Phật Học Online

Giới Thiệu Và Giải Thích Đề Kinh Kim Cương Bát Nhã
Thích Thái Hòa

Không lý từ văn hệ A hàm đến Bát Nhã:

Kinh Kim Cương thuộc văn hệ Bát Nhã, văn hệ Bát Nhã nầy theo Ngài Thế Thân (Vasubandhu) một Nhà Phật học hết sức uyên áo của Phật giáo Ấn Độ vào cuối thế kỷ thứ tư Tây lịch cho rằng, Pháp tạng nầy đã được Đức Phật giảng dạy đầu tiên tại thành Vương Xá, bắt đầu từ năm thứ năm, kể từ khi Đức Thế Tôn thành đạo và kinh Kim Cang Bát Nhã đã được Đức Phật giảng dạy sau cùng trong văn hệ Bát Nhã, và cũng theo Ngài Thế Thân các kinh thuộc văn hệ Bát Nhã trước Kim Cang, Đức Phật dạy cách loại trừ “tướng”, nhưng chưa triệt để, đến thời Đức Phật dạy Bát Nhã sau cùng, là nhắm tới dùng Bát Nhã để chặt đứt mọi sự mắc kẹt của tâm vào các tướng một cách triệt để, do đó mà gọi văn hệ Bát Nhã sau cùng là Kim Cang (Kim Cang Tiên Luận 1, bản Hán dịch của Ngài Bồ Đề Lưu Chi, tr 798a, Đại Chính Tân Tu 25).

Và theo sự phán giáo của Ngài Thiên Thai Trí Giả (538 - 597) là một Nhà Phật học nổi tiếng và là một vị Tổ Sư của Thiên Thai Tông ở Trung Hoa vào thế kỷ thứ 6 Tây lịch cho rằng, Đức Phật bắt đầu giảng dạy văn hệ Bát Nhã cho chúng đệ tử từ năm thứ hai mươi kể từ khi Ngài thành đạo.

Nội dung của bài kệ phán giáo ấy như sau:

          Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật

          A hàm thập nhị, Phương đẳng bát

          Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm

          Pháp hoa, Niết Bàn cộng bát niên.

Nghĩa là:

Hai mươi mốt ngày Đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm;

Mười hai năm Ngài nói kinh A Hàm; tám năm nói kinh Phương Đẳng;

Hai mươi hai năm nói kinh Bát Nhã; và tám năm nói kinh Pháp Hoa và Niết Bàn.

Như vậy, theo sự phán giáo nầy, thì kinh Bát Nhã đã được Đức Phật bắt đầu giảng thuyết từ năm thứ hai mươi kể từ khi Ngài thành đạo.

Tuy nhiên, đây chỉ là sự phán giáo có ý nghĩa hết sức tương đối, vì sao ? Vì nếu chúng ta đọc kỹ các kinh thuộc văn hệ A Hàm hay Nikàya như Tạp A Hàm hay Tương ưng bộ kinh … chúng ta thấy rằng, ở trong các kinh nầy, Đức Phật cũng đã trình bày giáo lý Duyên Khởi, Không, Vô thường, Vô ngã và Niết Bàn một cách tóm tắt và cô đọng, và những giáo lý nầy đã được Đức Phật trình bày một cách sâu rộng ở trong Văn hệ Bát Nhã. Và ở văn hệ nầy đã khai triển Lý nghĩa của Không một cách triệt để và có hệ thống.

Do đó, suốt bốn mươi chín năm du hóa, tùy theo căn cơ và khả năng tu chứng của hàng đệ tử nghe pháp mà Đức Phật thuyết giáo với giáo lý hoặc sâu, hoặc cạn, hoặc rộng, hoặc hẹp, hoặc cao, hoặc thấp, hoặc cô đọng, hoặc khai triển, hoặc có thể nghĩ bàn, hoặc không thể nghĩ bàn…. chứ không phải đi theo một tuần tự rạch ròi, mang tính khoa bản như sự phán giáo của Ngài Thiên Thai Trí Giả.

Bởi vậy, ta không ngạc nhiên, khi nghiên cứu kinh A hàm và Nikàya lại hàm chứa nghĩa Lý Không của văn hệ Bát Nhã. Chẳng hạn đọc Pháp Ấn kinh, bản dịch của Ngài Thi Hộ, ở trong Tạp A Hàm, Đại Chính Tân Tu 02, trang 500, ta thấy Đức Phật đã trình bày giáo lý về Không cho các Tỷ khưu một cách thú vị như sau:

Ngài nói: “Hỡi các Tỷ khưu! Tánh Không không có sở hữu, không có vọng tưởng, không có khởi điểm, không có kết thúc, siêu việt mọi quan hệ nhận thức.

Vì sao ? Vì Tánh Không, không lệ thuộc không gian, không lệ thuộc sắc tướng, vượt ra ngoài tưởng uẩn, nó vốn không lệ thuộc vào điểm khởi sinh, vượt ra ngoài sự hiểu biết đối chiếu và siêu việt mọi vướng mắc. Vì do nó siêu việt mọi vướng mắc, nên hết thảy pháp nó đều dung nhiếp…”

 

Và ở trong Tiểu Không kinh thuộc kinh tạng Pàli, Trung bộ 3, bản dịch của Ngài Thích Minh Châu, trang 252 - 259 Đại Học Vạn Hạnh 1975, Đức Phật đã nói về sự an trú đối với Tánh Không như sau:

“Này Ananda, sau khi chứng đạt, ta sẽ an trú cứu cánh vô thượng Không tánh. Như vậy, nầy Ananda, các ông cần phải học tập.”

Và đọc Tương ưng bộ kinh 2, ta thấy gần hết hai phần nội dung của kinh là trình bày giáo lý thuộc về Duyên Khởi và Vô Ngã; và đọc Tương ưng bộ kinh 3, ta thấy hết nửa phần nội dung của kinh là trình bày giáo lý thuộc về Ngũ uẩn và Vô ngã. Như vậy, những giáo lý nầy đã được các kinh điển thuộc văn hệ Bát Nhã khai triển một cách triệt để về mặt chiều sâu cũng như chiều rộng đối với ý nghĩa Không của nó, mà điển hình là Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh 5, bản dịch của Ngài Huyền Tráng, trang 23, Đại Chính Tân Tu 5, đã đề cập đến hai mươi loại ý nghĩa của Không, mà trong đó Nhất Thế Pháp Không là tánh không của hết thảy pháp; Bất Khả Đắc Không là tánh không của cái không thể ý niệm, không thể nắm bắt; Vô Tánh Không là tánh không của cái vô thể; Tự Tánh Không là tánh không của tự tính; Vô Tánh Tự Tánh Không là tánh không của vô tánh và tự tánh, đây là những loại Không mà văn hệ Bát Nhã đã khai triển một cách sâu rộng và triệt để từ nơi nghĩa Không của giáo lý Duyên Khởi, Vô thường, Vô ngã đã được diễn tả ở trong các văn hệ thuộc kinh tạng A Hàm và Nikàya.

Giáo lý được trình bày ở trong văn hệ A Hàm và Nikàya rất chú ý đến Ngã Không; nhưng giáo lý được trình bày ở trong văn hệ Bát Nhã không những chỉ trình bày Ngã Không mà còn trình bày đến Tướng-Không của Ngã và Pháp một cách triệt để nữa.

Ngã Không hay Ngã Thể tức Không hay còn gọi là Nhân không, nghĩa là ngũ uẩn tạo nên thân tâm con người hay chúng sanh, trong đó chúng hoàn toàn không có Ngã thể, nên gọi là ngã thể tức Không.

Pháp Không hay Pháp Thể tức Không, nghĩa là trong năm uẩn không có ngã thể đã đành, mà ngay trong mỗi uẩn cũng không có ngã thể. Cực vi hay vi trần là đơn vị cực tiểu của sắc uẩn, chính nó cũng tương tác duyên khởi, nên chúng hoàn toàn không có pháp thể tồn tại cá biệt; và ý niệm là đơn vị cực tiểu của tâm ý, nó cũng tương tác duyên khởi, nên tâm cũng không có pháp thể tồn tại cá biệt, bởi vậy mà gọi là pháp thể tức Không.

Không đã được các kinh điển và các Nhà Phật học Đại Thừa khai triển sâu và rộng nhiều loại, tuy nhiên ở đây ta có thể tóm thâu gồm bốn loại như sau:

Đương thể tức không:

Tất cả vạn hữu đang hiện tiền, chúng không rời Không, nghĩa là ngay trong sự hiện hữu ấy, tự tính của nó là Không.

Ngài An Tuệ ở trong Đại Thừa Trung Quán Thích Luận 4, trang 144, Đại Chính Tân Tu 30, nói:

Nhất thế bất ly không

                   Nhất thế đắc thành tựu.

 

Nghĩa là:       Vạn hữu không rời không,

Hết thảy đều thành tựu.

Duyên khởi tức không:

Tất cả sự hiện hữu, không có sự hiện hữu nào là đơn điệu, chúng không thể tự sinh, cũng không phải từ nơi cái khác mà sinh, mà chúng sinh khởi là do quan hệ nhân duyên.

Cái gì có quan hệ nhân duyên mà sinh khởi, thì tự tính của cái đó là Không.

Hạt mít không thể tự sinh cây mít, nếu không có mặt trời, trái đất, nước, không khí… Và mặt trời, trái đất, nước, không khí… cũng không thể sinh ra cây mít, nếu không có hạt mít.

Vậy, hạt mít mà sinh ra cây mít là do quan hệ nhân duyên. Cái gì do quan hệ nhân duyên mà sinh khởi, thì tự tính của cái đó là Không.

Nên, ở trong Trung Quán Luận 4, trang 33, Đại Chính Tân Tu 30, Ngài Long Thọ nói:

Vị tằng hữu nhất pháp

Bất tùng nhân duyên sinh.

Thị cố nhất thế pháp

Vô bất thị Không giả.

Nghĩa là:       Chưa từng có pháp nào,

Không từ nhân duyên sinh.

Do đó, hết thảy pháp,

Tự tính đều là Không.

Đương sinh vô sinh tức không:

Vạn hữu đang sinh khởi trước mắt chúng ta là do quan hệ nhân duyên, nhưng tự tính nơi vạn pháp thì không sinh, không diệt.

Do đó, Tính Không là tính vô sinh ngay ở nơi các pháp duyên khởi đang sinh diệt ấy.

Nên, ở trong Trung Quán Luận 1, trang 2, Đại Chính Tân Tu 30, Ngài Long Thọ nói:

Chư pháp bất tự sinh,

Diệc bất tùng tha sinh;

Bất cộng bất vô nhân,

Thị cố tri vô sinh.

Nghĩa Vạn hữu không tự sinh,

Không từ cái khác sinh;

Không phải đồng chung sinh,

Không phải vô nhân sinh,

Nên biết rằng, vô sinh.

Thực tướng tức không:

Không tướng là thực tướng của vạn pháp, thực tướng ấy không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, cũng không thể dùng ý niệm để ý niệm.

Cái có thể diễn tả được, có thể ý niệm được, đó là cái sinh và cái diệt; còn cái thực tướng vô sinh, vô diệt thì không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, hay bằng ý niệm. Cái không thể diễn tả bằng ngôn ngữ hay bằng ý niệm đó, chính là thực tướng vô tướng. Ấy là thực tướng Bát Nhã mà Thiền Tông gọi là bản địa phong quang và ở Trung Quán Luận 3, trang 24, Đại Chính Tân Tu 30, gọi là Thực tướng của các pháp qua bài kệ dưới đây:

Chư pháp thực tướng giả

Tâm hành ngôn ngữ đoạn

                   Vô sanh diệc vô diệt

                   Tịch diệt như Niết bàn.

Nghĩa là:       Thực tướng của các pháp

                   Dứt tâm hành, ngôn ngữ;

                   Không sanh cũng không diệt,

                   Vắng lặng như Niết bàn.

Giáo lý chủ đạo của kinh Kim cang:

Đọc, tụng, hành trì và cảm nhận kinh Kim Cang Bát Nhã sâu rộng như thế nào là tùy theo căn khí chứng nghiệm của từng người, tuy nhiên ở đây theo chúng tôi, giáo lý của Kinh Kim Cang Bát Nhã có những điểm chủ yếu như sau:

Phát tâm, an trú tâm và hàng phục tâm:

Đọc phần mở đầu của kinh kim Cang theo Phạn bản, ta thấy thính chúng nghe pháp không còn đơn thuần là các hàng Thánh giả Thanh văn như các kinh thuộc văn hệ A Hàm và Nikàya mà ta còn thấy có sự xuất hiện của các hàng Thánh giả bồ tát nữa; điều nầy chứng tỏ rằng, tư tưởng của kinh Kim cang Bát Nhã bao gồm cả Thanh văn thừa và bồ tát thừa. Thanh văn thừa là giáo lý hướng dẫn cho những vị thánh giả nỗ lực tu tập để đoạn trừ ngã chấp, ngộ nhập ngã- không và hiện chứng Niết bàn; Bồ tát thừa là giáo lý không những chỉ hướng dẫn cho các thánh giả nỗ lực tu tập để đoạn trừ ngã chấp mà còn nỗ lực đoạn trừ pháp chấp, hướng đến đạo quả vô thượng bồ đề và chứng nhập cảnh giới Vô trú xứ Niết bàn.

Sự tham dự của các hàng bồ tát ở trong Chúng hội của Phật nói kinh Kim cang Bát Nhã, rất tiếc là các bản Hán dịch đều không có đề cập.

Kinh kim cang có sáu bản Hán dịch, bản Hán dịch sớm nhất là bản của Ngài Cưu Ma La Thập vào thế kỷ thứ năm, bản dịch của Ngài Bồ Đề Lưu Chi vào đầu thế kỷ thứ sáu, bản dịch của Ngài Chân Đế vào giữa thế kỷ thứ sáu, bản dịch của Ngài Cấp Đa vào cuối thế kỷ thứ sáu, bản dịch của Ngài Huyền Tráng vào giữa thế kỷ thứ bảy và bản dịch của Ngài Nghĩa Tịnh vào đầu thế kỷ thứ tám. Tất cả các bản Hán dịch nầy đều đã không có đề cập đến sự tham dự của các hàng bồ tát ở trong Chúng hội Phật nói Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật. Tuy nhiên, Kinh nầy ở trong bản dịch tiếng Anh của Tiến Sĩ Edward Conze, bản Ấn hành năm 1956 và năm 1975, ngoài Chúng hội Thanh văn còn có cả Chúng hội bồ tát ở trong Đại chúng nghe Đức Phật giảng dạy Kinh Kim Cương Bát Nhã nầy.

Sở dĩ, Đức Phật nói Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba la Mật là do sự thưa thỉnh của Tôn giả Tu Bồ Đề với ba nội dung chính như sau: Thứ nhất là phát bồ đề tâm, tức là phát tâm tu tập để thành tựu đạo quả vô thượng bồ đề; thứ hai là làm thế nào để an trú tâm ấy; và thứ ba là làm thế nào để hàng phục vọng tâm.

Đây là ba vấn đề chủ yếu của kinh Kim Cang bát Nhã Ba La mật mà bất cứ ai phát tâm tu tập theo tinh thần Phật giáo Đại thừa không thể không tham học để minh triệt nghĩa lý, nhằm hành trì để đạt tới cứu cánh của sự tu học.

Không vướng mắc bởi bất cứ đối tượng nào :

Giáo lý Đức Phật dạy không vướng mắc bởi bất cứ đối tượng nào, đã được ghi lại ở trong Thích trung thiền thất tôn kinh, Trung A Hàm, bản Hán dịch của Ngài Cù Đàm Tăng Già Đề Bà, trang 698, Đại Chính Tân Tu 1, và ở trong Kinh Lomasakangiyabhaddekaratta thuộc Majjhima Nikàya văn hệ Nam truyền, chính là không vướng mắc đối với năm uẩn thuộc về quá khứ, thuộc về hiện tại hay thuộc về tương lai.

Không vướng mắc bởi bất cứ đối tượng nào, Kinh Kim Cang Bát nhã Ba La Mật gọi là “Ưng vô sở trú “ (Na kacit pratisitihitena), nghĩa là phát khởi bồ đề tâm tu tập không để bị vướng mắc bởi các vọng tưởng, bởi vì còn tưởng thì còn vướng mắc. Chủ yếu của kinh nầy là phủ nhận triệt để mọi sự hiện hữu của ý tưởng, mà nhất là ý tưởng về Ngã (Àtmasamijnõà), về con người (Pudgalasamijnõàø), về chúng sanh (Sattvasamijnõà ), và về thọ mạng (Jìvasamijnõà ), vì còn có ý tưởng về ngã là còn có thiên kiến, còn có giận hờn, còn có sợ hãi, còn có bất minh, còn có kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những cái phi ngã và đối với những cái không liên hệ ngã; vì còn có ý tưởng về con người thì còn có thiên kiến, còn có giận hờn, còn có sợ hãi, còn có bất minh, còn có kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những cái không phải là con người và kỳ thị phân biệt đối xử đối với những loài không phải là con người; vì còn có ý tưởng về chúng sanh là còn có thiên kiến, còn có giận hờn, còn có sợ hãi, còn có bất minh, còn có kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những cái không phải là chúng sanh và đối với những loài không phải là chúng sanh; vì còn ý tưởng về thọ mạng là còn có thiên kiến, còn có giận hờn, còn có sợ hãi, còn có bất minh, còn có kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những cái không phải là thọ mạng. Vì phát tâm và trú tâm mà còn có thiên kiến hay ái kiến thì hành xử không phù hợp với Trung đạo; vì phát tâm và trú tâm mà còn có giận hờn thì sự hành xử không phù hợp với Từ bi; vì phát tâm và trú tâm mà còn có sự sợ hãi thì hành xử không phù hợp với Vô úy; vì phát tâm và trú tâm mà còn có bất minh, thì hành xử không phù hợp với trí tuệ; vì tâm mà còn kỳ thị và phân biệt đối xử thì mọi hành xử không phù hợp với thể tính như như bình đẳng. Và vì do như vậy mà Kinh Kim Cang Bát Nhã không những chỉ phủ nhận triệt để những ý tưởng về ngã, về con người, về chúng sanh và về thọ mạng, mà cũng còn phủ nhận luôn cả những ý niệm về pháp và ý niệm về không phải pháp, nghĩa là tất cả ý niệm đều bị kinh nầy phủ nhận một cách triệt để, và không những vậy mà kinh nầy còn phủ nhận một cách triệt để những ý niệm về giáo, về lý, về hạnh và về quả. Hay nói một cách khác, tuệ giác của Kim Cang Bát Nhã có khả năng chặt đứt phăng những hệ lụy của hành giả đối với giáo pháp, lý pháp, hạnh pháp và quả pháp, khiến cho hành giả bước đi những bước vững chãi và thong dong không bị vướng mắc bởi bất cứ cái gì trên lộ trình tiến tới giác ngộ.

Pháp và phi pháp:

Pháp được đề cập ở Kinh Kim Cang Bát Nhã là pháp liên hệ đến pháp chứng và pháp giáo của Đức Thế Tôn.

Pháp chứng của Đức Thế Tôn là Niết bàn, là thực tướng vô tướng. Pháp nầy Kinh Kim Cang Bát Nhã, bản Hán dịch của Ngài Cưu Ma La Thập gọi là: “Như lai sở thuyết pháp, giai bất khả thủ, bất khả thuyết, phi pháp phi phi pháp. Sở dĩ giả hà, nhất thế hiền thánh, giai dĩ vô vi pháp, nhi hữu sai biệt (Đại Chính Tân Tu 8, tr 749b)”. Nghĩa là: Pháp được nói bởi Như lai đều không thể nắm bắt, không thể nói năng, không phải là pháp, không phải là phi pháp. Tại vì sao? Vì hết thảy các bậc Hiền Thánh đều từ nơi pháp vô vi mà biện biệt.

Và pháp nầy ở trong kinh Kim Cang Bát Nhã, Phạn bản như sau:” Yo’sàu tathàgatena dharmo’bhisamibudho desùito và, agràhyahi so’nabhilapyahi/ na sa dharmo nàdharmahi/ Tat kasya hetohi? Asamskritaprabhàvità hyàrypudgalàhi/.” Nghĩa là: Pháp giác ngộ ấy được trình bày với Như Lai, pháp ấy không thể nắm bắt, không thể nói năng, pháp ấy không phải là pháp, không phải là phi pháp. Tại vì sao? Vì các bậc Hiền Thánh từ pháp vô vi mà thông hiểu.

Pháp vô vi mà kinh Kim Cang Bát Nhã đang đề cập ở đây là Chân như vô vi, là pháp tuyệt đối, là pháp không còn có sự đối đãi, nghĩa là pháp ấy tự nó là nó, nó không còn sinh diệt, nó là thực tướng vô tướng.

Vô vi tiếng Phạn là Asamkrita, nghĩa là pháp hiện hữu không do quan hệ nhân duyên. Và từ ngữ prabhàvità ở trong đoạn kinh Kim Cang Bát Nhã của Phạn văn nầy, Ngài Cưu Ma La Thập dịch là “sai biệt”(Đại Chính Tân Tu 8, tr 749); Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch là “đắc danh”(Đại Chính Tân Tu 8, tr 753); Ngài Lưu Chi dịch là “hiển hiện’”(Đại Chính Tân Tu 8, tr 758); Ngài Chân Đế dịch là “hiển hiện”(Đại Chính Tân Tu 8, tr 762); Ngài Cấp Đa dịch là “hiển minh” (Đại Chính Tân Tu 8, tr 767); Ngài Huyền Tráng dịch là “sở hiển” (Đại Chính Tân Tu 7, tr 981). Edward Conze trong bản Anh, dịch là “exalt”(đề cao, làm cho cao hơn).

Vậy, Prabhàvita, theo các bản Hán dịch có rất nhiều nghĩa, nhưng ở đây tôi dịch là thông hiểu. Nghĩa là các bậc Hiền Thánh từ nơi pháp vô vi mà thông hiểu thế nào là pháp và thế nào là phi pháp và các địa vị giải thoát, giác ngộ cũng từ đó mà được biểu hiện sai khác.

Pháp giáo là pháp do Đức Phật dạy, như Giới Định Tuệ, như Ba mươi bảy phẩm trợ đạo và như Lục độ vạn hạnh … đây là những pháp phương tiện, giúp hành giả thực hiện để đi đến đời sống giải thoát và giác ngộ mà pháp giáo không phải là giải thoát, giác ngộ. Chất liệu giải thoát giác ngộ là Như Lai, là Ứng cúng, là Chánh biến tri, là Minh hành túc, là Thiện thệ, là Thế gian giải…,những chất liệu nầy do sự thực hành pháp giáo ấy của Thế Tôn mà thành tựu.

Thực hành các pháp giáo nầy, các kinh điển thuộc văn hệ A Hàm và Nikàya cũng như các kinh điển thuộc văn hệ Đại Thừa cũng hết sức đề cao, nhưng ở kinh Kim Cang Bát Nhã lại rất đặc biệt là nhấn mạnh đến sự đình chỉ mọi vọng tưởng về một bản ngã cố hữu nơi năm uẩn và mỗi uẩn, về một bản ngã cố hữu nơi con người, về một bản ngã cố hữu nơi chúng sinh và về một bản ngã cố hữu nơi thọ mạng, trước và trong khi đang thực hành các pháp giáo, thì mới đi đúng chánh đạo, thẳng đến địa vị Giải Thoát và Toàn Giác mà không bị rơi vào tà kiến, tà đạo hay không bị rơi vào các pháp hữu vi đối đãi.

Bởi vậy, kinh nầy Hán bản nói: “Dĩ vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả, tu nhất thiết thiện pháp tắc đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề (Đại Chính Tân Tu 8, tr 751c)”. Chúng tương đương với Phạn bản như sau: “Niràtmatena nihsattvatvena nirjìvatvena nisipudgalatvena samàsà-anuttaràsamyaksamibodhihi sarvaihi kusùalair dharmàir abhisamibudhyate”. Nghĩa là: Thực hành tất cả thiện pháp với tâm không vướng mắc ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả, thì chứng đắc quả vị Giác Ngộ Hoàn Toàn.

Giác ngộ hoàn toàn chính là giác ngộ “Thực tướng vô tướng; thực tánh vô tánh”, đây là pháp chứng của chư Phật mười phương và ba đời; còn Giới Định Tuệ, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Lục ba la mật…, là thuộc về pháp giáo. Đối với pháp giáo, kinh Viên Giác nói: “Nhất thiết Tu Đa La như tiêu nguyệt chỉ”, nghĩa là: Tất cả Kinh điển đều như ngón tay chỉ mặt trăng. Và Kinh Ví dụ người bắt rắn ở Trung A Hàm, cũng như ở Trung bộ kinh đều nói rằng: “Pháp Như Lai giảng dạy, ví như chiếc bè đưa người sang sông, khi sang sông rồi thì không nên mắc kẹt ở nơi chiếc bè, mà hãy buông bỏ chiếc bè để bước lên bờ”. Và đừng mắc kẹt ở nơi pháp giáo, ở kinh Kim Cang Bát Nhã nầy lại nhấn mạnh một cách thú vị như sau: “Như Lai thường thuyết, nhữ đẳng tỷ khưu, tri ngã thuyết pháp, như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp (Đại Chính Tân Tu 8, tr 749b)”. Nghĩa là: Như Lai thường nói, hỡi các thầy Tỷ Khưu! Hãy biết lời thuyết pháp của tôi, ví như chiếc bè, pháp mà còn phải buông bỏ, huống gì là không phải pháp.

Pháp mà các thầy tỷ khưu cần phải hết lòng thực tập là pháp giáo hay pháp thuyết của Đức Thế Tôn, nhưng pháp ấy cần phải buông bỏ khi vô lậu thiện pháp phát sinh và viên mãn trong đời sống của hành giả. Hay nói theo tinh thần của kinh Kim Cang Bát Nhã, nghĩa là khi giác ngộ được “thực tướng là vô tướng”, thì hãy buông bỏ mọi ý niệm về tướng; và khi giác ngộ được “thực tánh là vô tánh” thì hãy buông bỏ mọi ý niệm về tánh, không những buông bỏ ý niệm về tướng mà còn phải buông bỏ ý niệm về vô tướng; không những buông bỏ ý niệm về tánh mà còn phải buông bỏ ý niệm về vô tánh mới thức sự có khả năng chứng nhập “Thực tướng Bát Nhã” hay chứng nhập cảnh giới “Ngã Pháp Nhị Không”.

Những ý tưởng sai lầm về một bản ngã cố hữu nơi năm uẩn, về một bản ngã cố hữu nơi con người, về một bản ngã cố hữu nơi chúng sanh và về một bản ngã cố hữu nơi thọ mạng; những ý tưởng sai lầm về pháp tướng và vô pháp tướng, về pháp tánh và vô pháp tánh, không còn hiện khởi ở nơi các quan năng nhận thức hay vận hành trong chiều sâu tâm thức của hành giả, thì khi ấy pháp giáo của Đức Thế Tôn không cần phải nêu lên không cần phải tuyên thuyết và cũng không cần phải áp dụng. Pháp giáo của Đức Thế Tôn, ví như lương dược trị liệu cơn bệnh sinh tử hiểm nghèo, cơn bệnh chấp ngã và pháp cho hết thảy chúng sanh, khi chúng sanh đã hết sanh tử, đã hết chấp thủ những ý tưởng sai lầm về ngã và pháp, thì thuốc ấy, dù là thần dược đến cách mấy cũng không còn có chỗ dùng. Lương dược mà còn như vậy, huống là phi lương dược hay là độc dược.

Phi lương dược hay là độc dược ở đây, chính là tà giáo, tà thuyết, tà pháp hay là phi pháp. Và phi pháp là ác pháp mà cũng chính là hữu vi pháp. Ác pháp là pháp dẫn đến quả báo khổ đau trong lục đạo chúng sanh. Hữu vi pháp là pháp do có sự tương quan mà sinh khởi, pháp ấy là hư huyễn, không chơn thực, nếu tu tập mà bị mắc kẹt vào pháp nầy, thì bị nó đánh lừa và bị trôi lăn ở trong sanh tử.

Bởi vậy, kinh Kim Cang Bát Nhã đã có bài kệ giúp ta quán chiếu để thấy rõ bản chất của các pháp hữu vi như sau:

“Nhất thiết hữu vi pháp,

Như mộng, huyễn, bào, ảnh,

Như lộ, diệc như điển,

Ưng tác như thị quán.”

(Bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập, Đại Chính Tân Tu 8, 752).

Nghĩa là:       Hết thảy pháp hữu vi

Như chiêm bao, huyễn thuật,

Như bọt nước, ảo ảnh,

Như suơng mai, điện chớp,

Hãy quán chiếu như vậy.

Bài kệ nầy trong Phạn bản như sau:

Tàrakà timirami dìpo màyàvasyàya budbudam/

          Svapnami ca vidyud abhram ca evami drasitiavya samiskritam //

Nghĩa là:       Hãy nhìn pháp hữu vi như vậy:

                    Như tinh tú, mắt bệnh

                    Như ngọn đèn, huyễn thuật,

                    Như bọt nước, chiêm bao,

                    Như sương mai, điện chớp.

Trong bài kệ quán chiếu về tính chất vô thường, sinh diệt nhanh chóng, bất thực, thoạt có, thoạt không của các pháp hữu vi nầy, kinh Kim Cang Bát nhã, bản Hán dịch của Ngài Cưu Ma La Thập chỉ có sáu, gồm: Chiêm bao, huyễn thuật, bọt nước, ảo ảnh, sương mai và điện chớp. Các bản Hán dịch khác gồm có chín, như tinh tú, mắt bệnh, ngọn đèn, huyễn thuật, sương mai, bọt nước, chiêm bao, điện chớp, vầng mây. Tuy nhiên, bản Hán dịch của Ngài Lưu Chi và Ngài Chân Đế lại thay thế “tinh tú” bằng “ bóng đèn”. Và bản Anh dịch của Edward Conze cũng có đủ cả chín ví dụ như một số bản Hán vậy. Tuy nhiên, ở Phạn bản, chỉ có đề cập đến tám ví dụ để chỉ cho tám tính chất của pháp hữu vi, không có ví dụ “vầng mây”.

Ý nghĩa chín ví dụ về pháp hữu vi, tức là các pháp thuộc về duyên khởi đã được Ngài Vô Trước tạo tụng và Ngài Thế Thân ở trong Năng đoạn Kim cang Bát Nhã Ba la mật đa kinh luận thích, bản Hán dịch của Ngài Nghĩa Tịnh, Đại Chính Tân Tu 25, tr 884, giải thích như sau:

                   Kiến tướng cập dự thức,

                   Cư xứ thân thọ dụng,

                   Quá khứ tịnh hiện tồn

                   Vị chí tường quán sát.

Nghĩa là:       Hãy quán chiếu rõ ràng:

                   Cái thấy, tướng và thức,

                   Cư xứ, thân, thọ dụng,

                   Quá khứ cùng hiện tại,

                   Cho tới cả tương lai.

Tinh tú là ví dụ cho cái thấy. Ánh sáng của các tinh tú, ví dụ cho cái thấy (chánh trí) thuộc tâm pháp. Vì chúng sau khi xuất hiện, lại ẩn diệt.

Mắt bệnh là ví dụ cho tướng của đối tượng. Vì tướng ấy là hiện khởi bất thực.

Ngọn đèn là ví dụ cho thức uẩn. Chúng do dẫn lực dơ bẩn của ái nghiệp và dựa vào ái kiến mà sinh khởi.

Huyễn thuật là ví dụ cho cư xứ. Tức là chỉ cho khí thế gian, tính chất của nó là bất thực.

Sương mai là ví dụ cho thân thể. Vì chúng chỉ tồn tại trong thoáng chốc.

Bọt nước ví dụ cho thọ dụng. Tính chất của thọ dụng là bất thực, vì tính ấy do có sự hòa hợp giữa căn, trần, thức mà sinh khởi.

Chiêm bao là ví dụ cho thời gian quá khứ. Vì tính của chúng, chỉ là những ý niệm tích tập, tạo lập như chiêm bao.

Điện chớp là ví dụ cho thời gian hiện tại. Vì tính của chúng sinh diệt một cách nhanh chóng.

Vầng mây là ví dụ cho thời gian vị lai. Ví như A lại da thức ở vào giai đoạn huân nhiếp, cất giữ chủng tử.

Lại nữa, chín ví dụ đối với pháp hữu vi ở trong kinh Kim cang Bát nhã, được Ngài Công Đức Thi giải thích ở trong Kim cang Bát nhã Ba la mật kinh, Phá thủ trước bất hoại giả danh luận, bản Hán dịch của Địa Bà Ma La, Đại Chính Tân Tu 25, Tr 986 như sau:

Quán sát tự tại như tinh tú: Thí như hiện tượng của các tinh tú ở trong không gian vận hành theo phương hướng, màu sắc và ánh sáng của nó tồn tại lâu dài có tính cách giả lập, nên rốt cuộc rồi cũng bị tận diệt. Cũng vậy, thọ dụng các phước báo như tài vật giàu có, địa vị sang trọng ở trong cõi người, cõi trời dù có chủ quyền dài lâu đến mấy, cuối cùng cũng đi về với cái trống không.

Quán sát cảnh vật như mắt bệnh: Thí như mắt bị bệnh, trong không gian thanh tịnh, thấy có hai mặt trăng, hoa đốm bay, hay như bánh xe quay tua tủa. Sự hiểu biết bệnh hoạn do vô minh cũng như vậy, đối với lý chân thật vốn không có xứ vật, mà thấy có các pháp đủ loại như nội pháp, ngoại pháp, thế gian pháp, xuất thế gian pháp.

Quán sát chuyển động như ngọn đèn: Thí như ánh sáng ngọn đèn, ngay nơi xứ điểm sanh là xứ điểm diệt, chứ không phải chuyển diệt sang xứ điểm khác. Tuy nhiên, nhân ở ngọn lửa nầy mà ngọn lửa khác sinh khởi, từng niệm tương tục, in như có sự chuyển động. Chúng sinh cũng vậy, các uẩn ngay đó sinh, ngay đó diệt chứ không phải chuyển dịch qua một xứ điểm khác. Tuy nhiên, nhân ở các uẩn trước mà các uẩn sau sinh khởi, vì chúng tương tục mà trạng thái in như có sự chuyển động, nên nói rằng, các phàm phu có sinh qua số kiếp khác.

Quán sát thể tánh như huyễn: Ví như do huyễn lực mà biến ra dung mạo của nữ nhân, thể tánh của nó là phi hữu, nhưng không nhận biết, chấp cho là thực. Tất cả pháp hữu vi cũng đều như vậy, từ nơi các duyên hư vọng sinh khởi, vốn không có thực thể, nhưng do không hiểu được sự thực ấy, nên phát sinh kiến chấp hữu thể.

Quán sát sự suy thạnh như sương: Thí như sương ban mai gặp mặt trời liền biến tan. Dung sắc của tuổi trẻ cũng như vậy, một khi gặp vô thường là liền tàn lụi.

Quán sát thọ mạng như bọt nước: Thí như bọt nước khi mới phát khởi chưa tựu thành thể tướng; hoặc mới sinh liền diệt; hoặc mới dừng lại liền tan biến. Thọ mạng cũng như vậy, hoặc khi mới gá sinh vào ở thai tạng; hoặc khi sinh ra làm hài nhi, thiếu niên, trung niên, lão niên, nhưng tất cả đều phải đi về chỗ hoại diệt.

Quán sát tác giả như chiêm bao: Thí như ở trong giấc chiêm bao, vì do sự thấy nghe, nhớ nghĩ, phân biệt, huân tập lưu trú từ trước. Tuy rằng, chúng không có tác giả, nhưng bao nhiêu cảnh giới hiện khởi rõ ràng trước mắt. Chúng sinh từ thời vô thỉ đến nay cũng như vậy, có bao nhiêu phiền não, thiện nghiệp, bất thiện nghiệp do huân tập mà lưu trú, tuy rằng không có bản ngã, nhưng vẫn có thể tác động, mà hiện khởi các sự sống chết không có giới hạn.

Quán sát tâm như điện chớp: Thí như sự chớp sáng của điện, thời điểm sinh chính là thời điểm diệt. Tâm cũng như vậy, sát na sinh khởi chính là sát na hủy diệt.

Quán sát sự có, không như vầng mây: Thí như vầng mây giữa không gian, chúng trước đó là không, sau đó là có, rồi thoáng chốc lại biến diệt. Các pháp hữu vi cũng lại như vậy, thể tính của nó vốn không, lại từ nơi các duyên hư vọng mà có, khi duyên ly tán, thì có hoàn không.

Như vậy, dưới cách nhìn của kinh Kim Cang Bát nhã, thì các pháp hữu vi (Samikrita), chỉ là vô thường, hư ngụy, sinh diệt nhanh chóng và bất thực, hãy quán sát chúng một cách như thực và thường trực như vậy, để xả ly mọi hạt giống chấp thủ về một bản ngã cố hữu nơi năm uẩn và mỗi uẩn , chấp thủ về một bản ngã cố hữu nơi con người, chấp thủ về một bản ngã cố hữu nơi chúng sanh và chấp thủ về một bản ngã cố hữu nơi thọ mạng, mà không bị rơi vào chủ trương duy vật đoạn kiến. Và hãy quán chiếu các pháp hữu vi một cách thường trực như vậy, để thấy rõ “tính vô sinh nơi các pháp đương sinh”; “tính bất diệt nơi các pháp đương diệt”, tính ấy là “thực tướng vô tướng” là tướng tịch nhiên, không sinh diệt ở nơi các pháp sinh diệt hư ảo, thường quán chiếu như vậy, để không bị rơi vào chủ trương thường kiến, và đồng thời để thấy rõ tính chất như thực của pháp và phi pháp, mà không bị rơi vào hai cực đoan là đoạn kiến và thường kiến, hoặc cuộc sống không để bị rơi vào hai cực đoan là ép xác khổ hạnh hay là buông lung trong các dục. Và đó cũng là cách nhìn về pháp và phi pháp mà ở kinh Kim Cang Bát nhã, Đức Phật đã nói với Tôn giả Tu Bồ đề như sau: “Nầy Tu Bồ Đề! Những người phát Tâm vô thượng bồ đề, thì đối với hết thảy pháp, nên biết như vậy, nên thấy như vậy, tin tưởng và lãnh hội cũng phải như vậy, mà không nên sinh khởi vọng tưởng đối với pháp. = Tu Bồ Đề! Phát A nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm giả, ư nhất thiết pháp, ưng như thị tri, như thị kiến, như thị tín giải, bất sanh pháp tướng( Đại Chính Tân Tu 8, tr 752)”. Và với ý nghĩa lời dạy nầy của Đức Thế Tôn, ở trong kinh Kinh Kim Cang Bát Nhã Phạn văn ta có như sau: “Bhagavàn àha - evami hi Subhùte bodhisattvayànasamiprasthitena sarvadharmà jnõàtavya drasitiavyà adhimoktavyàhi/ Tathà ca jnõàtavyà drasitiavyà adhimoktavyàhi, yathà nadharmasamijnõàyàm api pratyupatisitihen nàdharmasamijnõàyàmi/. Nghĩa là: Đức Thế Tôn nói, nầy Subhùti, quả thật như vậy! Sự tiến lên với bồ tát thừa, thì ở nơi hết thảy pháp phải biết, phải thấy, phải tin tưởng lãnh hội. Và phải biết đúng sự thật, phải thấy đúng sự thật, phải tin tưởng lãnh hội đúng sự thật. Như vậy, không nên khởi tâm chấp thủ vọng tưởng về pháp, cũng không nên khởi tâm chấp thủ vọng tưởng về không phải pháp.

Như vậy, kinh Kim Cang Bát Nhã đã giúp cho ta quán chiếu để thấy rõ đâu là pháp, đâu là phi pháp, đâu là pháp tánh và đâu là pháp tướng, nhằm thực hành pháp, loại trừ phi pháp, và nhằm phế tướng để nhập tánh, và để tiến tới loại trừ những vọng tưởng sai lầm và không bị mắc kẹt đối với cả hai ý niệm pháp và phi pháp, đối với cả hai ý niệm tướng và tánh, khiến ta vượt ra khỏi mọi ý niệm quan hệ đối lập để biết đúng như thật, thấy đúng như thật, tin tưởng và lãnh hội đúng như thật, và giúp ta có được sự giải thoát, giác ngộ và vững chãi trong từng phút giây của sự sống.

4- Thực tướng là vô tướng :

Chánh kiến (samyakdrsti), được định nghĩa trong văn hệ A hàm và Nikàya là thấy rõ Tứ Thánh Đế hay là thấy rõ Lý lưu chuyển và hoàn diệt của Mười hai Duyên khởi, nhưng Chánh Kiến ở trong kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật không phải dừng lại ở đó, mà còn đi sâu hơn là thấy rõ thực tướng của tất cả pháp là vô tướng. Thực tướng vô tướng là pháp thân của phật.

Bởi vậy, ở trong kinh nầy, Đức Phật đã dạy Tôn giả Tu Bồ Đề (Subhùti) rằng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng; nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai (bản Hán dịch của Ngài La Thập)” = Tương đương với Phạn văn: ”Yàvat Subhùte laksianiasamipat tàvan mrisà, yàvad alaksianiasamipat tàvan na mrisieti hi laksianiàlaksianiatas tathàgato drasitiavyahi”. Nghĩa là: Nầy Subhùti! Bất cứ cái gì có sắc tướng, cái đó có sự lừa dối; bất cứ cái gì không có sắc tướng, thì cái đó không có sự lừa dối; nếu thấy rõ vô tướng nơi các tướng tức là thấy được Như Lai.

Như vậy, theo Kinh Kim Cang Bát Nhã, thấy Như Lai là thấy “thực tại vô tướng” và không thấy được “thực tại vô tướng” là không thấy Như Lai.

Như Lai được diễn tả ở trong văn hệ A hàm và Nikàya là nói và làm đều đồng nhất với nhau; nghĩa là “những gì Như lai nói thì Như lai đã làm và những gì Như Lai đã làm thì Như Lai mới nói”; hoặc “Như Lai là trạng thái mát mẻ, là trạng thái không còn bị nóng bức.” Nhưng, Như Lai được đề cập ở trong Kinh Kim Cang Bát Nhã chính là thực tại vô tướng. Nói và làm từ trong thực tại vô tướng mới là cách nói và cách làm chân thực, không hư dối và đó mới là cách nói và cách làm của Như lai.

Theo Kinh Kim Cang Bát Nhã, Như Lai ngoài ý nghĩa thực tại vô tướng ở nơi các tướng của mọi sự hiện hữu, cũng còn có nghĩa là “ thể tính chơn như ở nơi mọi sự hiện hữu” (Như Lai giả, chư pháp như nghĩa = Tathàgata iti Subhùte bhùtatathatàyà etad adhivacanam). Nghĩa là tự tính của mọi sự hiện hữu xưa nay vốn là rỗng lặng thanh tịnh, không vọng động, không sinh diệt. Chính tự tính ấy, Kinh Kim Cang Bát Nhã gọi là Như Lai hay là chư pháp như nghĩa.

Và Như lai ngoài “chư pháp như nghĩa,”kinh nầy còn giải thích: “Nầy Tu Bồ Đề! Nếu có người nói rằng: Như Lai hoặc là có đến, có đi, có nằm, có ngồi thì người nói ấy, không hiểu được ý nghĩa của Như Lai đã nói. Tại sao? Bởi vì, Như Lai không đến từ đâu và cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai”(Tu Bồ Đề! Nhược hữu nhân ngôn, Như Lai nhược lai, nhược khứ, nhược tọa, nhược ngọa, thị nhân bất giải ngã sở thuyết nghĩa, hà dĩ cố? Như lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh như lai (Theo bản Hán dịch của Ngài Cưu Ma La Thập). Và đoạn kinh nầy trong Phạn văn như sau: “Api tu khalu punah Subhùte yah kascit evam vadet Tathàgato gacchati và àgacchati và tisthati và nisìdàti và, sayyàm và kalpayati, na me Subhùte (sa) bhàsitasyàrtham àjànàti/ tat kasya hetoh? Tathàgata iti Subhùte ucyate na kacid gato na kutascid àgatah/ Tenocyate Tathàgato’rhan samyaksambuddha iti. = Lại nữa, hỡi Subhùti! Nếu có ai nói như vậy, Như Lai hoặc đi, hoặc đến, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, hoặc suy nghĩ, thì nầy hỡi Subhùti, người ấy không hiểu được ý nghĩa lời dạy của tôi. Tại sao? Hỡi Subhùti! Gọi là Như Lai, vì là bậc không còn đi đâu và không còn về đâu. Cho nên, gọi là Như lai, bậc A la hán, bậc Giác Ngộ hoàn toàn).

Như Lai không còn đi đâu, nghĩa là Như Lai vốn là tịch nhiên, các phiền não và vô minh ở trong tâm thức hoàn toàn không còn sinh khởi; Như Lai không còn về đâu, nghĩa là tự tánh giác ngộ của Như Lai là nghiễm nhiên thường tại không bao giờ bị hủy diệt.

Như Lai cũng có nghĩa là Phật. Và Phật theo Kinh Kim Cang Bát Nhã, bản dịch của Ngài Cưu ma La Thập là “Ly nhất thế chư tướng tức danh chư Phật = Nghĩa là buông xả tất cả tướng, gọi là chư phật.” Ý nghĩa nầy tương đương với Phạn bản như sau: “Sarvasamijnõàpagatà hi buddhà bhagavantah = Nghĩa là buông xả hết thảy ý tưởng, gọi là chư Phật Thế Tôn.”

Mọi tướng đều là tướng của vọng tưởng, chư Phật Thế Tôn đã buông xả hết thảy vọng tưởng nơi tự tâm, nên mọi đi, đứng, nằm, ngồi, nói, cười, im lặng, hành xử của Thế Tôn đều là từ nơi thể tịch diệt tướng mà biểu hiện và từ nơi thể tướng tịch diệt nầy mà Chư Phật Thế Tôn giáo hóa độ sinh đem lại lợi ích cho hết thảy muôn loài.

Bởi vậy, theo Kinh Kim Cang Bát Nhã, ‘Thực tướng vô tướng hay thực tại vô tướng” là Như lai, là chư Phật Thế Tôn.

Do đó, bất cứ ai tiếp xúc và thấy được thực tại vô tướng ở nơi các tướng là tiếp xúc và thấy đuợc Như Lai hay là tiếp xúc và thấy được Chư Phật Thế Tôn ngay trong sự sống nầy.

(còn tiếp)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage