Nhưng trên thực tế mấy ai trong chúng ta hoàn toàn thành tựu
được vậy! Đa số thường than phiền luôn bị khổ đau vây khốn, còn hạnh
phúc thì hiếm hoi như nắng hạn trông mưa. Mình luôn muốn hạnh phúc được
lâu bền, nhưng đa phần nó bị đứt đoạn vì phiền não luôn xen vào.
Như vậy, hạnh phúc chỉ xuất hiện khi phiền não, khổ đau hoàn toàn
vắng mặt. Nói thế để thấy được sự ‘thiếu thực tế’ khi ai cũng trông
chờ, hy vọng, tìm kiếm một hạnh phúc hoàn toàn mà không bao giờ phải
hứng chịu khổ đau.
Sở dĩ, tôi cho là thiếu thực tế vì dù muốn dù không chúng ta ai cũng
đều phải kinh qua khổ sầu, từ kẻ sang giàu đến người nghèo khó, và rất
có thể từ đây cho đến ngày nhắm mắt! Điều muốn nói ở đây là làm sao
chúng ta chuyển hóa chúng để đạt được mục đích giải thoát của mình.
Hoa và Cỏ trong Đất Tâm
Tôi quan niệm rằng mỗi khi tiếp xúc với phiền não, khổ đau là mình
vừa tìm ra được thêm những đầu mối, gốc rễ giúp mình giải thoát. Nhờ
những phát hiện này, tôi mới có dịp thấy rõ sức mạnh của phiền não và vô
minh trong tôi. Như phương pháp đức Phật đã chỉ dạy trong Tứ Diệu Đế:
trước hết, mình nhận diện khổ đau (khổ đế) và nguyên nhân của nó (tập
đế), sau đó, mình xem căn bệnh này có trị được hay không (diệt đế) và
phương cách nào để trị (đạo đế).
Rõ ràng, những phiền muộn, ưu phiền, lo âu, sân hận, ganh ghét, đố
kỵ, thất tình, lục dục, v.v.. là những tâm hành sinh ra những hạt mầm
khiến đau khổ đâm chồi, và cũng chính những hạt mầm này nếu bị hủy diệt
thì hạnh phúc, an lạc sẽ nảy sinh.
Hễ chừng nào những hạt mầm xấu được chăm nom, tưới tẩm thì những khổ
đau, phiền não sẽ mọc rể ăn sâu. Gốc càng lớn, rể càng sâu, thì càng
khó mà diệt trừ. Trong kinh Trung Bộ số 64 - phẩm Đại kinh Man đồng tử,
Phật dạy về 5 hạ phần kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham dục,
và sân), là 5 sự buộc ràng khiến chúng ta không thể thành tựu được các
quả vị từ tu-đà-hoàn đến a-la-hán.
Chỉ khi nào chúng ta tự mình cởi trói, triệt tiêu 5 món buộc ràng
này, thì mới thực sự được giải thoát. Trong đời sống hàng ngày, vì luôn
bị những tâm hành phiền não quấy nhiễu, thay vì chánh niệm và tỉnh thức
để chúng tự hủy chúng ta lại tưới tẩm, nuôi dưỡng chúng. Thử tưởng
tượng xem nếu tâm ta là một mảnh đất thì hiện những hoa màu nào đang mọc
mạnh nhất trong ta? Tất nhiên là những hoa màu do chúng ta chăm nom,
nuôi dưỡng.
Mulla Nasruden quyết định trồng một vườn hoa. Ông ta sửa soạn khoảng
đất và gieo hạt của nhiều loại hoa đẹp mà ông thích lên trên đó. Nhưng
khi chúng mọc lên cao, vườn hoa của ông lại mọc đầy những hoa dại lấn
lướt những loại hoa đẹp ông đã chọn. Ông ta đi tìm hỏi những người làm
vườn kinh nghiệm khắp nơi nhờ chỉ cách diệt loại hoa dại này, và đã thử
mọi phương pháp học được, nhưng đều vô ích.
Cuối cùng, ông bèn đi đến tận thủ đô để xin sự hướng dẫn của người
làm vườn trong hoàng cung. Tuy nhiên, mọi cách thức ông ta dạy, như
những phương cách khác Mulla đã thử qua, đều thất bại. Họ ngồi bên nhau
trầm ngâm, suy tư một hồi lâu và sau cùng người làm vườn của hoàng cung
nói, “Vậy tôi đề nghị anh hãy học cách yêu thích chúng thì hơn!”
Cũng vậy, từ đây cho đến ngày lìa khỏi thế gian này chúng ta sẽ còn
phải đối diện với phiền não và khổ đau. Nếu lỡ chúng ta đã trồng nhiều
hoa dại trong vườn tâm thì chính chúng ta phải học cách yêu thích chúng
như Mulla Nasruden đã làm hoặc tìm cách triệt tiêu những hạt mầm hoa dại
ngay từ bây giờ.
Phiền Não tức Bồ Đề
Có một câu chuyện kể rằng: Một người kia vừa mới chết và được sinh
vào một nơi thật là xinh đẹp, bao quanh với mọi thứ lạc thú không thể
nào tưởng tượng được. Một người bận áo choàng trắng đến đón chào anh ta
và nói, “Ngài có thể có mọi thứ ngài muốn - thức ăn, khoái lạc, mọi thứ
giải trí.”
Anh ta thật là sung sướng, và cả ngày anh ta thử hết tất cả những món
mà anh ta đã mơ ước khi ở trần gian. Nhưng một ngày kia, anh ta đâm
chán với tất cả mọi thứ, và cho gọi người hầu đến, và nói, “Tôi chán hết
mọi thứ ở đây rồi, tôi cần một việc gì đó để làm. Ông có việc gì cho
tôi làm hay không?”
Người hầu buồn bả lắc đầu, rồi đáp, “Xin lỗi ngài. Đó là điều duy
nhất chúng tôi không thể thỏa mãn yêu cầu của ngài. Không có việc làm gì
ở đây cho ngài cả!”
Nghe người hầu trả lời xong, anh ta bèn nói, “Thật là hay chưa! Tôi chẳng thà sinh vào địa ngục.”
Người hầu bèn nhẹ nhàng đáp, “Vậy ngài nghĩ ngài đang ở đâu đây?”
Qua câu chuyện trên, chúng ta nghiệm thấy rằng: khổ đau tức hạnh phúc
hay phiền não tức bồ đề. Nghĩa là, muốn thành tựu bồ đề chúng ta phải
thấu hiểu phiền não vì phiền não, khổ đau vốn là ‘mặt trái’ của tâm bồ
đề.
Do vậy, việc đối diện, tiếp cận, hay kinh qua những phiền não là điều
không thể tránh được nếu chúng ta muốn giác ngộ, giải thoát. Thật là
một điều không tưởng khi chúng ta chỉ muốn đạt được giải thoát, giác ngộ
mà không phải chịu khổ đau, phiền não.
Thế nhưng, thật là oái oăm thay chúng ta chỉ muốn tu tập làm sao để
đừng bao giờ bị khổ đau quấy rầy, chỉ muốn theo đuổi con đường nào đưa
đến hạnh phúc, giải thoát, và an lạc mà không phải đương đầu với những
phiền toái của thế gian! Chúng ta thường nghe và hiểu về con đường
‘Trung Đạo’ mà đức Phật đã dạy, nhưng mình thì cứ theo đuổi và trông
mong một con đường ‘Độc Đạo’ để tu ‘cho dễ’!
Đi tìm Giải Thoát trong Phiền Não, Khổ Đau
Nếu quán chiếu sâu xa chúng ta thấy rằng trong hạnh phúc có mầm khổ
đau và, ngược lại, trong khổ đau có mầm hạnh phúc. Điều quan trọng là
thái độ của chúng ta khi đối diện với khổ đau hay hạnh phúc. Như Rita
Barber đã khéo léo diễn tả ý trên qua đoạn văn sau:
“Tôi có thể xem việc con gái nửa đêm chạy vào phòng là một hành động
quấy phá giấc ngủ của tôi, hoặc xem đó là một hành động kêu cứu xin dỗ
dành, nhận thức được rằng đây là một khoảnh khắc trong cuộc đời của cháu
cần sự vỗ về vì cháu bị ác mộng.
Tôi có thể xem việc con gái tôi đào bới những hạt giống mà tôi vừa
trồng như là một hành động phá phách, hư hỏng, hoặc là một hành động tò
mò tìm hiểu của trẻ thơ muốn tìm hiểu xem cái gì hay ai đã khiến cho hạt
giống thành cây.
Tôi có thể xem việc con gái tôi từ chối mặc bộ đồ tôi chọn như là một
hành động không vâng lời, hoặc là một ý muốn được tự chọn lựa.
Tôi có thể xem việc dạy con gái tôi như là một sự thách đố khó khăn, hoặc là một người thày dạy tôi cách sống.
Tôi có thể xem việc kêu khóc um sùm của các con như là một sự chống
trái đáng bị phạt, hoặc là những bước khởi đầu để tôi học biết cách
thương lượng và sống chung hòa bình với người khác.
Nhiều lần tôi cảm thấy bị thử thách để làm một bà mẹ hiền, nhưng hơn
tất cả mọi thứ, tôi cảm thấy mình có phước và trọn vẹn hơn tất cả những
thứ có thể mua được trên thế gian này, và thực sự vinh dự vì vị thiên
thần nhỏ này đã chọn tôi làm mẹ, và đồng thời là học trò và cũng là thầy
giáo của cháu.
Tôi có thể xem việc có đứa con này là một món nợ kiếp trước hay là một món quà vô giá của trời cho.
Khi nhìn con, tôi thấy thượng đế.
Đồng tiền có hai mặt, nhưng dù tôi được mặt nào, tôi đều là người chiến thắng.”
Thái độ sống của Rita Barber cho chúng ta một cái nhìn tươi mát vào
những hiện tượng, hoàn cảnh xảy ra trong cuộc sống hàng ngày và mình đã
phản ứng ra sao đối với chúng. Đơn giản qua cách nhìn và những tình cảm
(cảm thọ) của chính mình, chúng ta đã mở rộng vòng tay đón chào, hoặc
hất hủi, ghê sợ chúng. Như vậy, hiện tượng khổ đau, phiền não không
phải hoàn toàn đáng sợ và kinh hãi. Chúng chứa đựng những cảm giác bất
an, bất như ý, bực giận, khó chịu, v.v.. và v.v.. nhưng chính những yếu
tố này lại là những nguồn kích thích khiến ta vươn lên và tìm lối giải
thoát, tự do. Thiếu chúng, chúng ta như thiếu đi ‘nhân tố hay động lực
cần thiết’ để khiến mình phấn đấu, đứng dậy để làm người.
Xin nhớ rằng: chính nhờ những trải nghiệm khổ đau chúng ta mới đánh
giá đúng đắn và hiểu thấu giá trị đích thực của hạnh phúc và an lạc như
chính bản thân đức Phật đã kinh qua. Những ngày sống trong nhung lụa, kẻ
hầu người hạ đến những năm tháng khổ hạnh cực cùng, đức Thế tôn đã nhận
chân được giá trị của cả hai thái cực – sung sướng và khổ đau.
Từ đó, Ngài không còn thấy khổ đau hay sung sướng là những trở lực
cho công phu tu tập của Ngài. Ngược lại, Ngài xem chúng chính là nguồn
hứng khởi để luôn tinh tấn trong con đường tìm giác ngộ và giải thoát.
Có thể nói, chính sự trải nghiệm qua hai thái cực này mà đức Thế tôn đã
tìm ra con đường Trung đạo.
Rõ ràng, chúng là nền tảng, gốc rễ giúp đức Phật tìm ra chân lý giải
thoát. Nói vậy để cùng nhìn nhận rằng phiền não, khổ đau không hẳn là kẻ
thù truyền kiếp của chúng ta; cũng như sung sướng, hạnh phúc không phải
lúc nào cũng là bạn hiền muôn thuở. Vì nếu thiếu một trong hai, việc
tìm kiếm con đường giác ngộ và giải thoát của chúng ta sẽ không thể nào
thực hiện được.