Phật Học Online

Tuyển tập kinh - Kinh Địa Mẫu

HỎI:Tôi nhận được một Tuyển tập kinh - Kinh Địa Mẫu, bìa trước có in hình Diêu Trì Kim Mẫu (rất giống hình Bồ tát Quán Âm), ghi Phật lịch 2552. Sau khi xem qua phần Nghi thức tụng kinh Địa Mẫu thấy cũng gần giống với nghi thức tụng niệm trong kinh Nhật tụng Phật giáo, có dâng hương, lễ Phật - Pháp - Tăng, phần chánh kinh (Địa Mẫu chơn kinh, Địa Mẫu diệu kinh) rồi đến Tâm kinh Bát Nhã, Vãng sanh thần chú, Sám nguyện, Tam quy v.v… nhưng nội dung thì rất khác biệt với các kinh Phật thông thường. Như vậy, người Phật tử có nên tụng niệm, lưu hành và ấn tống kinh này không? Mong được quý Báo hướng dẫn. (TÂM THỦY, Q.3, TP.HCM)

ĐÁP:Bạn Tâm Thủy thân mến!

Đọc xong Tuyển tập kinh - Kinh Địa Mẫu, tuy kinh được phát hành dưới dạng “lưu hành nội bộ” để ấn tống, không có tên người hoặc đơn vị chủ trương, không có tên nhà xuất bản nhưng chúng tôi vẫn xác định được rằng kinh này của ngoại đạo, không nằm trong danh mục kinh sách Phật giáo. Nội dung kinh tập trung giới thiệu sự tích, quyền năng và công hạnh của đức Diêu Trì Kim Mẫu (còn gọi Phật Mẫu Diêu Trì) cùng với những lời khuyến cáo tin tưởng, răn nhắc tu hành.

Theo Cao Đài Từ điển, soạn giả Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng, Phật Mẫu là hóa thân đầu tiên của Đức Chí Tôn (Ngọc hoàng Thượng đế) chưởng quản khí Âm quang và toàn thể càn khôn vũ trụ. Hết thảy vạn linh, tất cả sự sự vật vật đều do Phật Mẫu tạo ra. Phật Mẫu được tôn xưng với nhiều danh hiệu khác nhau như: Phật Mẫu (mẹ thiêng liêng của vạn linh và chúng sanh), Diêu Trì Kim Mẫu (vì Phật Mẫu ngự tại cung Diêu Trì), Kim Bàn Phật Mẫu (vì chưởng quản Kim Bàn - nơi Phật Mẫu dùng chứa các nguyên chất để tạo Chơn thần cho con người nơi cõi thiêng liêng), Cửu Thiên Huyền Nữ (Phật Mẫu ngự tại từng thứ 9 trong Cửu trùng thiên), Mẹ thiêng liêng, Đại từ mẫu, Thiên hậu, Địa mẫu, Mẹ sanh.

Phật giáo luôn tôn trọng các tín ngưỡng và tôn giáo khác. Tuy nhiên, Tuyển tập kinh - Kinh Địa Mẫu sử dụng rất nhiều yếu tố Phật giáo, có thể khiến cho những người Phật tử sơ cơ nhầm lẫn đây là kinh Phật nên chúng tôi phải miễn cưỡng bàn luận. Trước hết, bìa kinh in hình Diêu Trì Kim Mẫu rất giống hình Bồ tát Quán Thế Âm, lại ghi Phật lịch 2552, khá giống với quy cách của kinh sách Phật giáo. Thứ đến, phần mở đầu Nghi thức tụng kinh Địa Mẫu có đủ các chân ngôn của Phật giáo như: Tịnh pháp giới, Tịnh tam nghiệp, Phổ cúng dường. Phần xướng lễ Phật-Pháp-Tăng, tuy nội dung không phải là kính lễ Tam bảo của Phật giáo nhưng cũng khiến cho những người chưa mấy am tường về Tam bảo nhầm lẫn. Đặc biệt Phật A Di Đà và Phật Di Lặc (hai vị Phật quá khứ và tương lai của Phật giáo) cũng được kinh này xưng danh hiệu và kính lễ.

Nhất là sau phần chánh kinh (Địa Mẫu chơn kinh, Địa Mẫu diệu kinh), đến xướng lễ Lạy Địa Mẫu (tr.63-64, sđd) có đoạn: “Nam mô Địa Mẫu ân độ sanh vô lượng/Ân bảo trì cứu tử lại vô biên/Mẹ của nhân gian, mẹ Thánh mẹ Hiền/Hàng Phật tử chúng con nguyền ghi nhớ” (lạy 1 lạy) và “Nam mô Địa Mẫu xin mẹ ban ân lành/Cho Việt Nam Phật giáo thịnh hành/Được tôn nghiêm mầu nhiệm với viên thành/Cho con mẹ bốn phương đều kính mẹ” (lạy 1 lạy). Ở hai đoạn này có hai từ quan trọng là “Phật tử” và “Việt Nam Phật giáo” đã đề cập trực tiếp đến Phật giáo Việt Nam. Thiết nghĩ, trong kinh điển Phật giáo không tôn thờ vị Phật hay Bồ tát nào tên Địa Mẫu (Diêu Trì Kim Mẫu) cả. Ở đây có một sự gán ghép hết sức khiên cưỡng, thiếu thành ý và không thể chấp nhận của người biên soạn Tuyển tập kinh - Kinh Địa Mẫu.

Quan trọng hơn, Tuyển tập kinh - Kinh Địa Mẫu đã sử dụng nguyên văn Tâm kinh Bát nhã (tr.66, sđd), thần chú Vãng sanh lồng ghép, chắp nối vào nhằm lạc dẫn người đọc là kinh Phật. Tiếp theo sau thần chú Vãng sanh, bài Xưng tán có đoạn: “Chúng Thích tử kiền thiền xưng tán/Đấng Mẫu nghi vô lượng lợi sanh”. “Chúng Thích tử” là một thuật ngữ Phật giáo, chỉ cho Tăng Ni và Phật tử đệ tử của Đức Phật. Và rõ ràng ngay trong lời quy nguyện đầu tiên, “Quy y Phật không quy y trời, thần, quỷ vật” nên “chúng Thích tử” không ai kiền thành xưng tán “Đấng Mẫu nghi” cả.

Như vậy, dù Tuyển tập kinh - Kinh Địa Mẫu chỉ lưu truyền dưới dạng “lưu hành nội bộ” nhưng tác giả kinh này khi biên soạn đã có chủ ý lợi dụng kinh Phật và ảnh hưởng Phật giáo để chiêu dụ những Phật tử sơ cơ. Do đó, hàng Phật tử không nên đọc tụng, lưu hành và ấn tống kinh này. Mỗi khi gặp những kinh lạ, hàng Phật tử phải thỉnh ý chư Tăng Ni duyệt lãm trước khi đọc tụng, hành trì để tránh lầm lạc, rơi vào tà kiến và những hậu quả đáng tiếc.

 

 

Source: giac ngo online


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage