Phật Học Online

Viên sỏi trắng

    Mỗi sáng xả thiền, thầy đều thấy những viên sỏi trắng được sắp xếp gọn gàng ngay lối đi. Ngày một ít. Lâu dần, con đường nhỏ dẫn đến ngôi tịnh thất đã trải đầy thảm sỏi.

    Bóng con bé chạy dài theo bóng nắng. Thoắt cái nó đã mất hút sau đám ô môi rậm rạp. Vị thầy chỉ đi theo một đoạn. Nhìn những dấu chân nhỏ nhắn in trên nền đất, ông khẽ lắc đầu: Làm sao nó có thể chạy nhanh như sóc vậy chứ.

    Thầy ngồi thiền. Ánh nắng ban mai soi bạc cả mảnh y vàng đắp trên người. Không gian sáng lòa mà yên tỉnh. Mùi hoa sói bên hiên ngoài thoang thoảng hương vị một tách trà thơm buổi sớm. Rồi thì con bé thập thò bước vào. Một thân hình khẳng khiu bé nhỏ, xác xơ nhưchiếc lá ủ chiều tàn. Duy chỉ có đôi mắt thơ ngây là còn đọng lại đôi chút long lanh ngời sáng.

    Sau khi rải hết bọc sỏi…con bé bước đến ngồi ngay bụt cửa gian tịnh thất. Mắt ngước nhìn vị thầy, nó bắt chước theo cách ngồi của người. Mọi hơi thở cử động của nó rất khẽ, rất nhẹ nhàng. Nó lo sợ vị thầy nhìn thấy, dù biết người hiền từ đâu nỡ bắt tội một đứa nhỏ bệnh tật. Con bé chẳng hiểu thầy ngồi như thế để làm gì. Nhưng hình bóng thầy toát lên vẻ uy nghiêm khả kính làm nó cảm thấy thật an lành. Nó phát hiện ra nơi này trong một lần tha thẩn ngang qua, bèn khởi ý tưởng đem trải sỏi dọc theo con đường.

   Nhiều tháng rồi vị thầy chưa tiếp cận được con bé. Nó đến và đi như bóng ma chập chờn lẩn khuất. Khi xả thiền, thầy chỉ thoáng thấy dáng nó bỏ chạy xa xa nơi lùm bụi. Chỉ có những viên sỏi trắng ngày một nhiều thêm trên lối đi. Loại sỏi này thầy nghe nói có rất nhiều bên con suối cạn. Rồi một hôm thầy cũng lần mò tìm tới…

    Con bé mở to đôi mắt khi thoáng thấy tà áo nâu bước lên đồi. Đã lâu lắm rồi, dân trong làng thi thoảng đi qua quăng cho một ít thức ăn để giúp nó không bị chết đói, rồi thôi. Chẳng ai thăm viếng hay hỏi han nó lấy một lời. Lúc này, nó đã toan đứng dậy bỏ chạy nhưng đôi chân đau quá. Ánh nắng phản chiếu gương mặt hốc hác xanh xao, để lộ vài vết thâm tím gần mí mắt. Thầy chựng lại khi nhìn con bé đang ngồi bệt dưới đất nhặt nhạnh những viên sỏi với vẻ mặt hốt hoảng. Như kịp hiểu ra điều gì, Thầy bước đến ngồi xuống cạnh nó dịu dàng hỏi:

   - Sao lâu nay con không tới trải sỏi. Con bị bịnh à?

    Con bé chưa hết ngơ ngác. Nó không hiểu hay không biết trả lời thế nào. Thầy vẫn ôn tồn:

- Con bị bịnh phải không? Sao lại ở đây một mình? Ba mẹ nhà cửa con đâu?

    Con bé đưa tay chỉ căn chòi lá bên khu đồng mả. Qua giây phút ngỡ ngàng, con chim nhỏ bắt đầu cất tiếng.

   Nó cố gắng bật ra từng tiếng một, giọng ngọng nghịu đến khó nghe: Mọi…người nằm…ở đó. Không còn ai cả…

    Thoáng lạ lùng, rồi thầy cũng đoán hiểu trong nỗi ngậm ngùi xót xa. Thầy nhìn vào đôi mắt thâm tím của nó:- Mắt con bị sao thế này?

   - Hôm trước…con sợ…sợ thầy…bắt gặp…nên chạy…té.

- Hừ! Chắc là đau lắm? Thầy có làm gì đâu mà con phải sợ đến như vậy? Con ở đây một mình rồi ăn uống thuốc men làm sao? Không thể như thế này được. Để thầy đưa con về tịnh thất chăm sóc.

   Con bé yên lặng quay nhìn ra đồng mả. Mắt nó rươm rướm ngấn lệ.

- Con tên là gì? Thầy vẫn nhỏ nhẹ hỏi.

    Giây lâu con bé mới lắp bắp trả lời: Con tên…A Lin. Mà không…con là…Sỏi trắng?

    Thầy cười, cố ý nhại theo: Đó là tên sao, Sỏi trắng?

    Con bé lại lắc đầu. Dường như nó chẳng biết gì hơn nữa. Cả với cái tên của mình.

    Đá sỏi trơ gan cũng phải mềm lòng khi bước chân người tìm đến. Suối ngàn róc rách. Chim hót oanh ca. Gió ngàn vi vu bên những tàng cây lá đổ tạo nên bản hợp xướng không lời nơi chốn rừng xanh êm ả. Nhiều năm rồi, dòng suối cạn được nạo vét, hình thành một dòng chảy bất tận qua các xóm làng ven núi. Cây trái xum xuê đã làm thay đổi hẳn một bộ mặt một vùng đất vốn nổi tiếng khô hạn lâu nay.

    Chính vị thầy đã tìm ra mạch nước ngầm từ trên một đỉnh thác cao. Sau đó thầy huy động dân làng đục đá, nạo vét lòng suối để cho dòng nước được thông nguồn tuôn chảy. Con suối hồi sinh. Dân quanh vùng tìm đến phát nương làm rẫy. Nhà cửa đông dần. Nhiều con đường được mở ra. Vị thầy cũng dời am thất về bên bờ suối. Con đường từ tịnh thất của thầy đi qua các dãy nhà đều trải đá sỏi. Mấy ngôi mộ bên bờ suối cũng được xây lăng, trồng hoa. Riêng mộ của Thiện Duyên mọc dày đặc các loại cỏ chỉ. Phía trên đặt khung gỗ lớn viết mấy hàng thư pháp. Nét chữ nhỏ mà tiêu phỏng như dàn trải cho đời bao ước mơ thầm lặng…

    “Khi người ta ném viên sỏi vào nước dù rất nhỏ, nó cũng tạo nên vài gợn sóng. Khi đã gieo vào lòng mình chút duyên lành, nó cũng sẽ kết tinh nên những hạt mầm tươi đẹp cho sự sống muôn đời tiếp nối”.

    Một lần thầy giảng cho con bé nghe về dòng suối thanh lương có thể rửa hết muộn phiền đau khổ. Thấy nói câu ấy và con bé ghi nhớ. Rồi nó đọc lại cho người tạo cây cảnh khu vườn viết thư pháp lên gỗ. Khi con bé mất, thầy đặt mảnh gỗ thay cho mộ bia tưởng niệm. Con bé ra đi lặng lẽ với cõi lòng mãn nguyện. Cuối cùng nó cũng nhận chân ra được chân lý cuộc sống. Nó không còn cô độc giữa đời, cũng không có gì lưu luyến hay giận hờn phiền trách. Thầy hay kể cho nó nghe chuyện cậu bé nhà nghèo phát tâm cúng dường nắm đất cho Phật mà được vô lượng phước điền về sau: “Dù nghiệp duyên con phải trả trong kiếp này. Nhưng vẫn còn đó chút căn lành được gần gũi quý thầy lại thích nghe pháp. Hơn nữa con cũng biết tạo công đức cúng dường khi đem sỏi rải nơi tịnh thất của thầy. Sau này dù sanh ra ở đâu con đều được an lành với phước báu đã tu tạo”.

Thiện Duyên là pháp danh thầy đặt ra cho Sỏi trắng. Tâm hồn con bé từ một dòng suối khô cạn, bỗng gặp được duyên lành, để từ đó bao mạch nước trong xanh lại dạt dào tuôn chảy.

    …Sỏi trắng không quá ngu ngơ như thầy nghĩ. Cuộc sống cô độc giữa rừng xanh, sự xa lánh của con người làm cho nó e ngại cả khi nghe tiếng là cây xào xạc. Cha mẹ Sỏi Trắng cũng mắc chứng bịnh phong nên bị người trong bản làng xua đuổi. Họ trôi dạt về ngọn đồi khô cằn này sống lẻ loi xa cách. Dân ở đây không quá kỳ thị, nhưng người ta vẫn tránh đến gần. Khi họ mất, dân làng đến lo chôn cất. Tuy vậy không ai muốn lãnh nuôi đứa bé. Không còn người thân, Sỏi Trắng chỉ biết sống âm thầm bên ngách cửa rừng với chút ít lương thực mà người trong làng mang đến. Khi con bé ra đời, cha mẹ nó ắt hẳn đã nhìn những viên sỏi nhỏ xinh xinh bên bờ suối mà gọi tên con…

    - Thầy sẽ mở một trạm xá cứu chữa chăm sóc cho người bịnh. Trước mắt là cho con bé Sỏi Trắng.

    Thầy nói với dân làng như vậy. Sau đó thầy đến bên bờ suối chặt cây đốn tre dựng lên một am thất nhỏ.

    Hàng ngày Sỏi Trắng vẫn thích làm công việc của mình là quanh quẩn bên bờ suối lượm sỏi đem rải quanh ngôi tịnh thất mới. Mỗi sáng sau khi xả thiền, thầy lần xuống suối nạo vét đem sỏi lên trải đường. Mấy lần đứng nhìn con suối cạn, lòng thầy lại băn khoăn suy nghĩ…Thầy thường đi sâu vào trong rừng tìm cỏ thuốc. Và rồi một hôm tấm lòng nhiệt thành của thầy cũng được đền đáp khi phát hiện ra thác nước ở tận rẻo núi cao. Thầy nhận ra đây là nguồn nước từng đổ về dòng suối cạn. Do mưa bão lớn lấp đá ngăn mất đầu nguồn, từ đó mà dòng suối bị tắc nghẽn.

    “Bồ-tát cùng chư Thiện thần sẽ bổ xứ cho đệ đến một nơi nào đó để hoằng pháp”.

    Ngày trước khi nghe mấy sư huynh nói vậy, thầy chỉ cười. Phật bổ xứ chắc cũng có ngoại lệ. Xưa nay thầy quen việc đến đi trong cõi tạm. Đâu đâu cũng chỉ dừng chân ít lâu. Có khi tĩnh tọa tham thiền. Có lúc ngao du sơn thủy. Đời tu sĩ thích trải lòng cùng sông núi thiên nhiên, thầy chẳng quan tâm hay vướng bận một nơi nào. Vậy mà gió mưa không lay chuyển nổi tảng đá giữa trời xanh, nhưng khe xanh suối cạn nơi heo hút đã làm chùn bước chân một đời du phương ẩn sĩ.

    Vũ trụ bao la luôn ẩn chứa bao điều kỳ diệu. Câu chuyện về con suối cạn đã thông thương dòng chảy không chỉ mang lại sự sống cho người dân quanh vùng, mà cũng thắp lên ngọn lửa về niềm tin chân lý đạo mầu. Mang ơn người tìm ra dòng nước trong lành, lại ghi nhớ công đức người khai sáng nguồn tâm, từ đó dân lành sống hòa thuận yên vui thấm tình đạo vị.

    Thầy đã lấy nơi đây làm trụ xứ hành đạo. Người đã làm nhiều điều lợi ích dân sinh, nhưng lại không thể cứu chữa căn bịnh nan y cho Sỏi Trắng. Người đệ tử đầu tiên được thầy quy y. Cỏ dại đã theo về cùng đất lành, nhưng hạt giống lành vẫn không ngừng tăng trưởng . Con đường Sỏi Trắng, ngọn đồi Thiện Duyên là những tên gọi thân tình mà bao người dành cho cô bé. Những đứa trẻ mồ côi, những người bịnh tật neo đơn cũng đã có một nơi chăm sóc an dưỡng.

    Bên dòng suối thanh lương, nguồn mưa pháp vẫn dạt dào tuôn chảy.

Lê Hạnh Tâm
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 57


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage