Hành
Thiền Để Giải Phóng Tâm
Phạm
Kim Khánh
(Trích: "Con Đường Cũ Xa Xưa",
Trung Tâm Narada, Seattle, Hoa Kỳ, 1993)
Để
kiểm soát, uốn nắn và giải phóng tâm, trong Phật giáo có
hai loại thiền.
Theo một lối, thiền hành giả gom tâm vào một điểm và
cột chặt tâm lâu dài vào điểm duy nhất ấy để phát
triển vắng lặng, an lạc. Danh từ Pàli gọi thiền này là samatha
bhàvavà, phương pháp trau giồi tâm nhằm làm cho nó trở
nên tĩnh lặng. Ta gọi là thiền chỉ, thiền định
hay thiền vắng lặng.
Lối thiền khác là vipassanà, thiền minh sát
-- cũng gọi là thiền quán hay thiền tuệ -- hướng
tâm định soi vào đời sống để chứng ngộ thực tướng
của vạn pháp. Đại Đức Piyadassi giải thích như sau:
"... Danh từ vipassanà (vi + passanà), trong một biến
thể, có nghĩa là "thấy một cách phi thường",
thấy khác với lối thấy thông thường, do hai thành phần
"passati" là thấy và "vi" hàm ý đặc biệt,
khác lạ hơn thông thường. Như vậy, vipassanà là thấy vượt
ra ngoài cái gì thông thường, là minh tuệ. Đây không phải
là nhìn thoáng qua. Cũng không phải chỉ nhìn bên trên bề
mặt, ở mặt ngoài mà nhìn sâu vào bên trong Thực Tại
của đời sống. Chính nhờ cái nhìn sâu sắc căn cứ trên
tâm hoàn toàn vắng lặng ấy mà hành giả tẩy sạch mọi
bợn nhơ, mọi ô nhiễm ngủ ngầm để thành mục tiêu
cuối cùng, Niết Bàn. Thiền minh sát (vipassanà bhàvanà) là
loại thiền mà chính Đức Phật đã tìm ra, đã thực hành,
đã thành công và đã ban truyền, trước kia chưa từng có,
và ngoài Phật Giáo không có ..."
Thiền Vắng Lặng.
Thí dụ như hành giả lấy hơi-thở-ra-thở-vô làm đề
mục, trụ tâm vào điểm mà luồng hơi thở ra và thở vào
chạm đến -- có thể là chót mũi hoặc phía trên môi trên.
Khi hành như thế ít lâu hành giả có thể hình dung rõ ràng
cảm giác xúc chạm của luồng gió vào nơi đụng ấy. Đó
là uggaha nimitta, ấn tượng hình dung. Không để gián đoạn,
hành giả cố tâm vào cái hình ảnh phát hiện trong tâm ấy
một cách liên tục đến khi phát triển một hình ảnh khái
niệm (patibhàga nimitta). Sự khác biệt giữa ấn tượng hình
dung (uggaha nimitta) với ấn tượng khái niệm
(patibhàga nimitta) là trong ấn tượng khái niệm, hình ảnh
phát sanh do tri giác, được thanh lọc trong sạch, sáng sủa
như mặt trăng không bị mây che, còn trong ấn tượng hình
dung, hình ảnh mù mờ như mặt trăng nhìn xuyên qua lớp mây.
Trong lúc liên tục chuyên chú gom tâm vào khái niệm trừu
tượng như vậy năm pháp triền cái tạm thời được khắc
phục, hành giả đạt đến mức độ gọi là cận định
(upacàra samàdhi).
Vẫn tiếp tục gia công, vào một lúc nào hành giả có
thể nhập định (appanà samàdhi, định trọn vẹn) và
đắc Thiền (Jhàna), thọ hưởng trạng thái an tĩnh và
vắng lặng của tâm an trụ. Hai trạng thái cận định và
định chỉ khác nhau ở sức mạnh của các chi thiền. Lúc
cận định vẫn có đầy đủ năm chi thiền nhưng năng lực
của các chi thiền chưa được vững chắc, giống như em bé
tập đi, khấp khểnh bước vài bước rồi té xuống. Đứng
dậy đi nữa, rồi té xuống nữa. Khi nhập định rồi thì
giống như người lớn mạnh khỏe, đi đứng ngay thẳng,
vững vàng. Năm chi thiền - tầm, sát, phỉ, lạc, trụ
-- đồng thời phát sanh mạnh mẽ bao gồm cái được gọi là
Thiền (Jhàna) và năm pháp triền cái tạm thời được chế
ngự.
Hành giả tiếp tục gia công và phát triển Nhị Thiền.
Đến đây, hai chi thiền đầu tiên -- tầm và sát -- bị
loại đi. Hành giả đã quen thuộc, không còn phải qua hai
giai đoạn tầm và sát nữa mà thẳng vào phỉ và lạc rồi
đến trụ.
Đến Tam Thiền, chi thiền phỉ bị loại, chỉ còn
lạc và trụ. Cuối cùng đến Tứ Thiền, luôn cả
lạc cũng không còn mà chỉ có xả (upekkhà) và trụ.
Chi thiền xả có tầm quan trọng đặc biệt về mặt đạo
đức và tâm lý. Đây không phải là thọ xả, tức thọ vô
ký, cảm giác không vui không buồn. Chi thiền xả là trạng
thái tâm bình thản giữa những hoàn cảnh thăm trầm của
đời sống, phải do một ý chí mạnh mẽ phát triển. Nhận
định rằng chi thiền lạc vẫn còn thô kịch, hành giả
loại trừ luôn chi thiền ấy như đã loại trừ ba chi
thiền trước và trau giồi, phát triển chi thiền xả, đắc
Tứ Thiền, tầng cao nhất của Thiền Sắc Giới.
Đã thành tựu tất cả bốn tầng thiền của Thiền
Sắc Giới, hành giả chuyên chú gia công trau giồi Thiền
Vô Sắc. Trong phần chú giải quyển Abhidhammattha Sangaha,
Đại Đức Nàrada viết như sau:
"... Vị hành giả đã có phát triển Thiền Sắc
Giới (Rùpa Jhàna) và bây giờ muốn trau giồi Thiền Vô
Sắc, bắt đầu gom tâm vào ấn tượng khái niệm (Patibhàga
nimitta, đã có đề cập đến ở phần trên). Khi chuyên chú
gom tâm như vậy một ít lâu hành giả thấy một đốm sáng
nhỏ, yếu, giống như con đôm đốm, phát ra từ đối tượng.
Hành giả ước nguyện rằng ánh sáng nhỏ này sẽ lớn lên
dần dần cho đến bao trùm toàn thể không gian. Đến đây hành
giả không còn thấy gì khác, ngoài ánh sáng này, cùng khắp
mọi nơi. Không gian đầy ánh sáng này không có thiệt, không
thật sự hiện hữu, không phải là một thực tại, mà
chỉ là một hiện hữu, không phải là một thực tại, mà
chỉ là một khái niệm. Gom tâm vào đối tượng này hành
giả niệm "àkàsa ananto", không gian vô tận vô biên,
cho đến khi phát triển Sơ Thiền Vô Sắc, tầng Thiền Vô
Sắc đầu tiên, Không Vô Biên Xứ, cảnh giới không
gian vô biên.
"Lấy Sơ Thiền làm đề mục, hành giả tiếp tục
gom tâm vào đó và niệm, "vinnanam anantam", thức vô
tận vô biên, cho đến lúc phát sanh Nhị Thiền Vô Sắc, Thức
Vô Biên Xứ, cảnh giới thức vô biên.
"Để phát triển Tam Thiền Vô Sắc, Vô Sở Hữu
Xứ, hành giả lấy tâm Sơ Thiền Vô Sắc làm đề mục
và niệm "natthi kinci", không có gì hết.
"Tứ Thiền Vô Sắc được phát triển bằng cách
lấy Tam Thiền Vô Sắc làm đề mục. Tam Thiền Vô Sắc này
vi tế đến độ ta không thể quả quyết rằng có tâm hay
không có tâm. Khi chăm chú ít lâu vào Tam Thiền hành giả phát
triển Tứ Thiền, Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng.
"Bốn tầng Thiền Sắc Giới khác nhau do các chi
thiền. Bốn tầng Thiền Vô Sắc thì khác nhau do đề mục
gom tâm. Sơ Thiền và Tam Thiền Vô Sắc có hai khái niệm
(pannati). Đó là khái niệm về tánh cách vô biên của không
gian và khái niệm về hư vô. Tâm Nhị Thiền lấy tâm Sơ
Thiền làm đề mục. Tâm Tứ Thiền lấy tâm Tam Thiền làm
đề mục ... "
Hành giả đã tiến đạt đến tuyệt đỉnh của thiền
vắng lặng. Tuy nhiên, đến tầng vắng lặng cao siêu cùng
tột này hành giả vẫn còn chưa trọn vẹn phát triển đủ
ánh sáng trí tuệ để đánh tan đêm tối vô minh ngủ ngầm
trong luồng nghiệp. Vô minh và ái dục giống như hai con thú
dữ. Hành giả chỉ nhốt trong chuồng mà không diệt. Ngày nào
sút chuồng nó sẽ còn là tai hại lớn lao. Vì lẽ ấy hành
giả chưa tuyệt đối châu toàn, chưa thoát ra khỏi vòng
sanh tử trong Tam Giới (Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc
Giới), chưa hoàn toàn giải thoát.
Trước ngày Thành Đạo của Bồ Tát Gotama, chỉ có
thiền vắng lặng, samatha bhàvanà. Hai vị đạo sư lỗi
lạc thời bấy giờ, thầy của Bồ Tát, là những vị đắc
thiền cao nhất, lúc ấy chưa ai đạt đến. Các Ngài đã
tiến đến mức cùng tột của thiền vắng lặng là Phi Tưởng,
Phi Phi Tưởng. Chắc chắn đây là mức rất cao của tâm định
khi hành giả tạm thời trọn vẹn đè nén, khắc phục năm
triền cái. Các chi thiền phỉ và lạc phát sanh, đưa đến
trạng thái tâm tuyệt đối vắng lặng và an lạc. Nhưng
Bồ Tát không thỏa mãn với những thành quả ấy. Đã
kiểm soát và khắc phục tâm, tạm thời làm chủ mình, nhưng
Ngài nhận định rằng bấy nhiêu đấy chưa đủ. Thú dữ
vẫn còn đó. Phải tận diệt mọi nhiễm ô và mọi hoặc
lậu mới tuyệt hậu hoạn. Mục tiêu cứu cánh của Ngài
chỉ là chứng ngộ Chân Lý Cùng Tột, chứng ngộ Thực
Tại, thấy sự vật đúng như sự vật là như vậy, tức là
chứng ngộ ba đặc tướng của các pháp hữu vi là vô thường,
khổ, vô ngã. Chính nhờ trí tuệ trực giác này mà Bồ Tát
đập vỡ tung cái vỏ Vô Minh dày cứng đã bao phủ Ngài
từ vô lượng kiếp để vượt đến Thực Tại, để
chứng ngộ tận tường và trọn vẹn Bốn Chân Lý Cao Thượng
"trước kia chưa từng được nghe".
Thiền Minh Sát.
Pháp hành mà chúng ta thảo luận đến đây là chú niệm,
gom tâm an trụ vào một điểm duy nhất và không biết gì
ngoài điểm ấy. Có một pháp định tâm khác, gọi là
Thiền Minh Sát, không hạn chế đối tượng của niệm
bằng cách chỉ chú tâm vào một đối tượng bất di dịch
mà hướng tâm vào những trạng thái luôn luôn biến đổi
của tâm và thân, ghi nhận bất luận hiện tượng nào xảy
diễn đến mình. Công phu hành thiền của hành giả là giữ
chú niệm của mình bám sát vào bất luận gì mình tri giác,
nhưng buông bỏ tất cả, không bám níu gì hết. Trong khi tu
tập theo dõi ghi nhận như vậy tâm định của hành giả càng
lúc càng kiên cố cho đến một lúc nọ trở thành nhất điểm
tâm, vững chắc trên mỗi điểm của luồng trôi chảy luôn
luôn biến đổi của sự vật. Mặc dầu đối tượng đổi
thay, di động như thế nào, tâm nhất điểm của hành giả
luôn luôn an trụ vững vàng vào đó. Tâm định vừa vững
chắc vừa di động này được phát triển bằng cách thực
hành Tứ Niệm Xứ: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm,
niệm pháp, đây là "con đường duy nhất để chúng
sanh tự thanh lọc, để diệt trừ đau khổ, để thành đạt
trí tuệ và để chứng ngộ Niết Bàn."
Khác biệt giữa Thiền Vắng Lặng và
Thiền Minh Sát.
Thiền Vắng Lặng là pháp môn nhằm đè nén năm triền cái
và định tâm trong một đối tượng nhất định. Tâm phỉ
lạc đưa đến chứng đắc các tầng Thiền Sắc Giới và Vô
Sắc Giới. Thiền Minh Sát đưa đến một loại trí tuệ
nhận thức rõ ràng ba đặc tướng của các pháp hữu vi là
vô thường, khổ, vô ngã.
Trong thiền vắng lặng, hành giả chọn và xử dụng một
trong số các môn, như nhãn môn hay ý môn. Còn các môn khác
thì không dùng. Trong thiền minh sát, hành giả không nhất
thiết chọn một đề mục nào mà dùng cả sáu môn cùng
với sáu đối tượng của nó.
Trong thiền vắng lặng, khi hành giả chọn đề mục, dùng
tâm quán tưởng ở trong đề mục ấy cho đến lúc tâm có
đủ năng lực đè nén năm triền cái, năm chi thiền dần
dần hiện rõ, tâm an trụ vững trong đề mục và cuối cùng
chứng đắc các tầng Thiền (Jhàna). Năm triền cái đối
nghịch với thiền vắng lặng vì là chướng ngại, cản
trở tâm an trụ, nhưng không đối nghịch với thiền minh sát.
Niệm về năm triền cái, tức lấy sự hay biết năm chướng
ngại tinh thần này làm đề mục thiền, là một phần của
Niệm Pháp.
Đối tượng của thiền minh sát là thực thể pháp trong
thời hiện tại, những gì thật sự xảy diễn trong khoảnh
khắc hiện tại. Đối tượng của thiền minh sát là Tứ
Niệm Xứ. Các đối tượng chế định, do hành giả tự
tạo như ấn chứng, cảm giác hay hình ảnh v.v... không thể
dùng làm đối tượng thiền minh sát, chỉ dùng làm đối tượng
của thiền vắng lặng.
Dầu thiền vắng lặng và thiền minh sát có sự khác
biệt nhau song thiền vắng lặng có thể làm nền tảng cho
thiền minh sát như trường hợp Đức Phật. Ngài tiến cao
đến mức cùng tột của thiền vắng lặng là Phi Tưởng,
Phi Phi Tưởng rồi xả thiền, quán chiếu thân và tâm Ngài,
dùng chi thiền phỉ, lạc v.v... làm đối tượng và thấy rõ
vô thường, khổ, vô ngã. Đó là "thiền minh sát dùng
thiền vắng lặng làm nền tảng."
Ta cũng có thể trực tiếp hành thiền minh sát mà không
qua thiền vắng lặng, như chỉ quán niệm theo bốn oai nghi,
đi, đứng, nằm, ngồi.
Để giải đáp một câu hỏi về sự khác biệt giữa
thiền vắng lặng và thiền minh sát, Ngài Acharn Chah -- một
thiền sư danh tiếng ở Thái Lan -- nói:
"... Thật dễ hiểu. Thiền vắng lặng và thiền minh
sát cùng đi chung với nhau. Trước tiên, do nhờ pháp hành
gom tâm an trụ vào đề mục, tâm trở nên an tĩnh, vắng
lặng. Tâm chỉ vắng lặng trong khi ta ngồi thiền. Đó là
thiền vắng lặng. Căn bản tâm định sẽ khởi duyên, tạo
điều kiện cho trí tuệ, tuệ minh sát, phát sanh. Đến mức
độ này tâm luôn luôn vẫn an tĩnh, dầu ta ngồi nhắm mắt
tham thiền nơi vắng vẻ hay đi bách bộ giữa phố phường
nhộn nhịp. Nó là vậy. Ngày nào còn là trẻ con, giờ đây
lớn khôn. Ta là người đứng tuổi. Em bé thủa nào và người
đứng tuổi hiện nay có phải là một không? Có thể nói là
một. Hoặc, theo một lối nhìn khác, có thể nói là hai người
khác biệt. Cùng thế ấy, ta có thể tách rời thiền vắng
lặng và thiền minh sát.
"Chớ tin Sư bằng lời. Hãy thực hành đi, rồi tự mình
sẽ thấy. Không cần phải làm gì đặc biệt. Nếu chăm chú
quan sát, nhin xem trạng thái vắng lặng và trí tuệ phát
sanh thế nào, quý vị sẽ tự bản thân thấu đạt chân lý.
Trong những năm sau này người ta quá chú trọng đến danh
từ. Họ gọi pháp hành của họ là minh sát và coi rẻ
thiền vắng lặng. Hoặc họ gọi thiền của họ là vắng
lặng và hãnh diện nói rằng muốn thành công thiền minh sát
phải trải qua giai đoạn hành thiền vắng lặng. Tất cả
những lời qua tiếng lại ấy là điên cuồng. Chớ nên
bận tâm suy tư. Chỉ giản dị hành. Tự mình sẽ thấy
...."
Phạm Kim Khánh (1993)
Narada Center, Seattle, USA