Phật Học Online

Kiến Bất Năng Cập
Thư Viện Hoa Sen

Hỏi: Kiến bất năng cập là gì?

Trả Lời: Bốn chữ “kiến bất năng cập”nằm trong một đoạn kinh văn trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển thứ 2 trong bộ 10 quyển. Nguyên văn chữ Hán như sau:

“Thị cố A Nan! nhữ kim đương tri: kiến minh chi thời, kiến phi thị minh; kiến ám chi thời, kiến phi thị ám; kiến không chi thời, kiến phi thị không; kiến tắc chi thời, kiến phi thị tắc; tứ nghĩa thành tựu, nhữ phục ưng tri, kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến; kiến do ly kiến, kiến bất năng cập...”

Dịch Nghĩa: Cư sĩ Tăng Phụng Nghi; Dịch giả: Thiền sư Nhẫn Tế:

"Cho nên, Anan, bây giờ ông nên biết rằng:

Khi thấy sáng, cái thấy chẳng phải là sáng.

Khi thấy tối, cái thấy chẳng phải là tốị

Khi thấy không, cái Thấy chẳng phải là không.

Khi thấy ngăn bít, cái thấy chẳng phải là ngăn bít.

Bốn nghĩa đó đã thành rồi, ông lại nên biết: khi Thấy mà có tướng Thấy, cái Thấy đó chẳng phải là Tánh Thấỵ

Cái Thấy mà do lìa tướng Thấy, đó là Tánh Thấy Siêu Việt (Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến. Kiến do ly kiến, kiến bất năng cập).

"Vậy thì làm sao lại nói các tướng Nhân Duyên, Tự Nhiên hay Hòa Hợp ?"

Tông Thông rằng:

Chỗ này Đức Thế Tôn hiển bày  Đệ Nhất Nghĩa Đế, cái gọi là Con Đường Bồ Đề Nhiệm Mầụ Kiến và Kiến Duyên đủ năm thứ nghĩa: Sáng, Tối, Hư Không, Ngăn Bít là bốn thứ; Kiến Duyên và Kiến Tinh (cái Thấy) là một thứ Vọng Kiến.

Thế Tôn ở chỗ này mà lựa ra cái Kiến Tinh chẳng phải là bốn thứ Sáng, Tối, Không, Bít. Lấy bốn nghĩa này suy ra để rõ được cái Thấy lìa duyên trần mà vẫn tự có.
Ngay ở đây lại lựa ra cái Chơn Kiến (Tánh Thấy) soi rõ Kiến Tinh, là cái mà cái Thấy không thể bì kịp. Đây chính là mặt trăng thứ nhất, cho nên cái Thấy vẫn còn là vọng.
A ha ! Cái Chơn Kiến còn lìa cả mọi tướng thấy thì chỗ nào có hơi thở, bóng dáng gì để theo đó mà mô phỏng ra nó ? Nói Nhân Duyên, nói Tự Nhiên, nói Hòa Hiệp, há chẳng là hư vọng ư ?

Tổ Bá Trượng hỏi vị tăng:

--"Thấy không ?"

Đáp:

-- "Dạ, thấy".

Tổ Trượng rằng:

-- "Sau khi thấy thì như thế nàỏ"

Đáp:

-- "Thấy chẳng có hai".

Tổ Trượng nói:

-- " Đã nói là thấy thì không hai, tức là không lấy cái Thấy mà thấy nơi Cái Vốn Thấỵ Nếu Cái Vốn Thấy mà trở lại thấy, thì cái Thấy trước là đúng hay cái Thấy sau là đúng ? Như nói, "Khi Thấy mà còn có tướng Thấy, đó chẳng phải là Chơn Kiến. Thấy mà do lìa tất cả tướng Thấy, cái Thấy ấy là Siêu Việt  [ Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến. Kiến do ly kiến, kiến bất năng cập). ]". Bởi thế, chẳng hành cái Pháp Thấy, chẳng hành cái Pháp Nghe, chẳng hành cái Pháp Giác Ngộ, thì Chư Phật liền thọ ký".

Lại nữa, kinh Bảo Tích nói:

-- "PHÁP THÂN chẳng có thể lấy Thấy, Nghe, Hay, Biết mà tìm cầu.

Chẳng phải là chỗ thấy của con mắt thịt, vì là không có Sắc.

Chẳng phải là chỗ thấy của Thiên Nhãn vì không Hư Vọng.

Chẳng phải chỗ thấy của Huệ Nhãn, vì lìa hình tướng. Chẳng phải chỗ thấy của Pháp Nhãn, vì lìa các Hành. Chẳng phải là chỗ thấy của Phật Nhãn, vì lìa hết thảy Thức.
Nếu chẳng tạo ra các thứ Thấy như vậy, thì gọi đó là cái Thấy của Phật".
(Trích kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông, tập 1, trang 252-254; Soạn giả: Cư sĩ Tăng Phụng Nghi; Dịch giả: Thiền sư Nhẫn Tế (Tây Tạng Tự -- Bình Dương) Thành Hội Phật Giáo TP Hồ Chí Minh xuất bản 1997)

 

 

Bản dịch của Hoà Thượng Duy Lực như sau:

- Ta thuyết những tướng nhân duyên của thế gian chẳng phải đệ nhất nghĩạ A Nan, ta lại hỏi ngươi: người thế gian nói "tôi thấy", vậy cho thế nào gọi là thấy, thế nào gọi là chẳng thấy?

A Nan đáp:

- Người thế gian nhờ ánh sáng nhật nguyệt và đèn, thấy tất cả tướng gọi là thấy, nếu không có ba thứ ánh sáng này thì chẳng thể thấy.

- A Nan, nếu lúc không sáng gọi là chẳng thấy, thì chẳng thể thấy tối, nếu thấy tối chỉ là không sáng thì sao gọi là chẳng thấy

- A Nan, nếu lúc tối chẳng thấy sáng gọi là chẳng thấy; mà lúc sáng chẳng thấy tối cũng phải gọi là chẳng thấy, vậy thì hai tướng sáng tối đều gọi là chẳng thấy

- Do hai tướng sáng tối tự đoạt mất nhau, chẳng phải tánh thấy của ngươi tạm thời không có. Vậy thì cả hai đều là thấy, sao nói chẳng thấy

- A Nan nên biết, trong lúc thấy sáng, kiến tinh chẳng phải sáng; trong lúc thấy tối, kiến tinh chẳng phải tối; trong lúc thấy rỗng không kiến tinh chẳng phải rỗng không; trong lúc thấy ngăn bít, kiến tinh chẳng phải ngăn bít, bốn thứ nghĩa này vốn sẵn như vậỵ

- Lại ngươi nên biết: Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến do ly kiến, kiến bất năng cập, tại sao lại nói nhân duyên, tự nhiên và tướng hòa hợp? Hàng Thanh Văn như các ngươi trí kém tâm hẹp, chẳng thông đạt thật tướng trong sạch, nay ta dạy ngươi nên khéo suy tư, hãy siêng năng tinh tấn, thẳng vào diệu đạo Bồ Đề.

Hoà Thượng Duy Lực lược giải:

Hai chữ Kiến Kiến tức là bản kiến tự hiện, chẳng có năng kiến, sở kiến, Phật đã giải thích kỹ càng trong quyển nhì này; nếu có năng sở, đều là kiến bệnh đã thành từ vô thỉ, có năng kiến năng giác đều là bệnh. Vì bản kiến bản giác chẳng ở trong bệnh mới gọi là kiến kiến, tức là kiến tánh. Tự tánh chẳng phải sở kiến, nên cũng chẳng có năng kiến để kiến tự tánh, vậy lúc kiến kiến (Kiến kiến chi thời), dù nói kiến nhưng chẳng phải là kiến (Kiến phi thị kiến), vì chẳng có năng kiến và sở kiến, cho nên nói kiến còn phải lìa kiến (kiến do ly kiến), vì Năng kiến chẳng thể thấy đến, nên nói Kiến bất năng cập. (Trích đoạn Kinh Lăng Nghiêm, Hoà Thượng Duy Lực, Từ Ân Thiền Đường Hoa Kỳ xuất bản 1990 trang 38-39

http://www.thuvienhoasen.org/khlangnghiem-02.htm

 

 

Hoà Thượng Thích Chơn Giám Chùa Bích Liên giảng như sau:

Đây là Phật đem bốn cái Sáng, Tối, Sắc, Không mà suy luận cho ông A Nan rõ ràng: vốn cái tánh thấy nó vẫn ly tất cả bốn trần ấy thì đủ biết cái tánh thấy không thuộc về duyên sanh rồi.

Cái tánh thấy tuy không thuộc về duyên sanh nhưng còn thuộc về nghiệp thức biến hiện , nghĩa là còn cách với tánh diệu giác một từng, nên Phật mới nhân tiện phá nữa.

Đại ý nói rằng: Tánh ở trong cái thấy, kêu là kiến tinh; tánh ly cái thấy ra, có thể thấy được cái thấy, cho nên thấy sáng, thấy tối, thấy sắc, thấy không, mà cái thấy lại chẳng phải là sáng, tối, sắc, không, vì đó là kiến tinh.

Vì kiến tinh mà nó còn ly duyên thay, huống chi cái chơn kiến còn thấy được cả kiến tinh, như thế là nó đã xa lìa kiến tinh ra rồi mà kiến tinh cũng không thể theo kịp được, thì há có lẽ nào lấy các pháp hý luận là nhơn duyên, tự nhiên và hoà hiệp ấy mà vọng kể?

Chơn kiến là duyên theo cảnh chơn như, lý trí in một, năng sở không chia, cho nên gọi là chơn. Còn kiến tinh là duyên theo cảnh ở ngoài, do nơi nghiệp thức biến hiện, năng sở rõ ràng nên gọi là vọng.

Trong lúc cái chơn kiến đã rõ rệt thì quyết không có cái vọng kiến đối lập mà làm ra cái chỗ thấy, cũng như người ngủ mê khi tỉnh thức rồi thì rõ biết cái trước đó là mộng.

Nếu đã biết là mộng, thì còn đâu phải là mộng nữa, cho nên nói rằng: Đang lúc chơn kiến thấy vọng kiến thì chơn kiến chẳng phải là vọng kiến.

Song phải hiễu rằng: Tại sao hồi trước Phật lại hiển kiến tinh mà không hiển chơn kiến?

Vì thể chơn kiến rất tịnh, rất diệu, mà tâm chúng sanh còn trược, còn thô, khó lãnh hội đặng, nên Phật mới mượn kiến tinh mà hiển chơn kiến.

Nay Phật thấy ông A Nan và đại chúng đã khai ngộ được nhiều, sợ nhận theo kiến tinh mà không rõ thấy được mật ý của Phật, nên Phật mới trực chỉ chơn kiến không phải là cùng một thể với kiến tinh. ... Phật khuyên ông A Nan và đại chúng phải đem hết nghị lực tiến thủ, do nơi con đường chơn kiến ly kiến của Phật đã khai thị đó mà thẳng tới địa vị bồ đề... (Trích đoạn:Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Sa Môn Thích Chơn Giám (Hoà Thượng Chùa Bích Liên) dịch và chú giải, Linh Sơn Phật Học Nghiên Cứu Hội xuất bàn năm 1957, trang 139)

 

Chú thích:

Chúng ta nên để ý những từ kép như: tánh thấy, cái thấy, kiến tinh, chơn kiến, kiến kiến, và vọng kiến:

Tánh Thấy = Chơn Kiến

Cái Thấy = Kiến Tinh = Vọng Kiến

Kiến Kiến = kiến tánh (tự tánh tự hiện)

Chữ Kiến Kiến, Hoà thượng Duy Lực giảng rằng: “Có người cho chữ kiến trước là năng, kiến sau là sở, nhưng sự thật thì “Kiến Kiến” là kiến tánh, là cái kiến không có bệnh, nay nếu dùng cái tri kiến có bệnh để thảo luận vấn đề này thì hết kiếp này qua kiếp khác cũng không giải được. Tri kiến của chúng sanh là cái bệnh từ vô thỉ đến nay, do con mắt bệnh mới thấy hoa đốm trên không, cho nên nói “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến do ly kiến, kiến bất năng cập”. Hai chữ Kiến Kiến là tự tánh tự hiện, là kiến tánh, chứ chẳng phải có người dùng cái năng kiến để kiến cái sở kiến.

(Duy Lực Ngữ Lục, Thành Hội PG TP Hồ Chí Minh xuất bản 2000, trang 82)




© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage