Ðáp: Ðây là một
quan niệm mang nặng thành kiến thật quá ích kỷ hẹp hòi. Thiết nghĩ,
Phật tử chúng ta cần nên tránh. Hiện tượng nầy, thường xảy ra trong hàng
ngũ Phật tử chúng ta. Ðó là một quan niệm không mấy tốt đẹp cho sự tu
học. Người Phật tử phải có một tấm lòng bao dung rộng mở. Không nên nghĩ
rằng, chỉ có ngôi chùa mình quy y và thường xuyên sinh hoạt mới là chùa
mình. Còn những ngôi chùa khác thì không phải chùa mình. Chính cái quan
niệm hẹp hòi ích kỷ nầy, mà phát sanh ra có những tệ nạn tranh chấp hơn
thua với nhau. Ðây là một lỗi lầm rất lớn, mà hầu như đại đa số Phật tử
chúng ta đều mắc phải. Người Phật tử không nên bảo thủ cố chấp như thế.
Ðành rằng, ngôi chùa mà mình đã quy y
thọ giới, chính nơi đó đã từng ấp ủ nuôi lớn đời sống tâm linh của mình.
Tất nhiên, là mình phải có bổn phận đóng góp công sức xây dựng duy trì
và phát triển. Thông thường, người ta gọi đó là ngôi Chùa Tổ hay Tổ
Ðình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà mình không được quyền tới lui tu
học hoặc làm công quả đóng góp ở các ngôi chùa khác. Giả như chùa mình
(tạm gọi như thế, chớ thật ra trên đời nầy không có cái gì là thật mình
hay của mình cả ) không có tổ chức tu học, dù có đi chăng nữa, nhưng nó
cũng không đáp ứng đúng theo nhu cầu tu học của mình. Trong khi đó, thì
những ngôi chùa khác lại có mở ra những khóa tu học đàng hoàng. Sự tổ
chức tu học nơi đó rất chu đáo trang nghiêm và có chất lượng cao. Xét
thấy, thật rất phù hợp cho nhu cầu tiến thân tu học của mình, mà lâu nay
mình hằng ao ước mong muốn. Nhưng vì mình chưa đủ cơ duyên để được tu
học. Có Phật tử lòng thì cũng muốn đi dự, nhưng vẫn còn áy ngại e dè
không biết mình đi như thế có lỗi với thầy và chùa mình không? Vì sợ
người ta cho rằng, mình không trung thành với thầy với chùa mình. Do
nghĩ thế, nên Phật tử lại ngần ngại không dám đi. Nếu Phật tử có ý nghĩ
như thế, thì đó là cả một sự mất mát thiệt thòi lớn lao cho Phật tử. Như
thế thì thử hỏi trên bước đường tu hành làm sao Phật tử có thể tiến bộ
cho được? Tôi nghĩ, không có vị thầy bổn sư nào mà có tâm lượng hẹp hòi
ích kỷ như thế.
Phật tử nên nhớ rằng, khi Phật tử quy y
Tam bảo, thì vị thầy truyền giới cho Phật tử chỉ là đại diện chung cho
thập phương Tăng mà truyền trao giới pháp cho Phật tử. Như thế, thì Phật
tử không những chỉ riêng kính trọng và học hỏi với vị thầy mình quy y
không thôi, mà còn phải kính trọng và học hỏi đối với tất cả những Tăng,
Ni khác. Ðó mới đúng nghĩa là người Phật tử.
Ðến việc đi chùa cũng thế. Ngôi chùa mà
mình quy y lãnh thọ giới pháp, tuy đó là chùa gốc của mình, nhưng không
vì thế mà mình không được đi tu học hay công quả ở các chùa khác. Vì
chùa là của chung cho tất cả, chớ không dành riêng cho bất cứ người nào.
Nếu ai còn thấy có sở hữu riêng tư, thì đó chưa phải là người tu theo
đạo Phật. Vì còn chấp ngã, chấp pháp quá nặng. Như thế, thì làm sao
tương ưng với đạo lý giác ngộ giải thoát?
Nhân câu hỏi của Phật tử, tôi cũng xin
thành tâm góp thêm chút ý kiến về việc người Phật tử đi chùa. Thiết
nghĩ, người Phật tử đi chùa nên có quan niệm cho thật rõ ràng. Mục đích
của Phật tử đi chùa không phải chỉ có làm công quả không thôi, mà còn
phải cố gắng nghe giảng pháp tìm hiểu học hỏi giáo lý Phật dạy. Phật tử
có chịu khó cố gắng thường xuyên học hỏi, nghe pháp, thì Phật tử mới mở
mang trí huệ và mới biết được đường lối tu hành đúng theo lời Phật Tổ
chỉ dạy. Từ đó, Phật tử mới đem ứng dụng giáo pháp Phật dạy vào đời sống
thực tế hằng ngày. Như vậy, thì mới có lợi ích thiết thực cho bản thân
mình, cho gia đình và xã hội. Có học hỏi chánh pháp, thì người Phật tử
mới có đủ khả năng quán chiếu phân biệt nhận rõ được lẽ chánh tà chân
ngụy. Và như thế, thì Phật tử sẽ không bị lầm lạc rơi vào con đường tà
ngoại.
Tuy rằng, việc đóng góp công sức cho
chùa của Phật tử, đó là việc tốt nên làm. Vì ai cũng muốn cho mình có
thêm phước đức. Thế nhưng, đó không phải là việc chánh yếu quan trọng,
mà người Phật tử lại phải bỏ hết công sức đầu tư vào đó. Vì nếu Phật tử
có thật tâm công quả, thì cũng chỉ hưởng được phước báo hữu lậu mà thôi.
Phước báo nầy có giới hạn, chỉ hưởng dụng một lúc nào đó thì hết. Cho
nên Phật dạy người Phật tử phải tu cả hai: “ Phước Trí trang nghiêm”.
Phải tu phước và tu huệ, phước huệ có lưỡng toàn thì mới có thể thành
Phật được.
Hơn nữa, Phật tử nên nhớ rằng, chùa là
của chung, ai cũng có thể làm giúp được cả. Người đời thường nói: “có mợ
thì chợ cũng đông, không mợ thì chợ cũng không bữa nào”. Nếu không có
mình, thì cũng vẫn có người khác làm. Ðôi khi mình làm một công việc nào
đó giúp cho chùa lâu năm, rồi ỷ mình có công lao nhiều lại sanh tâm
cống cao ngã mạn khinh thường người khác. Vì nghĩ rằng, mình là người có
công lao giúp cho chùa nhiều nhứt, không có ai hơn mình. Thậm chí, có
người còn khinh thường luôn cả chư Tăng, Ni trong chùa. Người ta gọi
những kẻ đó là mắc phải cái chứng bệnh “Công thần” rất nặng. Ði chùa với
thái độ hành xử như thế, thì chẳng những mình không có phước chi hết,
mà lại còn gây thêm tội lỗi nữa. Thử hỏi lỗi đó do đâu? Do vì mình thiếu
học hỏi hiểu biết chánh pháp. Chẳng những mình không chịu học hỏi, nghe
pháp, mà trái lại còn sanh tâm ngã mạn khinh chê những người khác.
Người như thế, thật là đáng tội nghiệp thương xót biết bao!
Chúng ta thử nghĩ, nếu mọi người đến
chùa chỉ biết có một mặt là làm công quả giúp cho chùa không thôi, không
học hỏi giáo pháp tu hành gì cả, như thế, thì không biết tương lai đạo
Phật sẽ đi về đâu? Và như thế, thì Phật giáo chỉ còn lại cái xác là
những ngôi chùa, còn cái hồn thì không có. Tạo chùa như thế, thì thật là
phí công vô ích quá! Tạo cảnh chùa với mục đích là để cho người Phật tử
có nơi chiêm bái tu học. Sự tu học mới là phần quan trọng chính yếu.
Còn tất cả những phần khác đều là phụ thuộc. Ðó là chưa nói, khi làm
công quả có người còn sanh tâm giận hờn ganh ghét người nầy, chê bai
trách móc người kia. Nghĩa là phước đâu không thấy, mà chỉ thấy toàn là
phiền não không thôi. Ðiều nầy là một sự thật không sao tránh khỏi.
Cứ nhìn vào thực tế và những việc làm
của họ thì ta sẽ thấy rất rõ điều đó. Từ sự bất hòa ganh ghét đố kỵ
nhau, rồi họ lập thành phe phái bè nhóm để chống báng lẫn nhau. Phe phái
nào mạnh, to mồm lắm miệng, thì thắng thế hơn. Thế là, vô tình người
Phật tử biến ngôi Già lam tôn nghiêm thanh tịnh, trở thành nơi chỗ tranh
cãi đấu đá hơn thua với nhau. Phật ở trên cao nhìn thấy cảnh tượng nầy,
Ngài cũng thật vô cùng thương xót! Nhưng không biết phải làm sao khuyên
giải đám đệ tử của mình? Ngẫm nghĩ, thật là quá đau lòng!
Tóm lại, việc tu học hay làm công quả
giúp cho chùa là quyền quyết định của mỗi người. Người Phật tử không
phải chỉ có tu học hay làm công quả ở chùa mình quy y không thôi, mà
Phật tử cũng có thể đi tu học hay làm công quả ở bất cứ ngôi chùa nào
khác nếu mình muốn. Tuy nhiên, theo lời Phật dạy, người Phật tử cần phải
có trí huệ sáng suốt để biện biệt suy xét cẩn thận những điều lợi và
hại qua hành động của mình. Phải xét rõ những nơi mà mình đến tu học,
hay công quả có phù hợp đúng với Chánh pháp Phật dạy hay không? Nếu xét
thấy, nơi nào có lợi ích thiết thực cho việc tu học của mình, thì mình
có quyền đến đó để tu học. Không ai có quyền ngăn cấm mình cả.
Kính chúc Phật tử có đầy đủ trí huệ sáng
suốt để nhận định đúng đắn trong việc tu học của mình. Có thế, thì
người Phật tử mới mong đạt được kết quả tốt đẹp.