Phật Học Online

Hai mẹ con tật nguyền trong chùa Bồ Đề

Hai mươi tám năm qua, chị Kim Thanh Hồng - người phụ nữ khuyết tật bị gia đình bỏ rơi nơi cửa Phật khi còn đỏ hỏn đã phải vật lộn với tấm “thân tàn” để sống. Chị chưa bao giờ nghĩ rằng mình có khả năng chăm sóc cho ai đó. Nhưng bản năng làm mẹ đã trỗi dậy khi chị gặp bé Anh – một đứa trẻ tật nguyền.


“Thân ốc” mang cọc cho… “rêu”

Chúng tôi đến chùa Bồ Đề (Hà Nội) trong một ngày mưa lâm thâm, những giọt nước mỏng manh không đủ làm mặt sân đọng lại, nhưng cũng dư sức lấy đi khoảng không bình yên của những đứa trẻ bất hạnh trong chùa.

Quá khứ của những em nhỏ nơi đây cũng giống như đám mây trên bầu trời kia: xám ngoét, đen kịt.

Mỗi em một hoàn cảnh, đứa tật nguyền bẩm sinh, đứa nhiễm HIV, đứa bệnh đao,… và cùng chung một kiếp sống không cha, mẹ.

Trời vừa ngớt mưa, một người phụ nữ chân trái co quắp, lê lết trên nền gạch, dáng điệu chới với, đủng đỉnh như lật đật từ trong dãy nhà trẻ đi ra.

Bước được mấy bước, chị ngã đánh thụp xuống sân. Ngã rồi, chị không làm cách nào đứng lên được vì tay trái cũng bị liệt. Chị giơ cánh tay còn lại vẫy vẫy, chân phải chị đạp đạp xuống nền gạch để cầu cứu.

Chúng tôi vội tiến đến đưa người phụ nữ ấy vào gian nhà giành cho trẻ nhỏ trong chùa.


Suốt hơn một năm qua, chị Hồng đã dành tất cả tình yêu và sức lực cho đứa con của mình

Cô Phạm Thị Hương – một người chăm trẻ trong chùa cho hay: “Chị ấy bị liệt tay trái và chân trái bẩm sinh nên đi đứng loạng choạng lắm, hầu như ngày nào cũng bị ngã, hôm ít thì 2-3 lần, nhiều thì 5-6 lần. Cái miệng chị ấy cũng nói kém lắm, bị cứng cơ các cô chú ạ. Thế mà lại nhận một đứa trẻ hơn 2 tuổi bị câm và liệt chân làm con nuôi đấy”.

Nhiều người đã hoài nghi, vì một người mà ngay cả thân xác của mình cũng không mang nổi một cách tử tế thì làm sao có thể “đèo bòng” một đứa trẻ khuyết tật? Thế nhưng, nhìn cái cách chị dùng cánh tay phải lành lặn của mình ôm ấp, tắm rửa, thay bỉm,… chăm sóc cho bé Anh và cách đứa trẻ bịn rịn mẹ và luôn nhoẻn miệng cười mới thấy chị thật đáng khâm phục.

Nhọc nhằn nuôi con

Sư thầy Đàm Lan kể: “Một năm về trước, có người bỏ rơi cháu Anh ngoài cổng chùa. Khi cháu khóc nằng nặng vì đói, tôi chạy ra xem thì thấy cháu đang nằm trong một hộp bìa các-tông lót vỏ chăn chiên màu đỏ. Bố mẹ cháu không để lại ngày sinh nên nhà chùa cũng không biết chính xác cháu sinh ngày nào, chỉ ước chừng hơn một tuổi.

Mấy cô trông trẻ trong chùa dỗ dành mãi cháu vẫn cứ khóc, càng lúc cháu càng khóc to hơn.

Chỉ khi cô Hồng đến vuốt má, làm mặt cười với cháu thì cháu mới chịu nín. Nó không theo ai mà chỉ đòi cô Hồng bế”.

Khuôn mặt bé Anh thật dễ thương, đôi mắt sáng ngời, nhưng bé không nói được, thỉnh thoảng chỉ ú ớ được vài tiếng vô nghĩa và chân phải cũng bị liệt.

Từ khi bé Anh vào trong chùa, ngày nào chị Hồng cũng quấn quýt bên bé, dỗ dành, chăm sóc và ngủ cùng bé.

“Có lẽ đó là cái duyên mà Phật đã định” – sư thầy Đàm Lan nói. Từ đó, sư thầy quyết định để chị Hồng làm mẹ nuôi của cháu Anh.

Suốt hơn một năm qua, chị Hồng đã dành tất cả tình yêu và sức lực cho đứa con của mình. Do không biết nói, không biết đòi nên cứ lúc nào thấy buồn tiểu tiện, đại tiện là bé đi thẳng ra quần.

Chị Hồng lại lầm lũi thay bỉm, dọn phân, vệ sinh thân thể cho con, giặt giũ chăn chiếu để con luôn được sống trong cái “nôi” sạch sẽ nhất.

Mỗi khi trái gió trở trời, cả người chị lại đau nhức và bé Anh cũng quấy khóc, người phụ nữ ấy vẫn cố gắng vượt qua sự đớn đau về thể xác để chăm con, ru con và chơi đùa để con lại cất tiếng cười.

Trong khi chăm sóc cho bé Anh, người phụ nữ đi đứng chuệnh choạng ấy đã phải nhận thêm nhiều vết thương trên thân thể.

Khi thì trượt chân ngã sõng soài đến sái chân khi giặt quần áo cho con, khi thì ngã bổ nhào lúc đang cầm siêu nước nóng trên tay, nước vung vãi khắp nơi lột một lớp da chân, đỏ hỏn từ đầu gối xuống, phải chữa trong bệnh viện khá lâu mới khỏi.

Nhiều người thương cảm cho hoàn cảnh của chị Hồng nên đã có ý nhận nuôi giúp bé Anh, nhưng chị nhất mực không đồng ý. 

Chị nói, giọng lắp bắp, ngọng ngịu: “Con tôi, nó… nó.. chỉ đi.. theo tôi…thôi. Tôi… cũng không… rời xa nó được. Tôi… yêu nó… lắm! Tôi sẽ… chăm sóc nó cả đời, không.. muốn nó… mồ côi như…tôi đâu”.

Bà Nguyễn Thị Hiền, một người Hà Nội thường xuyên vào chùa chăm trẻ tâm sự: “Đối với người bình thường, việc nuôi một đứa trẻ nhỏ lành lặn đã là điều khó khăn. Thế nhưng, trong suốt 1 năm qua, cô Hồng đã nuôi nấng, chăm bẵm bé Anh còn tận tình hơn cả một người mẹ khỏe mạnh vậy. Nhìn thằng bé kháu khỉnh đáng yêu kia là biết ngay”.

“Tôi… muốn nó… gọi tôi… một tiếng… Mẹ”

Tôi hỏi chị Hồng rằng, trong cuộc đời này chị mơ ước điều gì nhất? Người phụ nữ ấy đã trả lời: “Tôi muốn… con tôi…nói.. được. Tôi… muốn nó… gọi tôi… một tiếng… mẹ. Nhưng… chắc là… sẽ không bao giờ… được”.

Nói xong, hai hàng lệ cứ thế thoát ra từ khóe mắt, chảy xuống cằm, xuống cổ chị. Chị không nấc lên thành tiếng, chỉ suỵt soạt mũi và hướng đôi mắt chan chứa yêu thương vào đứa con thơ ngây của mình.

Có lẽ lúc này đây, chị Hồng đang nghĩ đến bố ruột, mẹ ruột của chị - những người mà 28 năm về trước đã nhẫn tâm bỏ rơi chị, để chị phải sống nương nhờ nơi cửa Phật.

Phùng Minh Phúc (Vietnamnet


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage