- Tâm Phật rỗng rang,
không chất chứa gì cả. Tâm chúng sinh là một kho chứa khổng lồ chất đầy
gánh nặng vui buồn, sướng khổ, hận thù, oan khiên nghiệt ngã của quá
khứ. “Câu thơ “Hận tình mang xuống tuyền đài chưa tan” cho thấy dù đã
chết xuống Âm Phủ rồi mà mối hận tình vẫn chưa nguôi và có thể ôm sang
kiếp khác- kiếp lai sinh. Rồi thì bao ưu tư khắc khoải của hiện tại, bao
lo âu, hân hoan, hoang mang lo sợ của tương lai. Tất cả đều chất chứa
trong tạng thức, trong tim óc, trong tâm, trong não bộ giống như một
người thấy tin tức, hình ảnh gì trên internet hay diễn đàn cũng đọc rồi
“download” rồi “save” vào bộ nhớ khiến một lúc nào đó máy hư, tức “tẩu
hỏa nhập ma” rồi hóa điên.
- Tâm Phật an nhiên tự tại, tâm chúng
sinh như ngồi trên đống lửa, như mặt hồ gợn sóng, như sân khấu kịch
nghệ, như bãi hí trường lúc rày lúc khác, lúc thương lúc ghét, lúc khóc
lúc cười, nay tôn thờ mai phỉ báng, nay bạn mai thù, nay vợ chồng thân
thiết, mai biến thành oan gia nghiệp chướng. Tâm chúng sinh quay đảo như
chong chóng. Vui đó lại buồn đó, hứa hẹn đó rồi bội hứa. Cam kết thượng
đỉnh đó rồi đánh nhau. Nâng ly chúc tụng tình đồng minh nhưng sau đó
nghe lén nhau. Vừa ngồi ăn nhậu với nhau, phút sau rút dao chém bạn
không thương tiếc. Tâm chúng sinh xao xuyến, lo âu, nóng giận, buồn nản,
chán đời rồi cùng đường tự vẫn. (*)
- Tâm Phật là tâm trí tuệ, dùng huệ
nhãn mà quán xét sự vật. Tâm chúng sinh là tâm mê tín không khoa học
kiểm chứng. Nghe nói có tận thế vội bán cửa bán nhà hoặc tự vẫn chết vi
lo sợ. Làm sao có thể tận thế? Dù là sóng thần - đại hồng thủy - như ở
Nhật Bản cũng chỉ tàn phá một vùng chứ không thể tận thế. Chỉ cần vài
ngàn trái bom nguyên tử nổ trên trái đất này thì con người sẽ tận thế.
Không một đấng thần linh nào có thể hủy diệt con người ngoại trừ chính
con người. Tâm Phật tin vào luật vô thường và nhân quả. Tâm chúng sinh
tin vào sấm truyền vu vơ, lời tiên tri nhảm nhí. Làm sao chết đi mà có
thể sống lại được? Đức Phật chết đi đó có sống lại được đâu? Câu
tam-đoạn-luận của triết học thuần lý Hy Lạp thật phù hợp với luật “sinh
lão bệnh tử” của nhà Phật: Người ta ai cũng chết. Socrate là người.
Socrate phải chết. Do đó tâm Phật là tâm khoa học. Tâm chúng sinh là tâm
nghe lời đồn thổi, đoán mò. Tâm Phật là tâm có kiểm chứng sự vật. Tâm
chúng sinh là tâm hoài nghi. Nghe đồn nơi đó linh thiêng lắm vội vàng
đến quỳ lạy khấn vái, khẩn thiết cầu xin. Xin không được rồi phỉ báng
rồi lại tiếp tục tin vào nhảm nhí. Phật dạy không có phước đức nào lớn
cho bằng tâm địa thảo ngay và bố thí cho kẻ nghèo khó. Các cụ nhà Nho
xưa kia đã dạy “Đức trọng quỷ thần kinh”. Vậy thì muốn quỷ thần kính sợ
thì hãy lo tu phước và xa lìa mê tín, quỳ lạy, van vái, cầu xin.
- Tâm Phật “đối cảnh vô tâm, như như bất động” còn tâm chúng sinh mê luyến vào cảnh, đắm nhiễm trần
cấu. Hễ thấy cảnh vui thì vui. Thấy cảnh buồn thì buồn. Thấy cảnh đâm
chém nhau thì hăng máu nhảy ra đâm chém. Thấy ca sĩ hát hò trên sân khấu
thì mê mẩn cả tâm thần rồi cũng gào thét như điên loạn. Thấy mẫu quần
áo, kiểu cọ thời trang mới ra là mê tít,thèm khát. Thấy người ta chơi
game không có tiền chơi bèn về nhà giết bà nội lấy tiền chơi. Thấy người
đeo ta nữ trang đầy người mà mình không có bèn tính chuyện lường gạt.
Thấy người ta xây “biệt thự khủng” nổi máu tham bèn móc ngoặc, ăn của
đút hoặc tham ô hối lộ…cuối cùng vào tù thân bại danh liệt. Thấy người
ta có điện thoại “xịn” thì thèm khát và tìm cách cho có. Thấy người ta
ăn nhậu, bao gái, không có tiền bèn đi ăn cướp. Thấy người ta phi xì ke
ma túy tưởng hay bắt chước rồi nghiện ngập rồi gia nhập tổ chức bán
buôn, chuyển vận rồi …lên đoạn đầu đài. Nghĩ thật đáng thương!
- Tâm Phật là tâm siêu thoát. Tâm
chúng sinh là tâm trầm luân khổ ải. Tâm Phật không dính vào nhà cửa,
chức vụ, tiền bạc, ngọc ngà châu báu, danh vọng, chức vụ, mâm cao cỗ
đầy. Tất cả những thứ này đối với chư Phật và chư vị Bồ Tát đều như “hoa
đóm ở hư không” phiền não. Tiền bạc, châu báu chất chứa trong nhà là
mồi nhử giặc cướp. Sắc đẹp là hoa nhử bướm ong. Danh vọng, quyến thế là
chỗ đấu trường tranh đoạt, dùng thủ đoạn tàn độc để giết nhau. Thế
nhưng đối với tâm chúng sinh, tiền bạc, ngọc ngà châu báu, danh vọng, sự
nghiệp, vợ đẹp con khôn là chỗ lý tưởng, chân hạnh phúc của đời người.
Kẻ thành đạt thì hân hoan, hãnh tiến, người đời ngưỡng mộ. Kẻ thất bại
thì khổ đau, cay cú, oán hận thậm chí cho tới chết vẫn còn nuối tiếc.
Chính vì thế mà khi có thân nhân chết đi, người ta thường đến chùa để
cầu cho vong linh siêu thoát. Với tâm nguyện chí thành của chư tăng ni,
với oai lực của chư Phật, chư vị Bồ Tát, may đâu vong linh nghe được mà
xả bỏ thì siêu thoát. Còn nếu cứ than van, níu kéo, tiếc nuối, ân hận,
xót xa thì trầm luân khổ ải muôn kiếp. Rồi hồn ma cứ vất vưởng lang
thang đi đòi nợ, ân đền oán trả, xục xạo tìm kiếm danh vọng, tiền bạc,
ái tình ở cõi Âm Ty. Nghĩ thật đáng thương!
- Tâm Phật là tâm từ bi hỉ xả. Tâm chúng sinh là tâm chất chứa hận thù.
Chính vì thế mà trong kinh Phật không bao giờ có chữ hận thù và báo thù.
Không có chuyện ân đền oán trả. Tất cả đều là từ bi hỉ xả. Còn đối với
thế gian thì ân oán phải phân mình, ăn miếng phải trả miếng. Đụng chạm
tới quyền lợi phải đưa nhau ra tòa hay mướn “xã hội đen” hay băng đảng
Mafia thanh toán…không thể có chuyện “chín bỏ làm mười”. Trong cuộc sống
này, nếu chúng ta lỡ nói một câu chạm tự ái người ta, chắc chắn sẽ rắc
rối to. Khó có chuyện từ bi hỉ xả. Khác tôn giáo, khác chính kiến, khác
chủng tộc, đảng nọ phái kia đang đang là nguy cơ chia rẽ và phá nát các
nước nhỏ, hận thù chồng chất.
- Tâm Phật là tâm không phân biệt. Tâm
chúng sinh là tâm phân biệt. Đối với chư Phật, chư vị Bồ tát thì ông
vua cũng giống kẻ ăn mày, ông tỷ phú và người nghèo chẳng khác nhau,
công chúa và cô gái làng quê cũng cùng một bản thể. Cho nên trong thế
giới của chư Phật không có giàu-nghèo, sang-hèn, thông minh-ngu độn,
đẹp-xấu. Trong con người Phật tử chân chính không có phân biệt chủng
tộc. Kinh -thượng đều một nhà, Nam - Bắc đều là anh em. Phi châu hay Nam
Mỹ đều có Phật tánh và nếu biết tu đều thành Phật, không có chuyện phân
biệt. Vì tâm không phân biệt nên không có chuyện đúng-sai, thị-phi,
phải-trái. Phân biệt đúng-sai, bàn chuyện thị-phi là giết chết tâm lành,
làm hoen ố tâm hỷ xả và xa lìa tâm từ bi. Muốn biết thị-phi, đúng-sai,
có tội hay không có tội nên đến chính quyền hay hỏi luật sư, tòa án,
đừng đến chùa hỏi Phật.
Tâm Phật là tâm trang nghiêm thanh
tịnh. Còn tâm chúng sinh thì ô uế, ngụp lặn trong ái dục. Trong thế giới
của chư Phật không hề có chuyện khiêu gợi,lả lơi, lên sân khấu khoe
chân dài, mông to, vú lớn hay chụp hình dâm ô rồi gửi lên hoặc nhờ người
gửi lên Internet để quảng cảo trá hình. Trong thế giới của chư Phật
không có chuyện nỉ non, than vãn. Trong thế giới của chư Phật không có
chuyện ăn nhậu say sưa mất cả nhân cách. Trong thế giới của chư Phật
không có chuyện nói năng dâm ô, tục tĩu.
Chính vì thế mà chư tăng ni trước hết phải ăn mặc kín đáo, khiêm tốn,
không son phấn, lụa là, nữ trang lòe loẹt. Trú dạ lục thời lúc nào cũng
phải giữ gìn chánh niệm và tứ đại oai nghi. Người ta quỳ lạy Phật và
đảnh lễ tăng ni là đảnh lễ cái oai nghi, cái trang nghiêm thanh tịnh của
Phật, của chư tăng ni. Cũng chính những con người đó, nếu mất oai nghi,
mất trang nghiêm thanh tịnh thì chẳng còn ai vái lậy. Cũng giống nhu
chẳng ai cung kinh vái lạy các cô hoa hậu dù là hoa hậu thế giới vì hoa
hậu không phải là hình ảnh và biểu tượng của thanh tịnh, oai nghi.
Bạn ơi, Tâm chúng sinh không xấu nhưng gây khổ đau cho mình và cho người.
Tâm chúng sinh là đặc thù của cõi Diêm
Phù Đề này. Còn những cõi khác chưa chắc tâm chúng sinh giống như tâm
của chúng ta, chẳng hạn như cõi nước của Phật A Di Đà.
Tâm Phật lành biết bao,
Tâm Phật vui biết bao.
Tâm Phật nhẹ nhàng biết bao.
Tâm Phật không gây tội lỗi, không kết oán thù.
Tâm Phật lợi lạc cho đời và đem hòa bình an vui cho thế giới.
Vậy thì bạn ơi,
Đừng chạy lòng vòng tìm kiếm đâu xa.
Hãy ngồi xuống, lắng đọng tâm tư.
Rồi quán xét xem tâm minh thuộc loại nào.
Nếu là tâm Phật thì vui mừng khôn xiết.
Nếu chưa phải là tâm Phật thì từ từ ngả về tâm Phật.
Nhưng không phải một sớm một chiều đâu bạn nhé.
Mà cần nhiều đời, nhiều kiếp.
Nhưng không bắt đầu thì bao giờ “tới bến”?
Câu chào hỏi “A Di Đà Phật” là lời cầu chúc,
Cùng nhau hướng về tâm Phật.
Ý nghĩa,thực tiễn và ngắn gọn nhất.
Đào Văn Bình