Muốn sống hài hòa với mọi người, chúng ta phải loại bỏ tính
kiêu căng tự phụ, cho mình là quan trọng hơn cả, đồng thời cũng không
dính mắc vào những lạc thú phù du. Nếu không vất bỏ yêu ghét, thực ra
bạn chưa có được chút nỗ lực tinh tấn nào. Không vứt bỏ có nghĩa là đi
tìm an bình nơi không bình an. Hãy tự khám phá chân lý này. Chẳng cần
phải lệ thuộc vào một đạo sư bên ngoài -- thân và tâm không ngừng dạy
ta. Hãy lắng nghe bài thuyết giảng của chúng để không còn hoài nghi
nữa.
Con người luôn luôn bị dính mắc vào ý nghĩ cho mình là lãnh tụ,
người lãnh đạo. Cũng có kẻ dính mắc vào chuyện mình là một học trò, một
môn đệ. Có ai tự hào rằng mình không phải là học trò khi mình có thể học
hỏi ở tất cả mọi vật? Ai có thể dạy dỗ tất cả mọi điều mà không phải là
thầy?
Hãy lấy việc vái lạy làm phương cách bảo vệ thế giới quanh bạn. Hãy
vái lạy một cách tôn kính và đầy tình thương. Khi trở về cốc liêu một
mình, hãy để mọi thứ xuống và việc trước tiên là nằm dài ra lạy. Muốn đi
ra ngoài để quét dọn, hãy nằm dài ra lạy trước. Lúc quét dọn xong trở
vào, lại tiếp tục lạy nữa. Vào nhà vệ sinh, phải vái lạy trước. Và vái
lạy trước khi trở về phòng. Hãy nhủ thầm, "Mọi lỗi lầm do thân,
khẩu, ý tôi gây ra, cầu mong đuợc tha thứ." Luôn luôn giữ mình
chánh niệm.
Tu sĩ chúng ta là những kẻ đại may mắn. Chúng ta có chỗ ở, có bạn
lành, có cư sĩ hỗ trợ và có Giáo Pháp. Chỉ còn việc thực hành nữa thôi.
Tiết chế lời nói
Muốn nói ít thì chỉ nói khi có ai hỏi, chỉ nói khi cần. Khi có ai
hỏi, "Sư đi đâu?" chỉ cần trả lời, "Đi lấy gỗ mít." Nếu họ
hỏi tiếp, "Lấy gỗ mít để làm gì?" chỉ trả lời, "Để nhuộm y."
Thay vì trả lời dài dòng, "Tôi vừa từ Bangkok đến. Tôi nghe nói
quanh đây có nhiều gỗ mít tốt. Vì vậy tôi đến kiếm một ít đem về nhuộm
y. Tồi vừa mới may xong chiếc y tuần rồi. Còn anh thì sao, tuần này thế
nào?"
Kẻ xuất gia không nên nói nhiều và thích quần tụ. Điều này không có
nghĩa là phải hoàn toàn tịnh khẩu. Nhưng nhà sư chỉ nói khi cần thiết
và hữu ích. Trong tu viện của ngài Ajahn Chah, buổi chiều sau khi
các nhà sư đã kéo nước, quét dọn, tắm rửa, không còn nghe một âm thanh
nào ngoài tiếng dép đi kinh hành của các nhà sư. Thường thì mỗi tuần một
lần, các nhà sư vào giảng đường để nghe chỉ dẫn hoặc học hỏi giáo lý.
Xong xuôi, các vị lại trở về cốc liêu để ngồi thiền hay đi kinh hành.
Các đường đi lại trong thiền viện đã khá mòn trước đây, nhưng ngày nay
vì các nhà sư ít đi lại nên người ta chỉ thấy dấu chân những con chó
trong làng.
Càng ngày càng khó tìm ra những thiền viện tốt đẹp. Bởi thế một số
nhà sư cho rằng Phật Giáo chỉ chú trọng vào việc nghiên cứu học hỏi giáo
lý mà không thật sự thực hành. Khắp nơi người ta chỉ lo đốn cây khai
rừng để tạo nên những ngôi chùa mới mà chẳng lưu tâm gì đến việc luyện
tâm. Ngày xưa trái lại, các thiền sư chỉ sống với thiên nhiên mà không
kiến tạo gì cả. Ngày nay các tín đồ xem việc xây dựng chùa chiền là hoạt
động chính của tôn giáo và đó là lãnh vực mà nhiều người ưa thích. Như
vậy cũng đúng. Nhưng chúng ta phải hiểu mục đích của việc xây dựng chùa
chiền. Việc thực hành giáo pháp của nhà sư chiếm khoảng 80 đến 90% thì
giờ, thời gian còn lại dành để giúp đỡ mọi người. Lại nữa, muốn dạy
người khác, tự mình phải kiểm soát được mình; có kiểm soát được chính
mình mới có đủ khả năng giúp đỡ người. Đừng mang gánh nặng của kẻ khác.
Những buổi nghe Pháp là cơ hội để kiểm điểm lại tâm mình, kiểm điểm lại
sự thực hành của mình. Điều quan yếu là phải thực hành những điều đã học
hỏi. Bạn có thể tìm thấy những lời dạy dỗ này trong chính bản thân bạn
không? Bạn đã thực hành đúng hay gặp một vài khuyết điểm? Bạn có tầm
nhìn đúng không? Không ai có thể thay bạn làm những điều này. Bạn không
thể diệt hoài nghi nhờ nghe người khác. Bạn có thể tạm thời xoa dịu mọi
nghi nan của bạn, nhưng chuyện rồi đâu lại vào đấy, và nhiều câu hỏi lại
phát sinh ra. Cách duy nhất để chấm dứt hoài nghi là chính bạn phải tự
mình diệt chúng.
Chúng ta phải dùng phương pháp độc cư trong rừng để thanh lọc tâm
chứ không phải để tách rời với mọi người hay để đào thoát. Làm thế nào
có thể đào thoát khỏi tâm chúng ta; làm thế nào có thể trốn khỏi vô
thường, khổ và vô ngã, khi chúng nó có mặt khắp nơi? Chúng chẳng khác
nào mùi hôi thối của phân. Dầu dính ít hay nhiều vẫn hôi như nhau.
Đối diện với tham ái
Nếu đời sống thế tục thuận lợi cho việc hành thiền, Đức Phật đâu có
khuyến khích chúng ta đi tu làm gì. Thân và Tâm chúng ta là những băng
đảng cướp của giết người luôn luôn lôi kéo chúng ta đến hầm lửa tham
lam, sân hận, si mê. Đời sống thế tục có rất nhiều khó khăn trở ngại,
ngũ dục luôn luôn lôi cuốn. Chúng mời gọi chúng ta đến căn nhà ái dục
với một giọng nói ngọt ngào thân thiện, "Đến đây! Hãy đến đây!" Và
khi bạn đến gần, cửa mở, súng nổ.
Bạn có thể đối trị tham ái bằng cách hành phép đầu đà -- chỉ dùng
các vật dụng cũ kỹ, không hấp dẫn, hoặc hành thiền quán sát tử thi. Xem
mọi người, kể cả chính bạn, chỉ là những xác chết, những bộ xương. Hành
thiền cách này thực ra không phải dễ, bởi vì khi chợt thấy hình ảnh một
cô gái đẹp, bạn sẽ không còn thấy xác chết nữa.
Niệm thân là cách tập luyện để đối kháng lại những quan niệm sai
trái của mình. Chúng ta thường xem thân này tốt đẹp. Trong khi đó Đạo
giải thoát bảo ta nhìn cơ thể này chỉ là những tập hợp của vô thường và
bất toại nguyện. Khi chúng ta còn trẻ trung, khoẻ mạnh, chưa nhuốm bệnh
ngặt nghèo, chúng ta dễ có những hành động và ý nghĩ sai lầm -- cái chết
đối với chúng ta thật xa vời, chẳng phải sợ hãi gì cả. Những người
không hành thiền thì mãi đến lúc mang bệnh nặng hay tuổi già đến, họ mới
thay đổi quan niệm. Tại sao phải đợi đến lúc ấy? Hãy làm như người đã
chết, mặc dầu lòng tham ái của bạn không bao giờ chết; đúng vậy, nhưng
xem chúng như đã chết.
Đôi khi cần phải đi đến một thái cực, chẳng hạn sống gần với thú
dữ, thấy nguy hiểm đe doạ tánh mạng mình, bạn không còn thì giờ để nghĩ
đến tình dục nữa. Bạn cũng có thể bớt ăn hay nhịn ăn để giảm sự kích
thích.
Một số nhà sư sống trong nghĩa địa, lấy tử thi làm đề mục hành
thiền. Đây là đề mục có hiệu quả chế ngự tình dục. Lúc còn trẻ tôi thích
sống với những người già, hỏi họ thử xem cái già đến với họ như thế
nào? Khi nhìn họ, tôi nhận thức được rằng chúng ta ai cũng phải đi con
đường này. Tâm luôn luôn nghĩ đến cái chết, đến sự hủy diệt; không còn
chút quyến luyến hay kỳ vọng gì vào cuộc đời này sẽ khiến chúng ta cảm
thấy hoan hỉ và định tâm. Khi thấy sự vật như nó đang hiện hữu, nghĩa là
thấy sự vật theo chân tướng của nó, ta sẽ không bị nó ràng buộc. Sau
đó, khi đã có tâm định kiên cố, chúng ta sẽ không còn gặp khó khăn nữa.
Chúng ta còn bị ái dục lôi kéo vì thiền tâm chưa kiên cố. Khi trở thành
những nhà sư sống trong rừng, chúng ta không còn để cho phiền não tự do
hòanh hành nữa, vì chúng ta đã nếm mùi những cú đá khá đau của chúng.
Chỉ có kiên nhẫn và chịu đựng mới là phương thuốc thích hợp. Thực vậy,
trong lúc hành thiền, chẳng có gì cả ngoài sức chịu đựng. Thế mà nhờ sự
chịu đựng, tất cả đều sẽ thay đổi.
Có nhiều người cho rằng chúng ta điên khi thấy chúng ta ngồi trong
rừng bất động như những tượng đá. Nhưng họ đã sống ra sao? Họ cười, họ
khóc, họ dính mắc vào sự vui buồn. Có khi họ giết nhau hay tự sát vì
tham lam sân hận. Vậy thì ai điên đây?
Hãy luôn luôn nhớ kỹ trong tâm: Tại sao ta xuất gia? Người nào đến
hành thiền như chúng ta mà không hưởng được hương vị giải thoát thì đã
phí thì giờ vô ích. Những cư sĩ, với gia đình, nghề nghiệp, trách nhiệm,
mà còn nếm được hương vị giải thoát, huống hồ một người xuất gia. Một
tu sĩ nếu chịu hành thiền chắc chắn sẽ thành công.
Theo: Mặt hồ tĩnh lặng
Người dịch: Tỳ khưu Khánh Hỷ
Aggasami Trần Minh Tài
Nguồn: Buddha Sasana