Phật Học Online

Ngày xuân dâng nén hương lòng

Hương là một mặt hàng rất đặc thù, chỉ dùng để cúng tế nên trong quá trình sản xuất, ngoài mục đích vì lợi nhuận thì người làm hương phải có cái tâm trong sáng, tự đáy lòng mình phải biết tôn kính những gì thuộc về thế giới siêu nhiên. Có như thế thì người dâng hương mới gửi gắm trọn vẹn tâm nguyện, tình cảm và sự thành kính của mình với các bậc tiền nhân đang ở bên kia bầu trời.

Hương có nhiều loại từ kích cỡ, mẫu mã đến chất liệu…đều rất phong phú và đa dạng, có thể liệt kê ra đây một số loại hương thông dụng:

hoa huong 3.JPG

"Hoa hương" - Ảnh: Võ Văn Dần

1. Hương trầm: được làm 100% bột trầm, hương thơm tinh khiết, 1000 cây hương trầm có giá từ 100.000đ-150.000đ, thậm chí 1.000.000đ tùy theo chất lượng trầm (trầm già có tỷ lệ dầu nhiều, có mùi thơm đậm đà, trầm non tỷ lệ dầu ít, mùi thơm dịu nhẹ).

2. Hương tùng: làm bằng bột cây tùng, tức cây thông, và bột cưa, bột đàn. Hương tùng thường có hai màu: màu vàng là sự pha trộn giữa các loại bột trên, màu đen thì hòa thêm chút ít bột than.

3. Hương quế: làm bằng bột cưa và bột quế (tỷ lệ pha trộn là 5/1: 5 kg bột cưa, 1 kg bột quế), đây là loại hương “bình dân” nên sức tiêu thụ mạnh hơn các loại hương khác.

4. Hương bổi: được làm 100% bột cưa, thân hương to, dài, da dẻ xơ xác (loại hương này người ta ít thắp mà chỉ dùng để đi đám tang, đám xong người nhà đem ra mộ đốt).

5. Hương thơm: làm bằng bột cưa, bột quế…và tẩm nước hoa, khi đốt lên thơm phức mùi nước hoa.

6. Hương khoanh: còn gọi là hương vòng, thân cây mềm mại, khoanh tròn hình xoắn ốc. Ưu điểm của loại hương này là thắp lâu tàng ( khoảng 24 giờ mới hết), được dùng phổ biến trong các ngày Tết Nguyên đán, vào dịp đại lễ cầu siêu, chẩn tế cô hồn…và các ngày lễ lớn của Phật giáo nói chung.

7. “Hương người đức hạnh”: đó là những hành vi, việc làm tốt đẹp, đầy đạo hạnh, nhân nghĩa, giàu tình người, tính nhân văn…thì sẽ được lan tỏa, thơm tho như mùi hương kia vậy.

Qua tìm hiểu cho thấy, loại hương nào trong quá trình sản xuất cũng có hòa keo để tạo sự kết dính. Que hương (cọng nhang) được làm bằng thân cây dứa mềm mại, dẻo dai. Công đoạn chẻ que hương cũng không kém phần quan trọng: không dày quá hoặc mỏng quá. Nếu mỏng thì sẽ bị gãy. Sau khi chẻ xong đem ngâm vào nước vôi để đảo, vớt ra gột nước lạnh thật sạch rồi đem phơi nắng, sau đó nhuộm chân bằng phẩm màu và tiến hành se hương. Điều này lí giải vì sao chúng ta thắp hương có lúc cháy hết nhưng cồi bên trong vẫn còn hoặc cháy không đều (cây cao, cây thấp, khập khễnh trên bát nhang vậy), đó là do que hương còn tươi chưa bị đảo ( khô).

Trước đây người ta làm hương bằng se tay, nghĩa là lao động thủ công, dùng cơ bắp là chính, nếu cần mẫn suốt ngày thì có thể làm được 5.000 cây. Hương se tay phơi nắng từ 1-2 ngày mới khô. Ngày nay đã có máy sản xuất hương, đem lại năng suất gấp nhiều lần so với làm tay, và thời gian phơi cũng rút ngắn lại ( khoảng 4 giờ), nếu phơi lâu cây hương sẽ bị nứt, cong, trời mưa phải dùng quạt điện để sấy nên phải tốn thêm chi phí tiền điện.

Nếu so với các nghề thủ công gia truyền khác như làm hột nổ, làm bánh cộ, làm hàng mã…thì nghề hương chiếm ưu thế nhiều hơn như: số lượng, thị trường, sức tiêu thụ…Nghề hương được sản suất đều đặn quanh năm, thị trường sôi động nhất vẫn là dịp Tết Nguyên đán. Nhiều người làm hương lâu năm cho biết: Thuở xưa phải học 3 tháng mới làm được. Nay không cần học lâu như vậy cũng có thể se được, vì làm bằng máy dễ hơn nhiều.

1.JPG

Phơi tăm hương nhiều sắc màu - Ảnh: Võ Văn Dần

Bắt đầu từ tháng 10 Âm lịch, người làm hương lại tất bật, hối hả để tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng thị trường tiêu thụ ngày tết, nhiều gia đình làm hương phải thuê mướn thêm nhân công, nhiều học sinh, sinh viên cũng tranh thủ kiếm tiền xài tết. Các bà, các mẹ, các chị cũng thu xếp việc nhà để tập trung làm hương.

Nhiều gia đình trên bàn thờ gia tiên, bên cạnh hương thật thắp cúng hàng ngày thì còn có một loại hương khác, chủ yếu là để trang trí cho bàn thờ thêm “sinh động”, tỏa sáng hơn. Đó là hương điện ( hương cắm điện), loài hương bất tử, cháy mãi không tàn.

Khi đề cập đến ý nghĩa của nén hương thơm mà chúng ta thành tâm dâng cúng chư Phật, tổ tiên ông bà và các bậc tiền nhân, người xưa đã từng liên tưởng đến một loại hương khác, đó là hương người đức hạnh: “Hương các loài hoa không thể bay ngược gió – Chỉ có hương người đức hạnh tỏa khắp muôn phương”. Vâng, đúng như thế. Khói hương chỉ lan tỏa theo làn gió, còn hương người đức hạnh thì vượt cả không gian và thời gian để đến khắp mọi nơi và bất cứ lúc nào.

Tết đến, Xuân về trên bàn thờ tổ tiên “hương chong đèn rạng”, chúng ta cảm nhận được một không khí trang nghiêm, ấm áp vô cùng. Lúc ấy, hình như có sợi dây vô hình đang kết nối giữa chúng ta với thế giới tâm linh huyền diệu.

Mùa xuân Di Lặc, xuân yêu thương đã về trên cành cây, táng lá, trên khắp mọi nẻo đường của đất nước, quê hương. Là dịp để chúng ta lắng lòng nhớ nghĩ nhiều hơn về Đức Phật, về nguồn cội và các bậc tiền nhân. Một nén hương thơm, một phút giây tĩnh lặng lòng người như được hướng thiện, nhớ về nguồn cội ta xưa để sống tốt hơn, ý nghĩa hơn  trong cuộc sống này và ngay chính hôm nay.

Võ Văn Dần (GNO)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage