Hoa hồng trắng cho người không còn mẹ. Ảnh: N.Hữu
Câu chuyện “Mẹ xuôi tay, con có kịp về?” gợi cho chúng ta suy ngẫm về thực tế hiện nay của con cái đối với cha, mẹ.
Cụ Tám, 75 tuổi, phải ngồi xe lăn, sống
với người giúp việc đã 8 năm ở cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình
Thạnh – TP Hồ Chí Minh. Cụ có 3 người con đều thành đạt, làm việc và
định cư ở nước ngoài. Mỗi năm các con chỉ về thăm vào dịp Tết rồi lại
đi. Lúc mới quen Cụ, cứ ngỡ người giúp việc là con gái nên ngỏ lời khen
sự hiếu thuận của cô khi sáng sớm đẩy xe đưa cụ ra công viên tắm nắng và
tập thể dục. Có dịp hầu chuyện, mới biết rằng cụ Tám là một điển hình
sống cô quạnh trong nhung lụa. Cụ tâm sự: “Các con muốn đưa tôi sang
nước ngoài để chăm nom nhưng ở tuổi này rồi tha hương cũng buồn. Thành
ra mỗi dịp các con về, tôi cố tỏ ra vui vẻ để chúng yên tâm. Hằng tháng,
các con chuyển tiền, gửi quà về cho mẹ nhưng già rồi tiêu pha, ăn uống
mấy đâu. Nhiều đêm mất ngủ, nước mắt cứ trào ra khi nghĩ ngày mình ra đi
từ giả cõi đời này không biết các con có về kịp không ?”. Và còn biết
bao trường hợp thương tâm khác khi cha, mẹ vĩnh biệt cõi đời con không
kịp về!
Muôn đời “Nước mắt chảy xuôi”, cha mẹ
nuôi nấng, chăm lo cho con cái là lẽ thường tình “Cha mẹ nuôi con như
biển hồ lai láng”. Chuyện cha mẹ nghèo, tần tảo sớm hôm, một nắng hai
sương, thức khuya dậy sớm nuôi con thành tài là chuyện rất bình thường.
Nhưng con cái thành đạt, có địa vị xã hội hoặc trở thành những đại gia,
thì việc chăm sóc cha, mẹ để đấng sinh thành sống vui vẻ những ngày
cuối đời ở buổi xế chiều lại là một hiện tượng rất hiếm. “Con nuôi cha
mẹ tính tháng tính ngày”.
Đạo Phật là đạo giải thoát. Đức Phật
dạy: “Hiếu tâm tức thị Phật tâm. Hiếu hạnh vô phi Phật hạnh. Nhược đắc
đạo đồng chư Phật. Tiên tu Hiếu dưỡng nhị thân” (Lòng hiếu chính là lòng
Phật, hạnh Hiếu há chẳng phải là hạnh Phật sao? Nếu muốn theo con đường
của đức Phật. Trước hết phải hiếu thảo với mẹ cha)
Mỗi năm, vào dịp lễ Vu Lan, mùa báo hiếu, đây là dịp để người con Phật thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với cha mẹ.
Ca dao có câu:
"Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ Mẹ kính Cha,
Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con."
Hoặc:
"Trải bao gian khổ không sờn
Muôn đời con vẫn nhớ ơn Mẹ hiền."
Hoặc:
“Đi khắp thế gian không ai Tốt bằng Mẹ,
Gian khổ cuộc đời không gánh nặng bằng cha”
Thì đạo Phật lại càng củng cố thêm truyền thống tốt đẹp cao cả đó bằng hành động:
"Đêm đêm khấn nguyện Phật Trời
Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con.”
Đó là những câu ca dao Việt Nam, mà hầu
như mọi người chúng ta đều thuộc lòng. Nhưng đối với đức Phật, chữ Hiếu
Phật dạy còn cụ thể hơn nhiều, hình ảnh mà Đức Phật dùng làm ví dụ cũng
thật sinh động:
"Này các Tỳ kheo, cái này là nhiều hơn,
tức là sữa Mẹ các người đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi
trong một thời gian dài, chứ không phải là nước trong bốn biển" (Tương
Ưng II, 208).
Đức Phật lại nói tiếp:
“Này các Tỳ kheo, có hai hạng người,
không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng
Mẹ, một bên vai cõng Cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến 100 tuổi. Như
vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho Mẹ và Cha. Nếu
đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dù tại đấy, Mẹ Cha có đại tiện,
tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ
cho Mẹ và Cha..." (Tăng Chi I, 75).
Tất nhiên, đây là cách nói. Con cái
không phải hiếu thuận với Mẹ Cha chỉ một ngày mà suốt cả đời mình cũng
không thể nào trả được công ơn sinh thành dưỡng dục..
Chữ Hiếu là nền tảng của đạo đức. “Nhân
sinh bách hạnh hiếu vi tiên” Trong trăm hạnh của con người, hạnh Hiếu
đứng đầu. Và chúng ta cũng không quên khẳng định: “Hiếu vi công đức mẫu”
(Lòng hiếu là mẹ của các công đức)
Con cái hiếu thảo với cha mẹ, ngoài việc
mang lại niềm hạnh phúc trong gia đình, còn mang đến cho chính mình sự
an lạc, bình an. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xã hội, mỗi công dân
của một quốc gia có an lạc, bình an thì xã hội, quốc gia đó mới có an
lạc bình an, và mỗi xã hội, mỗi quốc gia có an lạc bình an thì thế giới
của chúng ta mới được an lạc, bình an. Bởi vì mỗi gia đình là một tế
bào của xã hội. Gia đình có hoà thuận, hiếu thảo thì xã hội mới văn
minh, tiến bộ.
Nếu như ta không có
tình yêu thương kính trọng vô điều kiện đối với cha mẹ thì không thể có
tình yêu thương thật sự đối với người khác. Một xã hội không có những cá
nhân có tình yêu thương thật sự, chỉ có những cá nhân, mà lòng yêu
thương trong họ chỉ tồn tại khi các điều kiện xuất phát từ lòng tham
dục đã được thỏa mản, nếu không đúng theo sự ham muốn, nếu trái với ý
muốn, thì tình thương đó sẽ tan biến, dể biến thành sự khinh khi, đố kỵ,
ganh ghét và hận thù. Như thế thì xã hội đó, sẽ không thể có được sự an
lạc, an bình thật sự.
Phong tục tập quán
của các dân tộc, giáo lý của các tôn giáo đều khuyên dạy, đề cao và
hướng con người đến nhận thức và thể hiện lòng hiếu hạnh của mình đối
với đấng sinh thành. Đặc biệt nước ta với nền văn minh phát triển từ rất
lâu, văn hóa “Nho-Thích –Đạo tam giáo chi quyền” (Đạo Nho, đạo Phật và
đạo Lão: cả ba đạo này đều cùng có chung một nguồn gốc…) đã ảnh hưởng
sâu đậm trong xã hội ta ngay từ thời lập quốc. Chữ Hiếu đã hình thành và
tồn tại trong từng cá nhân như là bản tính tự nhiên vốn có từ khi chúng
ta vừa mới chào đời.
Đức Phật, bậc Giác ngộ, bậc Thầy của tất
cả cõi trời và người, bậc Đại trí huệ, đại hùng, đại lực, bậc được khắp
sáu cõi Tôn kính, bậc Chánh Đẳng Chánh Giác...sau khi thành đạo đã thể
hiện lòng từ hiếu của mình với phụ vương, mẫu hậu, kế mẫu vừa theo
thường pháp vừa đúng Chánh Pháp.
Thế Tôn đã đi bộ, vượt ngàn dặm đường
hiểm trở để trở về thăm phụ hoàng, khi người sắp lâm chung, Ngài lại
vượt đường xa để đến bên cạnh vua cha và tự khiêng một góc linh sàng của
người đến tận nơi hỏa táng. Ôi tấm lòng từ hiếu biết bao! Còn với kế
mẫu, Ngài luôn tỏ lòng hiếu thảo.
Bên cạnh việc thể hiện chữ hiếu theo
thường pháp, lòng từ hiếu của Đức Phật còn nhằm mục đích hướng tất cả
chúng sinh đến việc hiểu và hành Chính Pháp để được giải thoát. Trong
những lần gặp gỡ phụ thân và kế mẫu, Ngài đã thuyết pháp để độ cả hai
chứng đắc quả A-La-Hán, với mẫu hậu Ngài đã ngự lên cõi trời Đao Lợi để
thuyết pháp cho mẹ (Phật thăng Đao Lợi vị mẫu thuyết pháp kinh)
Thời đại chúng ta ngày nay, dù khoa học
có tiến bộ thế nào, con người có văn minh đến đâu, dù con cái có làm nên
chức vị cao tột đỉnh của xã hội , thì chữ Hiếu của con cháu đối với cha
mẹ, ông bà vẫn là thước đo phẩm chất đạo đức giá trị của con người.
Nhưng hiện nay, chúng ta không chỉ Hiếu thảo với cha mẹ mà còn Hiếu với
nước, Hiếu với dân, Hiếu với Thầy Tổ…”Tứ trọng ân” bốn
ơn lớn sâu nặng ấy nếu ai quên đi thì không thể làm người. Bởi vì:
“Nhân đạo bất tu, tiên đạo viễn hỹ” Học làm người chưa được thì làm sao
học làm Phật ?
Nha Thành, Mùa Vu Lan- Báo Hiếu PL 2554