Phật Học Online

Kinh Như Lai Viên Giác Trực Chỉ Đề Cương
Pháp Sư Thích Từ Thông

KINH NHƯ LAI VIÊN GIÁC TRỰC CHỈ ÐỀ CƯƠNG
Pháp Sư Thích Từ Thông

 

MỤC LỤC

 

Chương 01: Pháp Hành Của Như Lai Trong Khi Tu Nhân Ðịa
Chương 02: Biết Huyễn Là Ðã Ly Huyễn. Ly Huyễn Là Phật Rồi
Chương 03: Chánh Niệm Tư Duy Là Con Ðường Tu Tập Tiệm Tiến
Chương 04: Chưa Ra Khỏi Luân Hồi Luận Bàn Viên Giác Tánh Thì Tánh Viên Giác Trở Thành Ðồng Tánh Luân Hồi
Chương 05: Ân Ái Tham Dục Là Căn Bản Của Sự Luân Hồi
Chương 06: Tánh Viên Giác Vốn Là Phi Tánh
Chương 07: Xa Ma Tha, Tam Ma Bát Ðề và Thiền Na Là Pháp Hành Căn Bản Trong Toàn Bộ Giáo Lý Phật
Chương 08: Chỉ Quán Thiền Có Thể Xoay Vòng Thay Ðổi Thành 25 Cách Trong Tiến Trình Tu Tập
Chương 09: Chứng Ngộ Liễu Giác Là Pháp Chướng Ngại Bồ Ðề
Chương 10: Tác Nhậm Chỉ Diệt Là Bốn Căn Bệnh Trở Ngại Tiến Trình Về Nhà Như Lai Viên Giác
Chương 11: Xa Ma Tha, Tam Ma Bát Ðề và Thiền Na Trong Bước Ðường Tu Tập
Chương 12: Biển Cả Dung Chứa Nước Hết Thảy Sông Ngòi Khe Lạch Viên Giác Ðại Thừa Giáo Lợi Ích Khắp Căn Cơ.

 

TỰA

Bộ kinh nầy tiền bối cổ kim từ các thời đại Tống, Minh xa xưa ở Trung Quốc và qua bao thế hệ lịch sử ở Việt nam ta đều tiếp nhận danh xưng của bộ kinh nầy qua nhan đề ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG VIÊN GIÁC TU ĐA LIỄU NGHĨA KINH. Với nhan đề đó, nói lên tánh chất trọng đại trong trọng đại ở nội dung và giáo nghĩa thậm thâm vi diệu của kinh. Thực lý mà nói, văn tự có tuyệt xảo thế nào cũng không chở hết được ý. Người xưa nói: Ý tại ngôn ngoại. Phật thì nói: "Nhất thiết tu đa la giáo như tiêu nguyệt chỉ". Văn tự, giáo lý của tất cả kinh tạng ví như ngón tay chỉ trăng. Và lại theo lời Phật dạy cho Bồ Tát Hiền Thiện Thủ thì kinh nầy có thể gọi bằng những năm danh tự khác nhau. Mà danh tự nào, ý nghĩa cũng hun hút chiều sâu như vực thẳm.

Khi dịch và viết phần Trực chỉ bộ kinh nầy, tôi suy nghĩ rất nhiều về cái đề kinh. Theo cổ nhơn gọi tắt với cái tên: VIÊN GIÁC KINH, tôi thấy không vừa lòng. Dùng nhan đề ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG VIÊN GIÁC TU ĐA LA LIỄU NGHĨA KINH tôi cho là quá dài mà cũng không hẳn đủ đảm bảo nội dung của kinh trong đó. Qua quá trình tư duy dai dẳn tôi vụt nhớ hai câu thơ của một thiền sư Việt nam:

"Nam nhi tự hữu xung thiên chí
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành".

Lời cổ vũ sấm rang đó, tôi khởi ý quyết định "chiết trung" hai nhan đề một dài và một ngắn ấy, thành: NHƯ LAI VIÊN GIÁC KINH. Đó làcái nhan đề mà tôi dâng trọn tâm hồn lên Đức Phật để xin được đặt ra.

NHƯ LAI VIÊN GIÁC KINH là một bộ kinh thuộc hệ tư tưởng Liễu nghĩa Đại thừa. Ơ 렫inh nầy, Đức Phật khai thị về tự tánh VIÊN GIÁC của mọi người. Rằng con người ai cũng sẵn có cái tánh giác ngộ viên mãn thanh tịnh không có tội lỗi nhiễm ô. Dù ở Thánh tánh đó không thêm, ở phàm cũng không bị hao bớt. Chúng sanh hiện hữu trên cõi đời nầy chỉ là diệu dụng tùy duyên vốn sanh khởi từ bản thể tự tánh VIÊN GIÁC bất biến ấy. Vì vậy, cho nên gọi là NHƯ LAI VIÊN GIÁC.

Tu học theo kinh Như Lai Viên Giác hành giả sẽ hiểu rõ về giáo lý:

Đốn tu đốn ngộ
Tiệm tu tiệm ngộ
Đốn ngộ tiệm tu
Đốn tu tiệm ngộ

"Đốn" "Tiệm" là phạm trù đối đãi về mặt thời gian. "Tu" "Ngộ" là phạm trù đối đãi về mặt nhân quả. Có tu thì có ngộ. Có ngộ thì có chứng đắc quả vị. Đó là chân lý về nhân quả. Chân lý nhân quả không riêng gì phương tiện tu chứng mà nó bao quát hết thảy sự vật hiện tượng thế gian và pháp xuất thế gian, ngoại trừ thân chứng cảnh giới NHƯ LAI VIÊN GIÁC.

Đáp câu hỏi của Bồ Tát Văn Thù về pháp hành của Như Lai khi tu nhơn địa. Phật dạy: PHÁP HÀNH CỦA NHƯ LAI KHI TU NHƠN ĐỊA LÀ SỬ DỤNG TRÍ VIÊN GIÁC QUÁN CHIẾU LÝ VIÊN GIÁC. VÌ VẬY KHÔNG SANH KHỞI VÔ MINH GỌI LÀ THÀNH PHẬT ĐẠO. Qua lời dạy đó, người đệ tử Phật thấy rằng: Khi tu nhơn, Đức Phật chỉ sử dụng chân trí soi rọi chân lý. Đức Phật không có làm gì cực nhọc khó khăn. Lấy chân trí trong sáng tỉnh thức quán chiếu chân lý vốn thanh tịnh bản nhiên, do vậy, vô minh không có điều kiện sanh khởi. Mà không có vô minh thì không phải chúng sanh. Không phải chúng sanh thì gọi là Phật, là thành Phật đạo!

Giáo lý đốn tu, đốn ngộ, đốn chứng được Thế Tôn khai thị cho Bồ Tát Đại Trí Văn Thù ở chương một của bộ kinh nầy.

TRI HUYỄN TỨC LY, LY HUYỄN TỨC GIÁC Đức Phật dạy cho Bồ Tát Phổ Hiền ở chương hai Như Lai vẫn chưa mở bày phương tiện, vì ý Phật muốn cho những người có chủng tánh Đại thừa cần phải hứng khởi ý chí quyết liệt, như người bừng tỉnh một cơn ác mộng. Người biết mộng là người đã tỉnh thức rồi.

Dạy về pháp ĐỐN NGỘ ĐỐN TU ở chương một, Đức Phật khai thị cho Bồ Tát Đại Trí Văn Thù về công năng tu tập qua một chữ TRI. Ơ Chương hai Phật khai thị về công dụng của chữ LY do Bồ Tát Phổ Hiền nêu ra cũng nhằm để hướng dẫn pháp hành ĐỐN TU ĐỐN NGỘ và ĐỐN CHỨNG.

Nếu chưa phải là bậc lợi căn đại trí thì cầu học những phương tiện "Tiệm tu". với pháp tiệm tu, hành giả có thể thực hành tu tập những pháp môn ngang với nghị lực và nhận thức của mình. "Tiệm" có nghĩa là dần dần, từ thấp tới cao, từ chậm đến mau trên đường tu, ngộ. Tuy nhiên, hành giả không để lệch mục tiêu là VIÊN GIÁC TỰ TÁNH vốn có của mình. Rời mục tiêu ấy mà cầu mong chứng ngộ Bồ đề Niết bàn… chẳng khác nào mò trăng đáy nước, nấu cát hy vọng thành cơm, chờ hoa đốm trong hư vô sanh ra quả ngọt…

CHỈ, QUÁNTHIỀN là ba pháp hành căn bản trong nền giáo lý Phật. Nó được ứng dụng xuyên suốt không gian và thời gian đối với người đệ tử Phật phát chí tu hành, và cũng từ căn bản đó vận dụng triển khai thành "vô lượng pháp môn tu"! Ví như xi măng, cát, đá, sắt và nước là chất liệu cơ bản của ngành kiến trúc vậy.

Sự chấp mắc sai lầm chân lý đối với đường tu, nó trở thành vật cản, chặn đứng sự tiến lên đỉnh cao Bồ đề Niết bàn Phật. CHỨNG, NGỘ, LIỄU, GIÁC là sự chấp mắc sai lầm về "bản ngã". Không tỏ ngộ chân lý "ngã không", con người rất khó dứt ý tưởng "ngã chấp câu sanh". Dứt câu sanh ngã chấp khó, ví như người tự cắt đầu mình!

TÁC, NHẬM, CHỈ, DIỆT cũng là thứ bệnh chấp sai lầm từ nhận thức, dẫn đến chủ trương lệch lạc chánh nhân. Nhân đã lầm thì quả sẽ lạc, khiến cho VIÊN GIÁC DIỆU TÁNH không còn là mục tiêu hướng thiện hâm hở của lúc khởi hành! Hãy thận trọng lưu tâm !

"Đại hải bất nhượng tiểu lưu". Là biển cả thì không ngại dung chứa nước sông ngòi khe lạch. NHƯ LAI VIÊN GIÁC kinh là tư tưởng Liễu nghĩa Thượng thừa, mà bậc đại căn cơ hay trung lưu tiểu trí, học tu đều đem lại lợi ích thích ứng với CHÍ, NGUYỆN, HÀNH của mỗi người.

Vì nội dung tư tưởng thậm thâm vô thượng, vì tán chất Đại Phương Quảng Liễu Nghĩa của kinh mà tiền bối hậu triết dị khẩu đồng tâm mỗi mỗi triển khai và ghi lại những điều tâm đắc của mình. Suốt quá trình Phật sử ở Trung Quốc, kinh Viên Giác được những nhà Phật học sớ giải, chú thích, trước thuật, biên soạn gồm có những tên gọi:

Viên Giác Kinh Lược Sớ. Đời Đường, ngài Tông Mật sớ, phân thành 4 quyển.
Viên Giác Kinh Đại Sớ, Sớ Sao cũng do ngài Tông Mật sớ sao phân thành 3 quyển
Viên Giác Kinh Sao Biện Nghi Ngộ. Đời Tống, ngài Quang Phục biên soạn phân thành 2 quyển.
Viên Giác Kinh Sớ Sao Tùy Văn Yếu Giải. Đời Tống, ngài Thanh Viên soạn thuật phân thành 12 quyển
Viên Giác Kinh Ngự Chú. Đời Tống, Hiếu Tông Hoàng Đế chú giải phân thành 2 quyển.
Viên Giác Kinh Loại Giải. Đời Tống, ngài Hạnh Đình giải phân thành 8 quyển.
Viên Giác Kinh Lược Sớ Tự Chú. Đời Tống, ngài Như Sơn chú 1 quyển
Viên Giác Kinh Tâm cảnh. Đời Tống, ngài Trí Thông thuật phân thành 6 quyển.
Viên Giác Kinh Tập Chú. Đời Tống, ngài Nguyên Túy thuật phân thành 2 quyển.
Viên Giác Kinh Hiệp Tụng Tập Giải Giảng Nghĩa. Đời Tống, ngài Chu Kỳ soạn thuật phân thành 12 quyển
Viên Giác Kinh Trực Giải. Đời Minh, ngài Đức Thanh soạn thuật phân thành 6 quyển
Viên Giác Kinh Yếu Giải. Đời Minh, ngài Tịnh Chánh giải phân thành 2 quyển.
Viên Giác Kinh Cú Thích Chánh Bạch. Ngài Hoằng Lệ trước thuật phân thành 6 quyển.
Viên Giác Kinh Liên Châu. Ngài Tịnh Định trước thuật 1 quyển.
Viên Giác Kinh Tịnh Nghĩa Sớ. Ngài Thông Lý trước thuật phân thành 4 quyển
Viên Giác Kinh Giải Nghĩa. Ngài Đế Nhàn diễn giải phân thành 2 quyển

Đó là những vị tiền bối có quyết tâm đầu tư trí tuệ khai thác nguồn tài nguyên tư tưởng liễu nghĩa thượng thừa ở kinh Viên Giác

Ở Việt nam ta, cũng đã có một vài bản dịch từ Hán văn ra Việt văn, nhưng vì thiếu vốn đầu tư, và không vận dụng khả năng sáng tạo. Vì vậy công dụng của kinh Viên Giác vẫn còn mai một chưa có cơ hội phát huy, bởi phẩm chất chưa đáp ứng thị trường đối với người muốn tìm học Phật pháp.

Nay với nhan đề NHƯ LAI VIÊN GIÁC KINH TRỰC CHỈ ĐỀ CƯƠNG, với khả năng của mình, tôi viết ra phần TRỰC CHỈ để chỉ thẳng trọng tâm, hướng dẫn người đọc nắm được ý chính, nhận thức nghĩa lý tiềm ẩn ở văn kinh ý Phật. Đó là lý tưởng của bỉ nhân tôi đối với công trình biên soạn dịch thuật bộ kinh nầy. Tuy nhiên, sức đầu tư rất hữu hạn mà tài nguyên liễu nghĩa thượng thừa thì vô tận bao la, cho nên hy vọng có được chút lợi ích nào cho người đọc cũng đáng mừng rồi.

Cổ nhân nói: "Chí lạc mạc như đọc thơ, chí yếu mạc như giáo tử". Không có thú vui nào bằng thú vui đọc sách. Không có sự bí yếu nào bằng cái bí yếu đem dạy cho con.

Đọc sách đã là vui, đọc kinh Phật đối với người Phật tử có lẽ không đến nỗi buồn! Mong thay!

Viết tại HUỲNH MAI TỊNH THẤT

Sài Gòn, Ngày 20 – 11 – 1992

Pháp Sư Thích Từ Thông, Kính đề

 

LỜI CÁO BẠCH

 

Bộ kinh NHƯ LAI VIÊN GIÁC các tiền bối cổ kim có lẽ vì y theo khuôn sáo trước mà các Ngài thường phân chia thành nhiều quyển từ 2, 3, 4, 5 hay nhiều hơn thế nữa. Riêng tôi, tôi nhận thấy sự phân chia ấy không đem lại hiệu quả gì, mà chỉ thêm phần hình thức rườm rà vô bổ. Sự kiện then chốt của toàn kinh là mười hai vị Bồ Tát thay mặt Viên Giác Hải Hội nêu lên những câu hỏi để cầu Phật chỉ dạy. Ý nghĩa nội dung những câu hỏi có thể thu nhiếp trong hai mục đích yêu cầu:

  • Học phương pháp tu mà Đức Phật và thập phương chư Phật đã tu và được thành Phật.
  • Cầu Phật giải phẫu chứng bệnh "chấp" và bệnh "nghi" và cầu Phật chỉ dạy phương pháp ngăn ngừa các chứng bệnh đó cho Bồ Tát và chúng sanh tu hành hậu thế.

Hai mục đích yêu cầu xuyên qua mười hai đề tài nghi vấn của mười hai vị đại Bồ Tát, được Phật khai thị cặn kẽ rõ ràng, khiến cho trình độ tiếp thu chánh pháp của thính chúng được nâng cao liên tục. Với nhận xét đó, tôi thấy sự phân chia ra nhiều quyển, không cần, cho nên tôi chỉ rút một câu hoặc những từ có ý nghĩa then chốt, trọng tâm của đề tài được Phật khai thị, tôi đặt thành "Tiểu đề" của đề tài đó. Và mỗi đề tài nghi vấn của một Bồ Tát, tôi kể đó là một chương. Ví dụ:

Chương I. PHÁP HÀNH CỦA NHƯ LAI TRONG KHI TU NHƠN ĐỊA.

Chương II. LY HUYỄN TỨC GIÁC GIÁC TỨC THÀNH PHẬT…

Như vậy trọn bộ kinh nầy có tất cả 12 chương, mà không phân chia số quyển. Mong sao người đọc nhận ý quên lời để giảm nhẹ bệnh hình thức, câu nệ khuôn sáo biến kế danh ngôn.

"Nhất thiết tu đa la giáo
Như tiêu nguyệt chỉ".

Lại có thơ rằng:

"Không môn bất khẳng xuất
Đầu song giả tự si
Bách niên toàn cố chỉ
Hà nhật xuất đầu thì".
    Pháp Sư Thích Từ Thông
   Kính cáo.

PHÀM LỆ

Bộ kinh NHƯ LAI VIÊN GIÁC gồm cả thảy 12 chương, khi nghiên cứu kinh nầy kính mong độc giả lưu ý:

  • Phần nguyên văn kinh được in chữ đứng, đó là phần dịch từ kinh Hán tự ra Việt văn.
  • Phần trực chỉ in chữ nghiêng để cho dễ phân biệt. Phần nầy do bỉ nhân tôi đóng góp viết ra những điều tâm đắc bằng kiến giải của riêng mình. Hy vọng phần trực chỉ sẽ giúp cho độc giả manh mối để tư duy, gợi trí nhận xét trong tiến trình tìm hiểu học tu theo con đường Phật.
  • Đoạn kinh có nhiều ý, tôi đánh số 1, 2, 3, v.v… Đoạn có đánh số là có tiềm ẩn ý nghĩa sâu xa. Tôi phân tích và triển khai phần tiềm ẩn đó trong phần TRỰC CHỈ sau chương đó.
  • Ở phần TRỰC CHỈ cũng được đánh số 1, 2, 3, v.v… Số ở phần nầy ứng hợp với số ở phần kinh văn trên. Ví dụ: số 2 ở phần TRỰC CHỈ diễn đạt ý nghĩa tiềm ẩn của đoạn số 2 ở phần kinh văn. Ngược lại, ở phần kinh văn thấy có đánh số 2 tức là đã có diễn đạt ý nghĩa tiềm ẩn của đoạn kinh đó ở sau chương trong phần TRỰC CHỈ.

Mấy lời kính cáo, mong độc giả lưu tâm.

Ngày nào chúng ta còn sống là còn phải học: "HỌC, HỌC NỮA VÀ HỌC MÃI".

Pháp Sư Thích Từ Thông

Cẩn bạch

(lotusmedia.net)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage