Phật Học Online

Hà Nội: Quy tụ những ngôi chùa cổ nhất VN

Trong nhiều tài liệu nghiên cứu lịch sử thì vua Lý Thái Tổ - người khai sinh ra triều đại Lý và xây dựng kinh đô nước Đại Việt tại vùng đất Thăng Long có nguồn gốc liên quan đến Phật giáo, có lẽ bởi vậy mà các triều vua Lý vô cùng coi trọng Phật giáo và cùng với đó hệ thống những chùa chiền được xây dựng vào thời Lý được coi là nhiều nhất trong các triều đại phong kiến ở nước ta.


Phật giáo thời Lý được coi là Quốc giáo, những tăng sĩ có học vấn uyên thâm thường được tham gia vào công việc trọng đại của triều đình và được phong làm Quốc sư, những ngôi chùa trở thành nơi dạy học, và có những ngôi chùa vừa là nơi thờ Phật vừa là nơi hành cung của vua chứng tỏ cả vua quan, hoàng thất, nhân dân thời Lý đều tham gia việc xây dựng chùa. Bởi vậy mà kinh thành Thăng Long có thể được coi là nơi xây dựng nhiều ngôi chùa cổ thời Lý, minh chứng cho thời kỳ cực thịnh của Phật giáo trong cả nước.

Ngôi chùa được xây dựng lâu đời nhất của Thăng Long - Hà Nội và cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Việt Nam chính là chùa Trấn Quốc nằm trên đường Thanh Niên bên cạnh Hồ Tây mơ mộng. Chùa Trấn Quốc được xây dựng từ thời vua Lý Nam Đế (544 – 548) ở bãi bên sông Hồng thuộc phường Yên Hoa (nay là Yên Phụ) với tên là chùa Khai Quốc (mở nước). Nhà sư Ngô Chân Lưu Khuông Việt (933 – 1011), vị Quốc sư của triều vua Lê Đại Hành đã tu ở đây. Đến triều Lê Thái Tông thế kỷ 15, chùa được đổi tên là chùa An Quốc. Năm 1615, bãi sông Hồng bị lở nên dân đã dời chùa về đảo Kim Ngư (đảo Cá Vàng) chính xưa là nền cũ của cung Thúy Hoa nhà Lý và điện Hàm Nguyên thời Trần. cuối thể kỷ 17, đời vua Lê Hy Tông mới có tên là chùa Trấn Quốc.

Chùa Trấn Quốc

Chùa có quy mô lớn và trong câu mở đầu tấm bia đá là năm Dương Hòa thứ 5 (1693) do trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính soạn đã ghi lại "Quý thay chùa Trấn Quốc, là cảnh đẹp phủ Phụng Thiên, danh lam miền kinh địa... Chùa được xếp vào hàng thứ tư của nước Nam". Chính năm này, chúa Trịnh cho sửa lại chùa, xây dựng Tam quan và hành lang hai bên, trồng sen quanh chùa và biến nơi thờ cúng thành hành cung riêng của nhà chúa. Đây là nơi các chúa Trịnh thay phiên nhau tới vui chơi hưởng lạc nhất là vào thời chúa Trịnh Giang và Trịnh Sâm.

Vào năm Bính Ngọ (1786) nhờ có nghĩa quân Tây  Sơn ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh” thì Lê Chiêu Thống mới dẹp được họ Trịnh. Y đã cho nổi lửa thiêu hết tất cả các đền đài, cung điện của nhà chúa. Chùa Trấn Quốc may mắn đã được hàng ngàn người dân trong vùng kéo đến trấn giữ quanh chùa và cho rằng họ Trịnh chiếm chùa của dân để làm hành cung, nay phải trả lại cho dân làm nơi thờ Phật. Vì vậy mà những căn phòng làm cho bọn hoạn quan và cung nữ ở bị phá sạch.

Cũng từ đó, nơi đây trở lại chốn trang nghiêm, thanh tịnh. Một số cung nữ bị vùi dập trong cung cũng đã cắt tóc đi tu tại chùa này. Cuối thế kỷ 18, chùa bị đổ nát, dân làng đã sửa chữa, đắp tượng, đúc chuông và công việc kéo dài tới 2 năm. Năm 1842, vua Nguyễn là  Thiệu Trị ra Bắc Hà, tới thăm chùa và đổi tên chùa thành Trấn Bắc nhưng tên này không được nhân dân chấp nhận mà vẫn giữ nguyên cách gọi tên Trấn Quốc.

Khu vườn tháp trong chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc cũng có kiến trúc khá đặc biệt so với những ngôi chùa khác. Ngay con đường dẫn vào cổng chùa là  khu Vườn tháp. Trong khu Vườn tháp này có nhiều ngôi tháp cổ từ thời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng thế kỷ 18. Cổng chùa có ba chữ “Phương tiện môn”, tiếp đến nhà Bái đường ở phía trước, sau đó đến Tam bảo, còn hành cung thập điện và gác chuông lại ở phía sau. Đó thực sự là một ngôi chùa đẹp, có lịch sử lâu đời ngay trong lòng Thủ đô Hà Nội.

Cũng tại vùng đất Thăng Long này, một ngôi chùa có kiến trúc rất đặc biệt được xây dựng thời kỳ đầu nhà Lý và trở thành một biểu tượng chùa độc đáo của nước ta, đó là chùa Một Cột.

Chùa nằm trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thǎng Long thời Lý, nay thuộc phố chùa Một Cột, quận Ba Đình - Hà Nội, ở bên phải Lǎng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

chumotcot.jpg

Chùa Một Cột

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa được xây dựng vào nǎm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo năm thứ nhất (1049) đời Lý Thái Tông. Mùa đông tháng 10 dựng chùa Diên Hựu. Trước đây vua Lý Thái Tông chiêm bao thấy Phật Quan Âm trên toà sen đưa tay dắt vua lên toà. Khi tỉnh dậy, vua kể lại cho các quan nghe, có người cho là điềm không lành. Sư Thiền Tuệ khuyên nhà vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa hồ, làm toà sen của Phật Quan Âm như đã thấy trong mộng. Chùa xây xong, cho các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa niệm Phật cầu phúc cho vua sống lâu, vì thế đặt tên là chùa Diên Hựu. Thời Lý đó là một cụm kiến trúc gồm ngôi chùa và tòa đài xây dựng giữa hồ vuông. Đài này lâu nay người ta quen gọi là chùa Một Cột – hình vuông đặt trên cột đá hình trụ. Trên cửa Phật đài có biển đề “Liên hoa đài” (Đài hoa sen) ghi nhớ lại sự tích nằm mộng của vua Lý dẫn đến việc xây chùa.

Theo văn bia chùa Đọi tạc năm 1121 thì hình ảnh ngôi chùa Một Cột thời Lý huy hoàng hơn nhiều: “Đào hồ thơm Linh Chiểu, giữa hồ vọt lên một cột đá, đỉnh cột nở đóa sen nghìn cánh, trên bông sen dựng riêng một tòa điện màu xanh, trong điện đặt pho tượng vàng tài năng nhân đức, vòng quanh hồ là dãy hành lang, tường vẽ; lại đào ao Bích Trì bao quanh; mỗi bên đều bắc cầu vồng để đi qua. Phía sân cầu đằng trước, hai bên tả hữu xây dựng bảo tháp lưu ly”.

Như vậy kiến trúc chùa Một Cột thời Lý là một dạng kiến trúc chùa biểu tượng của Phật giáo chứ không phải kiến trúc chùa thông thường.

Năm 1080, mùa xuân tháng 2, vua lệnh đúc chuông cho chùa Diên Hựu. Đó là một quả chuông rất lớn. Người ta nói phải dựng cả một tòa phương đình cao 8 trượng (20 -25m) xây bằng đá xanh để treo chuông. Nhưng chuông đánh không kêu nên chẳng được treo mà để ở ngoài ruộng chùa. Ruộng ấy thấp lầy, có nhiều rùa gọi là Quy Điền cho nên chuông chùa Một Cột đặt ở đó cũng gọi là chuông Quy Điền. Tuy nhiên đến năm 1427, giặc Minh đang bị nghĩa quân Lam Sơn giam hãm trong thành đã phá hủy chuông để lấy đồng đúc súng đạn.

Chùa Một Cột hiện nay được xây dựng trên một cái cột đá tròn cao 4m và có hệ thống khung gỗ chống đỡ. Toàn bộ ngôi chùa được làm bằng gỗ, hình vuông, mỗi cạnh dài 3m. Chùa được đặt giữa hồ vuông có tường thấp bao quanh và có chiếc thang xây bằng gạch và vữa để dẫn lên chùa. Còn chiếc ao tròn bọc ngoài với các đường hành lang, có cầu bắc qua và tháp lợp ngói sứ trắng đều không còn gì cả. Năm 1954 trước khi rút ra khỏi Hà Nội, quân đội Pháp đã cho nổ mìn phá hủy Liên Hoa Đài.Ngôi chùa Một Cột hiện nay ta nhìn thấy là kết quả của quá trình tu bổ do Chính phủ làm lại khi tiếp quản thủ đô năm 1955.

Cũng có một ngôi chùa có lịch sử gần 1000 năm tuổi khác có tên là chùa Láng, gắn liền với một huyền thoại hoang đường mang đầy triết lý Phật giáo: kiếp trước, kiếp sau, luân hồi, nhân quả…

Chùa Láng xưa

Chùa nằm trên đất Láng thượng, trước kia thuộc huyện Thanh Trì rồi đến huyện Từ Liêm, nay ở trong phường Láng thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Nguyên đây là đất trại Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận xưa, ngay trên nền nhà cũ của cha mẹ Từ Đạo Hạnh là ông Từ Vinh và bà Nguyễn Thị Loan. Chùa còn có tên khác là Chùa Cả và tên chữ của chùa là Chiêu Thiền Tự. Chùa còn được tạo dựng từ thời vua Lý Thần Tông (1128 - 1138).

Xa xưa tương truyền, thời Lý có nhà sư Từ Đạo Hạnh tu đắc đạo, pháp thuật cao, hoá kiếp tại chùa Thầy nay thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội, được Đại Điện giúp đầu thai làm con trai Sùng Hiền Hầu (em ruột Lý Nhân Tông). Vua Lý Nhân Tông không có con trai nên khi về già lập con trai của Sùng Hiền Hầu tức Từ Đạo Thành làm thái tử, sau này là vua Lý Thần Tông (kiếp sau của Từ Đạo Hạnh). Khi cha mất, Lý Anh Tông (con Lý Thần Tông) đã xây chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha (Lý Thần Tông) và Từ Đạo Hạnh. Cũng chính vì vậy mà giữa chùa Láng và chùa Thầy có mối liên hệ với nhau, cùng mở hội một ngày: “Nhớ ngày mồng bảy tháng ba/ Trở về hội Láng trở ra hội Thầy”.  Như vậy, chùa được xây dựng từ thế kỷ XII. Qua nhiều lần trùng tu mà hai lần sửa chữa lớn là vào giữa thế kỷ 16 và giữa thế kỷ 19 khiến chùa có diện mạo như ngày nay.

Chùa Láng có một kiến trúc khá độc đáo mang dáng dấp cung đình. Chiếc cổng vào bằng gạch xây với bốn cột vuông vút cao gắn ngang sườn ba chiếc mái cong, chiếc mái giữa cao hơn hai bên.

Qua một sàn lát gạch Bát Tràng là đến Tam quan mở ra con đường lát gạch hai bên có tường hoa dẫn đến nhà phương đình hình bát giác, nơi đặt tượng “Thánh” làm lễ trong ngày hội Láng. Phía sau là chùa chính bề thế và phóng khoáng trong không gian yên tĩnh, thanh tịnh.

Trong chùa ngoài tượng Phật còn có hai dãy Thập điện Diêm Vương diễn tả các hình phạt đối với kẻ ác khi xuống Âm phủ. Đặc biệt là có hai pho tượng: một của Từ Đạo Hạnh đan bằng mây phủ sơn ta, một của vua Lý Thần Tông bằng gỗ với sự tích hoang đường là kiếp sau của Từ Đạo Hạnh.

Như vậy, có thể điểm qua một số ngôi chùa cổ có nguồn gốc từ thời Lý, đó là những ngôi chùa được xây dựng ngay tại kinh thành Thăng Long, nơi phát triển về mọi mặt đời sống trong đó có cả đời sống tín ngưỡng – tôn giáo của người dân. Những ngôi chùa cổ đó đều do các tầng lớp vua chúa, quan lại có công xây dựng và tu sửa nên quy mô của chúng là khá lớn. Mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu, những ngôi chùa cổ không còn giữ được vốn nguyên gốc như ban đầu nhưng chúng vẫn được coi là những di tích có giá trị đặc biệt trong dịp kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Vietbao (Theo: Người Hà Nội)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage