Phật Học Online

Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới Giảng Ký
Sa Môn Thích Trí Minh (Dịch)

KINH PHẠM VÕNG BỒ TÁT GIỚI GIẢNG KÝ
Hán Văn: Pháp Sư Thích Diễn Bồi
Dịch Việt: Sa Môn Thích Trí Minh

 

MỤC LỤC TỔNG QUÁT

 

KHÁI THUẬT TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ MINH

1. Thân Thế, Dòng Dõi
2. Cuộc Đời
a. Xuất Gia
b. Thời Kỳ Tu Học Phật Pháp
c. Hành Phật Sự
d. Thời Gian Chuyên Tu

PHÀM LỆ CỦA DỊCH GIẢ: LỆ NGÔN

LỜI PHÁP SƯ DIỄN BỒI NHÂN DỊP KHAI GIẢNG KINH PHẠM VÕNG

CHƯƠNG I TIỀN ĐỀ KHÁI THUYẾT (Những Đều Khái Quát Đầu Tiên)

A. GIỚI HỌC VI PHẬT PHÁP ĐÍCH CĂN BỔN (Giới Học Là Căn Bản Trọng Yếu Của Phật Pháp).

B. THINH VĂN GIỚI DỮ BỒ TÁT GIỚI DỊ ĐỒNG (Điểm Dị Đồng Của Giới Thanh Văn và Bồ Tát)

1. Thông Giới Dữ Biệt Giới (Thông Giới & Biệt Giới)
2. Nhiếp Luật Nghi Giới Dữ Tam Tụ Tịnh Giới (Nhiếp Luật Nghi Giới và Tam Tụ Tịnh Giới)
3. Tùng Sư Thọ Giới Dữ Bất Tùng Sư Thọ Giới (Thọ Giới Nơi Thầy và Không Thọ Giới Nơi Thầy)
4. Thanh Văn Giới Thị Tân Đắc Dữ Bồ Tát Giới Thị Huân Phát (Giới Thanh Văn Thuộc Về Tân Đắc và Giới Bồ Tát Thuộc Về Huân Phát)
5. Thanh Văn Giới Bất Khả Văn Độc Dữ Bồ Tát Giới Khả Dĩ Văn Độc (Giới Thanh Văn Không Được Đọc và Nghe, Trong Khi Giới Bồ Tát Có Thể Nghe Hoặc Đọc)
6. Thanh Văn Đích Giới Điều Dữ Bồ Tát Đích Giới Điều (Giới Điều Của Thanh Văn và Giới Điều Của Bồ Tát)
7. Thanh Văn Đãi Duyên Chế Dữ Bồ Tát Giới Bất Đãi Duyên Chế (Giới Thanh Văn Đợi Đúng Thời Duyên Đức Phật Mới Chế Lập, Còn Giới Bồ Tát Không Cần Đợi Thời Duyên)
8. Thanh Văn Dữ Bồ Tát Thọ Giới Ưng Hữu Đích Tư Chất (Giảng Về Tư Chất Thọ Giới Cần Thiết Của Thanh Văn và Bồ Tát)

C. PHẠM VÕNG GIỚI KINH ĐÍCH TRUYỀN LAI NGÃ QUỐC (Kinh Phạm Võng Chính Thức Truyền Đến Nước Của Tác Giả)

D. BỔN KINH KINH ĐỀ - PHẨM ĐỀ ĐÍCH LƯỢC THÍCH (Lược Giải Thích Đề Mục Kinh & Đề Mục Phẩm Tâm Địa)

CHƯƠNG II CHÁNH THÍCH KINH VĂN (Chánh Thức Giải Thích Kinh Văn)

DẪN NHẬP:

A. TỰ THUYẾT GIỚI DUYÊN (Nhân Duyên Thuyết Giới)

A. 1. THẬP XỨ THUYẾT PHÁP (Thuyết Pháp Mười Nơi)
A. 2. THUYẾT PHÁP DUYÊN KHỞI (Khởi Sự Thuyết Pháp Nhân Duyên)
A. 3. VÃNG HOÀN PHI NHẤT (Qua Lại Không Phải Một Lần)
A. 4. NHÂN GIAN THUYẾT GIỚI (Thuyết Giới Pháp Nơi Cõi Nhân Gian)

A. 4. 1. THÁNH PHÀM BỔN NGUYÊN (Nguồn Gốc Thánh Nhân, Phàm Nhân)

A.4.1.1. TIÊU GIỚI BỔN NGUYÊN (Nêu Rõ Bổn Nguyên Của Giới)
A.4.1.2. HIỂN GIỚI THẮNG LỢI (Nêu Rõ Sự Lợi Ích Của Giới)
A.4.1.3. KHUYẾN TÍN THỌ TRÌ (Khuyên Phát Tín Tâm Thọ Trì Giới)
A.4.1.4. TỤNG TIỀN KHỞI HẬU (Tụng Phần Trước, Khởi Phát Phần Sau)
A.4.1.4.1. XÁ NA THỈ THỌ (Đức Phật Xá Na Bắt Đầu Thuyết Trao Giới Pháp)
A.4.1.4.2. THÍCH CA CHUYỂN THỌ (Phật Thích Ca truyền Trao Giới Pháp)
A.4.1.4.3. KHUYẾN CHÚNG TÍN THỌ (Khuyên Đại Chúng Tin Tưởng, Thọ Trì)

A.4.2. TỔNG KẾT GIỚI TƯỚNG (Chung Kiết Tướng Trạng Giới Tướng)

A.4.2.1. KINH GIA TỰ THUYẾT (Nhà Kiết Lập Kinh Tự Thuyết)
A.4.2.2. PHẬT TỰ TỰ THUYẾT (Đức Phật Tự Thuật Thuyết Giới)
A.4.2.2.1. TỰ TỤNG KHUYẾN NHÂN (Tự Tụng Giới Để Khuyên Người)
A.4.2.2.2. PHÓNG QUANG GIỚI HỌC (Phóng Quang Khiến Đại Chúng Tụng và Học Giới Pháp)
A.4.2.2.3. PHỔ NHẾP QUẦN CƠ (Thâu Nhiếp Căn Cơ Của Đại Chúng)

CHƯƠNG III CHÁNH THUYẾT GIỚI TƯỚNG (Chánh Thức Thuyết Giảng Giới Tướng)

A. TỔNG THUYẾT GIỚI TƯỚNG (Thuyết Giảng Tổng Quán Tướng Trạng Của Các Giới)

B. BIỆT THUYẾT GIỚI TƯỚNG (Thuyết Giảng Riêng Biệt Giới Tướng)

B.1. THUYẾT TRỌNG GIỚI TƯỚNG (Thuyết Giảng Về Các Giới Trọng)

B.1.1. BIỆT THUYẾT THẬP TRỌNG (Giảng Riêng Mười Giới Trọng)

B.1.1.1 SÁT GIỚI (Giới Sát Sanh)
B.1.1.2. ĐẠO GIỚI (Giới Trộm Cướp)
B.1.1.3. DÂM GIỚI (Giới Dâm)
B.1.1.4. VỌNG NGỮ GIỚI (Giới Vọng Ngữ)
B.1.1.5. CÔ TỬU GIỚI (Giới Bán Rượu)
B.1.1.6. THUYẾT TỨ CHÚNG QUÁ GIỚI (Giới Cấm Rao Nói Lỗi Của Tứ Chúng)
B.1.1.7. TỰ TÁN HỦY THA GIỚI (Giới Tự Khen Mình Chê Người)
B.1.1.8. XAN TÍCH GIA HỦY GIỚI (Bỏn Xẻn Lại Thêm Hủy Báng)
B.1.1.9. SÂN TÂM BẤT THỌ HỐI GIỚI (Tâm Sân Hận, Không Chịu Tiếp Thọ Sám Hối)
B.1.1.10. HỦY BÁNG TAM BẢO GIỚI (Giới Hủy Báng Tam Bảo)

B.1.2. TỔNG KẾT THẬP TRỌNG (Chung Kết Luận Mười Giới Trọng)

B. 2. ĐÀM KHINH GIỚI TƯỚNG (Tuyên Thuyết Các Tướng Trạng Của Giới Khinh)

B.2.1. TỔNG TIÊU KHINH GIỚI (Nêu Tổng Quát Các Giới Khinh)
B.1.2. BIỆT THUYẾT KHINH GIỚI (Riêng Giảng Các Giới Khinh)
B.2.2.1. BẤT KÍNH SƯ HỮU GIỚI (Giới Không Kính Thầy - Bạn)
B.2.2.2. ẨM TỬU GIỚI (Giới Uống Rượu)
B.2.2.3. THỰC NHỤC GIỚI (Giới Ăn Thịt)
B.2.2.4. THỰC NGŨ TÂN GIỚI (Giới Ăn Món Gia Vị Cay Đắng)
B.2.2.5. BẤT GIÁO HỐI TỘI GIỚI (Giới Không Dạy Sám Hối Tội Lỗi)
B.2.2.6. BẤT CUNG CẤP THỈNH PHÁP GIỚI (Giới Không Cúng Dường Và Cung Thỉnh Pháp)
B.2.2.7. BẤT VÃNG THÍNH PHÁP GIỚI (Giới Không Đi Nghe Pháp)

 

KHÁI THUẬT TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ MINH

1. Thân Thế, Dòng Dõi

Hòa Thượng Thích Trí Minh, pháp hiệu là Huệ Định, tự Giải Không, pháp danh Tâm Hy do Bổn Sư của ngài đặt. Riêng pháp hiệu Trí Minh là Pháp Sư thượng Trí hạ Tịnh, vốn là hòa thượng của chùa Vạn Đức ban cho. Thế danh của Hòa Thượng là Đặng Lợi, tự Ngọc Chấn, sinh năm 1921 tại xã Phước Bình, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Phụ thân của Hòa Thượng là cụ Đặng Hiển, tự Quang Minh, lúc trẻ là xã trưởng, một chức vụ cao cấp trong làng. Đến lúc về già, được các hương chức và nhân dân trong vùng suy tôn lên chức Thủ Sắc. Theo tục lệ miền Trung, người được suy tôn lên chức vị Thủ Sắc phải là người có đức hạnh, cao niên, và gia tộc phải thuộc thành phần nghiêm chính và liêm khiết, để đại diện dân chúng phụng thờ các vị Thần, Thánh trong lành, danh từ địa phương gọi là các "sắc thần", cho nên chức vụ này gọi là Thủ Sắc.

Mẫu thân Hòa Thượng nhũ danh là Nguyễn thị Hà, tự Trinh Thuận, cũng là một bậc nữ lưu đoan chính. Hòa Thượng là con thứ bảy trong gia đình (Ngài là con trai út, sau Ngài là người em gái út).

2. Cuộc Đời

Cuộc đời tu hành của Hòa Thượng có thể tóm lược thành các giai đoạn sau đây:

a. Xuất Gia

Năm 18 tuổi, Hòa Thượng xuất gia tại chùa Sắc Tứ Long Khánh, thị xã Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Bổn Sư của Hòa Thượng là Đại Lão Hòa Thượng thượng Chánh hạ Nhơn, bạn thân của Tổ Phước Huệ chùa Thập Tháp, thành Bình Định, thầy của Hoàng Thái Hậu - mẹ hoàng đế Bảo Đại. Khi ở ngôi già-lam này, Hòa Thượng làm thị giả cho Bổn Sư của ngài suốt ba năm và học giáo lý Phật pháp. Trong thời gian này, ngoài phần học giáo lý Phật pháp và hai thời khóa tụng hằng ngày, Ngài chỉ học thuộc lòng bốn quyển Luật Trường Hàng, chờ đợi có lúc tổ chức Giới Đàn khóa luật để thọ giới Sa Di.

Năm 1942, tại chùa Hưng Khánh, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định, có mở Giới Đàn, Hòa Thượng đã thọ giới Sa Di tại đây.

b. Thời Kỳ Tu Học Phật Pháp

Thời kỳ này bắt đầu từ năm 1942 đến 1950. Ròng rã suốt 9 năm, Hòa Thượng đã trải qua 5 ngôi Phật Học Viện, suốt từ giải đất miền Trung "đất cày lên sỏi đá", vào đến tận miền Nam "ruộng đồng thẳng cánh cò bay". Với tinh thần tinh tấn dõng mãnh, Hòa Thượng đã quyết lòng tiến bước trên con đường học đạo.

Năm 1946, Hòa Thượng về tu học tại Phật Học Viện Phật Quang, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, cũng tại nơi này, Hòa Thượng cùng cố viện trưởng viện Hóa Đạo là Thích Thiện Hoa và một số chư Tăng khác đến chùa Kim Huê, tỉnh Sa Đéc, đảnh lễ cung thỉnh Đại Lão Hòa Thượng Viện Chủ Kim Huê khai đàn thí giới. Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa và Ngài thọ giới Tỳ Kheo và Bồ Tát tại đây. Những ngôi Phật học viện ngài đã trải qua trong thời kỳ này là:

- Lưỡng Xuyên Phật Học Viện thuộc tỉnh Trà Vinh.

- Phật Quang học viện thuộc quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ.

- Liên Hải Phật Học Viện, thuộc xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh, tỉnh Gia Định (nay là chùa Vạn Phước).

- Báo Quốc Phật Học Viện, tỉnh Thừa Thiên.

- Từ Đàm Phật Học Viện, tỉnh Thừa Thiên.

c. Hành Phật Sự

Năm 1950, cả 3 Phật học viện Liên Hải, Mai Sơn và Ứng Quang (tức chùa Ấn Quang ngày nay) hợp nhất tại chùa Sùng Đức. Hòa Thượng về đây để cùng làm công tác Phật sự với chư Tăng, gồm có cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, giám đốc Phật Học Viện Ấn Quang, Thượng Tọa Huyền Dung, Thượng Tọa Quảng Minh.

d. Thời Gian Chuyên Tu

Bắt đầu từ năm 1952 cho đến nay, Hòa Thượng đã hoàn toàn dứt bặt mọi ngoại duyên, cam nhận cuộc đời ẩn tích mai danh, chuyên tu tịnh nghiệp. Suốt gần 42 năm, tấm áo cà sa đã trải qua không biết bao nhiêu nỗi thăng trầm gian khổ của con đường tu hành.

Hòa Thượng đã rày đây mai đó, khi thì vào thâm sơn cùng cốc, lúc lại về chốn làng mạc hoang vắng tiêu sơ. Cuộc đời tu hành phiêu bạt, nối tiếp suốt giòng thời gian âm thầm lặng lẽ. Ngài khước từ mọi danh vọng, chức vị mà lẽ ra, với cương vị một cao tăng đạo pháp, đức hạnh kiêm toàn như Ngài thừa sức nắm giữ.

Hòa Thượng chỉ tha thiết với hoài bão duy nhất là đem tất cả tâm lực hướng về đấng Từ Phụ A Di Đà, cầu mong khi xả báo thân, Ngài sẽ được vãng sanh về nước An Dưỡng. Hòa Thượng muốn chứng minh cho mọi người thấy sự mầu nhiệm nơi lời hạnh nguyện bất diệt của đức Từ Phụ A Di Đà, đồng thời, cũng muốn nêu tấm gương trong sạch, thanh cao của một vị Bồ Tát. Với lòng từ bi vô lượng, Ngài muốn tất cả đệ tử của Ngài, cũng như Phật tử gần xa, noi theo tấm gương tu hành, bất chấp mọi gian lao, không nài bao thử thách của kẻ đã quyết chí đi theo con đường giải thoát của chư Phật.

Đức hạnh cao quý của Hòa Thượng, bất cứ đồ đệ hay Phật tử nào được phước duyên kề cận đều không thể nào phủ nhận Ngài là vị chân tu, đã sống một cuộc đời hết sức thanh bần, giản dị: Một tịnh thất đơn sơ, chỉ với đôi mái lá chan hòa mưa nắng, bốn bức vách ghép bằng những thân cây còn nguyên dạng, thật thô sơ. Manh áo hoại sắc bạc màu in dấu ấn thời gian qua những mảnh vá trên đôi vai mỗi ngày một còng xuống, theo tuổi hạc tháng năm chồng chất. Lòng khát khao giải thoát với niềm tin sâu dày đối với Phật pháp, thể hiện một cách sâu sắc qua lời cầu xin Tam Bảo chứng minh gia hộ, khi Ngài tự thuật cuộc đời mình:

"Nam mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam mô Tây Phương Giáo Chủ Từ Phụ A Di Đà Phật.

Cúi xin mười phương Tam Bảo, Bổn Sư Thích Ca, Từ Phụ A Di Đà Phật bất xả từ bi, chứng minh gia hộ con: Bồ Tát giới tỳ kheo Thích Trí Minh, thừa từ lực của Tam Bảo và Bổn Sư Thích Ca, Từ Phụ A Di Đà Phật, tự thuật sơ lược cuộc đời con. Những lời tự thuật này chỉ xin tóm lược một phần trong trăm phần khoảng đời từ thuở còn ở thế tục cho đến nay đã quá thất tuần".

Ý nguyện tha thiết được vãng sanh của Ngài đã thể hiện rõ ràng khi giải thích về Pháp danh của mình:

"Pháp hiệu của tôi chính là Huệ Định, tự Giải Không, pháp danh Tâm Hy là do Bổn Sư của tôi ban cho, còn pháp hiệu Trí Minh là do Pháp Sư thượng Trí hạ Tịnh ban cho. Vì khi tùng học với Pháp Sư tại Phật học viện Phật Quang (Cần Thơ), tôi nhận thấy Pháp Sư là một bậc tài đức kiêm toàn, nên tôi cầu Ngài làm Y Chỉ Sư cho tôi, nhưng Ngài từ khước và chỉ nguyện kết làm huynh đệ, trong lúc sống đồng tu hành, đồng làm Phật sự, khi xả báo thân này, đồng vãng sanh Cực Lạc thế giới, nên Ngài tặng tôi pháp hiệu Trí Minh".

Ngoài tấm lòng tha thiết, ý nguyện quyết tâm trực chỉ Tây Phương, Hòa Thượng còn là một vị tu hành gìn giữ giới hạnh thật nghiêm túc, luôn thể hiện một phong thái từ ái, khiêm nhường. Có thể nói, suốt thời gian ngày cũng như đêm, Ngài không sót một thời khóa tu hành nào, nếu không muốn nói, Ngài tận dụng hết cả thời gian của mình để chuyên tu Tịnh nghiệp.

Trong lúc hoàn cảnh Ngài thật đơn độc, sức khỏe ở vào giai đoạn suy thoái trầm trọng. Tu cho mình, Ngài không bao giờ quên tất cả chúng sanh đang chìm đắm trong biển trầm luân sanh tử, nhất là vào thời điểm Phật pháp đang ở vào giai đoạn mạt pháp, Hòa Thượng càng quan tâm sâu sắc, lo lắng tận cùng cho cơ nghiệp Phật giáo, dù Hòa Thượng không trực tiếp tham gia các hoạt động của giáo hội.

Mục tiêu chính yếu của Ngài là xây dựng những nhân tố hoàn thiện, hoàn lương trong giới đệ tử của Ngài, cũng như tất cả Phật tử hai chúng xuất gia và tại gia. Hòa Thượng nhận thấy tình trạng suy thoát của Phật giáo đồ đang ngày càng nguy ngập, chánh pháp của Như Lai ngày càng không được xiển dương đúng mức, nhất là Giới Luật của Phật, một nền tảng duy nhất và căn bản cho những người muốn thực hiện sự giải thoát chân chính, đã không được giới Phật tử ngày nay xem trọng.

Nỗi lo âu trước hiểm họa diệt vong của nhân loại cùng sự suy tàn của Phật giáo đã khiến Hòa Thượng quên đi tuổi già mắt mờ, tai yếu, thân thể đau ốm triền miên; Ngài đã dồn hết tâm lực để phiên dịch bộ sách "Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký" do Pháp Sư Thích Diễn Bồi, một cao tăng của Trung Quốc thuyết giảng. Suốt thời gian phiên dịch, với bao công trình gian khổ, bao thử thách cam go, Ngài đã chiến thắng tuổi già, chiến thắng ma bệnh, vượt mọi thử thách, để hoàn thành bộ sách trong hoàn cảnh hết sức khó khăn nghiệt ngã: chỗ ở không ổn định, không người hầu cận chăm sóc chu đáo.

Chúng ta hãy nghe lời tâm sự chân thành, đầy xúc cảm của Thầy khi nói về thời gian chuyên tu của mình, với một tinh thần hết sức khiêm nhường khả kính:

"Nói đến chuyên tu, nơi đây lòng tôi hổ thẹn muôn phần. Tại sao thế? Vì ý nghĩa chuyên tu là bặt dứt muôn duyên, và có người hỗ trợ để có thể nhất tâm tu niệm cho được thành tựu một pháp môn nào. Chẳng hạn như pháp môn Thiền hay Niệm Phật. Nhưng ngược lại, tôi luôn bị muôn duyên ràng buộc, làm cho thân tâm không an. Vì trong thời gian cộng tác với chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, để làm các Phật sự nói trên, báo thân của tôi mang nhiều tật bệnh, nên đối với các Phật sự tôi hoàn toàn bất lực. Lòng quá buồn đau, tôi tìm chỗ ẩn tu, cầu sớm được xả bỏ báo thân để về quê hương Cực Lạc. Ý muốn dù như thế, nhưng sự thực hành là cả một vấn đề trăm ngàn phần khó khăn. Vì hoàn cảnh tôi cô thân đơn độc, linh đinh rày đây mai đó, lại không người giúp đỡ.

Thế nên, trong suốt thời gian từ năm 1952 đến năm 1994 là 42 năm, trong thời gian ấy, dù mang danh Viện Chủ ngôi già-lam Mai Sơn, xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh, nhưng sự thật là việc chùa tôi hoàn toàn không biết đến, vì mải rày đây mai đóâ Thân tôi chẳng khác nào chiếc lục bình lênh đênh trên sông lớnâ nhất là trong lúc dịch bộ kinh "Phạm Võng Bồ Tát Giới Giảng Ký" này. Về nội chướng thì thân bệnh khổ triền miên, đôi mắt lại bị cườm, nên không thấy rõ. Còn về ngoại chướng thì thôi không thể nóiâ Tuy nhiên, tôi rất cảm động hồng ân Tam Bảo đã minh gia, nên bộ Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký đã được thành tựu. Và dù chịu nhiều gian truân khổ sở, nhưng bản thân tôi vẫn cố vững bước trên con đường giải thoát và tiếp tục cuộc hành trìnhâ"

Với những dòng sơ lược về tiểu sử của Hòa Thượng, người viết bài này chỉ là một đệ tử tại gia của Thầy. Nhưng với tấm lòng ngưỡng mộ tấm gương tu hành cao quý, cũng như lòng tận tụy hy sinh vì đạo pháp của Thầy, chúng tôi ước mong những lời dịch thuật vàng ngọc của Hòa Thượng qua bộ kinh "Phạm Võng Bồ Tát Giới Bổn Giảng Ký" sẽ được sự tiếp nhận trong tinh thần tôn kính, tha thiết và ân cần của những Phật tử hữu duyên với Phật pháp, hữu duyên với Thầy, một lòng chuyên nhất, đem tất cả tâm tư, chí nguyện hướng về con đường giải thoát chân chính.

Chúng tôi xin thành tâm cầu nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ cho tất cả Phật tử, những vị nhiệt tâm vì đạo pháp, có đầy đủ thiện duyên lãnh hội và tuân hành triệt để những lời pháp vô giá, để không phụ lòng từ bi của chư Phật, của Pháp Sư Diễn Bồi, người trực tiếp giảng các giới của bộ kinh này, và nhất là đối với Hòa Thượng Thích Trí Minh, vị thầy tôn kính, đã dầy công phiên dịch từ Hán văn sang Việt văn, bằng những lời lẽ đầy cố gắng, để phù hợp với trình độ của mọi giới Phật tử.

Lẽ tất nhiên, chúng tôi nghĩ rằng bản dịch này không thể nào đáp ứng yêu cầu của mọi tầng lớp Phật tử với nhiều trình độ khác nhau: những người bình dân sở học còn hạn chế, cũng như đối với quý học giả kiến thức uyên thâm, văn từ điêu luyện. Dịch giả đã cố gắng hết sức mình trong công việc phiên dịch này, một công trình đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, mà với điều kiện sức khỏe yếu kém, dịch giả khó lòng khắc phục.

Ngoài ra, công việc phiên dịch nếu muốn hoàn hảo, đòi hỏi dịch giả phải là người có trình độ chuyên môn thật cao, kiến thức về ngôn ngữ thật rộng. Đôi lúc cần phải có điều kiện tìm hiểu sâu về đặc điểm của nền văn hóa các dân tộc, nơi nguyên tác được hình thành, cũng như nơi sử dụng ngôn ngữ mà dịch giả đang phiên dịch. Như thế mới có thể chuyển dịch toàn bộ tư tưởng của nguyên tác, đồng thời vẫn tạo cho người đọc cảm giác gần gũi, mà qua bản dịch, độc giả không còn cảm thấy ranh giới giữa các ngôn ngữ. Nói như vậy để mong tất cả quý độc giả, cùng chư Phật tử cảm thông cho tấm lòng Hòa Thượng. Ngài chỉ có một hoài bão duy nhất là muốn chấn hưng lại cơ đồ Phật giáo đang bị lung lay tận gốc, trước tình trạng giới luật không được các tín đồ Phật giáo tôn trọng và tuân hành nghiêm túc như hiện nay.

Ngài muốn cho bánh xe pháp lưu chuyển đến mọi nơi; dòng pháp nhũ của Phật rót vào tận tâm hồn những chúng sanh còn mải chìm đắm trong đêm dài tăm tối, dẫy đầy giết chóc, tràn ngập đau thương. Chung quy cũng là vì ánh đạo vàng của Phật không còn được rạng ngời trong lòng chúng sanh hiện đại, những con người chỉ biết mải miết đeo đuổi mộng mưu bá đồ vương, lao mình vào biển lửa chiến tranh, để mong tìm cầu hạnh phúc trong vật chất xa hoa hoặc bóng hình lợi danh hư ảo.

Bằng tất cả sức lực tồn tại trong tấm thân già nua mà phút vô thường không bao giờ hẹn trước, Hòa Thượng đã dồn hết vào công trình dịch thuật này. Thầy đã hy sinh quá nhiều cho đạo pháp, tận lực vì chúng sinh, nỗ lực kết lại chiếc bè pháp để đưa rước khách hữu duyên. Trong những tháng năm còn lại của cuộc đời, Ngài vẫn không nguôi lòng từ mẫn đối với chúng ta, luôn giúp toàn thể chúng sinh cơ hội trở về quê hương vĩnh cửu. Đó chính là nước Cực Lạc thanh lương, giải thoát của đức Từ Phụ A Di Đà.

Thành tâm cảm thán:

THƯỢNG đức ngàn thu rực ánh vàng,
TỌA Thiền, niệm Phật hướng Tây Bang,
TRÍ lành tận lực phiên kinh báu,
MINH tuệ dốc lòng độ chúng sanh,
THANH tịnh tâm thành dương Phật pháp.
TU hành chí quyết đáo Tây Phương.
TỊNH am vùi lấp mùi chung đỉnh
NGHIỆP đạo hoằng khai rạng Thích Tràng.
Mùa Thu Giáp Tuất, 1994
Đệ Tử Cẩn Bút
Liên Hoa

(lotusmedia.net)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage