Phật Học Online

Đạo Phật và nền trật tự đạo đức mới
Thích Minh Châu (Trích lược bài phát biểu tại cuộc hội thảo "Đạo Phật và sự lãnh đạo về hòa bình" tổ chức tại Ulan Bato, Mông Cổ, từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 8 năm 1989)

(...) Khi loài người đang tiến dần tới ngưỡng cửa của Thế kỷ XXI, một câu hỏi có tính cách hoàn cầu đang làm nhiều người ưu tư lo lắng: "Kỷ nguyên sẽ là kỷ nguyên gì đây trong lịch sử của nhân loại?" Trong những năm bản lề cuối cùng giữa hai thế kỷ mà chúng ta đang sống, chúng ta đã và đang rút ra những kinh nghiệm, những bài học gì, khả dĩ làm chúng ta yên tâm hơn, tin tưởng hơn?

Trước hết, chúng ta đã ý thức được tầm cỡ có tính cách toàn cầu của một số vấn đề bức xúc đang đối mặt với chúng ta. Như vậy, chúng ta sẽ biết được làm thế nào để huy động trí tuệ và sức mạnh của nhân dân thế giới để giải quyết một cách tốt đẹp những vấn đề đó. Thí dụ các vấn đề chiến tranh và hòa bình, vấn đề xây dựng một nền trật tự kinh tế mới, một nền trật tự đạo đức mới cho thế giới, vấn đề bảo vệ môi trường của chúng ta.

Tầm cỡ của những vấn đề này vượt qua biên giới các quốc gia các dân tộc, vượt ngoài tầm tay của các người chuyên môn, của các người có quyền lực. Một vấn đề như chiến tranh và hòa bình, quan hệ đến sự sống còn của nhân loại không thể giao phó cho một số nhà quân sự và nhà chính trị. Đó là lý do giải thích tại sao các phong trào hòa bình thế giới đã và đang lôi cuốn vào hàng ngũ của mình một số rất đông các tầng lớp dân chúng. Gần hết các nước trên thế giới, tất cả các lục địa, dân tộc tuổi tác, nghề nghiệp, xu hướng chính trị và các hệ phái tôn giáo đã và đang tham gia vào các phong trào ấy. Chỉ có một lực lượng bảo vệ hòa bình, hùng hậu và năng động như thế, mới có sức mạnh để chặn đứng sự nguy hiểm của một cuộc chiến tranh hạt nhân, chiến đấu chống lại những thế lực hiếu chiến nguy hiểm, và bảo đảm sự chiến thắng của hòa bình và tiến bộ. Chỉ có một cái nhìn toàn cầu đối với vấn đề chiến tranh và hòa bình mới có thể đem lại cho các phong trào hòa bình thế giới một thắng lợi lịch sử như vậy.

Hiểm họa của một chiến tranh toàn cầu đã huy động được nhân dân thế giới chống lại sự hiện hữu của chiến tranh. Những năm cuối của thế kỷ XX đã và đang chứng kiến những bước đi lịch sử, tiến tới một kỷ nguyên không có vũ khí hạt nhân và không có vũ khí hóa học. Nhưng chúng ta không được buông lơi cảnh giác. Dầu cho hiểm họa của một chiến tranh hạt nhân được chận đứng lại, nhưng các chiến tranh cục bộ với tất cả sự biểu hiện tàn khốc và phi nhân vẫn còn tồn tại. Bạo lực chánh trị và quân sự vẫn diễn ra giữa một số quốc gia, giữa nhân dân sắc tộc khác nhau, cho đến giữa những dân tộc cùng tôn thờ lý tưởng giống nhau, cùng một ý thức hệ chính trị như nhau. Trong những năm gần đây, sự quan hệ giữa các quốc gia đã có một sự thay đổi lớn theo chiều hướng tốt đẹp. Chung sống hòa bình thông cảm lẫn nhau, đối thoại hơn là đối đầu, thị trường thay vì chiến trường. Còn trong tình hình chính trị, nội bộ của nhiều nước cũng có xu hướng tốt đẹp mở rộng dân chủ, tránh áp đặt và áp lực trong lãnh vực văn hóa và tư tưởng, coi trọng và thông cảm đối với những tư tưởng dị biệt.

Chúng tôi tha thiết hy vọng rằng tiến trình dân chủ hóa và nhân bản hóa chính trị trong mối quan hệ giữa các nước, cũng như trong tình hình nội bộ mỗi nước, sẽ được tăng cường và đi sâu hơn nữa từ nay cho đến năm 2000. Như vậy, chúng ta chuẩn bị cho một kỷ nguyên thật sự hòa bình, hòa bình cho toàn thể hành tinh, không phải chỉ cho một số khu vực, hòa bình cho toàn thể loài người, không phải chỉ cho dân chúng sống trong một vài địa danh. Mọi hình thức chiến tranh, không phải chỉ chiến tranh hạt nhân, cần phải loại bỏ. Tất cả mọi biểu hiện bạo lực cần phải bị diệt trừ một cách vĩnh viễn.

Chúng ta thấy, và đây là một bài học thứ hai của chúng ta, mọi vấn đề bức xúc và nguy kịch có tánh cách toàn cầu cần phải giải quyết với cái nhìn toàn cầu và với lực lượng toàn cầu, và cần phải giải quyết một cách sâu sắc, triệt để từ bên trong nội tâm của mọi người, và chính ở đây, đạo Phật với môn tâm lý học nội quán và nội tâm đặc sắc của mình, có thể có phần đóng góp.

Trước tiên, đạo Phật hoan nghênh mọi phong trào hòa bình và động viên mọi Phật tử tích cực tham gia vào các phong trào đó. Vì bảo vệ hòa bình tức là bảo vệ sự sống, là thực hiện giới sát sanh, giới cấm hàng đầu của đạo đức Phật giáo. Đạo Phật nhất định chống lại mọi chiến tranh xâm lược, vì chiến tranh xâm lược bao giờ cũng kèm theo tước đoạt đất đai và tài sản, xâm phạm vào công việc nội bộ của nước khác và dân tộc khác. Đây là phạm vào hai giới cấm quan trọng của đạo đức Phật giáo: Cấm lấy của không cho và cấm những hành động bất thiện. Đạo Phật phủ nhận mọi hành động và mọi biểu hiện bạo lực, dưới bất cứ lý do nào, trừ trường hợp tự vệ chính đáng.

Tất cả Phật tử chúng tôi đều ghi nhớ lời dạy như sau của Đức Phật trong Kinh Pháp cú, số 5:

"Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận, diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu."

Đạo Phật đề cao nỗ lực toàn thể cá nhân, hướng tới tạo ra giữa các dân tộc giữa các quốc gia cũng như giữa con người với nhau một bầu không khí thông cảm lẫn nhau, tin tưởng và kính trọng lẫn nhau, loại bỏ mọi thành kiến, như tự ty mặc cảm, tự cao tự đại, rất hại đến nhân phẩm và giá trị con người.

Chúng tôi, những người Phật tử xem là hết sức khẩn thiết xây dựng một nền kinh tế mới, một nền trật tự đạo đức mới có khả năng làm lắng dịu mọi sân hận và mọi biến động, làm lành mạnh hóa không khí chính trị quốc tế hiện tại, chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới nhân đạo hơn và có ý nghĩa hơn.

Chúng tôi nghĩ rằng tình trạng kinh tế phân cực hiện nay, một bên là một ít nước công nghiệp hóa, khéo phát triển và giàu có, và một bên là đa số các nước nghèo đói và chậm tiến, là một tình trạng xây dựng trên sự buôn bán không công bằng, mua nguyên liệu giá rẻ mạt và bán hàng công nghiệp với giá cắt cổ. Sự buôn bán không công bằng này không thể kéo dài hơn nữa, vì nó nuôi dưỡng nguy cơ chiến tranh và bạo loạn.

Chúng tôi nghĩ rằng muốn loại trừ tình trạng kinh tế phân cực hiện tại và xây dựng một nền trật tự kinh tế mới với nhiều công bằng và bình đẳng hơn, chúng ta cần phải xây dựng một nền trật tự đạo đức mới, dựa trên những nếp tư duy đổi mới, và dựa trên một số nguyên lý nhân bản được toàn thể loài người có thể chấp nhận.

Nếu không có một nền trật tự đạo đức thế giới mới làm nền tảng đạo đức, thời rất khó mà xây dựng thành công một nền trật tự kinh tế thế giới mới. Và dầu cho có xây dựng thành công cũng không có thể vững bền. Tình trạng phân cực rồi sẽ được tái diễn như cũ, và có thể trầm trọng hơn.

Vì vậy theo ý chúng tôi, ưu tiên một số dành cho sự xây dựng một nền trật tự đạo đức mới, dựa vào một số nguyên lý căn bản nhân đạo, được cộng đồng thế giới chấp nhận. Và đối với vấn đề hiện đại này, đạo Phật với truyền thống là một đạo hòa bình, có thể có những đóng góp có giá trị.

Chúng tôi nghĩ rằng một trong những đóng góp lớn nhất của đạo Phật vào nền trật tự đạo đức thế giới mới này là thuyết "Vô Ngã". Lý thuyết này, trên bình diện đạo đức, đóng một vai trò tích cực trong sự nghiệp xây dựng một nếp sống đạo đức cho con người hiện đại của chúng ta. Đặc điểm tâm lý bệnh hoạn của con người hiện đại là tìm kiếm các dục lạc và tích tập tài sản. Để đảm bảo cá nhân hưởng thụ, con người hiện đại cố gắng chiếm hữu cho mình mọi của cải vật chất có thể có được. Trong xã hội, của cải vật chất có sự hạn chế, còn lòng tham con người thời không đáy. Đây là lý do vì sao không thể tránh khỏi xung đột và tranh đấu giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia, giữa dân tộc với dân tộc. Nguồn gốc của chiến tranh chính nằm ở nơi đây. Với thuyết vô ngã, chúng ta có thể nói, đạo Phật đã đào bới lên cội rễ tất cả hiện tượng chiến tranh, các cuộc xung đột và đối đầu. Với một cái nhìn sâu vào thuyết "vô ngã", một Phật tử có thể sống hòa hợp và thân hữu với tất cả mọi người. Một Phật tử một khi đã giác ngộ sẽ thoát khỏi sự kềm kẹp của tham (Lobha) và sân (Dosa). Con người tham đắm một vật gì cho mình, nhưng khi tự mình không có mặt, thời lòng tham sẽ không còn đối tượng và không có sự kích thích để tồn tại. Đối với sân cũng vậy. Khi cái ta bị chống đối không có thỏa mãn, thời lòng sân sẽ nổi lên. Nhưng khi không còn cái Ngã thời lòng sân biến mất một cách tự nhiên.

Một danh từ khác "Lòng vị tha" có ý nghĩa tương tự, nhấn mạnh đến sự giúp đỡ tích cực cho các người khác. Một Phật tử đã thấm nhuần với nguyên tắc "Vô ngã" sẽ hưởng mọi ý nghĩ, lời nói và hành động của mình đem lại hạnh phúc và an lạc cho loài người và các loài hữu tình như là cứu cánh và mục đích của mình. Trong khi đức Phật còn tại thế và cả sau khi Ngài nhập diệt tại Ấn Độ, chỗ đản sanh đức Phật, và trong bất cứ nước nào có đạo Phật hiện diện, lý tưởng "Vô Ngã, Vị Tha" luôn luôn là chuẩn mức của nếp sống đạo đức Phật Giáo, dù là đối với người xuất gia hay tại gia. Như chúng ta đã được biết, lý tưởng Bồ Tát của Đại Thừa Phật Giáo chỉ là sự nối tiếp của lý tưởng Vô Ngã Vị Tha đã được tìm thấy trong đạo Phật Nguyên Thủy. Trong Kinh tạng Pàli của đạo Phật Nguyên Thủy, đức Phật đã khích lệ các đệ tử của mình như sau:

"Này các Tỷ kheo, các người cần phải du hành, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc của Chư Thiên và Loài người. Các người hãy thuyết giảng Chánh pháp tuyệt diệu trong ban đầu, tuyệt diệu ở chặng giữa, tuyệt diệu ở đoạn cuối, đầy đủ trong ý nghĩa và ngôn thuyết. Các người hãy đề cao đời sống Phạm Hạnh toàn diện và thanh tịnh". (Mahavagga 19)

Ngoài ra lý thuyết "Vô Ngã" của đạo Phật còn có ý nghĩa bản thể luận và giải thoát luận rất sâu sắc. Mọi sự vật trong thế giới này là vô thường, là vô ngã, là không có thực thể, thời cứu cánh thực sự, dù là sắc đẹp lộng lẫy, dù là danh vọng cao xa, dù là tiền rừng bạc biển v.v... tất cả đều là vô thường, vô ngã, không có thực thể nội tại. Không có gì cần phải tham đắm, không có gì để vơ lấy của mình. Con người phải thấu triệt lý vô ngã là con người giải thoát, tuy sống giữa đời mà không bị đời trói buộc, với thái độ luôn luôn bình tĩnh, thanh thoát, an nhiên và tự tại.

Đức Phật được tôn thờ như một sứ giả hòa bình tuyệt diệu. Khi Du sĩ Dìghajànu hỏi Thế Tôn dạy những gì, đức Phật đã giải thích rất rõ ràng: "Theo lời dạy của Ta, giữa thế giới của Chư Thiên, Ma Vương và Phạm Thiên, trong quần chúng Sa Môn và Bà La Môn, Chư Thiên và loài người, không có sự tranh luận với một ai ở đời". (M.i 109a). Ngài lại tuyên bố thêm: "Này các Tỳ kheo, Ta không có tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Ta. Này các Tỳ kheo, một vị thuyết Chánh pháp không có tranh luận với một ai ở đời" (Tương Ưng III, 165). Đức Phật tuyên bố rất rõ ràng, mục đích thuyết pháp của Ngài là không có tranh luận với các bậc lãnh đạo các tôn giáo khác và không có tranh luận, tranh thắng trong những lời dạy của Ngài. Ngài chỉ rõ con đường thoát khỏi đau khổ, con đường đưa đến giác ngộ, giải thoát. Với những ai bị lòng sân chi phối, hệ thuộc, Ngài dạy Mettà hay lòng Từ để chinh phục lòng sân. Với những ai thiên về làm hại người khác, Ngài dạy Karunà hay lòng Bi để trở thành những người không làm hại ai. Đối với những ai không có lòng hoan hỷ trước thành công của những người khác, Ngài dạy Mudità hay lòng Hoan Hỷ để chúng biết như thế nào là san sẻ hạnh phúc đối với các người khác. Đối với những ai ai ưa thích trả thù trả oán, Ngài dạy Upekkha hay Xả để vô hiệu hóa sự hận thù của chúng. Như vậy, Ngài có những liều thuốc để chữa trị nhiều chứng bệnh tâm thần và những bệnh lý của thế giới.

Ở Việt Nam trong quá khứ, dưới hai triều đại nhà Lý và nhà Trần, có những ông vua kiêm Thiền sư như vua Trần Thái Tông, từng tuyên bố ông xem Ngai Vua như chiếc giày rách. Cháu Vua Trần Thái Tông là Trần Nhân Tông, sau khi lãnh đạo thành công trong cuộc kháng chiến thắng lợi chống quân xâm lược Nguyên Mông đã đắp áo cà sa, và trở thành vị sáng lập phái Thiền Tông Việt Nam đầu tiên gọi là Trúc Lâm Yên Tử. Vua Trần Nhân Tông có làm bài phú bằng tiếng Nôm nổi tiếng, kết thúc bằng bốn câu thơ chữ Hán, nói lên phong thái an nhiên tự tại của Vua, khi đối mặt với những thăng trầm của cuộc đời:

"Ở đời vui đạo mặc tùy duyên,
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền.
Báu sẵn trong mình, thôi tìm kiếm,
Lặng lòng đối cảnh, hỏi chi Thiền."

Hai câu cuối của bài thơ ngắn này xác chứng phong thái an nhiên tự tại của nhà Vua: "Khi đối mặt với thử thách, chúng ta giữ tâm chúng ta an nhiên tự tại". Ở đây có nghĩa là đối với tánh vô thường của thế giới khách quan, tâm nhà Vua luôn luôn an nhiên tự tại, không một chút gợn sóng. Câu này cũng nói lên một tư tưởng rất cơ bản của đạo Phật. Mỗi con người đều tự có trong mình nền móng giác ngộ được gọi là Phật tánh. Con người đã sẵn có trí tuệ giác ngộ chói sáng và bừng sáng. Như vậy con người không cần hướng ra ngoài để tìm hạnh phúc và giác ngộ.

Các thiếu sót cơ bản của con người hiện đại của chúng ta là chiều hướng đánh mất con người thật của mình, và chạy theo cái Ta giả với những khao khát, thèm muốn cuồng loạn, không bao giờ có thể thỏa mãn. Với một nếp sống văn minh vật chất rất cao, con người hiện đại sống một đời sống vật chất rất phong phú. Nhưng đời sống tinh thần và nguyện vọng tâm lý của con người không được thỏa mãn và bị dao động. Con người hiện đại luôn luôn có cảm giác bất an dao động và mất thăng bằng. Với một tâm lý như vậy rất dễ hướng dẫn nhiều người đi đến ma túy các bệnh viện tâm thần và có khi đi đến tự sát.

Dĩ nhiên đạo Phật không tán thán một đời sống túng thiếu nghèo đói và khổ hạnh. Đạo Phật cũng không đề cao một đời sống chạy theo dục vọng vật chất, thật sự đê tiện, hạ liệt và đầy thú tánh, làm con người trở thành ươn hèn về thể xác, hôn ám, ngu đần về trí tuệ. Trái lại, đạo Phật luôn luôn đề cao an lạc và hạnh phúc tinh thần, một đời sống có đạo đức cao đẹp hướng thượng, một sự rạng rỡ hạnh phúc giác ngộ và giải thóat. Đạo Phật khuyến khích mọi người trở về với con người thật của chính mình, với bản tánh chân thật của chính mình, trở về với đời sống hòa hài với xã hội, hòa hài tự mình với thiên nhiên, giữa thân với tâm, giữa từ bi với trí tuệ, giữa cảm giác với lý trí. Đạo Phật xác nhận mọi người đều có thể thành tựu một đời sống nội tâm hòa hài như vậy, nếu con người ước muốn và hành động theo lời Phật dạy, phù hợp với một nếp sống Phật giáo đầy đủ giới hạnh và trí tuệ. Một đời sống tránh xa hai sự cực đoan, một bên là hưởng thọ các dục hèn mọn hạ liệt, một bên là hành hạ xác thân, hành trì khổ hạnh, một nếp sống chói sáng trong suốt, hướng thượng, giới hạnh cao đẹp, một nếp sống mà mọi người, từ phương đông, phương tây, nam và nữ, trẻ và già, xuất gia hay tại gia đều có thể sống và hướng đến. Chính là nếp sống thánh đạo tám ngành có danh tiếng, một nếp sống bao gồm cả giới, định và tuệ.

Một đời sống đạo đức như vậy sẽ đem lại thiền định nội tâm, và một thiền định nội tâm như vậy sẽ bảo đảm sự sáng suốt của trí tuệ, và một người có trí tuệ có thể nhìn sự vật như Thật. Chính nhờ thái độ như vậy, con người có khả năng làm chủ bản thân, làm chủ sự vật khách quan, chớ không phải nô lệ cho chúng. Thật đáng tiếc, thông điệp Giới-Định-Tuệ của đức Phật đã trở thành nạn nhân của chính con người, đã bị phủ lên trên bao nhiêu lớp màn huyền bí, mê tín, dị đoan, kinh viện, khiến cho tinh thần và lời văn của bản thông điệp trong sáng và giản dị đó đã bị xuyên tạc, bóp mép, trở thành đổi khác, xa lạ với chính ngay con người.

Nay đã đến lúc các nhà học giả, các Phật tử hãy trả lại cho những nguyên lý căn bản của đạo Phật tánh trong sáng và giản dị nguyên thủy. Chính nhờ tánh trong sáng và giản dị này, các nguyên lý căn bản của đạo Phật mới có thể đi sâu vào lòng người, mới được đông đảo nhân dân thế giới tiếp thu trở thành lẽ sống căn bản của mình, biến thành những hành động về thân, về lời, về ý của mình. Chúng trở thành một sức mạnh vật chất vô địch, biến đổi thế giới chiến tranh và bất ổn này thành một thế giới hòa bình và hạnh phúc, và như vậy biến đổi kỷ nguyên thứ XXI này thành một kỷ nguyên của con người, một kỷ nguyên trong ấy các giá trị nhân bản là thước đo, là tiêu chuẩn của mọi giá trị. Hạnh phúc hay không hạnh phúc của con người sẽ trở thành sợi chỉ đỏ, con đường ranh giới, phân biệt rõ ràng thật hay giả, thành công hay thất bại, chánh kiến và tà kiến, một kỷ nguyên trong ấy con người trở thành vị quan tòa sáng suốt tối thượng, đánh giá mọi hệ thống chính trị và xã hội xem hệ thống nào là ưu việt, đầy những sức sống, hệ thống nào đã lỗi thời và phải rút lui khỏi vũ đài lịch sử.

Phương châm hướng nội, quay về với chính mình, với con người thật của mình, không được hiểu lầm là đạo Phật kêu gọi một nếp sống tiêu cực chán đời và phi xã hội. Trái lại, đó là phương châm thiết thực nhất, sống động nhất và tích cực nhất để cải tạo xã hội và thế giới. Đạo Phật cũng đã nói đến xây dựng Niết bàn ngay trên thế giới này. Toàn thể vấn đề xoay quanh câu hỏi: "Phải bắt đầu từ đâu?" Bắt đầu từ xã hội để cải tạo xã hội chăng? Bắt đầu từ thế giới để cai tạo thế giới chăng?

Đạo Phật quan niệm rằng bắt đầu như vậy là không thiết thực, như vậy là đặt cái xe trước con vật. Đạo Phật chủ trương rằng con người phải bắt đầu với chính mình, làm cho con người hoàn toàn ý thức được chính mình, con người phải hiểu chính mình thay cho đổi chính mình, tự hoàn thiện mình, tự cải tạo mình cho được tốt đẹp hơn, trong một sự chiến đấu không mệt mỏi, trong từng giờ trong từng ngày, trong toàn bộ cuộc sống của mình. Chỉ có như vậy xã hội và thế giới mới trở thành lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn và hiền thiện hơn. Nếu không có con người lành mạnh, làm sao chúng ta chờ đợi một sự quan hệ xã hội lành mạnh, thật sự đạo đức, hiền thiện và cao đẹp? Nếu những tư tưởng hòa bình, hạnh phúc, hòa hợp không có thấm nhuần sâu đậm vào trong nội tâm của mỗi con người, thời làm sao có thể chờ đợi một thế giới hòa bình, hạnh phúc và hòa hợp được?

Kính thưa quí vị,

Cho phép chúng tôi trích dẫn một vài lời dạy của Đức Phật, những lời rất đơn giản nhưng tràn đầy trí tuệ và từ bi:

"Chiến thắng sinh thù oán,
Thất bại chịu khổ đau.
Sống tịch tịnh an lạc.
Bỏ sau mọi thắng bại."
(Pháp cú 201)


Người Phật tử thấu triệt lý vô ngã, không đặt mình đối lập với một người nào khác, không tranh giành hơn thua với những người khác. Chính ở đây giải thích thái độ thăng bằng, thanh thoát, đứng lên trên tất cả, bỏ ra đằng sau mọi thắng bại. Người Phật tử xem quan trọng bậc nhất là sự chiến thắng đối với tham sân si đang tiềm ẩn trong chính mình. Người Phật tử xem chúng là những kẻ thù từ bên trong. Không những chúng làm bản thân chúng ta đau khổ, chúng còn là nguồn gốc sầu muộn và đau khổ cho người khác.

"Tự thắng tốt đẹp hơn
Hơn chiến thắng người khác.
Người khéo điều phục mình,
Thường sống tự chế ngự".

"Dầu tại bãi chiến trường,
Thắng ngàn ngàn quân địch
Tự thắng mình tốt hơn
Thật chiến thắng tối thượng".
(Pháp cú 104-103)

Để kết thúc bài thuyết trình chúng tôi muốn giới thiệu một nền trật tự đạo đức mới, được xây dựng từ những lời dạy Đức Phật, và được áp dụng trong thời điểm hiện tại, nếp sống đạo đức này sẽ làm giảm thiểu những nguy cơ một chiến tranh hạt nhân và mở đầu một kỷ nguyên trong đó hòa bình, an toàn và hòa hợp sẽ trở thành những đặc điểm thường hằng nổi bật nhất, và các giá trị con người được tán dương và tôn trọng:

Hiến dâng đời sống của chúng ta cho hạnh phúc và an lạc của mọi loài hữu tình, phục vụ cho hòa bình, giải trừ quân bị và tình huynh đệ quốc tế.

Sống một đời sống bình dị, lành mạnh và biết đủ, để hiến nhiều thì giờ, nhiều năng lực cho hòa bình và hạnh phúc của mọi loài hữu tình.

Từ bỏ mọi hành động đưa đến xung đột và chiến tranh, thực hiện mọi hoạt động đưa đến hòa bình hòa hợp và thông cảm quốc tế.

Tôn trọng đời sống của mọi loài hữu tình, tôn trọng đời sống hành tình của chúng ta, tôn trọng môi trường sống trong sạch của chúng ta.

Chung sống hòa bình, cộng đồng hợp tác, trong tinh thần hòa hợp quốc tế và tình huynh đệ con người.

 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage