Bởi thế, một số nhà sư Tây phương vừa mới vất bỏ của cải trần thế
đã sớm dính mắc vào y, bát. Họ nhuộm y thật đúng màu, xoay sở đủ cách để
làm chủ một chiếc bát mới, nhẹ, làm bằng sắt không gỉ. Bận tâm, lo săn
sóc hay dính mắc vào vài ba vật sở hữu có thể làm mất nhiều thì giờ,
trong khi đó công việc của nhà sư là chỉ hành thiền mà thôi.
Một vài nhà sư Tây phương đã từng du lịch nhiều nơi trên thế giới
trước khi đi tu. Họ đã tự do ăn mặc và sống theo sở thích trước đây;
chẳng bao lâu họ sẽ cảm thấy đời sống an phận, khuất phục trong thiền
viện rất tù túng, áp chế và khó khăn. Râu tóc cạo như nhau, y áo cùng
kiểu, cách vái chào các sư cao hạ, cách ôm bình bát,v. v., đều cùng một
lối giống nhau cả. Dù cho có chủ tâm tốt, người Tây phương cũng khó có
thể cảm thấy thoải mái trong lối sống khuôn mẫu, thu thúc này.
Một vị sư đặc biệt trước đây không những là khách du lịch thường
xuyên mà còn tự xem mình là một tín đồ của "đợt sóng mới," đội
những chiếc nón thêu hoa đủ màu, trên gắn những cái chuông nhỏ, tóc dài
để bím, v. v. Sau một vài tuần sống thúc bó trong qui củ thiền viện, một
đêm nọ nhà sư thức giấc vào lúc nửa đêm vì một cơn ác mộng. Trong mộng
nhà sư thấy mình mặc bộ y nhuộm đủ màu xanh đỏ; chiếc bát cũng được vẽ
hoa lá và những đường ngoằn ngoèo theo lối hoa văn Tây Tạng.
Ajahn Chah cười khi nghe thuật chuyện sáng hôm sau, và ngài hỏi
thăm nhà sư về sự tự do ở Mỹ. Phải chăng tự do thể hiện qua kiểu để tóc
hay lối ăn mặc? Có lẽ sau đó Ajahn Chah nhắc nhở nhà sư và đưa nhà sư
trở về với việc hành thiền, đó là ý nghĩa sâu xa của tự do. Việc làm
chính của nhà sư là khám phá ra rằng: tự do vượt ra khỏi mọi hoàn cảnh
và thời gian.
Người nào gặt hái được kinh nghiệm về sự tham luyến trong khi khoác
áo nhà tu và trong khi sống đơn giản, người ấy đã học được một bài học
sáng ngời quí giá, hơn hẳn tất cả những bài học từ trước. Tư hữu và tham
luyến hoàn toàn tách rời khỏi mọi hoàn cảnh bên ngoài. Chúng có gốc rễ
từ trong tim và thể hiện trong mọi hoàn cảnh. Chỉ với một vật nhỏ bé, tư
hữu và tham luyến cũng khởi dậy được. Cho đến khi nào chúng ta hiểu và
học được bài học sâu xa về sự dứt bỏ, lúc bấy giờ những cấu hợp bên
ngoài chỉ là đấu trường khác, nơi đấy những tập nhiễm tham ái đóng vai
tuồng của chúng mà chẳng liên hệ gì đến chúng ta cả.
Ajahn Chah biết rõ sức mạnh của đời sống an cư trong rừng. Đấy là
một sức mạnh lớn lao và sáng chói, rất hữu hiệu để đối trị những phiền
toái trầm trọng mọc gốc rễ từ trong tâm trí chúng ta. Ưu thế của Ngài là
dùng giới luật nghiêm khắc giúp các nhà sư trực tiếp đương đầu với
những vấn đề của chính họ, bao gồm trong tham lam, phán đoán, sân hận và
si mê. Những lời dạy của Ajahn Chah thường nhằm mục đính đưa chư tăng
trở về đối diện với chính tâm mình, nguồn gốc và cội rễ của mọi phiền
toái trên cõi đời này.
Bạn trốn đi đâu bây giờ?
Nhiều người đến đây để xuất gia. Nhưng sau khi trở thành nhà sư, họ
đối diện với chính mình và cảm thấy rằng chẳng an lạc chút nào. Thế rồi
họ nghĩ đến việc hoàn tục, chạy trốn. Nhưng đi tìm an lạc ở đâu bây
giờ?
Biết được cái gì tốt, cái gì xấu mới là điều quan trọng, dù đi
nhiều nơi hay ở một chỗ cũng thế thôi. Bạn không thể tìm được an lạc
trên đỉnh nuí cao vời hay trong hang động sâu thẳm. Dầu có thể tới tận
nơi Đức Phật thành đạo nhưng không phải nhờ thế mà bạn có thể đến gần
chân lý hơn.
Điều đương nhiên đến với bạn trước tiên là hoài nghi: Tại sao chúng
ta phải tụng kinh? Tại sao chúng ta ngủ ít thế? Tại sao phải nhắm mắt
lúc ngồi thiền? Những câu hỏi tương tự như vậy sẽ nảy sinh trong tâm bạn
khi bạn bắt đầu hành thiền. Chúng ta phải thấy tất cả mọi nguyên nhân
của đau khổ -- đó là Chân Pháp, Tứ Diệu Đế, chứ chẳng phải một phương
pháp luyện tâm đặc biệt nào. Chúng ta phải quan sát cái gì đang xảy ra.
Nếu quan sát sự vật chúng ta sẽ thấy chúng đều là vô thường và trống
rỗng, từ đó một ít trí tuệ sẽ nảy sinh. Khi chưa thật sự hiểu thực tại,
chưa thấy rõ thực tại, chúng ta chưa hết hoài nghi và sự chán nản sẽ trở
lại với chúng ta nhiều lần. Đó không phải là dấu hiệu xấu. Đó là một
phần của những gì mà chúng ta phải đối đầu; đó là những sở hữu của chính
tâm ta, đó chính là Tâm và Trí của ta.
Đi tìm Đức Phật
Ngài Ajahn Chah thường tỏ ra dễ dãi và cảm thông với những đệ tử
xuất gia Tây phương thích đến rồi đi. Theo truyền thống, một thầy tỳ
khưu mới tu phải ở với vị thầy đầu tiên ít nhất năm hạ rồi mới được ra
đi làm một du tăng khất sĩ. Ajahn Chah thường nhắn nhủ đệ tử phải giữ
gìn giới luật trong sạch. Giới luật là phần tối thiết yếu trong việc tu
trì của một nhà sư. Phải nghiêm trì giới luật, ép mình trong khuôn khổ
kỷ luật của thiền viện và của tăng đoàn. Nhưng một số nhà sư Tây phương,
giống như trẻ được nuông chiều, đã được Ajahn Chah cho phép ra đi trước
thời hạn để đến học với những vị thầy khác. Thông thường một vị sư ra
đi là chuyện đương nhiên, chẳng có gì phải luyến lưu, nhung nhớ hay gây
chút xáo trộn nào trong thiền viện. Đời sống trong giáo pháp trực tiếp,
đầy đủ và trọn vẹn. Mỗi lần ngồi ở đâu Ajahn Chah đều nói, "Chẳng có
ai đến và chẳng có ai đi."
Sau một năm rưỡi tu tập tại chùa Wat Pah Pong, một nhà sư Mỹ xin
phép đến tu học với các thầy người Thái và Miến Điện khác. Một hai năm
sau, nhà sư Mỹ trở về với nhiều mẩu chuyện về cuộc hành trình của mình
gồm nhiều tháng hành thiền tích cực và một số kinh nghiệm đáng ghi nhớ.
Sau buổi tụng kinh lễ Phật chấm dứt, nhà sư Mỹ được đối xử bình thường
như chẳng hề có chuyện ra đi. Sau buổi thảo luận Phật Pháp và hoàn tất
mọi công việc thường nhật với các nhà sư và khách đến viếng thăm, Ajahn
Chah hỏi nhà sư Mỹ xem thử nhà sư có tìm thấy giáo pháp gì mới lạ và hay
ho không?
-- Không, mặc dù tôi đã học được nhiều điều mới trong khi hành
thiền, nhưng thật ra, tất cả những điều đó đều tìm thấy ở Wat Pah Pong
này. Giáo pháp luôn luôn ở ngay đây để mọi người thấy và thực hành.
Ajahn Chah cười nói:
-- A! Đúng vậy. Tôi đã từng nói với sư điều này trước khi sư đi,
nhưng sư không hiểu đó thôi.
Nhà sư Mỹ sau đó đến cốc của Ajahn Sumedho, vị học trò đầu đàn
người Tây phương của Ajahn Chah, và kể lại tất cả hành trình của mình,
những điều hiểu biết mới và những thành quả lớn lao trong việc hành
thiền. Sumedho yên lặng lắng nghe và chuẩn bị bình trà buổi chiều được
pha bằng một vài loại cây rừng. Sau khi câu chuyện chấm dứt, Sumedho mỉm
cười nói, "Vâng, thật kỳ diệu. Hãy để cho chúng trôi qua."
Cứ thế, những người Tây phương tiếp tục đến rồi đi, tất cả đều tự
mình học những bài học này. Đôi lúc, trước khi họ lên đường, Ajahn Chah
chúc họ đi thành công, nhưng thường thì nói vài câu trêu chọc họ.
Một nhà sư người Anh băn khoăn trong việc tìm kiếm một cuộc sống
hoàn hảo, một vị thầy hoàn hảo, đến rồi đi, xuất gia rồi hoàn tục nhiều
lần. Thấy thế, Ajahn Chah quở trách, "Nhà sư này đang tìm kiếm gì
đây?" Ajahn Chah tuyên bố với toàn thể tăng chúng, "Con rùa có
râu không? Quí vị nghĩ xem ông ta phải đi bao xa mới tìm thấy nó?"
Tệ hơn nữa, một vị sư Tây phương đến xin phép Ajahn Chah để đi, vì
nhà sư thấy rằng việc thực tập với đời sống bó buộc của tu viện quá khó
khăn, thấy quanh mình thật nhiều tệ hại, "Một số sư nói chuyện nhiều
quá! Tại sao chúng tôi phải tụng kinh mới được chứ? Tôi cần nhiều thì
giờ ngồi thiền một mình. Những vị sư cao hạ hơn, và ngay cả thầy nữa,
chẳng chỉ vẽ gì cho người mới cả." Nhà sư nói trong nỗi thất
vọng, "Ngay cả thầy cũng chẳng có vẻ gì là người giác ngộ cả.
Thầy luôn luôn thay đổi. Lúc thì thật khó khăn, lúc thì như bất cần. Làm
sao tôi biết thầy đã đắc đạo chưa?"
Ajahn Chah cười cởi mở khi nghe nhà sư người Anh nói thế. Vừa vui
đùa, vừa chọc tức nhà sư trẻ, Ajahn Chah nói:
-- “Cái hay là ở chỗ tôi không tỏ ra đã đắc đạo đối với sư. Bởi
vì nếu như tôi giống khuôn mẫu người giác ngộ của sư, người giác ngộ lý
tưởng phải làm những hành động như sư nghĩ thì sư vẫn dính mắc mãi vào
việc tìm kiếm ông Phật ở bên ngoài. Ông Phật không ở ngoài, Phật ở ngay
trong chính tâm của sư."
Nhà sư trẻ cúi đầu lạy Ajahn Chah, rồi trở về cốc để tìm ông Phật
thật.
Theo: Mặt hồ tĩnh lặng
Người dịch: Tỳ khưu Khánh Hỷ
Aggasami Trần Minh Tài
Nguồn: Buddha Sasana