi già,
sống trong viện dưỡng lão một mình, nằm trên giường bệnh, hoặc trước lúc
lâm chung vẫn có thể giữ được tâm bình khí hòa, hay cao hơn nữa là an
nhiên tự tại. Làm được như vậy thì đúng là không uổng công đức Phật suốt
gần năm mươi năm một mình với ba y và bình bát vân du khắp lưu vực Sông
Hằng để đem giáo pháp cứu khổ mà cảm hóa chúng sinh.
Theo: thuvienhoasen.org