Phật Học Online

Truyện ngắn: Cụ Chắc

   Chẳng rõ ngày xưa vua chúa đi kinh lý thì dân chúng sợ hãi đến cỡ nào, chớ bà Chắc kinh lý thì không những dân chúng không dám nhìn mà còn trốn nữa kia. Thấy bóng dáng bà từ xa, thiên hạ bắt đầu lỉnh đi chỗ khác, dặn con cái rằng bà có hỏi thì nói ba má không có nhà nghe con

    Không hiểu sao mấy hôm nay tôi thường nghĩ về bà Chắc, bà cụ sống bằng nghề cầm thế và cho vay lấy lãi ở quê tôi.

   So với người Việt Nam thì bà thuộc loại người cao lớn, xương xẩu và ăn nói thẳng thừng ai cũng nể-lỡ cầm cái gì hay vay nợ bà thì nể dữ nữa! Mà trông bà có dữ dằn gì đâu, chỉ có cái tiền làm bà tăng muôn phần uy thế.

   Bà có chồng Tàu. Nghe ông Tàu này trôi dạt tới Việt Nam vào những năm bên đó người ta nhe răng cạp đất. Trong nhóm cùng đi với ông, có người vừa tới Việt Nam đã gặp cái ăn mừng quá, ăn lấy, ăn để rồi đùng lăn ra chết. Chồng bà Chắc thì không hư ăn đến vậy, và kiếm sống bằng nghề tẩm quất. Ngày cụ thân sinh bà đau nhức, ông Tàu xoa bóp thế nào mà ông cụ chịu gả con gái cho. Rồi ông Tàu xin nhận nơi này làm quê hương cho tới khi hết đời. Ngày cưới ông sắm cho bà chiếc áo vải điều và chiếc xuyến vàng-gia tài trong hai năm cày sâu cuốc bẫm trên thân gầy Giao Chỉ. Ông bà có được tám người con, năm trai ba gái. Nhưng khi ông Tàu cho rằng năm con trai liền tù tì là không tốt, là ngũ quỷ, nên ông quyết định rằng thằng Út vê Tàu cho chú nó nuôi, ngay cả khi nó chưa đầy tháng. Còn lại bốn thằng hóa ra tứ quý. Ông bà bắt đầu ăn nên làm ra. Ông bỏ nghề xoa bóp và tậu cửa hàng ngũ cốc. Cái ngộ là thời đó ai lấy chồng Tàu liền có biệt danh là bà Năm Tàu, bà Bốn Tàu…Riêng bà Chắc thì vẫn còn tên Hai Chắc.

   Vào những năm Nhật đốt kho lẫm cho dân mình chết đói, gia đình đông lúc nhúc của ông bà tương đối vẫn có khoai sắn nhai cầm hơi. Có dạo nghe biển trúng độc, không ai dám ăn đồ biển nên giá rẻ hơn bèo, ông tha hồ thỏa mãn cái máu Tàu truyền kiếp của mình và bà tòng phu, chẳng sợ chất độc mảy may. Cả gia đình ai cũng phát tướng phát phì từ đấy. Nhường cho cậu trai cả cửa hàng ngũ cốc, bà bắt đầu cầm đồ,cho vay.

   Gia đình lại càng phất lên. Đến năm ông Diệm chết bất đắc kỳ tử thì ông Tàu cũng chết-chẳng dính dáng gì nhau, nhưng đó là điểm mốc nói về năm chết của ông cho những người thường quên ngày tháng. Và cũng không phải chết vì chất độc đồ biển dồn lại, mà chết vì bướu cổ. Phu tử thì tòng tử mà bà Chắc thì không, phu tử thì bà tòng Phật. Từ đó trở nên bạn chí thiết của Đức Quán Thế Âm và miệng không ngớt kêu khẩn bạn hiền. Và cũng từ đó bà bắt đầu lẻm bẻm nhai trầu.

   Bà tụng kinh gõ mõ mỗi chiều. Nếu không ai tới lúc đó thì những bài kinh kệ của bà hẳn là liên tục và thành khẩn lắm. Khổ cái, thiên hạ thường cần tiền bất tử nên quýnh quáng chạy tới bà-và dù đang tụng niệm, bà có cần gì đâu mà phải quýnh, nên bình tĩnh vừa tụng vừa quay đầu ra phía cửa:

   - Nam mô A Di Đà Phật, đồ rách không cầm, Nam mô…

   Xong bà nhìn lên bàn thờ và chỉ có Phật mới biết là bà còn thành tâm trong khi tụng tiếp hay không.

   Bà ít khi ra đường, chỉ ở nhà tính toán tiền nong. Chữ nhứt bẻ làm hai cũng không ra, vậy mà tính nhẩm thì bà dám đố cả mấy ông thầy toán, thách cả cái bài toán của ông lang thuốc Bắc cạnh nhà. Khi bà tính toán thì Phật trên bàn thờ có gọi thì bà cũng không nghe. Bà chăm chú tuyệt đối và những con số như thu hết hồn vía bà. Bà tính toán có vẻ say sưa, nhất là tiền lãi, những lúc đó trông bà vui vẻ tươi tỉnh hơn cả những khi lâm râm khấn vái tâm sự với “bạn hiền”.

   Ít ra đường nên mỗi lần bà ra khỏi nhà thì ai cũng biết.

   Chẳng rõ ngày xưa vua chúa đi kinh lý thì dân chúng sợ hãi đến cỡ nào, chớ bà Chắc kinh lý thì không những dân chúng không dám nhìn mà còn trốn nữa kia. Thấy bóng dáng bà từ xa, thiên hạ bắt đầu lỉnh đi chỗ khác, dặn con cái rằng bà có hỏi thì nói ba má không có nhà nghe con. Dặn vậy là trẻ nhỏ tự nhiên biết trả lời với ai. Bà nghiễm nhiên trở thành  “bà” của cả làng. Lớn lên tôi tự hỏi chẳng lẽ cả làng đều thiếu nợ bà? Chưa bao giờ thấy bà gây gổ hay to tiếng. Với ai bà cũng nhếch mép một chút, cái cười không ra cười, kiều La Joconde, mà thiên hạ đủ trốn rồi thì đủ hiểu tiền làm cho nụ cười của bà trở nên vô giá đến độ nào!

   Mỗi lần chị em tôi tới dì Hai cách nhà bà một rào thưa, thường gặp cô con dâu cả nhà bà Chắc. Cô hay đem đậu phộng khô qua nhà dì tôi, vừa chuyện gẫu vừa có người lột phụ cho nhanh. Chẳng biết đám con nít vô tội chúng tôi nợ nần gì, cứ mỗi lần gặp cô con dâu bà thường bịa ra chuyện lột thi. Thế thì chúng tôi…trẻ người non dạ, cứ gồng người lên cố lột cho nhanh, chỉ để cuối cùng được tiếng khen ‘lột giỏi’ và ngón tay trái với ngón trỏ hai bên sưng tấy lên!

   Thỉnh thoảng chúng tôi cũng qua nhà bà Chắc chơi. Bà có vẻ thương con nít. Sẵn đậu phộng bày bán, bà rang vàng phát cho chúng tôi mỗi đứa mỗi nhúm. Chúng tôi vừa ăn vừa lột đậu phộng và nghe bà kể chuyện. Chuyện hoàng tử đánh giày về, thấy cái vỏ dưa bèn tè vào đấy (không biết hoàng tử nghịch hay hoàng tử thì phải tè vào cái gì chớ không chịu cho nước trực tiếp xuống đất?). Nàng Út đi đường đói bụng, bắt gặp miếng dưa mừng quá, ăn. Sau đó nàng Út có bầu…Chuyện ông quan sai lính đem dâng vua quả mít, anh vợ đang có bầu trông thấy mít thèm quá bèn lấy ăn. Ông vua phạt đem mổ bụng người vợ lính, thấy bên trong thai nhi đang cầm múi mít đưa lên môi, và qua làn da bụng mỏng manh của nó người ta thấy là cu cậu đã xơi tái mấy múi rồi…Những chuyện ly kỳ như vậy chúng tôi biết qua tài kể chuyện của bà Chắc. Bà có cái tật rất đặc biệt tổ quốc của chồng là hay khạc nhổ. Mỗi lần đang kể chuyện, bà ho và nhổ toẹt bất kỳ vào một xó nào đó. Nhưng có một lần tôi nghe bà nhơn nhơn trong miệng rồi nuốt cái ực. Từ đó mỗi lần bà đang kể chuyện, nghe bà ho, tôi thường rúm người lại.

   - Có anh kia có ngải…

   Cả đám con nít lao nhao:

   - Ngải là gì hở bà?

   Một đứa làm lanh:

   - Ngải là nghĩa, là người có tình có nghĩa chớ là gì nữa

    - Không phải, ngải là…

    Tới đó thì bà ho. Tôi nhắm mắt nín thở chỉ sợ nghe bà nhai nuốt. Nhưng không, lần này hẳn cục đàm cứng lắm, bà đưa tay bốc gọn gàng và vất nghe đánh bốp vào tường.

   Ngày con dâu sinh lần ba, bà ẵm thằng cháu nhỏ ngồi ngoài hè chờ tin, chừng nghe bà mụ nói còn đứa con thứ hai, bà đứng vụt lên, bỏ cháu dưới đất. Bà mụ lại la lên còn đứa con thứ ba, bà cụ Chắc chạy tuốt ra vườn. Tới chiều sẫm khi mọi việc xong xuôi, anh con trai ra vườn tìm mẹ. Anh kêu lên:

   - Trời ơi, ngồi đâu không ngồi, lại vô chính giữa bụi tre. Rồi làm sao ra đây mẹ?

   - Phát rụi đám gai cho mẹ ra. Tao không biết làm sao tao vô đây được.

   - Nó sinh ba mẹ à.

    Cụ la toáng lên:

    - Thôi thôi đừng nói nữa, kéo tao ra cho tao xuống nhà thằng ba tao ở.

    Cả tuần sau cụ mới về nhà. Gặp cụ, bà mụ cười:

    - Có gì đâu mà sợ thím. Tụi nhỏ mạnh khỏe bình thường mà. Thím biết không, (hạ giọng) năm ngoái cháu đi đỡ đẻ cho nhà kia ở làng dưới. Mô Phật, thìm ơi, cũng sinh ba mà không đứa nào có đầu hết!

    - Nhà nói gì?

    - Dạ, Trời Phật thương thím à. Vậy mà cháu lo chôn cất từng đứa tử tế đàng hoàng bình tĩnh lắm. Mô Phật, tới tối mới về nhà thì cháu sợ…Cháu nghĩ cả ba tháng, mà ở nhà thì lấy gì ăn nên lại phải đi làm.

     Tới đó thì bà cụ Chắc như hiểu ra câu chuyện, cụ ré lên, khua tay bấn loạn rồi chạy vội ra sân. Cụ gập người lại, hai tay ôm ngực. Bà mụ hoảng quá chạy theo ra đỡ hai vai cụ., tự nhủ thầm là tâm sự gửi không nhằm chỗ, chỉ tưởng nói như vậy cho cụ mừng, ai ngờ, Cụ ói tới mật xanh, mật vàng…Đêm đó cụ lên cơn sốt…

    Thiên hạ bàn tán rằng mấy đứa cháu mới ra đời tuổi không hạp với bà nội,rằng cầm tính của tụi nhỏ là mèo mà cụ Chắc lại tuổi chuột. Thảo nào mà ba đứa hè nhau chụp bà cụ dính ngay. Rằng nhà này có mống mầm của quỷ, đã hai đứa con trai rồi mà còn sinh một hơi ba thằng nữa. Rằng trước kia cụ còn khỏe mạnh và cho ngay thằng Năm đi nhưng cái căn cơ vẫn còn đó nên bây giờ tụi nó trở lại hại cụ, nên cụ ra đi bất ngờ quá, chớ sức cụ còn dai, tinh thần minh mẫn lắm mà! Nguồn tin khác thì nói càng về già cụ càng nghi ngờ hết con cái nên không cho đứa nào biết ai thiếu đủ bao nhiêu, cụ nói cái của đó để cụ dưỡng già và cúng Phật. Mà Phật thì không thích hưởng cái của thất đức phi nghĩa đó nên cho cụ quy tiên để khỏi…mang tiếng dính vào những đồng tiền không lấy gì làm Phật cả.

     Thôi thì ai cũng nói nho nhỏ, dặn nhau là đừng nói cho ai nghe. Dặn nhau tới nỗi không cần dặn nữa vì cả làng đều biết. Xác cụ còn nằm đó mà lời đồn đại thì đi xa tới tận bên Tàu. Nghe đâu người con trai Út có gửi tiền về cúng, gửi qua tận ngả Hồng Kông hay gì gìđó.

   Dân làng chúng tôi bàn tán tới cái chết của bà cụ Chắc nhiều hơn cái chết của ông Diệm và ông Tàu. Ông Diệm chết thì dân làng không có gì thay đổi cả, nhưng bà cụ Chắc chết thì không nói ra chớ có lắm anh chị bỗng dưng hết thành con nợ. Bà cụ đi thình lình, chẳng kịp trối trăn gì. Hầu như cả làng ai cũng tới phúng viếng, chắc trước ánh mắt lung linh hương khói trên bàn thờ, có khối anh chị xin cụ tha thứ bỏ qua nợ nần, và không quên cầu khẩn Đức Phật tiếp dẫn bà cụ tới Tịnh thổ để dù có nhớ đường về cũng không còn tha thiết chuyện đòi nợ nữa. Bỗng dưng cả làng cảm động.

   - Mẹ ơi, dì Hai nói lạ quá, đáng lẽ bà cụ Chắc phải chết đường chết sá hay chết nửa trên giường nửa dưới đất mới phải.

    - Sao lại mới phải?

    - Vì bà cho vay cắt cổ, như vậy là ác.

   Tôi vẫn còn nhớ nụ cười dịu dàng của mẹ:

   - Bà kinh kệ nhiều vậy thì ác sao được? Dù có ác mà thành tâm tụng niệm bấy lâu nay thì Trời Phật nào mà không động lòng.                                                                       

Miêng
   Paris, 30, Sept. 1998
Tạp chí văn hóa Phật Giáo


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage