HỎI: Trong kinh điển Phật giáo mà
tôi được học đều dạy về sự cần yếu của trì giới và nhẫn nhục. Có thể xem đây
là một những pháp tu căn bản của Phật giáo. Vậy thì tại sao ngài Tuệ Trung Thượng sĩ lại nói “Trì giới kiêm nhẫn nhục/Chiêu tội
bất chiêu phước”. Câu nói này làm tôi rất hoang mang, mong được
quý Báo giải thích tường
tận, rõ ràng.(DƯƠNG
MINH TÂM, An Thái, An Cư, Cái Bè, Tiền Giang)
ĐÁP:Bạn
Dương Minh Tâm thân mến!
Theo Tuệ Trung Thượng
sĩ ngữ lục, câu nói trên của ngài Tuệ Trung dạy vua Trần Nhân Tông xuất phát
trong bối cảnh như sau:
“...Em
gái Tuệ Trung là hoàng hậu Thiên Cảm (vợ vua Trần Thánh Tông) một hôm mời ông
vào cung ăn tiệc. Trên bàn có những món mặn và món chay, ông đã gắp thức ăn một cách không
phân biệt. Hoàng hậu hỏi: Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?
Ông cười đáp: Phật là Phật, anh là anh, anh không cần thành Phật, Phật không cần
thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói ‘Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải
thoát đó sao’. Vua Trần Nhân Tông lúc đó cũng có mặt trong bữa tiệc và vua không
quên câu chuyện này, định một ngày kia sẽ hỏi Tuệ Trung Thượng sĩ cho ra lẽ.
Sau gặp
tuần tang của Đinh Nguyên Thánh mẫu hậu, Thượng sĩ trao cho Nhân Tông hai quyển ngữ lục Tuyết Đậu và Dã Hiên.
Nhân Tông nhớ lại chuyện ăn thịt cá và tính cách “hòa lẫn thế tục” của Tuệ Trung nên hỏi rằng: Bạch
Thượng sĩ, chúng sanh do nghiệp uống rượu ăn thịt, làm sao thoát khỏi tội
báo?
Thượng
sĩ bảo rằng: Giả sử có người đứng xây lưng lại, chợt có vua đi qua sau lưng người
kia thình lình hoặc cầm vật gì ném
trúng vua, người ấy có sợ không? Vua có giận chăng? Như thế nên
biết, hai việc này không liên hệ gì nhau.
Thượng
sĩ liền đọc hai bài kệ:
Vô
thường các pháp hạnh
Tâm nghi tội liền sanh
Xưa
nay không một vật
Chẳng giống cũng chẳng mầm.
Ngày
ngày khi đối cảnh
Cảnh cảnh từ tâm sanh
Tâm cảnh
xưa nay không
Chốn chốn Ba-la-mật.
Vua Nhân Tông lãnh hội ý chỉ hai bài tụng,
giây lâu hỏi: Tuy nhiên như thế, vấn đề tội phước đâu đã rõ ràng?
Thượng
sĩ lại đọc kệ để giải rõ:
Ăn
rau cùng ăn thịt
Chúng sanh mỗi sở thuộc
Xuân
về trăm cỏ sanh
Chỗ
nào thấy tội phước?
Nhân
Tông thưa: Như vậy thì công phu
giữ giới trong sạch không chút xao lãng là để làm gì?
Thượng
sĩ cười không đáp. Nhân Tông cố nài nên Thượng sĩ đọc hai bài kệ sau:
Giữ giới cùng nhẫn nhục
Chuốc
tội chẳng chuốc phước
Muốn
biết không tội phước
Chẳng giữ giới nhẫn nhục.
Như
khi người leo cây
Trong an tự cầu nguy
Như
người không leo cây
Trăng
gió có làm gì?
Ngài lại dặn nhỏ Nhân Tông: Chớ bảo
cho người không ra gì biết…”.
Đọc
tích truyện trên, nhất là lời căn dặn “Chớ bảo cho người không ra gì biết” của Tuệ Trung Thượng
sĩ thì thấy rõ rằng những lời khai
thị ấy dành riêng cho vua Nhân Tông (bậc có căn trí lớn, về sau trở
thành Sơ tổ Trúc Lâm), chứ không phải là dạy cho quảng đại quần chúng. Vì thế, lời dạy này có tác dụng “nhổ đinh,
tháo chốt” cho những ai đang bị kẹt, một trong những phương pháp khai thị đặc
thù của Thiền tông.
Về ý nghĩa của hai câu nói của Thượng
sĩ, theo thiền sư Thích Thanh Từ: “Ai đọc đến mấy câu kệ này cũng đều nghi.
Kinh Phật dạy chúng ta tu là phải trì giới, phải nhẫn nhục. Ai giữ giới trong sạch, ai nhẫn nhục giỏi thì
người đó là người đạo đức cao, là người có phước nhiều. Tại sao ở đây Thượng
sĩ lại nói: "Giữ giới cùng nhẫn nhục, chuốc tội chẳng chuốc phước".
Nghe qua chúng ta giựt mình, không
bao giờ chúng ta tưởng tượng được người tu cao mà nói như vậy! Nhưng
tại sao Thượng sĩ nói? Ngài nói có trái đạo lý không? Câu này tôi đã bị hỏi, bây giờ tôi hỏi quí vị, tại sao
chúng ta tu phải trì giới phải nhẫn nhục? Sở dĩ chúng ta tu phải nhẫn nhục là
vì sân hận quá nhiều, bây giờ muốn đàn áp hay ngăn chận nó thì phải tập nhẫn nhục. Song khi tập nhẫn nhục
thì sân giận hết chưa? Nếu hết sân thì khỏi nhẫn nhục. Như vậy thì còn tập nhẫn nhục là còn sân, còn sân là còn
tội, nên nói “chuốc tội chẳng chuốc phước”. Chừng nào hết sân thì chừng đó không còn tu nhẫn nhục nữa.
Đến
trì giới. Tại sao chúng ta phải
trì giới? - Tại vì chúng ta hay sát sanh, trộm cắp, dâm dục... Sát sanh, trộm cắp,
dâm dục tự gây khổ cho mình mà còn làm khổ cho người nên Phật cấm. Nếu
người thương chúng sanh không giết hại nó, thấy của người không khởi lòng tham để lấy, thấy sắc đẹp không
đam mê... thì không phải trì giới. Tại vì
chúng ta còn tham, còn sân nên phải trì giới để ngăn chận, nếu hết
những tâm bệnh đó thì không cần
giữ giới. Bởi chúng ta còn bệnh tâm nên phải trì giới. Còn trì giới là còn tội,
nên phải kềm chế gìn giữ, lâu lâu sơ hở cũng tạo chút ít, bao giờ
hết bệnh tâm chừng đó hết giữ giới. Mới nghe, thấy như Thượng sĩ nói ngược lại
lời dạy của Phật, nhưng kỳ thực rất hợp với lời Phật dạy. Tu đến chỗ không cần
giữ giới mà không phạm giới mới thật là thanh tịnh; tâm đã hoàn toàn thanh tịnh thì ngang đó hết
tội phước. Nếu còn giữ giới còn nhẫn nhục
là còn tội còn phước chớ chưa hết.
Tuy lời
dạy của Thượng sĩ là chân lý, là cứu
kính, nhưng kẻ tầm thường thì không nên
biết. Vì họ biết qua lời này mà không hiểu sẽ chấp và cho rằng Thượng
sĩ nói trì giới nhẫn nhục là chuốc tội
chớ không được phước, rồi thấy người tu giữ giới nhẫn nhục nghĩ người đó chuốc
tội, còn người
tu buông lung làm nhiều chuyện xằng bậy thì không tội được phước. Đó là phá kiến. Những người tầm thường,
họ không hiểu nổi ý nghĩa
thâm sâu thì không nên nói cho họ nghe, có hại. Những câu này chỉ nói
cho người xuất cách, vượt khỏi tầm thường nghe, hạng người này mới có đủ khả
năng tiếp nhận” (Thích Thanh Từ, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục giảng giải).
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ CÔNG TÁC BẠN ĐỌC
Source: giac ngo online