Phật Học Online

Phật giáo và văn hóa Phật giáo
Hoàng Tá Thích

Trung tâm Văn hóa Phật giáo ở Huế, còn gọi là Trung tâm Liễu Quán, nằm bên hữu ngạn sông Hương, được thành lập từ mấy chục năm nay. Sau năm 1975, Nhà nước quản lý mãi cho đến gần hai mươi năm sau mới giao quyền lại cho Tỉnh hội Phật giáo Huế, bấy giờ chỉ là một ngôi nhà… không thể coi là một trụ sở văn hóa Phật giáo được. Tỉnh hội Phật giáo Huế đã cho vẽ một sơ đồ thiết kế để trùng tu, không lấy gì làm đồ sộ, nhưng đúng nghĩa là một trung tâm văn hóa. Kinh phí ước tính tuy không phải là cao, chỉ bằng một căn hộ trung bình ở thành phố, nhưng đối với Tỉnh hội Phật giáo Huế thì lại là một vấn đề khá khó khăn.

blank

Suốt mấy năm trời, các thầy đi vận động khắp nơi, nhưng chẳng có một hưởng ứng nào đáp lại để có thể xây dựng lại cơ sở đó. Mãi cho đến khi duyên trời đưa đẩy, một vị Phật tử ở Sài Gòn nhưng lại quan tâm về  mọi Phật sự, đặc biệt là Phật sự liên quan đến Huế, trong một dịp ra cố đô, biết được nhu cầu xây dựng một trung tâm văn hóa Phật giáo cho xứ Huế, đã tận tình ủng hộ toàn bộ kinh phí; nhờ đó Tỉnh hội Phật giáo Huế đã có được Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán như bây giờ. Đúng là cái duyên của Huế nói chung và của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán nói riêng. Có thể thấy những người quan tâm đến vấn đề văn hóa Phật giáo cũng không phải là ít, nhưng họ đều là những nhà trí thức thuần túy, không có đầu óc kinh doanh, cho nên lực bất tòng tâm. Nếu không gặp được vị Phật tử hằng tâm hằng sản như nói trên thì chẳng biết đến bao giờ Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán mới có thể đi vào hoạt động.

Song song với chuyện xây dựng Trung tâm Liễu Quán, cách Huế khoảng 30 cây số về phía Nam, một cơ sở Phật giáo khác cũng được xây dựng. Đó là Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã của Hòa thượng Thích Thanh Từ. Kiến trúc này được thiết kế giữa một vùng núi non hùng vĩ, kinh phí rất lớn. Có điều những người đứng ra quán xuyến việc xây dựng chẳng có ai phải lo lắng về vấn đề tài chánh cả, vì đó là thiền viện của Hòa thượng Thích Thanh Từ, một vị thiền sư nổi tiếng. Phật tử đổ tiền vào cúng dường một cách rộng rãi dễ dàng, vì đệ tử của Hòa thượng từ Bắc chí Nam đông đảo không làm sao đếm hết, và vì đó là một thiền viện. Thiền viện tuy không phải là chùa, nhưng Phật tử cũng có thể đến đấy lễ bái, tu tập, hành thiền… như ở một ngôi chùa vậy. Không chỉ một thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã đang được xây dựng, mà vị thiền sư này còn thành lập rất nhiều thiền viện khác từ Bắc chí Nam và luôn luôn nhận được sự cúng dường sung mãn của Phật tử. Thế mới biết sự khác biệt giữa một vị Hòa thượng Phật giáo và một nền văn hóa Phật giáo. Điều nầy cũng không có gì lạ, vì trong bao nhiêu năm hoằng pháp, Hòa thượng Thanh Từ đã đi khắp nơi, giảng kinh, dạy pháp, hướng dẫn Phật tử hành Thiền và gần gũi với Phật tử. Các thầy đều nói rằng Hòa thượng Thanh Từ đã được hưởng một phước báu, có thể tích luỹ từ những kiếp trước. Dù sao đi nữa, Hòa thượng là một thực tế, khác với một trung tâm văn hóa Phật giáo, nghe ra có vẻ mơ hồ hơn.

Phật tử có thể cúng dường Tam bảo một cách dễ dàng. Ngay cả việc cúng dường các Tăng Ni cũng là một chuyện rất đơn giản. Cúng dường một khoản tiền lớn để xây chùa, khác hẳn với việc cúng dường để in ấn kinh sách chứ đừng nói đến danh xưng của bốn chữ văn hóa Phật giáo, có vẻ không thực tế cho lắm đối với Phật tử thường chỉ biết đến chùa chiền. Ngay cả chuyện đến chùa lạy Phật, cầu phước, nhưng không phải chùa nào cũng giống như chùa nào. Chùa nào có thờ linh, các thầy thường xuyên làm lễ cầu an, cầu siêu cho Phật tử thì càng đông người lui tới. Chùa nào không có chúng, không có những lễ nghi như thế thì ít người lui tới, chuyện đó cũng bình thường. Một vị Hòa thượng đã nói đùa: “Chùa thờ linh lúc nào cũng đông đúc Phật tử đến sinh hoạt, việc điều hành chùa tuy bận rộn nhưng dễ dàng vì có phương tiện cúng dường của Phật tử. Trái lại, những ngôi chùa chỉ đào tạo Tăng Ni có trình độ giáo lý cao như cử nhân, tiến sĩ thì phần lớn không có chúng, không có Phật tử”, và vị này đã kết luận: “tiến linh có phần ‘hơn’ tiến sĩ!!!”.

Nghe có vẻ buồn cười, nhưng thực tế là như vậy. Rất nhiều Phật tử đến cúng dường các chùa có thể nói là vì lợi ích cá nhân, vì chùa đối với họ là nơi lui tới, gửi gắm hương linh thân nhân, và còn là nơi đến để cầu phước đức. Thứ hai là vì tình cảm đối với vị trụ trì, xem chùa như một ngôi nhà thứ hai của mình.

Trong khi đó, những cơ sở về văn hóa thì quả là xa xôi và không thực tế cho lắm đối với Phật tử. Phần lớn Phật tử chỉ là những người theo Phật giáo, hiểu Phật giáo qua bốn chữ A-di-đà Phật, đến chùa lễ Phật, cầu an, cầu siêu cho thân nhân, ăn chay, niệm Phật. Họ chỉ cần biết Đức Phật là một vị hoàng tử bỏ ngai vàng cung điện tìm con đường giải thoát cho chúng sanh, nhưng giải thoát thế nào thì họ không hiểu đến nơi đến chốn. Phật tử đọc kinh bằng chữ Pa-li, bằng chữ Phạn, chữ Hán và thuộc lòng để chứng tỏ là một Phật tử thuần thành, nhưng hiểu được chữ Không trong Bát-nhã, thì chắc chắn không có bao nhiêu người.

Bây giờ, càng ngày càng có nhiều người trí thức, nhất là những nhà khoa học, đã từ bỏ những tư duy về tôn giáo khác để nghiên cứu Phật giáo. Tư tưởng Phật giáo giúp cho họ có những giải pháp tìm thấy sự giải thoát về mặt tâm linh trong đời sống con người. Họ nghiên cứu Phật giáo để tìm hiểu những tư tưởng của Đức Phật, để có một nhân sinh quan, một vũ trụ quan sâu sắc, rộng rãi hơn… Nếu có một trung tâm văn hóa Phật giáo tàng trữ kinh sách và những phương tiện, tài liệu để tìm hiểu Phật giáo thì đó là một nơi lý tưởng cho họ. Ngoài ra, một trung tâm văn hóa Phật giáo còn là nơi để Phật tử sinh hoạt đoàn thể, là nơi các chư Tăng có phương tiện để nghiên cứu kinh sách… Nhưng nếu cùng nghĩ đến chuyện thành lập xây dựng một nơi như thế thì rất khó khăn thực hiện vì nhiều lý do. Thứ nhất, những nơi gọi là trung tâm văn hóa Phật giáo không phải là một ngôi chùa, mà là những nơi dành cho những người trí thức, những người hiểu rõ về giáo lý chứ không dành cho đa phần Phật tử chỉ biết chùa chiền. Thứ hai, những người trí thức trong hàng ngũ Phật giáo thì hầu hết lại không phải là những Phật tử doanh nhân, không đủ phương tiện để thực hiện được. Sau nữa, nếu đó là công việc của Giáo hội Phật giáo thì lại càng khó khăn vì Giáo hội không thể nào có kinh phí để thực hiện.

Ngay giữa việc cúng dường Tam bảo và cúng dường một Tăng sĩ cũng đã có sự khác nhau. Chùa chiền là nơi thờ Phật và vị trụ trì chỉ là một Tăng sĩ đại diện để điều hành. Cúng dường Tam bảo nghĩa là cúng dường vật chất để duy trì hoạt động của chùa, nhang đèn, hoa quả dâng lên bàn thờ… Không cần phải những phẩm vật giá trị, với lòng thành, người Phật tử có thể chỉ dâng lên bàn thờ Phật một đóa hoa, một ngọn nến… cũng là cúng dường Tam bảo. Nhưng không phải Phật tử nào cúng dường Tam bảo cũng nghĩ như thế, mà thường khi lại tính đến những vấn đề to lớn thực tế hơn. Tóm lại, cúng dường Tam bảo là Phật sự. Cúng dường cho một vị Tăng Ni nào đó, không phải là cúng dường Tam bảo, mà chỉ là giúp cho vị Tăng Ni đó có phương tiện để sinh hoạt riêng tư, dù đó là một công tác trong việc hoằng pháp.

Ở một ngôi chùa bên Trung Quốc, có một tấm bảng viết một câu, đại ý: “Bất cứ thực hiện công việc gì, cũng phải có tiền, Phật sự bất ngoại lệ”. Nếu không có một cư sĩ Cấp Cô Độc thì hôm nay chúng ta cũng không thể chiêm ngưỡng dấu tích của khu Kỳ viên, vườn Lộc Uyển ở Ấn Độ mà ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, vị Phật tử này đã bỏ rất nhiều tiền mua để làm một chỗ cho Đức Phật nghỉ ngơi, sinh hoạt.

Nghe nói ông Cấp Cô Độc muốn theo Đức Thế Tôn xuống tóc đi tu, nhưng Phật đã cản lại: “Nếu ông làm một Tỳ-kheo thì phước đức chỉ dành cho một bản thân ông, nhưng nếu ông là một đại gia với cái tâm như thế thì lại có vô số người được hưởng cái phước đó”. Đức Phật thật có lý.

Tuy nhiên, có được một trung tâm văn hóa Phật giáo cũng chưa đủ, cái cần thiết là phải cấy văn hóa Phật giáo một cách rộng rãi vào trong tư duy Phật tử, chứ không phải chỉ để cho họ chỉ biết đến chùa lễ bái mà thôi. Chuyện xưa kể có người chơi đàn đứng giữa chợ, tấu lên một khúc nhạc phổ thông. Rất đông người xúm quanh để nghe. Cao hứng, người nghệ sĩ này chơi một khúc nhạc cao hơn. Một số người bỏ đi. Khi người này tấu một khúc nhạc rất cao diệu thì chung quanh gần như không còn bao nhiêu người.

Phải hy vọng và phải làm thế nào để càng ngày, khi một khúc nhạc cao diệu được tấu lên thì vẫn có rất nhiều người biết thưởng thức. (TC. Văn Hóa Phật Giáo)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage