Ta muốn tìm sự an tâm, đức Phật dạy làm cách nào để mỗi người
tự an tâm. Nhưng an tâm thế nào được khi hàng ngày hàng giờ vẫn đối mặt
với tội ác, bất công, cướp bóc, tham nhũng, đói nghèo, dốt nát, oan ức
bắt gặp trên đường phố, sở làm, đọc trên báo chí, nghe qua phương tiện
truyền thông, nhìn thấy từ phim ảnh, truyền hình, bản tin thời sự trong
cũng như ngoài nước được chiếu đi chiếu lại mỗi tiếng đồng hồ?
An tâm xuất phát tự cái nhìn nội tại, ở đó con người nhận rõ
bản chất sự việc bắt nguồn từ đâu, xắn tay áo cùng mọi người tốt, dùng
những hành động, phương tiện thiết thực để chừng mực nào đó làm giảm
bớt nỗi khổ, gây lại niềm tin từ những đốm lửa yếu nhất, nhỏ nhất và
cũng góp công góp sức giữ cho lửa cháy dần lên thành niềm tin lớn dựa
trên cơ sở thực tiễn. Thờ ơ giữ cho mình yên ổn trước mọi việc xảy ra
thì không phải là an tâm mà phải gọi đó là sự lãnh đạm mang chút tàn
nhẫn, tiêu cực, sống chỉ biết mình, vun vén cho mình, cho gia đình
mình. Ðây không phải là cái an tâm mà chúng ta muốn có, cũng không phải
là cách an tâm đức Phật chỉ cho chúng ta.
Ðời sống vật chất được nâng lên bởi trí tuệ và hành động của con
người không bao giờ dừng, không bao giờ ngưng nghỉ. Con người đi bộ, đi
ngựa, đi xe thồ, xe hơi, máy bay, hoả tiễn, vệ tinh, phi thuyền... quá
trình tiến hoá của vật chất tuy khó làm nhưng dễ thấy, vì dễ thấy nên
dễ quen thuộc, dễ coi thường, dễ chán khi có cái mới. Chữ “nết” chỉ tâm
hồn con người cũng lần lượt, tuần tự được nâng lên bởi tác động qua
lại từ ý nghĩ, học hỏi tìm hiểu, chấp nhận dẫn đến hành động sáng tạo
những tác phẩm nghệ thuật, những cơ sở vật chất, tiện nghi hiện đại cho
con người và ngược lại. Cả hai tiến trình này có lúc trước lúc sau mà
bổ sung cho nhau khiến đôi lúc chúng ta như lạc vào sương mù dẫn đến
việc đánh giá không đúng sự thật bản chất của mỗi vấn đề. Sự tiến triển
về tinh thần ở mức càng cao, con người càng sống cuộc sống yên bình,
tự tin, đầy an lạc yêu thiên nhiên, yêu con người, sự vật, quý trọng
cuộc sống của mình cũng như của muôn loài. Sự tiến bộ về vật chất trước
mắt quả thật cần thiết, hả hê, thoả mãn; nhưng rồi chẳng bao lâu cảm
giác chán chường, phiền muộn bức bối hiện ra hành hạ, dày xéo tâm hồn
hư hao thể xác bởi sự quen thuộc, xuống cấp, cũ kỹ của những loại đồ
dùng tiện nghi vật chất bao quanh mà chúng ta không hoặc chưa đủ khả
năng dứt bỏ chúng để thay vào những thứ khác mới hơn, tiện lợi hơn, đẹp
hơn, hiện đại hơn... Những chữ “hơn” nằm dọc theo sau mỗi chu kỳ vật
chất khiến con người chúng ta như bị chìm ngập trong đám bùn lầy đặc
quánh mà mỗi chân rút lên để chuẩn bị bước đi sẽ là yếu tố làm cho cái
chân còn lại lún sâu hơn.
Bớt “có” là bớt nợ
Ðời người chỉ tính từ lúc có mặt cho đến ra đi, thật ra đã sống
trong cảnh ngộ và chứng kiến biết bao cảnh ngộ chung quanh. Là nạn nhân
mà cũng là tha nhân, chứng nhân có tâm, vô tâm trước bao đổi thay dâu
biển trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai của gia đình, của dân tộc,
của thế giới, và đặc biệt nhất: “của chính đời mỗi người”.Chúng ta có
vợ, có con, có nhà cửa, xe cộ, có chức, có quyền, có công ty, lớn, nhỏ
v.v.. (đây nói về sự hữu phước của con người). Những thứ kể cho là được
này thuộc về thể vật chất. Hễ gọi là vật chất thì phải chịu sự hao mòn
mất mát, ví dụ mất nhà cửa, xe cộ, vợ, con, mất chồng, mất ông bà cha
mẹ, vì nhiều nguyên nhân, nạn tai, thiên tai, cướp giựt, hãm hại, nợ
nần, thua lỗ, làm ăn thất bại... Trong cái “có, được” đã mang bản chất
của sự hư hoại, biểu hiện liên tục bất ngờ. Giống như chúng ta đem nước
cho vào tủ lạnh làm thành nước đá, chúng ta đợi nước đông lại, chúng
ta lấy nước đá ra khỏi tủ lạnh để dùng, quá trình tan hoại xảy ra từ
lúc đó. Giờ đây chúng ta tự hỏi cái được đã như vậy thì cái mất diễn
tiến ra sao? Chúng ta mất công đi làm kiếm tiền nuôi vợ con, nuôi chồng,
nuôi cha mẹ, mua nhà mua cửa, mất ăn, mất ngủ, mất sức khoẻ, mất tuổi
trẻ và còn nữa... hồi hộp lo âu sợ mất chồng, mất vợ, mất con, mất nhà,
mất xe, mất sở làm, mất chức... Tất cả những thứ sợ, thứ mất này làm
cho sức khoẻ, khả năng, thể lực chúng ta mỗi ngày vơi đi một chút,
ngược lại tâm trí chúng ta mỗi ngày thêm nặng nề mà lòng muốn không bao
giờ được thoả nguyện, trong khi phương tiện chuyên chở (cái thân) ngày
càng hao mòn, cũ kỹ yếu ớt đi bởi mưa thu, nắng hạ, xuân tàn...
Trong khi đó, nếu chúng ta thực hành như lời nhắc nhở của tổ tiên,
lời dạy của đức Phật, của các bậc thiện tri thức, chúng ta tránh không
để cho tinh thần thể xác bị quá tải, bị tổn thương. Cứ bớt một cái “có”
là tránh được một nỗi lo, bớt được một cái “mất”. Tránh cái nào, bớt
cái nào không cần thiết, so sánh việc nào làm nặng nề não hại thân tâm,
việc nào giúp thân tâm nhẹ nhàng an lạc. Chúng ta cần bồi bổ nuôi
dưỡng cho mình cái trí huệ bát nhã như đức Phật thường nhắc nhở. Ðể có
thể nhìn rõ, phân tích sự vật từ bản chất của nó hầu tìm kiếm sự hài
hoà giữa cái chung, cái riêng. Chúng ta coi trọng những phát minh vật
chất tạo ra tiện nghi hiện đại giúp con người có điều kiện thụ hưởng,
quản lý mình và quản lý xã hội tốt hơn. Chúng ta bình tĩnh sáng suốt tìm
cho ra những ẩn số đằng sau các phương tiện hiện đại được cung cấp
tràn lan bất kể cần hay không cần, nên hay không nên cho con người.
Giúp con người tự tại, thừa hưởng những sáng tạo, những phát minh mới
mà không gây tổn hại cho mình, cũng như cho cái môi trường thiên nhiên
hồn hậu vẫn đang nuôi dưỡng mình. Học từ thiên nhiên cái “nết” của sự
chan hoà, công bằng, và biết đủ. Dù sống ở bất cứ nơi đâu, lăng xăng
lộn xộn đảo điên đến mức nào, chúng ta vẫn có thể tạo cho mình sự an
lạc nếu biết xử sự chuyện đời một cách công bằng, trong sáng và trung
thực từ trái tim khối óc mỗi người.
Nguồn: SGTT.VN