Phật Học Online

Độc đáo slấc-rích Thất Sơn
Lục Tùng

Thượng toạ Chau Ty, người cuối cùng của nghệ thuật S-R?

Tôi được nghe câu chuyện mang tính truyền thuyết về chùa Svay So (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang). Trong tiếng Khmer, “svay” có nghĩa là trắng, còn “so” là xoài.

Svay So bắt nguồn từ sự tích: Trước cổng chùa có cây xoài cho trái màu trắng. Tôi đã đến và bất ngờ hơn với slấc-rích (S-R). Chỉ  là những cánh lá nhỏ (0,6m x 0,05m) ghi những dòng chữ li ti, nhưng với cộng đồng người Khmer, nó có giá trị tín ngưỡng như người phương Tây thành kính với quyển kinh Thánh.

“Nghệ thuật của những nghệ thuật”

Hoà thượng Chau Ty, sãi cả chùa Svay So, mở đầu câu chuyện: “S-R, có tên thường dùng là kinh lá, trong tiếng Khmer có nghĩa là chữ viết bằng bút Đék-cha trên lá Sa-T’ra. Đó là nghệ thuật của những nghệ thuật”. 

Tôi xen vào: “Vì sao gọi S-R là nghệ thuật của những nghệ thuật?” Nụ cười hiền hậu, ông chậm rãi đưa tôi vào thế giới mênh mông của sự tài hoa: “Để có được một trang S-R là cả một kỳ công. Trước hết là kỹ thuật khai thác lá Sa-T’ra”. 

Đây là loài cây có họ hàng với Th’nốt, nhưng lá dày, cứng hơn và chỉ sống trên núi cao hiểm trở. Để có được lá viết kinh, người ta phải mất rất nhiều công sức. Khi đọt non vừa nhú lên, dùng vải quấn tròn xung quanh và thường xuyên thăm chừng để quấn kín phần ra mới. Cứ thế cho đến lúc lá đạt độ dài 2m trở lên thì thu hoạch. 

Do đặc điểm của lá chỉ mềm khi còn tươi, sẽ trở nên cứng rắn sau vài giờ lìa khỏi thân mẹ, nên sau khi chặt về là phải tiến hành phân, chặt dứt điểm ngay. Sau nhiều công đoạn ngâm trong dung dịch bí truyền để ngăn ngừa côn trùng có thể cắn phá sau này, người ta bắt đầu dùng bào mộc làm phẳng mặt lá trước khi viết”.

Giọng sãi cả sôi nổi khi nói về công đoạn viết: “Đây là công việc khó nhất của nghệ thuật S-R. Đầu tiên phải tạo cây Đék-cha. Nhìn bên ngoài, Đék-cha giống như cây bút, nhưng mũi của nó là đoạn thép nhỏ, đầu nhọn như mũi kim. Bàn viết là thanh gỗ nhỏ vừa vặn với diện tích tấm lá, đặt trên đầu gối để có thể linh động theo sự nhịp nhàng của tay viết.

Cách thức viết S-R cũng rất đặc biệt: Mọi sự di chuyển của ngòi bút đều tuân thủ theo sự chỉ huy của ngón cái. Nó vừa điều tiết nét lên xuống của ngọn bút, vừa quyết định độ nông, cạn xuống mặt lá và khoảng cách giữa các con chữ. Thông thường mỗi lá được bố trí viết từ 4-5 hàng, mỗi hàng từ 15-20 chữ. Viết xong, lau sạch trước khi  thoa lên bên trên lớp dung dịch hỗn hợp bao gồm: Than tán nhỏ, nước trái mặc nưa để làm chữ hiện lên. Kinh lá có thể tồn tại hàng trăm năm. Càng để lâu, mặt lá càng láng bóng, kinh lá càng đẹp ra thêm”.

Theo sãi cả Chau Ty, nghệ thuật đóng quyển của kinh lá cũng rất đặc biệt, nhất là dây kết nối các tờ S-R rời thành cuốn. Theo hiện vật cổ còn lưu lại, để có được sợi  dây, người ta phải luồn nhiều sợi tóc vào lỗ tròn (được khoan trước đó) trên mặt lá kinh, sau đó se, kết thành vòng tròn khép kín đến độ ngày nay vẫn không sao phát hiện được vị trí của mối nối.

Mai này ai nhớ?

Tương truyền S-R xuất hiện lần đầu cách đây trên 500 năm do một vị sãi cả chùa Svay So chế tác để lưu truyền kinh Phật trong thời kỳ chưa lưu hành giấy bút  như ngày nay. Thường công việc này chỉ truyền thụ lại người có tâm đạo bậc nhất trong các đệ tử. Chính vì thế mà kinh lá chỉ duy nhất có ở chùa Svay So. 

Theo anh Chau Chanh - cán bộ văn hoá huyện Tri Tôn, căn cứ vào tàng thư lưu lại trên kinh lá, cho đến nay chỉ mới có 9 sãi cả được chính thức truyền nghề. “Ông đồ” thứ 9 chính là sãi cả Chau Ty. Đã bước vào tuổi bảy mươi và có trên 40 năm gắn bó với S-R, nhưng điều đáng nói ở đây là những thành tựu mà ông đóng góp cho nghệ thuật kinh lá. Hoà thượng Chau Sơn Hy, sãi cả chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) nhận xét: “So với 8 vị tiền bối, đến đời thứ 9, kinh lá độc đáo hơn, đẹp hơn”.

Anh Chau Chanh lý giải: “Chữ mà sãi cả Chau Ty sử dụng trong viết kinh lá là sự vận dụng linh hoạt, đồng bộ giữa nét hoa của chữ cổ và chữ hiện đại để tạo ra sự hài hoà, cân đối về mặt thẩm mỹ”. Là người nổi tiếng có hoa tay trong lĩnh vực nghệ thuật (ông tự thiết kế và chỉ huy xây dựng chùa, cổng chào của chùa Svay So mới) nên bàn tay tài hoa của ông đã khiến cho con chữ “như phụng múa, rồng bay”.

Thế nhưng giờ đây dường như tất cả đã qua. Vị sãi cả tài hoa tràn ngập nỗi buồn. Đôi mắt nhìn xa xăm, ông nói như cố giấu những giọt lệ đang chực trào ra khoé mắt: “Tất cả chỉ còn là ký ức. Tôi đã tặng cây Đék-cha cuối cùng cách đây hơn đã hơn 10 năm, và cũng từng ấy thời gian không viết kinh lá, càng không truyền được nghề cho ai”. 

Cái chính là do không còn lá Sa-T’ra dù ông liên tục nhắn sang Campuchia, ra tận Tây Nguyên, nhưng đã hơn chục năm vẫn chưa thực hiện được tâm nguyện của thầy tổ: “Truyền nghề cho hậu duệ”. 

“Nhưng có một phần không kém quan trọng là đa số thanh niên ngày nay chỉ vào chùa tu như một hình thức báo hiếu theo phong tục cổ truyền. Có người chỉ vào chùa trong vài tháng là xuất nên chẳng mấy ai muốn thọ giáo cho dù sư phụ rất thành tâm truyền đạt” - sãi cả bùi ngùi.

Giờ đây, người ta có thể dễ dàng mua quyển kinh đẹp in trên giấy trắng, nhưng cộng đồng người Khmer tôn sùng đạo Phật vẫn xem kinh lá như biểu tượng tâm linh trong đời sống tín ngưỡng. Sãi cả nói: “Thỉnh thoảng bà con Khmer từ các tỉnh ĐBSCL tìm đến đây xin thỉnh cho bằng được bộ kinh lá mang về để thờ trong chùa”. 

Kinh là một trong “tam bảo”, ai có quyền từ chối lòng thành tâm mộ đạo? Nhưng nếu với đà này thì chẳng bao lâu nữa kinh lá sẽ trở thành câu chuyện cổ tích ở ngay tại cội nguồn xuất phát là chùa Svay So.

Theo: Lao động


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage