Phật Học Online

Hoài niệm ân sư
Tâm Minh St

Một lần nữa con thành tâm thắp lên nén hương lòng kính dâng lên Sư Nội, trong ngày Đại tường, ngưỡng mong Người ở phương trời Tây hoan hỷ tha thứ và chứng giám cho con.

hoai-niem-an-su

Tôi may mắn được xuất gia ở chùa Sắc tứ Linh Thứu, một  ngôi Tổ đình lớn tuộc tỉnh Tiền Giang.

Không hiểu bao giờ, hình ảnh chú tiểu với cái chóp vén vắt vẻo bên mang tai đã để lại trong tôi hình ảnh dịu dàng dễ thương và trìu mến. Mặc dù thời kỳ để chóp là thời kỳ  bị rầy la nhiều nhất, bị quỳ hương nhiều nhất, là thời kỳ bị ăn đòn nhiều nhất, nhưng vẫn là thời kỳ sống hồn nhiên, vô tư với tâm hồn ngây thơ trong trắng, không biết suy nghĩ đến chuyện ngày mai…

Tôi đi tu tuổi đời còn thơ ấu

Lòng yên vui không gợn chút ưu phiền

Sống an nhàn bên tiếng mõ lời kinh

Và quên hết ngoài tai bao thế sự.

Thật vậy, tôi và bầy chú tiểu đã sống rất êm đềm với những ngày tháng vô tư và hồn nhiên bên mái chùa Sắc tứ Linh Thứu cổ kính.

Những tưởng cuộc sống cứ êm đềm như thế, và Thầy sẽ sống mãi để dạy dỗ cho hàng tiểu chúng tôi nên người. Nào ngờ một cơn bệnh ập đến và Thầy vội vã rời xa chúng tôi khi chúng tôi còn rất nhỏ, rất ngây thơ chưa hiểu biết bao nhiêu. Thầy viên tịch chưa bao lâu thì thầy Sự, chú Nguyên cũng lần lượt qua đời. Những cuộc ra đi không trở vê ấy để lại trong hàng đệ tử cùng hàng Phật tử trong chùa Linh Thứu Sắc Tứ niềm  kính tiếc khôn nguôi. Đau lòng nhất là người mà chúng tôi vẫn gọi là Sư Nội (vâng chúng tôi quen gọi Sư Bà trụ trì  là thầy của thầy chúng tôi như thế), vì sư Nội vẫn còn đây mà ba người đệ tử đã vội vã bỏ thầy.

Vẫn biết tâm tư người xuất gia là tâm bình đẳng, nhưng tôi biết Sư Nội đau lòng nhất về Thầy của chúng tôi. Chẳng những thầy là người đệ tử xuất sắc nhất mà lại là người thị giả trung kiên của Sư Nội, là người hay san sẻ niềm vui nỗi buồn với Sư Nội mỗi khi đi làm Phật sự về, là người mà Sư Nội rất kỳ vọng cho tương lai Phật pháp sau này…Thế mà chỉ một thoáng đã hạt nội mây ngàn, bỏ lại tương lai sự nghiệp rạng ngời, bỏ lại hàng đệ tử mấy chục người – trong đó có hàng tiểu chúng tôi còn thơ dại. Thầy mãi mãi từ biệt người Thầy kính yêu, người Sư Nội của chúng tôi. Còn nỗi đau nào hơn trước sự mất mát lớn lao ấy, thế nhưng Sư Nội của chúng tôi đã nén đau thương thay thế Thầy để lo lắng và dạy dỗ cho hàng tiểu chúng tôi. Người vừa là Sư Nội, vừa là người Thầy, vừa là cha mẹ của chúng tôi.

Tôi nhớ có lần hàng tiểu chúng tôi đi học, được nghỉ tiết bèn trốn cùng các bạn đi chơi. Trên đường đi gặp mấy sư tỷ đi ruộng về. Thế là buổi chiều, chúng tôi bị một trận đòn khó quên. Sư Nội kêu chúng tôi mặc áo tràng lên lạy Phật “sám hối tội tình”, sau đó cúi dài trước bệ Phật để nhận sự trách phạt của người. Người đánh mỗi đứa 5 roi. Riêng chị Khánh Đức bị người phạt 15 roi về tội “cầm đầu”. Người hiểu rõ tánh con nít của chúng tôi “nếu đánh mà để cho chúng tôi nằm im thì chúng sẽ khóc to lên cho mà thấy”. Vì thế người bảo, khi người đánh tới roi nào thì đứa đang thọ phạt phải đếm to lên roi đó. “Bộp” một, “bộp” hai… không biết đếm như thế  nào mà tôi chỉ bị đánh có bốn roi còn chị Viên lại phải chịu tới 6 roi. Khi về liêu, chị Viên cứ khiếu nại hoài: “Sư Nội nói là bị phạt mỗi đứa 5 roi mà em chịu tới 6 roi, còn chị Nhã chỉ chịu có 4 roi hà. Sư Nội nghe đếm lộn rồi, em không chịu đâu, em không chịu đâu…”

Giờ đây nghĩ lại, tôi mới thấy người nào được Sư Nội đánh nhiều mới là có diễm phúc. Vì bây giờ muốn  Sư Nội đánh cho vài roi cũng đâu còn được nữa. Muốn nói: “Nội ơi! Cứ đánh con chục roi đi chứ đừng đánh 4 roi” cũng có được đâu.

Khi lớn lên, hàng tiểu chúng tôi mỗi người đi mỗi ngả. Người sang định cư bên Mỹ, người lên thành phố học, người hoàn tục…Chỉ có tôi là gắn bó với ngôi chùa Sắc Tứ Linh Thứu này nhiều nhất. Thế mà trong khỏang thời gian ấy, cũng đã bao lần tôi làm cho Sư Nội buồn chỉ vì tính hiếu thắng bồng bột của thời tuổi trẻ. Giờ hối hận muốn nói Nội ơi con ngàn lần xin sám hối thì Người đã đi xa rồi. Thật là cái gì lúc còn hiện hữu thì ta cảm thấy bình thường, nhưng khi mất mát ta mới cảm thấy cả khung trời trống vắng. Lúc ở bên Sư Nội, người là cả một kho tàng pháp quý báu mà tôi không biết để tận hưởng. Cứ mãi rong duỗi chạy theo tìm kiếm một cái gì đó  cao xa mà quên rằng bên mình sẵn có một kho báu…Những tưởng Sư Nội luôn là bóng cây đại thọ để che mát cho chúng tôi, nào ngờ vô thường chợt đến, Người vội xã báo thân để trở về với cát bụi ngàn thu…

Hơn mười năm tôi bôn ba đi học, nay trở về thăm lại chùa xưa. Dù trải qua bao thăng trầm nhưng cảnh vật vẫn không hề thay đổi. Đây cổng tam quan, ngay phía sau là cây bồ đề che rợp bóng râm, kia là tượng Đức quan Âm lộ thiên, dù trải qua bao phong sương bão táp, mưa nắng dãi dầu, nhưng lúc nào trên môi ngài cũng nở nụ cười hiền dịu. Các bồn hoa và lan can chùa tuy có phủ rêu xanh nhưng vẫn không thay đổi và làm mất đi vẻ uy nghi cổ kính của ngôi chùa. Cảnh vật vẫn còn đây mà Sư Nội, Sư Thầy còn đâu nữa. Có còn chăng chỉ là kỷ niệm mà thôi. Giờ đây:

Đứng ngắm chùa xưa một buổi chiều

Lặng nhìn cảnh vật mắt đăm chiêu

Đây hình thị hiện Quan Âm đứng

Nọ khóm tùng xanh gió hắt hiu

Đảo mắt vời trông trời ảm đạm

Thoảng nghe nhịp mõ với lời kinh

Long Tuyền vắng bóng hàng Sư trưởng

Để ngập lòng ai nặng nghĩa tình

Hôm nay là ngày Đại tường của Sư Nội, tiết trời cuối hạ sắp chuyển sang thu, vì mùa thu nên vạn vật thay đổi và lá trên cành rơi rụng. Mùa thu để những chiếc lá ở chùa Sắc tứ Linh Thứu cũng rơi rụng. Thuở xưa, “lá vàng còn ờ trên cây mà lá xanh kia đã vội rụng xuống”. Còn giờ đây thì “lá vàng lá xanh đều rụng cả”, để cho cây Phật pháp phải trơ cành. Sư Nội, Sư Thầy ơi! Người đã ra đi để lại biết bao di bảo tinh thần, để lại biết bao nỗi nhớ khó phôi phai trong thành tâm của người hiếu đạo, tất cả đều hướng về Người khởi lên niềm tôn kính vô biên.

Vẫn biết giả thân huyễn mộng này

Có gì vĩnh viễn đến ngày mai

Nhưng sao lòng cứ bồi hồi mãi

Bóng dáng hình dung khó nhạt phai

Một lần nữa con thành tâm thắp lên nén hương lòng kính dâng lên Sư Nội, trong ngày Đại tường, ngưỡng mong Người ở phương trời Tây hoan hỷ tha thứ và chứng giám cho con.

TẠP CHÍ VĂN HOÁ PHẬT GIÁO SỐ 111 – VU LAN | THANH NHÃ

Theo: vanhoaphatgiaoblog.com


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage