Phật Học Online

Đáp số cuộc đời
Thảo Vy

Có nhiều người thấy xấu hổ vì cha mẹ nghèo, thất học, hoàn cảnh khó khăn. Có người cảm thấy xấu hổ vì nước da màu, vì lùn, thấp…, hay oán trời trách đất vì mình đã ở nhầm nhà, đi nhầm con đường, "sinh nhầm thế kỷ"… Nhưng khó khăn hay thuận lợi trong cuộc sống phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố nội lực của cá nhân. Và cuộc đời là sự báo đáp cho những ai có tư duy đúng đắn và nỗ lực tốt.


Theo Inamori Kazuo, cuộc đời bao gồm nhiều sự thử thách. Đối với ông, thử thách là một phần tất yếu của cuộc sống, và con người phải tập sống chung với nó. Quan điểm này có lẽ chịu ảnh hưởng từ vị thầy Nishikata.

Năm 1985, Công ty Kyocera mặc dù đã sản xuất một loại dụng cụ giúp ích cho các bệnh nhân nhưng lại bị phê phán nặng nề vì vi phạm quy định về giấy phép sản phẩm. Ông đến viếng chùa và kể lại tình hình, vị sư già chẳng những không an ủi mà còn nói: "Này, tôi nói để anh biết, việc gặp gian nan chính là bằng chứng chứng tỏ mình đang sống đấy". điểm đặc biệt mà ông nói tới là không chỉ khó khăn mới là thử thách, mà cả các thuận lợi cũng là thử thách. Ông viết: "Con người thường ngạo mạn và xa hoa vì gặt hái thành công và có địa vị từ quá sớm…; mới vừa thành công đã lên mặt huênh hoang. Như thế thì cả tài sản và địa vị phải vất vả lắm mới có được cũng sẽ biến mất lúc nào không hay". Và ông kết luận: "Có không ít người… mới 30 tuổi đã có tài sản hàng trăm tỷ yên. Đối với những người trong cuộc như anh ta thì sự thành công cũng là một thử thách".

Quan điểm của Inamori là một quan điểm tích cực. Đối với ông, hoàn cảnh là thử thách mà thử thách là vẫn đề mỗi người cần phải đối diện để chủ động điều chỉnh. Có nhiều người thấy xấu hổ vì cha mẹ nghèo, thất học, hoàn cảnh khó khăn. Có người cảm thấy xấu hổ vì nước da màu, vì lùn thấp…, hay oán trời trách đất vì mình đã ở nhầm nhà, đi nhầm con đường, "sinh nhầm thế kỷ". Đấy là những thử thách liên quan đến thân thế của cá nhân. Còn có những thử thách mang tính cộng đồng.

Ở Việt Nam, sau chiến tranh, các khó khăn đã làm nảy sinh tâm lý thông thường là đổ hết mọi thứ cho hoàn cảnh và chờ hoàn cảnh thay đổi. Trong các hoạt động của đời sống, ta thường nghe than vãn: "điều kiện khó khăn, chính sách không đúng, cơ cấu không hợp lý…, vì thế mà tôi không thể làm việc được, không thể sống được…, tôi phải đi chỗ khác, làm việc khác".

Tâm lý thụ động quả thật rất nặng. Thậm chí, trong những người được xã hội ưu đãi, những "hạt gống đỏ", được cấp học bổng từ 40.000-50.000USD/người để đi học nước ngoài cũng có những ý kiến phát biểu: "Nếu thành phố không quan tâm đầu tư thì liệu những người trẻ như chúng tôi có khả năng phát triển hay không?"; và cho rằng chương trình  đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ cần công khai mức lương để những người trở về không bất ngờ và yên tâm. Điều đó có nghĩa là: "cứ tạo hoàn cảnh thuận lợi đi, chúng tôi sẽ cống hiến". Chúng ta chợt chạnh lòng nhĩ đến số đông sinh viên. Với học bổng vài trăm ngàn một tháng, thậm chí nhiều người còn phải đóng học phí, không được những ưu đãi như các "hạt giống đỏ", không biết họ có đủ tư cách để yêu cầu việc công khai mức lương, cũng như một vị trí làm việc để họ "yên tâm " học hay không. Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường TP.HCM cũng phải nói rằng: "Bản thân các hạt giống đỏ không được thờ ơ, phải xem mình là bộ phận của cả guồng máy, có thể guồng máy đó chưa tốt thì phải cùng cải tạo chứ không nên đứng ngoài".

Bằng quan niệm đời người là sự sống chung với thử thách, Inamori Kazuo cho rằng, cuộc đời là sự báo đáp cho những ai có tư duy đúng đắn và nỗ lực tốt. Khó khăn hay thuận lợi phụ thuộc rất nhiều (thậm chí hoàn toàn) vào yếu tố nội lực của cá nhân. Điều đó được biểu thị bằng "công thức": Đáp số cuộc đời = Năng lực x Lòng nhiệt tình x Cách tư duy.

Ông định lượng "năng lực" theo thang điểm 100. "Lòng nhiệt tình" ông cũng chấm theo thang điểm 100. Ông phân tích: "Nếu một người có trí thông minh thấp hơn cả mức trung bình và chỉ được 30 điểm chẳng hạn. Bù lại điểm về lòng nhiệt tình là 90 điểm, vì người ấy ham muốn làm việc gấp mấy chục lần so với người khác, thì điểm cuộc đời sẽ là 30x90=2700". Trường hợp một người thông minh, có điểm năng lực 90, nhưng lại cho rằng mình không thể "làm việc cật lực" thì lòng nhiệt tình chỉ khoảng 10 điểm. Điểm cuộc đời cả người ấy chỉ khoảng 90x10=900. Ông kết luận: "Tôi luôn nghiệm thấy, người biết rõ những hạn chế về năng lực của mình, nếu luôn chịu khó, nỗ lực thì bao giờ cũng có đáp số cuộc đời hơn hẳn những người thông minh nhưng lười biếng". Về thông số "cách tư duy" ông cho thang điểm từ -100 đến +100. Giải thích vè điểm âm trong cách tư duy, ông viết "Giả dụ, một người có năng lực tuyệt vời, có lòng nhiệt tình mạnh mẽ nhưng lại thù oán, căm giận cuộc đời thì đáp số cuộc đời của người đó là số âm càng lớn"

Từ "năng lực" được ông giải thích: "Đó là những gì bẩm sinh, có sẵn trong con người, bao gồm năng lực mang tính thể trạng như thần kinh vận động có phát triển hay không, có khỏe mạnh hay không…, chứ không phải theo nghĩa đầu óc có thông minh hay không". Chiều cao, giọng nói, cơ bắp, sự hoàn hảo hay thiếu sót của các giác quan… tạo thành "năng lực" bẩm sinh của một người. Theo ngôn ngữ của máy tính, thì "năng lực" mà ông đề cập tới ở đây tương tự như là cấu hình của máy, là phần cứng mà dựa trên cơ sở đó, các chương trình máy tính hoạt động. Như vậy, "năng lực" là phần khó thay đổi được, và mọi người cần phải thừa nhận nó, chứ không mặc cảm nếu nó không hoàn hảo. Năng lực của một người mà hơi yếu thì đó cũng là một loại thử thách đối với người ấy.

Công thức "đáp số cuộc đời" của Inamori Kazuo không đề cập tới hoàn cảnh bên ngoài. Hoàn cảnh bên ngoài chỉ đóng vai trò của  thử thách. Vấn đề Inamori Kazuo đặt ra là con người ta phải có hành động như thế nào để tối ưu hóa hành vi của mình và để điều chỉnh thử thách. Ông tự dẫn chứng hoàn cảnh của mình, một người có "năng lực" không cao. Ông viết: "Thất bại đầu đời của tôi là việc thi trượt trung học cơ sở. Năm sau thi lại cũng trượt. tôi phải học ở trường dự bị. Đến khi thi đại học, tôi trượt Đại học Quốc gia Osaka và phải thi vào trường đại học hàng tỉnh. Ra trường tôi cũng trượt trong cuộc thi tuyển nhân viên của các công ty". Tuy nhiên, cuộc đời của ông đã cho thấy, một người năng lực bẩm sinh không cao cũng có thể đạt được nhiều kết quả to lớn. Tất cả phụ thuộc vào hai yếu tố còn lại của công thức đáp số cuộc đời.

Thông số quan trọng nhất mà Inamori Kazuo đưa vào công thức là "cách tư duy". Ông nói: "Sau này, tôi quan tâm sâu sắc và tìm hiểu kỹ lưỡng về "cái tâm" của con người, cũng bởi vì ngay từ nhỏ tôi đã ý thức về sự mong manh của kiếp người". Theo ông, do định hướng "âm" hay "dương" của "cách tư duy", người ta sẽ tạo ra những vòng tuần hoàn tiêu cực hay tích cực cho cuộc sống của mình. Inamori Kazuo đã trải nghiệm đoạn kệ đầu tiên trong kinh Pháp Cú:

Ý dẫn đầu các pháp

Ý làm chủ, ý tạo

Nếu với ý nhiễm ô

Nói năng hay hành động

Khỏ não bước theo sau

Như chiếc xe theo chân con vật kéo,

 

Ý làm chủ các pháp

Ý làm chủ, ý tạo

Nếu với ý thanh tịnh

Nói năng hay hành động

An lạc bước theo sau

Như bóng không rời hình.

Ông đã trải nghiệm vòng tuần hoàn tiêu cực từ bé. Khi còn nhỏ, ông bị lao mặc dù rất sợ bị bệnh: "Cứ mỗi khi đi qua góc nhà nơi chú tôi bị lao nằm đó, tôi lại lấy hai tay bịt mũi chạy bán sống bán chết, chỉ sợ hít phải vi trùng lao… Trong khi đó, cha tôi với tình thương em sâu xa, bất chấp hiểm nguy vẫn chăm sóc chú tôi cho tới phút cuối cùng. Nhưng vì thế vi trùng lao lại né, không bám vào ông. Còn tôi, một kẻ chỉ nghĩ tới minh, tìm mọi cách tránh xa thì vi trùng lao ào tới, bám lấy. Khi đó tôi còn rất nhỏ, nhưng cũng thấy ra được nhiều điều từ sự việc trên, và sự tỉnh ngộ đến tận bây giờ".

Khi lớn lên đi học, ông gặp vòng tuần hoàn tiêu cực khác. Khi tốt nghiệp đại học hàng tỉnh Kagoshima lại thi trượt trong các kỳ thi tuyển vào các công ty. Ông viết: "Có vẻ như nếu không có thế lực hoặc không quen biết thì dù có học giỏi, có tốt nghiệp đại học cũng chẳng có đất dụng võ… Khi đó trong tôi âm thầm dấy lên tâm trạng "xã hội sao mà bất công đến vậy". Tất cả những gì tôi định làm đều trục trặc, đến nỗi tôi hình thành một đinh ninh quái đản: "Người ta mà bốc thăm thì thế nào cũng có lần trúng. Còn tôi dù có được bốc thăm cả trăm lần cũng trượt. Có làm gì cũng hỏng, như thể cuộc đời tôi là đồ bỏ đi vậy". Cuối cùng thì Inamori Kazuo cũng xin được việc trong Công ty Công nghiệp Shofu, chuyên sản xuất sứ cách điện cao áp. Giống như tình trạng sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam hiện nay, ông tốt nghiệp ngành hóa hữu cơ, nhưng lại đi làm "trái chuyên môn" ở ngành gốm sứ trong lĩnh vực hóa vô cơ. Đã vậy, Công ty Shofu mặc dù nổi tiếng nhưng lại đang trong tình trạng tài chính nguy ngập, đến nỗi nhiều người gặp ông bảo thẳng: "Này, báo trước cho cậu biết nhé. Làm việc ở cái công ty ấy thì chẳng ma nào nó chịu lấy cậu đâu". Trong vòng tuần hoàn tiêu cực ấy, ông mang một nỗi hận đời. Ông từng nghĩ: "Dù mình có cố đến mấy cũng bị xã hội gạt ra rìa. Hay thử dấn thân vào con đường Yakuza xem sao - làm một gã maphia có học có khi lại hay". Sau đó, ông chán nản nộp đơn vào trường đào tạo sĩ quan và đã đỗ. Tuy nhiên, anh của ông đã ngăn cản việc đó. Trong lá thư gửi Inamori, người anh viết: "Anh luôn tin rằng em sẽ cố gắng làm việc để giúp gia đình thoát khỏi sự nghèo túng. Cả nhà phải chịu đựng đủ thứ để em học hết cấp ba, rồi theo học đại học. Vậy mà mới đi làm được ít bữa em đòi bỏ việc. Em nghĩ gì vậy? Lẽ ra, chỉ riêng việc xin được vào làm trong công ty cũng là tốt lắm rồi. Phải có lòng biết ơn mọi người chứ. Phải siêng năng làm việc…".

Là thư của người anh có tác động sâu sắc đến Inamori. Ông nghĩ: "Chẳng có chỗ nào khác cho mình tìm đến. Kêu ca mãi thì cũng đến thế. Thôi từ nay cứ toàn tâm toàn ý tập trung nghiên cứu tìm ra loại gốm công nghệ cao". Quyết định này bắt đầu tạo ra vòng tuần hoàn tích cực trong cuộc đời ông. Ông viết: "Cũng từ đó, tôi thay đổi hẳn nếp nghĩ trong đầu bằng cách tự nhủ thầm: thay vì những lúc rảnh rỗi mình cứ suy nghĩ trong đầu bằng cách suy nghĩ lung tung thì từ giờ mình sẽ dùng thời gian ấy để nghiên cứu. Từ đó cuộc sống hàng ngày của tôi cũng thay đổi. Bình thường cứ hết giờ làm việc là tội lại về nhà tập thể để cơm nước, giặt giũ. Tôi bắt đầu cảm thấy thiếu thời gian kể từ khi để tâm vào nghiên cứu". Ông viết tiếp: "Có một điều lạ là khi tôi bắt đầu miệt mài nghiên cứu thì hàng loạt kết quả khả quan cứ theo nhau xuất hiện". Ông được khen ngợi, và, khi mới 23 tuổi, đã mang trong lòng ý nghĩ: "Sẽ vực công ty lên bằng kết quả của chính mình". Một vòng tuần hoàn tích cực xuất hiện trong con người Inamori, và ông tâm sự: "Được khen ngợi. Công việc trở nên hấp dẫn. Càng nỗ lực không ngừng. Về sau nhận thức của tôi ngày càng sâu thêm: điều quan trọng nhất trong cuộc đời con người là ở chỗ phải tự tạo ra vòng tuần hoàn tích cực như vậy cho mình".

Cách tư duy nào sẽ được đánh giá là "dương"? Cách tư duy theo như Inamori Kazuo đề cập trước hết là sự tư duy đúng (chánh tư duy): "Nếu sống với lòng thù hận cuộc đời, nhìn đời bằng lăng kính méo mó thì điểm về cách tư duy là âm…". Quan trọng hơn, ông cho rằng ần phải có mọt quan điểm đúng (chánh kiến). Ngay từ phần mở đầu, ông đã nhắc tới quyển sách Âm chất lục nổi tiếng của tác giả Viên Liễu Phàm (Trung Quốc). Ở Việt Nam, quyển sách này đã được dịch ra với tựa đề Bốn bài giáo huấn của người xưa (NXB Văn Nghệ, 2005). Inmori viết: "Âm chất lục là cuốn sách mà tôi rất thích đọc và thường hay giới thiệu cho mọi người cùng đọc. Tôi cũng nghĩ rằng con người có số mệnh. Thế nhưng số mệnh không phải là điều không thể thay đổi được. Như câu chuyện đã chỉ ra: nếu ta nghĩ điều thiện, nếu ta làm việc thiện, thì ta sẽ có thể thay đổi được số mệnh và biến cuộc đời ta thành một thứ còn quý giá hơn cả sự sống nữa". Ông giải thích kỹ hơn: "Vậy, thế nào là điều thiện? Trong ngôn ngữ có hai chữ "ích kỷ" và "vị tha". Người ích kỷ là người chỉ cần có lợi, chỉ cần tốt cho riêng mình, còn người khác ra sao cũng được. Người có tấm lòng vị tha là người khi làm bất cứ điều gì cũng nỗ lực vì người khác chứ không phải chỉ để thỏa mãn dục vọng của mình". Ông nói tới luật nhân quả: "Mọi người đều biết chân lý: thiện tâm sẽ mang đến kết quả tốt. Ngạn ngữ Trung quốc: "Tích thiện dư phúc". Những người thiện tâm, luôn làm điều thiện thì nhất định sẽ hạnh phúc. Điều thiện luôn mang lại lợi ích cho người thực hành nó".

Những điều vừa đề cập là kinhngiệm bản thân của Inamori. Khi việc nghiên cứu vật liệu cách điện thành công, Công ty Shofu đã được Công ty Matsushita đặt hàng. Với ý nghĩ tích cực, ông thực sự đã vực Công ty Shofu sống dậy. Tuy nhiên, vào thời điểm đó lãnh đạo công ty và công nhân thường xuyên mâu thuẫn và hay xảy ra những cuộc đình công. Trong tình hình như vậy ông quyết đinh: "Riêng bộ phận củ tôi phải duy trì sản xuất liên tục, không tham gia đình công. Tôi làm như vậy vì muốn bảo đảm sản xuất, có sản phẩm và giao hàng đúng hạn cho khách hàng". Hành động của ông có lẽ do ảnh hưởng của người cha: "Cha tôi làm việc rất cần mẫn. Không quản sáng sớm đến đêm khuya, bao giờ ông cũng giao hàng đúng hẹn… Trong châm ngôn kinh doanh của công ty của tôi có câu: "Giữ chữ tín, không vay nợ". Có lẽ tôi giống cha tôi ở điểm này". Mặc dù có những cố gắng của Inamori, Công ty Shofu vẫn cứ suy sụp dần. Khi Công ty Hitachi đề nghị Shofu nghiên cứu về ống chân không siêu nhỏ bằng gốm, Inamori đã lao vào nghiên cứu. Tuy nhiên, kết quả không thành công và ông lại mâu thuẫn về quan điểm nghiên cứu với Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật. Thế là ông phải rời khỏi công ty. Đến đây, chắc ông cảm nhận được sự hoạt động của vòng tuần hoàn tích cực. Toàn bộ nhân viên ở bộ phận ông đảm trách xin thôi việc để đi theo ông. Cấp trên của ông là Ayoama Masaji cug nói: "Tôi cũng thôi việc theo cậu. Tôi sẽ tìm nguồn vốn, thành lập  công ty mới để cậu tiếp tục nghiên cứu". Uy tín và sự nỗ lực khi còn ở Công ty Shofu của Inamori đã khiến ông Nishienda mang luôn căn nhà đang ở làm tài sản tấê chấp để vay tiền Ngân hàng làm vốn. Inamori viết: "Vì tôi - người mà ông ấy chưa từng gặp - và vì công ty mới, ông ấy dám chấp nhận rủi ro, không biết chừng sẽ mất hết cơ nghiêp". Quan điểm nghĩ điều thiện, làm việc thiện chi phối sâu sắc các hoạt động về sau của ông.

Ông kể lại việc thành lập công ty điện thoại. Năm 1984, Công ty Điện thoại Nhà nước Denden Kosha độc quyền thị trường điện thoại Nhật Bản với doanh số 40.000 tỉ yên/năm và 330 ngàn nhân viên. Còn Công ty Kyocura của ông chỉ mới là 22.000 tỉ yên/năm và 11 ngàn nhân viên. Lập côngty điện thoại mới để cạnh tranh với năng lực như vậy thì gióng như "châu chấu đá xe". Đã vậy, ông còn mù tịt về lĩnh vực thông tin viễn thông. Ông viết: "Trong tình cảm đó, để bắt đầu công cuộc lớn lao như vậy thì phải có ý chí, động cơ và mục đích thật cao cả thì mới lay chuyển được lòng người… Đêm nào cũng như đêm nào, tôi luôn thao thức trước khi ngủ, tự cật vấn lòng mình: Động cơ lập công ty điện thoại cậ mình có trong sáng thật không? Tâm địa của mình có thực sự "thiện" không? Hay chỉ vì mình muốn chơi trội? Muốn được lưu danh? Có thực sự vì lợi ích của người dân hay chỉ là nói miệng thế thôi? Suốt nửa năm trời, kể cả những lúc về nhà sau bữa rượu tàn, tôi vẫn cứ lặp đi lặp lại trong lòng những lời tự vấn như vậy. Chỉ sau khi biết chắc lòng mình, ý chí mình gây dựng sự nghiệp này hoàn toàn vì lợi ích của người dân, vì lợi ích của xã hội và không mảy may dao động, tôi mới quyết định đặt chân vào con đường này". Vậy là Công ty Điện thoại Dainhi Denden được thành lập. Khi đó công ty của ông tham giao vào thị trường cung cấp dịch vụ điện thoại di động cùng với Công ty Điện thoại IDO. Hai công ty cùng muốn được giành quyền cung cấp dịch vụ trong vùng thị trường thứ nhất, còn được gọi là "vùng vành đai Thái Bình Dương", nối thủ đô Tokyo và Nagoya. Các thành phố lớn của Nhật Bản và nhu cầu tiêu dùng đều tập trung ở vành đai này. Chẳng ai chịu ai. Thế là Inamori đã nhường vùng thị trường này cho IDO và chịu những lời khiển trách của các cổ đông: "Có một cái bánh bao thì phần nhân thịt ngon lành anh để đối thủ cướp mất. Chỉ còn cái vỏ mà anh cũng mang về và bắt chúng tôi phải xơi hả? Thế là thế nào?". Tuy thế, với nỗ lực của ông, Công ty Điện thoại di động Kansai Cellular vẫn được triển khai và trở thành công ty hàng đầu trong các công ty mới.

Thông số thứ ba được nhắc tới trong công thức "đáp số cuộc đời" là "lòng nhiệt tình".

Kazuo Inamor sinh nưam 1932 ở Kagoshima, trên đảo Kyushu. Người Nhất xem ông như là một "Honda sống". Năm 27 tuổi, ông thành lập Công ty Kyoto Ceramics mà ngày nay đã trở thành Tập đoàn Kyocera xếp hạng thứ 254 trong số 500 công ty hàng đầu thế giới. Năm 1984, ông lập ra Công ty Điện thoại DDI. Sau đó năm 2000, ônglập ra Tập đoàn Viễn thông ở Nhật Bản rẻ hẳn đi. Ông đã trích từ tài sản riêng ra 2 tỉ yên đẻ lập Quỹ Inamori và Giải thưởng Quốc tế Kyoto. Giải thưởng này được đánh giá cao như Giải thưởng Nobel, hàng năm trao cho các tài năng xuất sắc trên các lĩnh vực: kỹ thuật, khoa học cơ bản, tư tưởng và nghệ thuật. Ông là đệ tử của vị cao tăng Nishitaka Tansetsu thuộc phái Lâm Tế, trụ trì chùa Enfuku ở Kyoto. Sau khi bị cắt bỏ 2/3 dạ dày do ung thư, ông đã xuất gia một thời gian ngắn. Sau đó, thầy Nishikata đã động viên ông trở lại xã hội với lời khuyên: "Làm những việc có ích cho đời mới là con đường đắc đạo đối với anh". Ông đã viết quyển tự thuật Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực (Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Trẻ, 2006) với mong muốn góp ý kiến cho lớp trẻ Nhật Bản khi định  hướng tương lai của mình.

Theo: Tạp chí Văn hóa Phật giáo


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage