Theo Tứ phần luật tạng, Đức Phật dạy:
Này các Tỳ-khưu! An cư xong, Tỳ-khưu có bốn việc cần phải làm:
– Một là Tự Tứ (yêu cầu người chỉ lỗi
lầm cho mình). – Hai là giải giới (xả giới của mùa an cư). – Ba là kiết
giới (trả lại giới của Già-lam). – Bốn là thọ y công đức.
Thọ y công đức thì chúng Tăng được hưởng năm quyền lợi trong thời gian
năm tháng (kể từ sau ngày Tự tứ). Năm quyền lợi đó là:
– Một là được chứa y dư (ngoài ba y đã
thọ). – Hai là được lìa y ngũ (một trong ba y). – Ba là được ăn riêng
chúng. – Bốn là được ăn nhiều bữa (trước giờ ngọ). – Năm là vào xóm làng
trước và sau bữa 1ăn khỏi báo cáo.
Còn Phật tử cúng dường lễ thọ y công đức thì được những phước báo như
sau: (Trích nguyên văn “Đại Lễ Dâng Y Casa” của Tỳ-khưu Bửu Chơn dựa vào
kinh tạng Pali soạn dịch, xuất bản năm 1971).
Giải về phần phước báo thí chủ.
Vấn: Thí chủ có tâm trong sạch dâng y
Kathina đến chư Tăng thì sẽ được phước báu như thế nào?
Đáp: Thí chủ nào có tâm trong sạch dâng y
Kathina đến chư Tăng thì sanh lên kiếp nào đều có sắc đẹp, y phục đầy
đủ không thiếu chi. Nếu người nam thì sau này gặp Phật nghe pháp xong,
muốn xuất gia thì sẽ trở thành Ehibhikkhu: nghĩa là khi muốn xuất gia
bạch Phật, Đức Phật bèn gọi Ehibhikkhuvo: Ngươi trở thành Tỳ-khưu đi,
khi ấy tự nhiên do phước báu của lễ Kathina mà vị ấy trở nên một vị
Tỳ-khưu có đủ tam y quả bát và tám món vật phụ tùng, y như vị Tỳ-khưu đã
xuất gia lâu rồi vậy, khỏi cần phải cạo tóc và kiếm y bát chi cả. Còn
người nữ thì không trở thành Ehibhikkhu được, nhưng sanh lên kiếp nào
cũng có y phục dồi dào đầy đủ, lại thêm có sắc đẹp hơn người.
Đừng nói chi đến sự dâng cúng y đầy đủ
như bây giờ mà dầu cho khi có người làm lễ dâng, mình hùn kim chỉ để may
y thôi nhưng phước báu cũng không kể hết được.
Như có một sự tích như sau:
Một thuở nọ, có một vị đại phú gia tên
Sirῑsetthῑ sau khi Đức Phật Ca Diếp và chư Tăng ra hạ rồi, ông phát tâm
trong sạch muốn làm đại lễ dâng y Casa Kathina đến chư Tăng và Đức Phật.
Ông bèn cho người đi cùng trong xứ
Ba-la-nại, truyền rao rằng: “Ông sẽ cử hành lễ dâng y Casa đến chư Tăng
và Đức Phật”. Nếu ai có tâm trong sạch thì xin hùn phước vào cuộc lễ
dâng y, đa thiểu tùy theo của cải. Trong lúc ấy có một người thật là
nghèo khổ, cơm ăn không đủ no, không có quần áo mặc cho lành, y chỉ có
một cái khố để che thân mà thôi. Khi y nghe người ta kêu gọi như thế, y
mới nghĩ rằng: “Có lẽ do kiếp trước ta không có làm phước bố thí chi,
cho nên kiếp này ta mới nghèo khổ như vầy”. Vậy bây giờ ta gắng tạo
phước báu bằng cách hùn phước vào lễ dâng y Casa. Nhưng làm sao, ta có
chi đâu mà hùn phước! Y mới nghĩ rằng, ta chỉ có cái khố cũ này thôi để
che thân, nếu đem đi bán kiếm chút ít tiền hùn vào để mua chỉ may cũng
được. Nghĩ như vậy rồi, y bèn giặt cái khố cũ ấy đem đi bán, y phải lấy
lá cây chầm lại làm khố giả để che thân, vì vậy mà từ đó y có tên đặc
biệt là Tinamānava (là người lấy cỏ và lá cây mặc). Đi bán khắp cùng
không ai chịu mua vì chỉ là khố cũ rách, sau cùng có một ông bá hộ thấy
vậy mới mua cái khố ấy với giá 1 māsaka (lối một đồng bạc) để cho chó
nằm.
Y rất mừng rỡ đem số tiền ấy mua chỉ hùn
vào để may y.
Do năng lực phước báu ấy cảm động đến
chư Thiên trên mặt địa cầu đều hoan hỉ Sādhu: lành thay, lành thay, vang
dội đến cõi trời Tứ Đại Thiên Vương cũng đồng hoan hỉ, luôn đến cả sáu
cõi trời dục giới.
Những tiếng hoan hô vang dội ấy làm thấu
đến tai Đức Vua Bārānasi, ngài bèn hỏi chuyện chi mà tiếng reo hò vang
dội như thế. Quan hầu bèn tâu qua cớ sự.
Đức vua nghe xong lấy làm hoan hỉ, ra
lệnh gọi Tinamānava vào đền.
Y trả lời rằng y không dám vào đền vua,
vì không có quần áo mặc.
Đức vua bèn cho lấy một bộ y phục thật
tốt ban cho y, khi y thay y phục xong liền vào chầu Đức Vua.
Đức vua phán: Trẫm nghe ngươi vừa làm
phước và chư Thiên đều hoan hỉ, vậy ngươi chia cho trẫm phân nửa phần
phước, trẫm sẽ ban thưởng y phục, xe cộ, voi ngựa, cung phi, làng mạc
cho ngươi dùng xài.
Y bèn tâu rằng: Tâu Đại vương, hạ thần
vì nghèo khổ quá và mới làm phước ít quá có một lần thôi nên hạ thần
không chia đâu vì sợ hết phước (theo Phật giáo, khi làm phước xong rồi
chia cho kẻ khác hay là hồi hướng cho thì mình càng được thêm báu chớ
không hết, ví như mình có cây đèn cho người mồi hàng trăm hàng ngàn cái
khác họ được sáng sủa thêm, nhưng phần mình cũng không mất phần ánh sáng
chút nào). Đức vua bèn bớt lần lại chỉ xin chia một phần mười thôi. Y
bèn nghĩ, đức vua xin chia phước như vậy mà mình không chịu chia cũng
không nên, nghĩ xong y bằng lòng chia phước cho đức vua.
Khi đức vua hoan hỉ thọ lãnh Sādhu xong,
bèn ra lệnh ban cho Tinamānava nào là y phục, xe cộ, voi ngựa, vàng bạc
và vô số làng mạc, phong cho y làm bá hộ hưởng phước lâu dài.
Nói tích này cho rõ, chẳng những dâng y
bằng vải mới được phước báu mà chỉ cần dâng chỉ để may y trong dịp lễ
Kathina cũng được phước báu vô lượng trong kiếp hiện tại.