Phật Học Online

Kiến Thủ Kiến
Thích Nhất Hạnh

Trong kinh Bách Dụ, đức Thích Ca có kể một câu chuyện rất hay về kiến thủ kiến. Có một nhà buôn trong khi đi vắng, ăn cướp vào đất làng và bắt cóc đứa con bốn tuổi của ông đi. Khi trở về, ông thấy nhà mình cháy tan và bên trong nhà lại có tử thi của một em bé cháy đen. Trong tâm trạng hoảng hốt đó ông tin rằng em bé cháy thành than đó là con của mình. Ông ta đau khổ vô cùng. Ông ta làm lễ hỏa thiêu thân xác em bé. Thương con quá, ông ta giữ tro trong một cái túi bằng gấm và mang theo bên mình. Suốt ngày, ăn cơm, làm việc, đi ngủ, ông đều ôm theo cái túi tro của đứa con. Một hôm, đứa con thoát khỏi tay bọn ăn cướp và tin được về làng. Về tới nhà mới của ông ta, nó gõ cửa vào lúc hai giờ khuya. Lúc đó ông ta còn đang ôm cái túi tro tin tưởng rằng đứa con mình đã chết và nước mắt đang chảy ròng ròng. Nghe tiếng gõ cửa, ông hỏi: Ai đấy? Đứa bé nói: Con đây, con là con của ba đây. ông ta nổi giận la lên: Con của tao đã chết rồi. Mày là đứa nào mà quá nửa đêm còn tới đây để phá phách chòng ghẹo? Và cuối cùng đứa bé phải bỏ đi.

Đây là một câu chuyện rất hay. Đức Thế Tôn muốn dạy rằng có nhiều khi ta ôm ấp một tri kiến sai lầm mà tin tưởng đó là chân lý, cho đến nỗi khi tự thân chân lý tới gõ cửa mà ta cũng không chịu mở. Thường thường người ta đi tin chân lý.  Ở đây đích thân chân lý tới gõ cửa mà mình vẫn không mở. Cái đó gọi là kiến thủ kiến. 

Thứ năm là Giới Cấm thủ kiến. Giới đây là những kiêng cử, những cấm kỵ, những hình thức nghi lễ, những giáo điều hoặc những tín điều mà mình bị kẹt vào. Ví dụ mình tin rằng con bò là vật linh thiêng và mình không dám động tới nó. Hoặc tin rằng ông táo hay bình vôi là những vật thiêng liêng. Hoặc mình tin rằng tổ tiên mình là cây cau, mình không dám động tới cây cau. Xứ nào, dân tộc nào cũng có những niềm tin phát sinh do sự tưởng tượng hay do sự sợ hãi của con người xứ đó. Nghi lễ được đặt ra là để nhắm tới bảo vệ và làm cho mình an tâm. Nhưng rút cuộc mình bị kẹt vào trong nghi lễ. Giới cấm thủ kiến là sự bị kẹt vào các hình thức nghi lễ, giáo điều và tín điều không phù hợp và không có lợi ích gì cho việc thực tập chuyển hóa.



© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage