Phật Học Online

Nghĩ về hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam
Thích Nhật Từ

1. Giáo dục Phật giáo là gì ?

 Giáo dục học là khoa học về việc giáo dục con người, khoc học về sự huấn luyện đạo đức, huấn luyện trí tuệ và hình thành nhân cách con người. Giáo dục là khoa học của các khoa học, đào tạo nên tất cả ngành nghề trong xã hội.

  Từ gốc độ xã hội học, giáo dục là quá trình hành thành con người dưới tác động của môi trường xã hội và thực tại xung quanh con người.

 Từ gốc độ giáo dục học, giáo dục là quá trình hình thành có mục đích và hệ thống những sức mạnh về thể chất và tinh thần của con người, cho từng cá nhân, nhằm xây dựng một cộng đồng xã hội có vằn hóa, đạo đức, an bình và thịnh trị.

 Từ gốc độ Phật giáo, giáo dục không chỉ là sự dạy và học mà còn là quá trình chuyển hóa nội tại, cải tạo cái xấu, bồi dưỡng và phát huy cái tốt, trang bị cho mỗi cá nhân những nhận thức chánh kiến, đức tin chân chánh, những phẩm chất tâm linh, ý chí và đạo đức nhân bản và siêu thế, để họ làm hành trang tư lương cho đời sống an lạn, hạnh phúc cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội. Giáo dục Phật giáo nhằm trang bị và hoàn bị cho con người những kiến thức cần phải có, vạch trần bộ mặt của hiện thực khổ đau và con đường hướng đến sự diệt tận khổ đau. Đó là nền giáo dục về hiện thực, thể nghiệm hiện thực, nhận chân hiện thực và vượt lên trên mọi ràng buộc đối đãi của hiện thực, để trở về và thể nhập hiện thực như thị.

2. Hệ thống giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 Trong các ban ngành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay và ngay cả các ban ngành thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong các chính thể trước đều xem trọng và đặt ngành giáo dục lên vị trí hàng đầu, vì tính quan trọng vô song của nó trong chiến lược duy trì, củng cố và phát huy Giáo hội, góp phần làm đẹp nền giáo dục nước nhà.

 Hệ thống giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay được xây dựng trên tinh thần của hiến chương Giáo hội về ngành giáo dục, có thể cụ thể hóa thành 3 hệ như sau:

 (a) Hệ giáo dục phổ cập:

  Đây là hệ giáo dục Phật học dành cho Phật tử tại gia, bao gồm các trung

 tâm thuyết pháp, giảng dạy giáo lý trên tòan quốc, cho mọi đối tượng, trình độ và giới tính. Hệ giáo dục phổ cập chỉ nhằm đáp ứng những gì phổ thông và phổ quát nhất cho các Phật tử, chưa có điều kiện đáp ứng theo nhu cầu cho từng lứa tuổi, giới tính và trình độ, vì phổ cập chỉ hàm ý là những gì chung nhất, cần thiết nhất mà mọi người cần phải có, để sống và làm việc đúng chánh pháp. Chắc chắn rằng trong tương lai gần với sự đổi mới khế cơ, khế thời của Đại hội 4 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngành giáo dục Phật giáo  sẽ đầu tư nghiêm túc vào hệ giáo dục phổ cập này bằng cách thích ứng kịp thời sọan thảo nhiều chương trình học khác nhau, phù hợp từng đối tượng, trình độ. Giáo hội nên biên soạn giáo án mang tính sư phạm và khoa học cho thiếu nhi, cho thanh thiếu niên, cho thanh niên, cho người có tuổi, cho người mới theo Đạo và cho người mới phát tâm. Sự thích hợp từng lưới tuổi, trình độ và giới tính là tính sư phạm cần thiết, góp phần làm tăng hiệu quả giảng dạy của giảng sư, pháp sư, giáo lý viên cũng như hiệu quả tiếp thu của học viên hay người nghe. Đó là những vấn đề bức xúc hiện nay, cần được quan tâm và thực hiện.

 (B) Hệ giáo dục cơ bản Phật học:

 Hệ giáo dục này dành cho đối tượng là các Tăng Ni sinh với trình độ thế học tối thiểu là lớp 9. Hiện nay trên trên toàn quốc có trên 30 trường cơ bản Phật học. Về chương trình, giáo dục cơ bản Phật học hiện nay bao gồm Sơ đẳng và Trung đẳng Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước 1975 và thời gian học được rút ngắn từ 8 đến 9 năm thành 4 năm như hiện nay. Cơ bản nên được hiểu không phải là những cái sơ cơ hay sơ đẳng mà là những gì thiết yếu nhất và phổ quát nhất trong Phật giáo như giới thánh uẩn, định thánh uẩn, tuệ thánh uẩn, giải thoát và giải thoát tri kiến. Các môn học của kinh tạng Pali như Tiểu bộ kinh ( năm thứ nhất ), Trường bộ kinh ( năm thứ hai ) Tăng chi bộ kinh ( năm thứ ba ), Kinh Na-tiên Tỳ-kheo ( năm thứ tư ) và Kinh tạng Bắc tông như Kinh Bách dụ, Kinh Bát đại nhân giác, Kinh Thập thiện, Kinh Lăng nghiêm, Kinh Kim cang bát-nhã, Duy thức cương yếu, Luận Phật thừa tông yếu, Luật Sa-di, Luật Tỳ-kheo, Luật Bồ-tát v.v... đều nhấn mạnh đến giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến này. giáo dục cơ bản Phật học là nền giáo dục đặt trọng tâm vào năm thánh uẩn ấy để tạo cho Tăng Ni sinh nền tảng văn huệ, tư huệ, tu huệ, hướng đến đời sống thanh tịnh và giải thoát cho tự thân, tha nhân và cộng đồng xã hội.

 Tuy vậy, Ban giáo dục vẫn chưa quan tâm đúng mức về tính nhất quán của giáo án, tính sư phạm của giáo án và các phương tiện tham khảo, nghiên cứu và thư viện cho Tăng Ni sinh. Sự kiện này có thể đã làm phát sanh việc lý giải chánh pháp theo quan điểm cá nhân của giáo sư và giảng viên, từ đó dẫn đến mâu thuẩn,làm hoang mang Tăng Ni sinh: họ không biết phải theo hệ tư tưởng của giáo sư hay giảng viên nào và không theo hệ tư tưởng nào. Ngả ba tư tưởng là đầu mối của sự nghi ngờ và làm suy giảm đức tin chánh pháp, tổn thương cho việc hành trì, tu tập và do đó cần phải được loại ra khỏi hệ thống giáo dục cơ bản Phật học.

(C) Hệ giáo dục Đại học Phật học:

 Đây là hệ giáo dục Phật học chuyên sâu cho các Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp Cơ bản Phật học. Thời gian học là 4 năm và trình độ tốt thiểu để được thi tuyển là lớp 12 phổ thông hoặc tương đương. Hệ giáo dục Đại học Phật giáo hiện nay, do điều kiện khách quan của xã hội Việt Nam, chỉ mới đào tạo cấp Cử nhân Phật học và giới hạn trong đối tượng Tăng Ni sinh. Một sinh viên tốt nghiệp cử nhân Phật học sẽ được trang bị các kiến thức cần thiết về Kinh, Luật, Luận quan trọng của Đại thừa, Tiểu thừa, Nhất thiết hữu bộ, và các bộ môn ngoại điển như Triết học, Tâm lý học, Thẩm mỹ học, Sinh thái học, Quản trị học, Lôgíc học, Văn học Việt Nam, Văn minh Việt Nam, Lịch sử Việt Nam và thế giới v,v...

 Tri thức cần thiết như vậy giúp các Tăng Ni sinh viên, sau khi tốt nghiệp, có thể trước tác, dịch thuật, giảng dạy, góp phần hoàn bị sứ mạng giáo dục phổ cập và cơ bản Phật học. Tuy nhiên, hiện nay, hệ giáo dục Đại học Phật học vẫn còn nhiều hạn chế như cơ sở vật chất, giới hạn về số lượng và đối tượng đào tạo, nhất là chưa vạch được phương hướng cụ thể cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp. Có thể nhận xét rằng chương trình còn quá nặng nề, cồng kềnh và chưa đi sâu vào từng phương diện hiện đại của các vấn đề Phật học như các trường Đại học Phật giáo của Tích Lan và Thái Lan đã làm. Học nhiều môn trong một năm như hiện nay chỉ giúp cho sinh viên hiểu biết rộng từ kiến thức truyền đạt của Thầy giáo nhưng không giúp cho sinh viên có đủ thời giờ để chuyên sâu vào những vấn đề đã được học hỏi trong lớp. Đó là lối học nhồi nhét, giết chết tư duy và sáng tạo của sinh viên, làm cho sinh viên phải an phận với những kiến thức vô cùng hạn chế của trường lớp, không tiến xa được trong nghiên cứu và trước tác. Chúng tôi thiết nghĩ, trường nên cải cách chương trình hiện nay, bằng cách giảm bớt các môn học đi học lại nhiều lần trong bốn năm. Trường nên tổ chức các nhóm chuyên ngành sau năm thứ hai nhằm tăng cường các môn học liên hệ với các khoa học hiện đại như triết học Phật giáo, tâm lý học Phật giáo, giáo dục học Phật giáo, đạo đức học Phật giáo, xã hội học Phật giáo, thẩm mỹ học Phật giáo, nghệ thuật, kiến trúc Phật giáo, quản trị học Phật giáo, kinh tế học Phật giáo, chính trị học Phật giáo v.v...Được như thế, công việc giáo dục của trường sẽ tiến xa hơn, sẽ đào tạo nhiều nhân tài cho Giáo hội hơn.

 Ngoài ra, trường cũng nên biên soạn quyển ‘’Sở tay trường Đại học Phật học Việt Nam’’, giới thiệu về trường. 

Nội dung sổ tay có thể bao gồm các vấn đề sau:

Lịch sử thành lập và mục đích của trường.

Hệ thống hành chánh của trường như Ban giám hiệu, Ban giảng huấn và văn phòng hành chánh.

* Chương trình cử nhân Phật học:

 -Tuyển sinh và thi cử.

 -Chương trình học trọn khóa.

 -Nội dung học của từng môn.

 -Sách tham khảo cho từng môn

* Chương trình Cao học Phật học:

 -Tuyển sinh và thi cử.

 -Chương trình học trọn khóa.

 -Nội dung học của từng môn.

 -Sách tham khảo cho từng môn.

 -Qui định về luận văn tốt nghiệp.

*Chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ:

 -Chế độ tuyển sinh.

 -Thời gian ghi danh.

 -Yêu cầu bản tóm tắt về chương trình nghiên cứu của luận án.

 -Qui định về nội dung của luận án.

 -Chế độ thi cử và phát văn bằng.

3. Những yêu cầu cơ bản của giáo dục Phật giáo.  

 Để đạt được những mục tiêu giáo dục trên, hệ thống giáo dục Phật giáo cần thực hiện những yêu cầu căn bản sau:

 (1) Mô phạm và thân giáo. 

 Người thầy giáo Phật học không chỉ lấy tri thức Phật học truyền trao cho Tăng Ni sinh mà còn phải lấy năng lực, phẩm chất đạo đức và phạm hạnh của mình truyền trao cho Tăng Ni sinh, mà thuật ngữ Phật học gọi là thân giáo.

 Thân giáo có thể được xem như bài học giáo dục thâm thúy nhất và thiết thực nhất. Sự phạm hạnh và thanh tịnh của người thầy có sức tác động mạnh vào tâm thức Tăng Ni sinh, khiến họ phát khởi chánh tín, làm trổi dậy hạt bồ-đề, làm động lực cho sự tu tập...Tất cả hành vi thân giáo của người thầy như cách đi, đứng, nằm, ngồi, cho đến mặc áo, ăn cơm, rửa mặt v.v... là những giáo huấn sinh động, không thể tìm thấy qua ngôn ngữ văn tự trong trường lớp.Và do đó, có thể nói sự mô phạm hay thân giáo của người thầy Phật học được đánh giá rất cao và đóng vai trò quan trọng trong sự tu học của Tăng Ni sinh.

 (2) Khế lý và khế cơ.

 Khế lý và khế cơ là hai yêu cầu cơ bản của nền giáo dục Phật học. Khế lý là sự trao truyền xác hợp với chân lý Phật-đà và xiển dương chánh pháp đúng với bản chất của chánh pháp, không vì lý do gì lại nói trái với chánh pháp. Thệ hiện khế lý là nhằm đào tạo cho Tăng Ni sinh đức tính chánh ngữ, bi-trí-dũng, hay đức vô sở úy vì sự hoằng truyền chánh pháp. Khế cơ là sự truyền dạy xác hợp với căn cơ, đối tượng, nhằm xác lập chánh kiến, chánh tư duy cho Tăng Ni sinh. Khế cơ đóng vai trò quan trọng, vì nó xác định rõ yếu tố khế lý kia là để phục vụ cho ai. Giáo dục Phật giáo là nền giáo dục phục vụ nhân bản. Có khế lý mà thiếu khế cơ thì mục đích dục phục vụ đó không thể thành tựu được.

 Để đạt được yêu cầu khế lý và khế cơ, người thầy giáo Phật học phải thấu triệt những vấn đề Phật học, nắm rành tâm lý học tăng và nhất là phải chủ động trong việc triển khai, giảng dạy thật linh động. Không phải biết cái gì thì dạy cái đó, mà chỉ dạy những gì cần thiết cho căn cơ đối tượng. Sự thích hợp với căn cơ đối tượng như vậy mới thật sự là giáo dục sư phạm Phật học.

 (3) Sư phạm.

 Sư phạm là quá trình khoa học của giáo dục, được thể hiện và đánh giá qua sự vận dụng quy luật trong quá trình dạy học và còn là yếu tố không thể thiếu trong việc thành tựu khế lý và khế cơ.

 Đối tượng của thầy giáo là con người và do đó đối tượng của người thầy Phật học là Tăng Ni sinh. Muốn giáo dục con người thì người thầy phải biết thuyết phục, nêu gương, đồng thời tổ chức các hoạt động thực tiễn để cho các học viên có dịp rèn luyện. Tính khoa học trong giáo dục sư phạm Phật học được thể hiện cách chính xác, hợp lý khi nó xác hợp với các quy luật phát triển của lưới tuổi và đặc điểm của đối tượng.

 Sư phạm trong giảng dạy Phật học thật chất là một nghệ thuật truyền trao chánh pháp và huấn luyện trí tuệ, đạo đức một cách hữu hiệu. Đây là nghệ thuật đòi hỏi nhiều ở sự nổ lực tự trau dồi của người thầy nhiều hơn bất cứ nghề nào khác.

 Tính sư phạm hay nghệ thuật giảng dạy trước hết thể hiện ở khả năng diễn đạt, trình bày kiến thức và các tư tưởng một cách nhẹ nhàng, thoải mái, giản dị, gần gủi mà đạt được tác dụng giáo dục sâu sắc. Cái đó Phật giáo gọi là ngữ biện tài và nghiã biện tài.

 Ngự biện tài là nghệ thuật sư phạm Phật học còn được thể hiện ở khả năng sử dụng lời nói, điêu luyện giọng nói, chỉnh lý tốt oai nghi, dáng điệu, nét mặt, cách đi, cách đứng, cách nhìn và cả cách ngồi nữa. Thiếu những cái đó thì khó có thể trở thành nhà giáo dục Phật học giỏi được, nghiã là khó có thể thành tựu được ngữ biện tài.

 Ngòai ra, người thầy giáo Phật học còn phải biết phát huy đồng bộ sức mạnh của các yếu tố giáo dục, tự giáo dục, di truyền ( hay chủng tử câu sanh ) và hoàn cảnh. Có như vậy, mục đích giáo dục Phật học mới mong thành tựu mỹ mãn như trận mưa thấm nhuần và nuôi lớn các loại cỏ cây được.

4. Những yêu cầu đối với người thầy giáo Phật học.

 Nếu giáo dục được quan niệm như một nghề thì nghề giáo dục được xem là nghề sáng tạo ra các ngành nghề trên trái đất. Chính vì thế, nhà giáo dục Phật học trước tiên phải tự giáo dục và hoàn thiện chính mình bằng các yêu cầu sau:

 (1) Thẩm thấu chánh pháp, phạm hạnh thanh tịnh.

 Đây là yêu cầu quan trọng bẫc nhất của một nhà giáo dục Phật học. Thẩm thấu chánh pháp tức là sự giác ngộ chân lý Phật đà; sống, làm việc và giáo dục theo chân lý Phật đà. Thẩm thấu chánh pháp tức là quán triệt tinh thần nội điển-kinh luật luận của ba hệ giáo lý Đại thừa, Tiểu thừa và Nhất thiết hữu bộ mà thuật ngữ Phật giáo gọi là yêu cầu về nội minh. Thẩm thấu chánh pháp hay nội minh là một trong những yếu tố quan trọng trong ngũ minh của Phật giáo Đại thừa. Quán triệt nội minh là điều kiện tất yếu giúp cho mục đích giáo dục chánh kiến được thành tựu trọn vẹn.

 Thẩm thấu chánh pháp đối với người thầy giáo Phật học là một đòi hỏi rất lớn và cần thiết, và không chỉ dừng lại ở đó, người thầy giáo Phật học còn phải là người gương mẫu trong việc ứng dụng có hiệu quả những thức ăn chánh pháp vào đời sống thường nhật của mình. Bản thân người thầy giáo Phật học phải là điểm sáng về ‘’hạnh giải tương ưng’’ hay ‘’tri hành hợp nhất’’. Người thầy Phật học không thể là một khối rỗng của tri thức mà là một khối đặc của hành trì. Người thầy Phật học phải là một hành giả, một nhà tu tập, thể nghiệm chánh pháp. Chính những yêu cầu đó tạo nên phạm hạnh thanh tịnh nơi thân tâm người thầy Phật học và tỏa sáng qua tâm linh và sự tu học của Tăng Ni sinh.

 Người thầy giáo Phật học phải hội đủ sự giác ngộ lý tưởng Phật giáo cao độ, có đạo đức phạm hạnh trong sáng và đức từ ái bao la đối với tất cả chúng sinh. Giác ngộ lý tưởng Phật giáo cao độ tạo cho người thầy giáo Phật học tinh thần vô sở úy trước những bạo lực, uy quyền, trước những bất công; làm sống dậy khả năng đề kháng; rửa sạch những nhận thức, chủ trương sai lầm, trái với bốn thánh đế, tám chánh đạo, nhân quả, duyên khởi, vô ngã và trung đạo... trong lãnh vực văn hóa và tư tưởng. Sứ mạng cải tạo tư tưởng, văn hóa xã hội của người thầy Phật học chỉ có thể đạt được khi người ấy thẩm thấu chánh pháp, có phạm hạnh thanh tịnh và truyền trao chánh pháp bằng bầu nhiệt huyết từ bi, vô ngã của mình. Chính vì thế, ảnh hưởng chánh kiến đa văn, phạm hạnh, đạo đức, uy tín và sự gương mẫu của người làm công tác giáo dục Phật học là một sức mạnh mà không có sách sư phạm nào, không có châm ngôn đạo đức nào hay ngay cả sự khuyến khích và trừng phạt nào có thể sánh ví, thay thế được.

 (2) Quán triệt ngoại minh.

 Ngoại minh là thuật ngữ Phật học dùng để chỉ cho sự sư thông suốt các môn thế học. Hay nói khác hơn, đây là nhu cầu về trình độ học vấn toàn diện, có chiều sâu lẫn chiều rộng đối với nhà giáo dục Phật học.

 Ngày nay, trước sự phát triển tranh minh của khoa học và học thuật, Phật giáo được nhận định như là tôn giáo của khoa học và triết học. Để việc truyền bá Phật học có hiệu quả, nhà giáo dục Phật học phải lão thông các vấn đề khoa học lẫn triết học. Sử dụng ngôn ngữ khoa học và triết học để triển khai Phật giáo thì người tiếp thu sẽ thấy dễ hiểu và thâm tín hơn. Đây chính là yêu cầu cơ bản của ngữ biện tài: ngôn ngữ được trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng chân lý chứa đựng trong đó chỉ là một. Kiến thức Phật học mà các Tăng Ni sinh lãnh nạp được từ một trường Phật học chỉ thuần nội điển không đủ để làm hành trang giáo dục tha nhân trong thời đại khoa học mới. Người thầy giáo Phật học phải trang bị cho mình và Tăng Ni sinh những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về triết học, tôn giáo học, khoa học tự nhiên, tâm lý học, sư phạm học, giáo dục học, văn minh Việt Nam và thế giới v,v,...

 Các Tăng Ni sinh cũng như sinh viên Phật học ngày nay không thể chỉ thoả mãn những kiến thức thuần nội điển, mà đòi hỏi nhiều kỹ năng về các khoa học liên hệ. Các đòi hỏi chính đáng đó còn do ai, nếu không phải là người thầy giáo Phật học phải có trách nhiệm giải đáp, truyền thụ cho họ về những vấn đề đó, dù ở mức độ nhất định.

 Người giáo viên Phật học phải hiểu biết nhiều hơn những cái được yêu cầu truyền thụ cho Tăng Ni sinh theo chương trình Phật học viện qui định. Thực tế cho thấy không có một môn học nào được giảng dạy mà lại không sử dụng những dữ liệu của các ngành học kế cận, ngay cả ngôn ngữ rút ra từ cuộc sống hiện thực và từ các lãnh vực tri thức khác nhau. Huống hồ Phật giáo, nền giáo dục đậm tính triết lý, thâm thúy cao sâu, nếu thiếu những kiến thức cơ bản về ngoại minh thì khó mà tiếp cận chính xác được. Thuật ngữ Phật học là ngôn ngữ đặc thù của Phật giáo, sâu sắc, khó hiểu, cần được chuyển thể qua ngôn ngữ khoa học, triết học, văn học bác học lẫn bình dân, để phổ cập cho tất cả đối tượng. Và như vậy, việc giáo dục Phật học sẽ được lan rộng, lớn mạnh và hiệu quả hơn.

 (3) Nghiệp vụ sư phạm và sáng tạo.

 Yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục Phật học, truyền trao chánh pháp đến với mọi giới theo những điều kiện mới trước sự tiến bộ gia tốc của xã hội, đòi hỏi nhà giáo dục Phật học phải không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm và tính sáng tạo trong nghệ thuật sư phạm của mình.

 Phương hướng giảng dạy sư phạm và sáng tạo của người thầy giáo Phật học có ý nghiã sâu sắc và liên hệ mật thiết với tiềm lực tri thức, trí tuệ và đạo đức tu tập. Đó là mối liên hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức, ngôn từ và hiện thực, tri và hành. Nghệ thuật sư phạm là nghệ thuật của sự lựa chọn có tính sáng tạo. Lựa chọn càng thiện xảo thì tác dụng giáo dục hay khế lý càng cao. Muốn hiệu quả sư phạm càng cao thì người thầy Phật học phải thường xuyên nghiên cứu, hoàn bị cho mình trình độ lý luận và kinh nghiệm giảng dạy, bằng cách nghiên cứu các thành tựu của các khoa học, tâm lý  lứa tuổi, sinh lý học và phương pháp giảng dạy bộ môn... từ những tác giả Phật học và thế học có uy tín trong lãnh vực chuyên môn trong cũng như ngoài nước và đặc biệt là kinh nghiệm giáo dục Phật học ở các nước Phật giáo tiên tiến.

 Tất cả những tham khảo và nghiên cứu này giúp người thầy giáo Phật học nâng cao trình độ lý luận về khoa học giáo dục Phật học của mình trong sứ mạng truyền trì huệ mạng, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.

 ‘’Biết mười dạy một’’ hay ‘’những gì Như Lai giảng dạy như những chiếc lá trong lòng bàn tay, so với những chiếc lá trong rừng’’ là những qui luật có ý nghiã sư phạm sâu sắc, đáng cho chúng ta lấy làm phương châm để giáo dục Phật học có hiệu quả. Giảng dạy trường giang đại hải, không giới hạn, không chọn lọc và có tính sáo mòn, chẳng những không có ích cho học tăng mà còn làm cho họ rối lên, dẫn đến sự thối thất trong văn huệ, tư huệ và tu huệ, là điều cần phải tránh đối với nhà giáo dục Phật học sư phạm. Người thầy giáo Phật học phải biết lựa chọn và truyền dạy những gì cần thiết nhất trong biển pháp Phật học mênh mông để học viên có thể ứng dụng thiết thực trong đời sống, đem lại hiệu quả cao trong việc tu học, chứ không phải là nhà thuyết trình, nhồi vào tâm trí học viên hết những gì mình học được qua năm tháng đa văn và tu tập.

5. Mục đích của giáo dục Phật giáo.

 Đối với Phật giáo, mục đích giáo dục không phải là điểm dừng mà là điểm xuất phát của quá trình giáo dục. Mục đích giáo dục Phật học chính là toàn bộ giáo dục được đầu tư bàng chất xám, phương pháp sư phạm và lòng nhiệt tâm của người thầy, và kết quả là, đào tạo một mẫu Tăng Ni sinh lý tưởng nhất của giáo hội ở một giai đoạn lịch sử nhất định.

 Mục tiêu giáo dục Phật học cần đạt được là trang bị cho Tăng Ni sinh thế giới quan, nhân sinh quan Phật giáo; có đạo đức phạm hạnh, có văn huệ, tư huệ, tu huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến; lột bỏ mọi kiến hoặc, tư hoặc; hành thành chánh kiến giải thoát. Mục tiêu giáo dục Phật học là đòi hỏi rất lớn, quyết định suốt cuộc đời giác ngộ chính mình hiện tại và tha nhân ở tương lai. Giác ngộ chính mình là tự giáo dục, giác ngộ tha nhân là tha giáo dục.

 Tự giáo dục :

Bằng trí tuệ và phạm hạnh của mình, người thầy giáo Phật học phải huấn luyện và đào tạo cho Tăng Ni sinh sự tự giáo dục chính họ. Các thầy giáo Phật học là tấm gương để họ noi theo. Tự giáo dục là quá trình đòi hỏi mỗi cá nhân phải tự giác trau dồi tam tuệ học, xóa bỏ tam độc, hướng đến tam giải thoát. Trong quá trình này, người thầy giáo Phật học phải nhấn mạnhvà làm nổi bật được ‘’hiện thực khổ đau đang khống chế con người là do vô minh, tham chấp và phiền não’’, mà sự đạt được hạnh phúc, an lạc phải do tự mỗi người thực hành lời Phật dạy, thông qua con đường bát chánh, hay nói khác là nhận thức rõ tứ đế và mười hai nhân duyên. Mỗi người phải áp dụng lời Phật dạy trong cuộc sống để làm ốc đảo giải thoát cho chính mình. Hãy thắp sáng ngọn đuốc giải thoát bằng chính sự tu tập của mình, như đức Phật đã dạy:

 Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật .

 Trong lộ trình giác ngộ, các con hãi tự mình thắp đuốc lên mà đi.

 Trong đại dương luân hồi, các con hãy tự mình lội vào bờ giải thoát.

 Các con là hải đảo của chính mình.

 Đức Như Lai chỉ là bậc Đạo sư trên nguyên tắc.

 Tha giáo dục:

 Con đường giáo dục của Phật giáo là giao thoa nhân duyên: giáo dục chính mình để mà chói sáng, giáo dục người khác. Đối tượng giáo dục của Phật giáo luôn được xác định là con người và rộng ra là tất cả các loài chúng sanh ngòai con người. Các loài chúng sanh kém phước ngoài con người cũng chính là mục tiêu giáo dục Phật giáo ở cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Mục đích của Phật giáo là nhằm giáo hóa chúng sanh, do đó, mục tiêu giáo dục của Phật giáo cũng nhằm giải thoát chúng sanh khỏi những đau khổ đang khống chế, hoành hành. Con đường giác ngộ của Phật giáo là tấm bản đồ công bố rộng rãi, không độc đoán, giấu giếm. Ai đi đúng sự hướng dẫn của nó đều được giải thoát và đặc biệt là giải thoát đó cũng được thực hiện từ tự thân của từng hành giả, chứ không thể tìm thấy một ân sủng nào.

 Tha giáo dục chính là mục tiêu lớn khi tự giáo dục đã hoàn thành sứ mạng. Một người tự giáo dục đã xong mà không có tha giáo dục, hẳn không phải là người Phật giáo.Thực tế cho thấy không một người Phật tử nào sau khi hoàn thành tự giáo dục lại không dang rộng đôi tay để giáo dục tha nhân bao giờ. Đạo Phật là đạo của từ bi, cứu khổ. Giáo dục Phật giáo phải phát xuất từ lòng từ bi vô hạn để cởi mở đau khổ của con người và muôn loài như đức Phật đã dạy: ‘’Đạo Phật là đạo nói lên sự thật đau khổ và con đường dẫn đến chấm dứt đau khổ cho tha nhân’’.

   Tự giáo dục và tha giáo dục là mục tiêu đào tạo căn bản nhất trong hệ thống giáo dục Phật học nhằm xác định hướng đi vững chắc, thanh thoát và làm nền tảng cho mọi nền đạo học và đức học trên thế gian này. Nay mục tiêu đã được xác định. Con đường thênh thang trải dài đang dang rộng đôi tay để chào đón tất cả Tăng Ni sinh sau khi tốt nghiệp. Hãy tinh tấn, dũng mãnh bước đi trên con đường giáo dục cao thượng này !

Source: daophatngaynay.com


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage