Thuở xưa, ở nước Ấn Ðộ, có
một trưởng giả giàu nứt đố đổ vách nhưng hết sức keo kiệt, thường cắt
cổ, lột da thiên hạ với cách cho vay nặng lời. Tánh ông lại còn hung
tợn, tàn ác nữa. Thật đúng với câu "Vi phú bất nhân” ông không có chút
từ tâm.
Mỗi khi có những kẻ mang công thiếu nợ không lo trả nổi theo lời hứa
hẹn, thì ông sai lũ gia nhân đánh đập một cách tàn nhẫn, thậm chí ông
còn đối đãi với kẻ ăn, người ở trong nhà một cách hết sức tệ bạc, xem họ
như loài thú vật không hơn không kém. Trong nhà có một bà lão bộc, làm
công việc nhà quần quật suốt ngày không có một lúc hở tay.
Nhưng không phải chỉ vậy mà thôi đâu, mỗi khi có sơ sót, hay lỡ tay làm
hư hỏng việc gì, thì ông chủ miệng chửi, tay đánh không mảy may thương
xót. Áo quần không đủ để che kín tấm thân gầy, cháo cơm không đủ làm no
dạ dày lép xẹp. Lại còn tuổi già sức yếu mà phải chịu bao nổi nhọc nhằn,
vất vả, vì sức chịu đựng của con người có hạn, cho nên bà thường bị đau
yếu luôn. Có lẽ vì đau khổ quá, cực nhọc quá, nên nhiều khi bỗng không
bà rơi nước mắt, rồi bà khóc thực sự, khóc cho thân thế bị dày vò, khóc
cho tình đời đen bạc, trọng phú khinh bần.
Có một hôm nọ, nhân lúc mang bình ra mé sông múc nước, được ít phút
rảnh rang khỏi cặp mắt gầm gừ của ông chủ, bà yên tâm tạm ngồi nghỉ chân
dưới cội cây bàng. Trong đầu óc bà lúc ấy lại thoáng hiện ra những sự
hành hạ, đập đánh, chửi rủa, tàn nhẫn vô lương tâm của ông chủ. Trong
một phút suy ngẫm về giá trị đời sống, bà bỗng rùng mình. Tội nghiệp bấy
giờ bà chán sự sống lắm, một ý nghĩ đen tối thoáng hiện trong óc bà, bà
muốn quyên sinh.
Bà nghĩ bà phải chết đi, chết để giải quyết tất cả mọi nổi đau khổ
loài người đen bạc đã cố ý đày đọa bà. Bà nghĩ những nỗi nọ niềm kia,
nghĩ đủ thứ, nước mắt hai bên khóe tự nhiên ràn rụa tràn ra, lăn dài
xuống hai má hóp. Bà để mặc cho hai dòng lệ tự do tuôn chảy không buồn
chậm lau. Bà vẫn cố muốn khóc cho thật nhiều, khóc cho hết nưóc mắt để
rồi bà chết, phải rũ hết nợ đời, chớ sống mà thân xác cũng như linh hồn
bị dày vò đày ải quá sức, thì thà chết đi còn hơn.
Bà khóc mùi mẫn cho đến đỗi Tôn giả Ca Chiên Diên đi đến tận bên, bà
cũng không hay biết gì. Mãi đến lúc Tôn giả cất tiếng hỏi bà mới giật
mình.
- Sao thế? Sao bà khóc lóc quá như thế? Ai ăn hiếp bà, ai hành hạ đánh đập bà?
Bà lao vẫn còn nghẹn ngào, không nói được ra lời để đáp lại những câu hỏi của Tôn giả. Bà chỉ giương đôi mắt mờ lệ nhìn Ngài.
- Tội nghiệp quá, xem bà nghèo khổ, gian truân quá, nhưng tình cảnh
nhà bà ra sao? tại sao bà lại ngồi đây một mình mà khóc, bà cho tôi biết
đi, bà nói hết nỗi khổ của bà cho tôi nghe đi, may ra tôi có phương
chước gì để giúp ích phần nào cho bà.
- Bạch Ngài, Ngài xem tôi từng này tuổi mà vẫn phải làm tôi mọi cho
người ta, công việc làm việc vất vả suốt ngày thâu đêm, lại còn bị chủ
nhà ác nghiệt, bó buộc, đánh đập hành hạ khổ sở. Thân thể già yếu, nay
đau mai mạnh, thế hằng ngày cơm chẳng đủ no, áo không đủ ấm, thì làm sao
mà sống cho nổi!
Bà vừa nói vừa khóc trông thảm thiết lắm.
- Tội nghiệp bà nghèo từng này tuổi mà còn phải làm tôi tớ cho người
để bị nhiều điều cơ cực, đau đớn, sao bà không bán quách cái nghèo đi,
để đeo nó theo làm gì cho thêm khổ sở?
- Trời ơi! Sao Ngài bảo lạ thế? Ai thèm mua nghèo mà hòng bán?
- Bà ạ! Tôi nói thật đấy, nghèo có thể bán được như thường tôi thấy
bà khổ sở, tôi khuyên bà bán ngay nó đi, tôi thương bà, tôi bảo thật
đấy. Tôi nói gạt bà có ích lợi gì cho tôi đâu?
Nghe giọng nói quả quyết và trông gương mặt hiền từ, thành thật của
Tôn giả, bà già hết sức ngạc nhiên, nhìn Tôn giả trân trân, hồi lâu mới
thốt được lời:
- Nếu Ngài có phương kế gì bán được cái nghèo, mong Ngài thương xót
chỉ cho, tôi xin ngậm vành kết cỏ, cảm đội ơn đức suốt đời, không lúc
nào quên được.
- Ðược, tôi xin hứa chắc với bà và nếu bà thật tình muốn bán, thì tôi
bảo thế này, bà phải làm đúng y như vậy mới có kết quả tốt đẹp được.
Bây giờ bà hãy xuống sông tắm cho thật sạch sẽ, thân thể bẩn thỉu quá có
thể sinh ra nhiều bệnh tật, lại ai cũng chán mà chẳng dám đến gần.
Bà già vâng lời tôn giả xuống sông tắm rửa sạch sẽ xong xuôi, bà liền đến bên bạch rằng:
- Bây giờ Ngài dạy tôi cách nào để bán?
- Bây giờ bà phải bố thí. Vì Phật đã dạy, pháp bố thí là để cho người
vượt khỏi lòng tham lam, mà tham lam là cái nhân bần cùng khổ sở. Tôi
đã dùng huệ nhãn quán sát thấy bà nhiều kiếp về trước tánh tình tham lam
keo kiệt, nên kiếp này bà phải chịu quả báo cơ cực nghèo cùn. Vì vậy
muốn hết nghèo cùng bà phải dứt lòng tham lam, còn phải thật hành phương
pháp bố thí. Nhân nào thì quả nấy, chắc chắn không sai.
- Ðất ơi! Ngài bảo tôi bố thí, bố thí để dứt lòng tham, nhưng tôi có
tham hồi nào đâu? Tại tôi nghèo cùng đến nỗi giơ xương, lòi da như thế
này, tôi phải đào đâu ra của để mà bố thí. Thưa Ngài, Ngài bảo cách nào
dù thiên lao vạn khổ gì, già này cũng có thể cố gắng làm được, chớ còn
điều này thì xin chịu. Tôi không biết làm cách nào để làm cho được vừa
lòng Ngài. Đây hiện giờ trong tay chỉ có cái bình này của chủ thôi, tôi
mang đi để múc nước về, nếu có thể bố thí được thì tôi xin bố thí ngay,
bất quá về nhà chủ đánh chút thôi, không đến nổi gì, quen rồi chả sợ.
Miễn giờ đây có thể làm đủ theo ý muốn của Ngài là tôi vui lắm rồi.
- Ấy chết! Của chủ bà đem cho đi, về nhà mất bình chủ bà đánh chửi chịu sao nổi?
- Không sao, thưa Ngài! Già đã chịu đựng quen rồi, không đến nổi gì, mà già cũng nghĩ liều mạng bất quá chết là cùng.
- Cũng được, miễn có lòng thành kính là được, không luận ít nhiều. Bà
hãy đem bình tìm chỗ nước thật trong và thật sạch múc đầy bình đem về
đây cho tôi.
Tôn giả Ca Chiên Diên tiếp nhận bình nước sạch do tự tay bà lão múc
đem về dâng. Ngài chú nguyện cho bà, lại dạy bà lão nên ăn chay, niệm
Phật, làm các công đức...đoạn Ngài hỏi:
- Bà có chỗ ở nào thật sạch sẽ không?
- Tội nghiệp quá nhưng bà về nên cố gắng giữ lòng, lo trọn bổn phận,
không nên hiềm hận điều gì cả. Tối đến, đợi khi trong nhà ngủ hết, bà
hãy lén mở cửa lên nhà trên, vào trong ngồi xếp bằng ngay ngắn niệm
Phật, tâm đừng nghĩ gì khác chỉ nên nhất tâm tưởng Phật mà thôi. Bà nên
nhớ thế.
Bọn đầy tớ nhà ông Trưởng giả rạng ngày mở cửa, cả sợ, tri hô lên. Ông Trưởng giả hốt hoảng ba chân bốn cẳng vừa chạy vừa quát:
- Mẹ tớ này sao hôm nay lại trốn lên được đây ngồi chết? Từ trước đến
giờ không bao giờ mụ được lên đây cả, thế sao hôm nay… Bây đâu, hãy đến
gần rờ xem bà ta chết đã lâu chưa? Nếu thiệt chết, bây cột chân kéo xác
bỏ vào rừng cho quạ kên ăn quách đi là xong chuyện. Mau lên! Không tao
đập chết cả lũ bay nữa bây giờ. Mau lên, mau lên.
Bọn đầy tớ lúi húi tìm dây cột chân làm theo lời ông chủ, nhưng ra
khỏi ngõ chúng lại lôi tấm bố đã giấu được đem ra đắp điệm cho bà, xong
rồi chúng ráp nhau khiêng xác đem bỏ trong rừng lạnh. Có ai ngờ đâu, lúc
bấy giờ bà lão tuy tồi tàn thế, nhưng thần thức của bà đã được sanh lên
cõi trời Ðao Lợi, do nhờ sự chú nguyện của Tôn giả Ca Chiên Diên và nhờ
sự cố gắng niệm Phật của bà.
Bấy giờ ở trên cõi Ðao Lợi có một vị Thiên tử vì hết phước báo nên
phải hoàn sanh nhân gian, bà lão nhờ sức trì giới, niệm Phật và công đức
bố thí mà được thế vào địa vị ấy. Nhưng vì ham vui chơi theo khoái lạc
của thiên báo mà quên nguyên do gì mình được sanh làm Thiên tử. Song vị
Thiên tử này (bà lão bộc) trước đã gây phước lành, kết duyên Phật pháp,
nên cảm đến lòng từ của Tôn giả Xá Lợi Phất, Ngài bèn đến lân la dọ hỏi
để kích thích đạo tâm sẵn có của vị Thiên tử.
- Phàm việc gì có ra đều có nguyên nhân cả, hẳn Ngài đã biết mình từ
đâu đến và do nhân duyên gì mà được cảm quả báo làm Thiên tử như hôm nay
chứ?
Vị Thiên tử cùng các quyến thuộc còn đang ngơ ngác chưa hiểu ra làm
sao cả, thì Ngài Xá Lợi Phất liền truyền đạo nhãn cho vị Thiên tử xem.
Như chiêm bao chợt tỉnh, vị Thiên tử rối rít tỏ lời cảm tạ ơn Ngài Xá
Lợi Phất đã khai thị cho, đồng thời họp cả năm trăm quyến thuộc lễ Ngài,
rồi cùng nhau mang hương hoa sang ngay hàn lâm, xông hương, rải hoa
cúng dường tử thi.
Ánh sáng của Chư Thiên chiếu khắp cả khu rừng có tử thi của bà lão
bộc làm cho mọi người hết sức kinh dị, nhà ông Trưởng giả cũng hay, cùng
kéo nhau đến xem. Lấy làm lạ, có người đến gần hỏi:
- Ðây là người tớ già của nhà chúng tôi vừa chết, thân thể đã sình
trương dơ nhớp, khi bà còn sống người ta còn ghê tởm ít dám đến gần
thay, phương chi nay bả đã chết rồi có gì quý lạ mà quý vị đến đây rải
hoa cúng dường?
Nghe hỏi vị Thiên tử bèn ứng tiếp đáp lời thuật rõ ngọn ngành, vì
nhân duyên gì mình được bỏ thân tôi tớ, sanh làm trời hưởng phước báo vô
lượng. Ðoạn vị Thiên tử xây mặt về phía tịnh xá tưởng nghĩ đến Tôn giả
Ca Chiên Diên, rồi vì Chư Thiên quyến thuộc của mình và một số người
trần có mặt hôm đó giảng pháp mầu đã lãnh thọ được cho nghe, nào là Luận
về pháp bố thí, giữ giới, niệm Phật, lìa dục...
Nghe xong, năm trăm vị trời ấy tâm được xa lìa trần cấu, chứng nhãn
thanh tịnh, đồng bay về thiên cung. Bấy giờ những người trần có mặt tại
đó thảy đều tỉnh ngộ, ông Trưởng giả bấy giờ mới sáng mắt và mới nhận
được cái giá trị của con người không phải ở vật chất mà chính ở tinh
thần vậy. Thế là bà lão đã bán được cái nghèo với một giá cao hết sức
tưởng tượng, làm thân trời.
SUY NGẪM
Tôn giả Ca Chiên Diên tiếp nhận bình nước sạch do tự tay bà lão múc
đem về dâng. Ngài chú nguyện cho bà, lại dạy bà lão nên ăn chay, niệm
Phật, làm các công đức...dạy cách bán cái nghèo, xa rời hiềm hận ...
Theo www.chuabavang.com.vn
Chú thích: *Tiêu đề đăng trên www.phatgiao.orrg.vn do BBT đặt, tiêu đề cũ: Bán nghèo