Phật Học Online

Điềm tĩnh để làm chủ bản thân

(PGVN) -  Điềm tĩnh là giữ cho tâm trạng yên lành không để những cảm xúc tiêu cực điều khiển hành động của mình. Điềm tĩnh là biểu hiện của người có bản lĩnh, tự chủ, là yếu tố then chốt giúp con người xử lý tốt các vấn đề trong giao tiếp và ứng xử. Người điềm tĩnh có khả năng tự chế ngự và kiểm soát tốt các trạng thái cảm xúc của mình, nên ít khi bị người khác hay ngoại cảnh tác động làm chệch hướng suy nghĩ và hành động của mình. Đó là nguồn sức mạnh tiềm ẩn giúp họ suy xét thấu đáo mọi sự việc xung quanh, do đó có nhiều cơ hội để tìm ra giải pháp ứng xử hợp lý, hữu hiệu nhất trong khi những người khác có thể không còn đủ bình tĩnh và kiên nhẫn. 

Điềm tĩnh giúp kiểm soát bản thân tốt hơn, là điều kiện để phát huy sức mạnh to lớn của lý trí trong cuộc sống. Trước những khó khăn, thử thách của cuộc đời, người có bản lĩnh là người luôn giữ được sự điềm tĩnh, cho dù là trước những lời khen, sự tâng bóc hay chê bai, chỉ trích ác ý. Với bản tính điềm tĩnh, họ có thể xoay trở khá dễ dàng những tình thế tệ hại khi đối mặt nhờ biết kìm chế cảm xúc ban đầu để suy xét, phân tích cặn kẽ sự việc để tìm ra giải pháp hữu hiệu.

Ngay cả những chuyện rất bình thường trong cuộc sống thường nhật như phải chờ đợi ai đó hay việc gì đó, thay vì tỏ thái độ nôn nóng, bực tức, luôn nhìn đồng hồ một cách vô nghĩa, cần điềm tĩnh để có thể tận dụng khoảng thời gian đó để nghĩ hay làm điều gì có ích, vui vẻ, giúp chuyển hóa cảm xúc, tạo sự thoải mái cho mình. Sự điềm tĩnh giúp con người thanh lọc những cảm xúc tiêu cực bọc phát và tập trung tâm trí vào những suy nghĩ tích cực. Vấn đề càng quan trọng, tình thế càng cấp bách thì sụ điềm tĩnh càng phát huy được ưu thế trong việc tìm ra cách ứng xử hiệu quả.

Sự điềm tĩnh là thước đo mức độ chín chắn, là biểu hiện sự tự tin, bản lĩnh tự chủ và sức mạnh nội tâm của con người. Tâm trạng thiếu bình tĩnh thổi phòng các nguy cơ, rủi ro làm trầm trọng thêm tình thế dẫn đến cách ứng xử không hợp lý. Điềm tĩnh là tố chất cần thiết của người lãnh đạo, vì chính họ là những người cần có sự suy xét sáng suốt nhất để phân biệt tốt – xấu, thật – hư, nhờ đó tránh được những thất bại không đáng có do những phản ứng vội vàng theo cảm xúc nhất thời. Cơ hội trở thành người lãnh đạo thành công sẽ rất thấp đối với người không điềm tĩnh, bởi khi họ chưa quản lý được cảm xúc của chính bản thân mình thì cũng không thể quản lý người khác. Ngoài chiến trường, người chỉ huy giỏi là người luôn giữ được sự điềm tĩnh trong những tình thế khó khăn nhất, khẩn cấp nhất để có thể đưa ra được những quyết định sáng suốt, chính xác. Trong giao tiếp làm ăn, sự điềm tĩnh chẳng những giúp tâm trí thêm sáng suốt, gây được cảm tình và sự nể trọng của đối tác, mà còn giúp phát hiện được điểm yếu của họ.

Trong nhiều tình huống, giữ được thái độ điềm tĩnh là điều rất khó khăn, nhưng mất bình tĩnh, nóng nảy, lo sợ không bao giờ là giải pháp tốt cho việc giải quyết vấn đề. Sự điềm tĩnh luôn khiến con người sáng suốt hơn. Người giữ được sự điềm tĩnh trước những sự cố bất thường hay những lời chỉ trích ác ý của người khác mới là người thật sự có bản lĩnh trong cuộc sống.

 

Theo trang Chia sẽ cộng đồng (TGPG)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage